Người Trung Quốc núp bóng mua đất ở Việt Nam: Nguy cơ xâm phạm chủ quyền

Ở Việt Nam đang cảnh báo nguy cơ xâm phạm chủ quyền khi người Trung Quốc núp bóng người Việt để sở hữu đất đai có vị thế trọng yếu. Nhấn mạnh phải đặt yếu tố an ninh quốc phòng lên trên hết, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa đề nghị tổng rà soát thông tin doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc thâu tóm đất có vị trí đắc địa, nhạy cảm ở Đà Nẵng.
Sputnik

Trước đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, người Trung Quốc đang nắm hơn 162.000 héc-ta đất tại Việt Nam, trong đó có khoảng 6.300 héc-ta đất biên giới, ven biển. Quan ngại về vấn đề an ninh, chủ quyền quốc gia Việt Nam của cử tri, nhân dân và các ĐBQH ngày càng tăng khi hiện tượng nhiều người Trung Quốc sang Việt Nam, đầu tư tiền mua, sở hữu nhiều lô đất nhạy cảm ven biển, gần sân bay quân sự, có vị trí trọng yếu mang giá trị lớn về lợi nhuận kinh tế cũng như ý nghĩa quan trọng về phòng thủ, an ninh quốc phòng, đặc biệt là ở Đà Nẵng trở nên phổ biến.

Liên quan đến việc cử tri và báo chí mới đây phản ánh tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh, mua bán đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) khẳng định, pháp luật Việt Nam không cho phép người nước ngoài là đối tượng sử dụng đất.

Vụ người Trung Quốc thâu tóm đất ở Đà Nẵng: An ninh quốc phòng là trên hết

Thời gian qua, tình trạng người Trung Quốc đổ vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh, sở hữu nhiều lô đất trọng yếu, đắc địa và nhạy cảm ở khu vực biên giới, ven biển, vừa có giá trị về kinh tế vừa gây lo ngại về tình hình trật tự, an ninh quốc phòng, phòng thủ quân sự là mối quan tâm lớn của cử tri cả nước Việt Nam.

Bộ Quốc phòng lo người Trung Quốc thâu tóm nhiều lô đất nhạy cảm ở Việt Nam

Trong báo cáo tập hợp kiến nghị cử tri của Ban Dân nguyện (Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, cử tri Hải Phòng gửi kiến nghị nêu rõ, tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh hiện nay là rất đáng ngại.

Trả lời cử tri Hải Phòng nói riêng và nhân dân cả nước về vấn đề này nói chung, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, về tổng vốn đầu tư của 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực biên giới, Bộ Quốc phòng cho biết gần 31 tỷ USD, bao gồm khu vực biên giới đất liền 1,637 tỷ USD, biên giới biển 29,235 tỷ USD, lĩnh vực hoạt động chủ yếu là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thủy sản, giày da, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử.

Các doanh nghiệp này đều hình thành từ tháng 12/2018 trở về trước (năm 2019 không có doanh nghiệp mới nào), và có 4.239 lao động Trung Quốc đang làm việc, riêng khu vực biên giới biển là 3.865 người. Riêng tại Đà Nẵng, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển của thành phố này có 134 lô, một thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc.

“Các cá nhân, doanh nghiệp này đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP Đà Nẵng các lô và thửa đất nằm tại vị trí như dọc khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang, quận Sơn Trà”, Bộ Quốc phòng thông tin.

Bộ Quốc phòng Việt Nam dẫn chứng ra hai trường hợp người Trung Quốc và người Đài Loan, từ năm 2011 đến 2015 đã đầu tư tiền cho 8 người, trong đó 6 người Việt gốc Hoa đứng tên mua 84 lô đất với diện tích khoảng 20.000 m2, giá trị giao dịch trên 100 tỷ đồng.

Đất vàng ven biển Đà Nẵng đang nằm trong tay ai?

Ngoài ra, theo Bộ Quốc phòng, có một số doanh nghiệp dưới vỏ bọc kinh doanh, sản xuất nhưng đã có hoạt động tội phạm công nghệ cao, sản xuất ma túy (Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Yên, Kon Tum). Ngoài ra, còn có doanh nghiệp trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường (như ở Hà Tĩnh, Hải Phòng). Gây bức xúc dư luận và khiến các cơ quan hữu quan lo ngại.

Mặc dù vậy, Bộ Quốc phòng khẳng định, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài như Trung Quốc, quá trình hoạt động cơ bản chấp hành đúng pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, đánh giá về vấn đề này, thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa - Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho biết trên VnExpress, Việt Nam đang mở cửa đón nhận đầu tư từ các nước trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.

“Tuy nhiên, với những khu vực trọng yếu, liên quan đến phòng thủ đất nước thì phải đặt yếu tố an ninh quốc phòng lên trên hết”, Thiếu tướng Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, lâu nay Bộ Quốc phòng đã bàn giao hàng nghìn ha đất (trừ những vị trí liên quan đến thế trận phòng thủ) cho các địa phương với mục đích phát triển kinh tế - xã hội.

“Tại Đà Nẵng, quân đội cũng đã nhường rất nhiều đất để thành phố xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự. Nhưng theo tôi, với các khu vực đặc biệt quan trọng như xung quanh sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng), nơi quy hoạch khu vực phòng thủ quân sự, vùng biên giới biển thì nhà nước phải quản lý chặt chẽ”, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa lưu ý.

Với những phân tích này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội nhấn mạnh, cần một cuộc tổng rà soát của Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới, ven biển, trong đó bao gồm cả việc đầu tư mua bán, sử dụng đất.

Cảnh giác với người Trung Quốc núp bóng người Việt mua đất ở vị trí trọng yếu

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng hôm 19 tháng 5 khẳng định thực hiện đúng Luật Đất đai, năm 2013 (quy định tại Điều 54, 55 và 56) không giao đất, cho thuê đất cho cá nhân người nước ngoài.

“Thực hiện theo các quy định nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng không thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và cho phép nhận quyền sử dụng đất đối với các cá nhân là người nước ngoài”, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng nhấn mạnh tham chiếu đến quy định tại Điều 169 Luật Đất Đai 2013 về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không quy định người nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất.

“Nước cờ hay” của Đà Nẵng để Quân đội nhường đất cho thành phố
Phát biểu về vấn đề này, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa nêu vấn đề cốt lõi. Theo đó, dù pháp luật cấm người nước ngoài mua đất tại Việt Nam, chỉ được mua nhà, nhưng nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần doanh nghiệp trong nước không thể hiện bằng đất mà thể hiện bằng giá trị vốn, nên họ chỉ tuân thủ các quy định về mua bán phần vốn doanh nghiệp.

“Tôi có nghe một số người Trung Quốc thành lập công ty, góp cổ phần hoặc nhờ người Việt đứng tên để đầu tư đất ở các vị trí trọng yếu ven biển”, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội thẳng thắn.

Về vấn đề người Trung Quốc tăng cường mua bán, núp bóng thâu tóm đất ở Đà Nẵng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Nguyên Tư lệnh Quân khu 4 nêu quan điểm nhấn mạnh, Đà Nẵng là thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng của Việt Nam.

“Người nước ngoài vào làm ăn, chúng ta hoan nghênh. Nhưng nếu họ có ý đồ, chọn vị trí đất có yếu tố quốc phòng gần sân bay, cảng biển thì cần hết sức cảnh giác”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết.

Xử lý việc người Trung Quốc núp bóng người Việt mua đất thế nào?

Trao đổi về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội Bùi Văn Xuyền cũng thừa nhận, thông tin người nước ngoài núp bóng doanh nghiệp, cá nhân trong nước để mua bán, sở hữu đất đai đã rộ lên vài năm gần đây.

“Nếu người Trung Quốc đưa tiền cho một người Việt đứng ra mua đất, pháp luật phải xác định quan hệ đó bản chất là gì?”, ông Bùi Văn Xuyền đặt vấn đề.

Vị ĐBQH phân tích, trên cơ sở lý thuyết, hai cá nhân “hợp đồng miệng” với nhau mà không qua cơ quan pháp luật, hợp đồng đó là vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.

Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, lo ngại người Trung Quốc núp bóng người Việt để sở hữu đất đai ở khu vực trọng yếu là “có cơ sở”.

“Do vậy, các cơ quan chức năng cần rà soát cả giao dịch ngầm và giao dịch công khai, cảnh báo những vấn đề có thể xảy ra cho người nước ngoài và công dân Việt Nam trong việc đầu tư, giao dịch”, ông Bùi Văn Xuyền kiến nghị.

Sở TN&MT Đà Nẵng cũng nêu giải pháp, để hạn chế tình trạng núp bóng, lách luật sở hữu và cho thuê đất đai ở khu vực nhạy cảm về phòng thủ, an ninh quốc phòng cũng như mang ý nghĩa lớn về kinh tế, lợi nhuận, theo thông tin báo chí nêu thì cần phải rà soát các Luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở) để đảm tính thống nhất và chặt chẽ trong việc giải quyết các hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài.

Bộ trưởng Tô Lâm lên tiếng về việc người Trung Quốc "núp bóng" dân Việt mua đất

Trong công tác giao đất, cho thuê đất, quản lý hoạt động xây dựng, cần phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật liên quan.

“Đặc biệt là thực hiện lấy ý kiến các Bộ, ngành đối với khu vực ven biển, khu vực cần đảm bảo an ninh quốc phòng theo đúng quy định. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài để sớm làm rõ thêm các thông tin phản ảnh của báo chí và dư luận”, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng khẳng định.

Để hạn chế hiện tượng này, Bộ Quốc phòng Việt Nam đồng thời cũng cho nhấn mạnh đã báo cáo và đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp với Công an rà soát các hoạt động của người Trung Quốc ở địa bàn đơn vị đảm nhiệm.

“Hầu hết các lô đất đều ở vị trí đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ”, Bộ Quốc phòng lưu ý.
“Đặc biệt chú ý các hoạt động lợi dụng vỏ bọc đầu tư, liên kết, núp bóng để hoạt động chống phá. Kịp thời phát hiện báo cáo Bộ Quốc phòng tham mưu với Chính phủ chỉ đạo xử lý, ngăn chặn”, Bộ nhấn mạnh.

Người Trung Quốc mua lại đất hiếm tại Việt Nam
Bày tỏ quan điểm về hướng xử lý nhằm tránh nguy cơ người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc tranh thủ kẽ hở quy định luật pháp, lách luật núp bóng người Việt sở hữu đất đai có vị trí trọng yếu, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cuộc tổng rà soát như đề xuất của đại biểu Quốc hội là cần thiết, trước hết để các bộ ngành, địa phương có cơ sở thực hiện đúng quy định pháp luật.

“Đó là, nếu phát hiện bất cứ trường hợp công dân nước ngoài nào đứng tên sở hữu đất tại Việt Nam thì hủy bỏ, thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận sở hữu. Với trường hợp người nước ngoài sở hữu đất bằng đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, nếu thực sự đó là khu đất vị trí trọng yếu, nhà chức trách có thể thu hồi với lý do cấp sai quy định hoặc vì lý do an ninh quốc phòng”, Luật sư Đặng Văn Cường nêu rõ.

Vị chuyên gia phân tích, với những hợp đồng đầu tư có căn cứ cho thấy là giả tạo để che giấu mục đích, giao dịch khác, cơ quan chức năng hoặc bên tham gia hợp đồng có thể hủy bỏ hoặc tuyên bố vô hiệu.

“Luật Đất đai dành điều 61 để quy định việc thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng. Trong trường hợp cần thiết và căn cứ rõ ràng, Nhà nước có thể áp dụng điều luật này”, luật sư Cường khẳng định.

Theo luật sư để khắc phục cơ bản vấn đề trên, Quốc hội cần sửa đổi các luật Đất đai, Đầu tư... để bịt những kẽ hở, quy định lỏng lẻo liên quan đến hoạt động ở khu vực trọng yếu của doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.

Bộ Tài nguyên và Môi trường lên tiếng vụ người Trung Quốc mua đất ở Đà Nẵng

Liên quan đến việc cử tri và báo chí mới đây phản ánh tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh, mua bán đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, xác minh từng trường hợp, xử lý theo đúng quy định của pháp luật và công khai thông tin cho dư luận, báo chí.

Thông tin nóng vụ người Trung Quốc "bí mật" mua đất ở Quảng Nam

Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2014), cá nhân nước ngoài không phải là đối tượng sử dụng đất ở Việt Nam.

“Theo đó, pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định về việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, việc nhận quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài nên không có việc chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân nước ngoài tại Việt Nam”, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Tổng cục Quản lý Đất đai Bộ TN&MT cũng cho hay, đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, pháp luật về đất đai quy định được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong trường hợp thực hiện dự án ở xã đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao hoặc được thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

“Không được nhận chuyển quyền sử dụng đất mà chỉ được nhận chuyển nhượng vốn (trong đó giá trị quyền sử dụng đất đã được vốn hóa) theo pháp luật đầu tư”, Bộ này khẳng định.

Theo Tổng cục Quản lý Đất đai, Luật Nhà ở năm 2014 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 (thông qua và có hiệu lực sau ngày hiệu lực của Luật Đất đai), đã quy định cho phép cá nhân nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện thì được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Tuy nhiên, do quy định của Luật Nhà ở chưa đồng bộ với quy định của Luật Đất đai nên chưa có cơ sở chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở.

Người Trung Quốc mua lại đất hiếm tại Việt Nam

Riêng tại TP.Đà Nẵng, Bộ TN&MT nêu rõ, ngay tháng 10/2019 đã phối hợp cùng với các Bộ, ngành chức năng có báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng giải quyết theo quy định của pháp luật trường hợp Công ty Liên doanh du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt và Công ty TNHH thương mại, du lịch và dịch vụ V.N.Holyday.

Ngoài ra, theo Tổng cục Quản lý Đất đai, trong văn bản báo cáo Thủ tướng số 261/BC-UNBD ngày 24/10/2019, UBND TP Đà Nẵng cũng đã khẳng định, tính đến thời điểm tháng 10/2019, các cơ quan chức năng của UBND TP này không thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bất kỳ cá nhân nào là người nước ngoài được sở hữu đối với đất ở riêng lẻ trong quy hoạch khu dân cư.

Đây cũng là quan điểm được thống nhất trong thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng hôm 19 tháng 5 vừa qua.

Nguy cơ xâm phạm chủ quyền nhìn từ việc người Trung Quốc mua đất ở Việt Nam

Cũng liên quan đến vấn đề người nước ngoài, người Trung Quốc núp bóng người Việt, tăng cường mua đất đai ở vị trí nhạy cảm, lo ngại chủ quyền quốc gia, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận về chương trình xây dựng pháp luật sáng 22/5 của Quốc hội cho biết, cử tri rất quan tâm đến vấn đề kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài, liên quan đến an ninh quốc phòng.

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thuê, mua đất khu biên giới Tây Nam Việt Nam

Theo ĐB Nghĩa, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu cứu bổ sung quy định điều chỉnh trong xem xét và cấp giấy chứng nhận với dự án đầu tư mới, hoạt động góp vốn mua cổ phần. Nhưng, thực tế vừa rồi cho thấy pháp luật đang có chỗ trống, có điểm sơ hở khi nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sơ hở này, tạo ra nguy cơ xâm phạm chủ quyền.

“Tất cả nhân dân và cử tri quan tâm vì tình hình người nước ngoài núp bóng mua đất ở những lĩnh vực nhạy cảm đã được chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường, nhưng Bộ trưởng trả lời trước Quốc hội là chưa thấy gì. Vừa rồi cử tri phản ánh người nước ngoài lập xóm lập phố ở Việt Nam, Bộ trưởng Công an cũng trả lời không thấy gì, nhưng báo cáo của Bộ Quốc phòng người dân hoan nghênh, rất trúng với nghị quyết 50”, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn.

Ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, rất cần thiết có bộ luật triển khai Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 như bộ lọc để đảm bảo an ninh, quốc phòng.

“Lâu nay ta nói an ninh quốc phòng thì cứ nghĩ an ninh truyền thống, nhưng an ninh phi truyền thống vừa rồi làm đảo lộn toàn cầu như đại dịch Covid-19. Đại dịch vừa rồi như cảnh báo cho chúng ta cần phải quan tâm cả an ninh truyền thống và phi truyền thống”, Đầu tư dẫn lời vị ĐBQH bày tỏ.

Khó xác định người Trung Quốc "núp bóng" mua đất: Thật không?
Theo ông Nghĩa, quy định hiện hành sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng biên giới từ 50 ha trở lên phải hỏi ý kiến Quốc hội, nhưng ở mức dưới đó thì không thấy hỏi ai.

“Mà ở vùng đất nhạy cảm chỉ cần 5-10ha đã có nguy cơ, như báo cáo Bộ Quốc phòng vừa rồi chỉ ra một loạt đất được mua ở sân bay, không có bộ lọc nào cả. Trong khi các quốc gia khác đều có những bộ lọc này và nhà đầu tư khi vào cần phải biết”, ông Trương Trọng Nghĩa lưu ý.

Theo vị ĐBQH Đoàn TP.HCM thì quy định về đầu tư gián tiếp hiện nay còn rất lỏng lẻo. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi đại biểu tiếp xúc cho biết không vào đầu tư trực tiếp mà gián tiếp vì đầu tư trực tiếp rất phức tạp, nhất là đất đai. Như vậy nếu họ mua vốn kiểm soát thì có thể trở thành chủ và chi phối dự án, doanh nghiệp tại Việt Nam.

Với những cơ sở trên cùng với đề xuất triển khai Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị , ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần có luật thu hút đầu tư nước ngoài trên tinh thần đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia, an ninh truyền thống và phi truyền thống, đầu tư trực tiếp và gián tiếp, thương mại xuất nhập khẩu, đầu tư, di dân và du lịch bởi vấn đề an ninh quốc phòng luôn phải đặt lên hàng đầu.

Thảo luận