Không phải tất cả mọi người trong hàng trăm ngàn người này chỉ hài lòng với những kỳ nghỉ ở bãi biển, nhiều người trong số họ còn đi du lịch khắp đất nước, làm quen với nền văn hóa đa dạng và lịch sử anh hùng của Việt Nam.
Tuần lễ Việt Nam tại Bảo tàng Phương Đông ở Moskva
Hiện giờ các nước vẫn đóng cửa biên giới đối với khách du lịch. Nhưng Bảo tàng Phương Đông ở Moskva đã tạo điều kiện cho những ai quan tâm đến Việt Nam, muốn tìm hiểu thêm về đất nước tuyệt vời này. Các gian triển lãm không đón khách, nhưng trang web của bảo tàng trên mạng xã hội đang đưa ra một chương trình sâu rộng và thú vị. Từ ngày 25 tháng 6 đến ngày 31 tháng 6, trong khuôn khổ dự án #VostokDoma, Bảo tàng Phương Đông tổ chức Tuần lễ Việt Nam. Trên trang Instagram của Bảo tàng, người xem sẽ thấy các triển lãm quan trọng trong Gian triển làm về Việt Nam và tìm hiểu những điều độc đáo về các hiện vật. Mỗi ngày trong tuần, qua chương trình thuyết trình VKLive, bảo tàng dành cho các thính giả trẻ những câu chuyện thần thoại và truyền thuyết về phương Đông. Giống như các nhà kể chuyện Việt Nam, nhân viên bảo tàng sẽ đọc những truyền thuyết và câu chuyện về những vị tráng sĩ dũng cảm, về những vị thần xưa kia từng sống chung với con người, về những loài thực vật và động vật tuyệt vời trong rừng nhiệt đới, về sự cần cù và dũng cảm của người dân Việt Nam. Trên trang web chính thức của Bảo tàng, dưới tiêu đề “Triển lãm ảo hiện vật độc đáo”, khách xem có thể chiêm ngưỡng chiếc hộp mô tả cốt truyện cá chép hóa rồng.
Thơ ca, lịch sử, thiền và du lịch
Một loạt tài liệu đã được giới thiệu trên cổng thông tin Bookmate trong tuần này, sẽ mở rộng kiến thức về lịch sử, văn hóa, phong tục và truyền thống của nhân dân Việt Nam. Tại đây có những cuốn sách dành cho độc giả ở các độ tuổi, trình độ đào tạo, xu hướng và mức độ quan tâm khác nhau. Bạn có thể đắm mình trong thơ ca cổ điển của Việt Nam hoặc đọc về việc các sự kiện quan trọng của thế kỷ 20 như Cách mạng tháng Tám, sự ra đời của nước Cộng hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam, cuộc chiến tranh chống Mỹ… đã ảnh hưởng như thế nào đối với người Việt Nam hoặc người nước ngoài có mặt ở đất nước này trong giai đoạn ác liệt đó và chiến đấu ở hai phía chiến tuyến đối diện nhau. Ở đây, bạn cũng có thể đọc các cuốn sách mới được xuất bản. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu về thiền và thực hành các bài tập hướng tới sự hài hòa nội tâm và nhận lời khuyên từ các vị khách du lịch có kinh nghiệm, nói về cách đi du lịch cá nhân tại một trong những quốc gia phổ biến nhất ở ĐNÁ.
Giai điệu của tâm hồn Việt
Và trên nền tảng Yandex.Music, nhân viên bảo tàng đã chuẩn bị một danh sách các bản nhạc mê hoặc ngay từ những nốt đầu tiên dành cho những người yêu thích âm nhạc Việt Nam. Chúng ta có thể nghe các giai điệu trong phiên bản hiện đại, được thực hiện bằng các nhạc cụ dân gian: sáo ngang, tiêu, nhị, đàn hồ, đàn tam thập lục, trống cơm, và tất nhiên, bằng đàn bầu - nhạc cụ được mệnh danh là “tâm hồn Việt Nam”.
Tranh sơn mài và bí ẩn phụ nữ Việt Nam
Vào thứ Năm và thứ Bảy, trên trang YouTube của Bảo tàng, chuyên gia trưởng của Nga về mỹ thuật Việt Nam, trưởng phòng Triển lãm và hiện vật thường trực, người phụ trách bộ phận Việt Nam của Bảo tàng Phương Đông là bà Albina Legostaeva sẽ trình bày các bài giảng trực tuyến “Tranh sơn mài Việt Nam” và “Ba màu: Trắng, đen, đỏ. Hình ảnh người đẹp Việt Nam”.
Hôm thứ Năm, người nghe sẽ có thể tìm hiểu sơn mài đã trải qua chặng đường dài thế nào, từ ứng dụng đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, đến một trong những phương tiện nghệ thuật quan trọng nhất trong nghệ thuật ứng dụng và hội họa, làm quen với công nghệ sản xuất sơn và sáng tạo tranh sơn mài, tìm hiểu các giai đoạn phát triển chính của tranh sơn mài và tác phẩm của những bậc thầy nổi tiếng nhất Việt Nam. Vào thứ Bảy, giảng viên sẽ nói về các nữ chiến binh nổi tiếng của Việt Nam, về chân dung "lý tưởng" người đẹp Việt Nam trong văn học dân gian truyền thống, tại sao trong thế kỷ XIX. Phụ nữ Việt Nam bị cấm mặc quần hoặc cấm mặc váy, điều nổi bật nhất ở những cô gái địa phương qua cái nhìn của các vị du khách nước ngoài đã phát hiện ra Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, về yếm, áo dài và nhiều điều khác. Bài giảng chứa đựng những sự kiện hiếm có từ các ghi chép lịch sử và sử biên niên, cũng như tài liệu văn học phong phú.
Văn hóa Việt Nam tại Bảo tàng Phương Đông
“Tôi đã làm việc ở Việt Nam trong một thời gian dài. Đất nước này thật hấp dẫn. Khi nghiên cứu các lĩnh vực khác nhau của nghệ thuật Việt Nam, ta sẽ hiểu nền văn hóa này phong phú và cổ xưa như thế nào. Trong những năm gần đây, chủ đề quan tâm chính của tôi là tranh dân gian Việt Nam. Sang Việt Nam, tôi nhất định ghé thăm làng Đồng Hồ và mua những bức tranh mới mang về cho Bảo tàng. Tranh dân gian Việt Nam có nhiều năng lượng khẳng định cuộc sống, đến nỗi khi ngắm tranh, ta như được bổ sung thêm sức sống và sự lạc quan.– bà Albina Legostaeva nói - Nhưng sở thích của tôi còn mở rộng đến gốm sứ, vải, sơn mài, và gần đây là trang phục dân tộc. Tôi rất vui khi gặp nhà thiết kế trang phục nổi tiếng Đặng Thị Minh Hạnh, người tạo ra những chiếc áo đầm độc đáo dựa trên áo dài truyền thống và trang phục của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Cuối năm ngoái, chúng tôi đã tổ chức triển lãm và trưng bày các tác phẩm của bà Đặng Thị Minh Hạnh trong Bảo tàng chúng tôi, trong Bảo tàng Tsaritsyno và tại thành phố Kolomna cổ kính của Nga. Cả ba triển lãm đều thu hút sự chú ý lớn của công chúng Nga. Và bộ sưu tập của Bảo tàng Phương Đông đã được bổ sung thêm ba bộ trang phục do bà Minh Hạnh thiết kế. Chúng tôi sẽ giới thiệu ba bộ áo dài này tại các triển lãm chuyên đề về người đẹp phương Đông.”
Các quỹ của Bảo tàng Phương Đông chuyên về chủ đề Việt Nam khá phong phú, nhưng đáng tiếc là trong một thời gian dài vừa qua đã không được bổ sung thêm hiện vật từ các bảo tàng Việt Nam. Bà Albina Legostaeva chuẩn bị một cuộc triển lãm lớn về nghệ thuật Việt Nam, dự kiến sẽ được tổ chức vào Năm chéo văn hóa Nga tại Việt Nam và văn hóa Việt Nam tại Nga, nhưng đại dịch coronavirus khiến cho kế hoạch này chưa thực hiện được. Triển lãm chắc chắn sẽ diễn ra sau đó, nhưng bây giờ, bất cứ ai muốn tìm hiểu thêm về văn hóa cổ xưa và phong phú của đất nước tuyệt vời này đều có thể thăm Bảo tàng Phương Đông qua chương trình trực tuyến.