Việt Nam vẫn chưa có giải pháp tối ưu phát hiện và ngăn chặn “đường lưỡi bò”?
Việc “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoan” liên tiếp xuất hiện thời gian qua tại Việt Nam ngày càng bộc lộ rõ âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc khi Bắc Kinh cài cắm đường chín đoạn vào tất cả mọi thứ như bản đồ, phim ảnh, định vị trong xe hay trong giáo trình dành cho sinh viên.
Thời gian qua, dư luận Việt Nam xôn xao với những vụ việc liên quan đến việc cài cắm đường lưỡi bò vào tất cả mọi thứ từ bản đồ, phim hoạt hình, giáo trình giảng dạy, chương trình thiết kế tour du lịch đến cả định vị xe, hay cả thiết bị biển đổi điện mặt trời (inverter) có phần mềm theo dõi vận hành hệ thống điện mặt trời trên mái nhà chứa hình ảnh in hình “đường chín đoạn”. Đây rõ ràng là sự cố ý, âm mưu tuyên truyền sai trái của chính quyền Trung Quốc.
Chính phủ Việt Nam hiện cũng đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán các sản phẩm có in hình ảnh “đường lưỡi bò”.
Bởi nếu chỉ dựa vào cơ quan kiểm duyệt, kiểm tra, rà soát nội dung hình ảnh bằng phương pháp thông thường, khả năng để lọt nội dung sau kiểm duyệt là rất cao và thường kém hiệu quả.
Ngoài ra, việc người dân không được trang bị kiến thức đầy đủ về vấn đề này cũng góp phần làm cho những nội dung “bị phía Trung Quốc cài cắm đường lưỡi bò” dễ bị lan truyền rộng rãi. Theo nhận định và ý kiến của nhiều chuyên gia, nếu không đề cao cảnh giá và tăng cường các biện pháp hữu hiệu để phổ biến thông tin, đồng thời kiểm soát, ngăn chặn tình trạng phát tán hình ảnh “đường lưỡi bò” thì sẽ có nhiều hệ lụy khôn lường.
Như nhà sử học Dương Trung Quốc từng nhận định, việc cài cắm “đường lưỡi bò” rất có thể là cuộc chiến tâm lý của Trung Quốc, một chiến lược lâu dài, gặm nhấm dần dần của Bắc Kinh.
“Đối với công dân Việt Nam thì chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa thì dần dần ta mới khắc phục được. Rõ ràng những gì đang diễn ra cho thấy chúng ta đang sơ hở rất nhiều. Những chi tiết chủ yếu là do dân phát hiện chứ không phải cơ quan chức năng. Thường thường đứng trước điều đó thì những người có liên quan luôn luôn nói rằng do chẳng may, do mất cảnh giác. Ở đây đòi hỏi ý thức của những người có trách nhiệm”. vị chuyên gia nhấn mạnh.
Zalo AI Hackathon và bài toán “đường lưỡi bò”
Zalo AI Hackathon là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện về trí tuệ nhân tạo do Zalo thuộc tập đoàn VNG tổ chức cùng với Zalo AI Summit và Zalo AI Challenge.
Cuộc thi này quy tụ 70 đội thi gồm 150 thí sinh để cùng nhau đưa ra giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc phát hiện và loại bỏ “đường lưỡi bò”.
Theo đó, Zalo AI Hackathon là cuộc thi dành cho các bạn trẻ có niềm đam mê với trí tuệ nhân tạo (AI). Trong vòng 24h, các đội chơi sẽ phải đưa ra giải pháp cho bài toán mà Ban Tổ chức (BTC) đã đưa ra.
Đề thi năm nay mà Ban Tổ chức đưa ra là một “bài toán rất thực tế của người Việt”. Đó là nhận dạng và khoanh vùng “đường lưỡi bò” trong các bức ảnh hoặc đoạn video, giúp ngăn chặn kịp thời việc phát tán những hình ảnh này ra rộng rãi.
Tận dụng khả năng của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực thị giác máy tính, các đội tham dự Zalo AI Hackathon lần này được yêu cầu phải tạo ra thuật toán tối ưu để giải quyết và khoanh vùng “đường lưỡi bò” trên tất cả các nội dung hình ảnh.
Theo BTC, chỉ với 24 giờ lập trình là thời gian khá ngắn để 70 đội thi có thể đưa ra giải pháp hoàn thiện đi tìm lời giải cho bài toán trên. Đặc biệt, sau thời gian thi, các đội đã tạo được mô hình AI giúp phát hiện được “đường lưỡi bò”.
Mở đầu cuộc thi, các đội chơi sẽ nhận bộ dữ liệu hình ảnh đã được gắn nhãn cùng đề bài tương ứng. Trong vòng 24 giờ, các đội thi sẽ phải huấn luyện mô hình AI tối ưu nhất để đáp ứng tiêu chí của đề. Sau đó, mô hình này sẽ được kiểm tra độ chính xác bằng cách chạy thử trên một bộ dữ liệu chưa được gắn nhãn.
Thêm vào đó, trong suốt quá trình thi, các thí sinh dự thi cũng sẽ được hỗ trợ và cố vấn bởi Hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia đến từ Zalo AI Lab, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và triển khai các sản phẩm AI-first của Zalo.
Tuy nhiên, lý giải thêm về cuộc thi, BTC cho biết, mục tiêu của Zalo AI Hackathon 2019 không chỉ dừng lại ở việc tìm ra đội thắng cuộc mà hơn hết, là mang lại cảm hứng mới, cổ vũ cộng đồng kỹ sư AI ở Việt Nam sẽ hướng đến việc dùng trí tuệ nhân tạo để giải quyết những vấn đề hiện hữu, thực tế trong cuộc sống.
Kết quả cuối cùng, Đội AIOZ của Nguyễn Quán Anh Minh, Nguyễn Đức Bình, Trần Huy giành chiến thắng với số điểm 0.26510. Xếp sau đó là Limio Otis của Phuoc- Thanh Nguyen và Truong-An Pham với 0.18210 điểm.
Phát biểu tại Lễ trao giải diễn ra trong khuôn khổ Zalo AI Summit 2019, kỹ sư trẻ Nguyễn Quán Anh Minh, thay mặt cho đội quán quân Zalo AI Hackathon cho biết, giải pháp mà các đội thi tham ra sẽ tạo được ít nhiều lợi ích cho cộng đồng khi được ứng dụng thực tế.
Kỹ sự Minh khẳng định, sau cuộc thi, anh và đồng đội của mình sẽ tiếp tục hoàn thiện thuật toán giúp phát hiện “đường lưỡi bò” và mong muốn sẽ có cơ hội trực tiếp triển khai ý tưởng trong tương lai.
Khi nói đến công nghệ AI, người ta thường nghĩ đến những vấn đề cao siêu, trừu tượng. Tuy nhiên, qua phần trình diễn demo của các công ty, thành viên tham ra Zalo AI Summit, sức mạnh của AI còn gắn liền với chính thực tiễn cuộc sống.
Lãnh đạo của Zalo Vương Quang Khải nhấn mạnh, “vẻ đẹp” của AI không chỉ đến từ các thuật toán hay giải pháp mà còn đến từ chính sức mạnh của trí tuệ nhân tạo ngay trong cuộc sống hàng ngày.
“Vẻ đẹp của AI không chỉ đến từ thuật toán, giải pháp mà còn đến tác động của nó lên cuộc sống. Đấy cũng là mục tiêu của chúng tôi khi phát triển AI”, Zing dẫn lời ông Vương Quang Khải khẳng định.
Zalo AI Summit 2019 là sự kiện có sự tham gia của nhiều chuyên gia, kỹ sư AI hàng đầu tại các công ty dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Zalo AI Summit 2019 đánh dấu bước tiến của AI tại Việt Nam sau một thời gian chính thức bước vào kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo giúp khơi dậy tiềm năng sáng tạo của người Việt.