Trước đó, hôm 27 tháng 4, bà Lynette Moey Yu Lin (người Malaysia gốc Trung Quốc) đã gửi tập tài liệu bài học có nội dung về phòng, chống dịch Covid-19 cho 9 người chứa bản đồ in hình đường lưỡi bò, đường chín đoạn, vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam.
Xử phạt Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam vì lưu hành tài liệu in đường lưỡi bò
Chiều ngày 21/5, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết bà Lynette Moey Yu Lin - Tổng giám đốc Bayer Việt Nam đã nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính với về hành vi sử dụng thư điện tử cá nhân để cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm về chủ quyền quốc gia Việt Nam.
Theo đó, vi phạm của bà Lynette Moey Yu Lin thuộc Điểm b, Khoản 7, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, nằm trong mục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam bị xử phạt 30 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng tịch thu một điện thoại di động được dùng để gửi thư điện tử có nội dung vi phạm, đồng thời buộc bà phải gỡ bỏ, thu hồi thông tin vi phạm pháp luật nêu trên.
Trước đó, chiều 15/5, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã có buổi làm việc với bà Lynette Moey Yu Lin.
Bản thân Tổng Giám đốc Bayer Việt Nam, bà Lynette Moey Yu Lin cũng thừa nhận đã gửi tệp tin (dung lượng 19 MB) có nội dung về phòng, chống dịch Covid-19 cho 9 người (“Covid-19 - Lessons from China”). Trong tài liệu đó có một trang chứa hình ảnh bản đồ Trung Quốc với đường chín đoạn.
Được biết, Tổng giám đốc Bayer Việt Nam là người mang quốc tịch Malaysia, gốc Trung Quốc.
Bayer Việt Nam lưu hành tài liệu có bản đồ với đường lưỡi bò
Cụ thể, bà Lynette Moey Yu Lin trước đó đã gửi tài liệu với nhan đề “Covid-19 - Lessons from China” cho trưởng các bộ phận tại Việt Nam qua email hồi cuối tháng 4, để “chia sẻ về bài học chống dịch thành công của Trung Quốc”.
Theo quy trình làm việc tại công ty, trưởng bộ phận sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin lại cho nhân viên cấp dưới. Sau đó, thấy tài liệu có hình bản đồ đường lưỡi bò, nhiều nhân viên người Việt tại Công ty Bayer Việt Nam đã lên tiếng phản đối.
“Chúng tôi không thể chấp nhận việc phải chia sẻ tài liệu có hình ảnh vi phạm pháp luật, chưa kể công ty đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tinh thần dân tộc cũng không cho phép chúng tôi làm điều đó”, một nhân viên Bayer Việt Nam trước đó cho biết.
Đại diện Bayer Việt Nam cho biết tệp tin này được gửi đi vào ngày 27/4 cho 9 nhân viên công ty, có mục đích để giới thiệu các ví dụ điển hình trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng y khoa trong khu vực châu Á.
Theo vị này, tài liệu đã được thu hồi ngay trong ngày hôm đó. Công ty cũng đã có những bước cần thiết để tránh việc thông được được chuyển tiếp. CEO Lynette Moey Yu Lin sau đó đã xin lỗi các nhân viên nhận được email.
Được biết, Bayer là một tập đoàn của Đức, đến nay đã được hơn 150 tuổi và hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp. Tại Việt Nam, công ty này hoạt động từ năm 1994 với 2 nhà máy sản xuất tại Đồng Nai và Bình Dương. Công ty cũng có 2 văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM.
Ở Việt Nam, Bayer có khoảng 700 nhân viên đang làm việc, dưới sự điều hành của Tổng giám đốc là bà Lynette Moey Yu Lin.
Việt Nam không công nhận yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc
Đường lưỡi bò, Đường chữ U, Đường chín khúc, là tên gọi dùng để chỉ đường quốc giới hải vực Biển Đông mà Trung Quốc chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, trong vụ kiện chủ quyền của Philippines, Tòa án Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 bác bỏ với lý do không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường chín đoạn.
“Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác định phù hợp với quy định Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982”, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
“Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là đường chín đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao khẳng định.