Chạy thử tàu Cát Linh–Hà Đông: Không thanh toán 50 triệu USD cho Tổng thầu Trung Quốc

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc Tổng thầu EPC Trung Quốc đề nghị thanh toán 50 triệu USD để chạy thử đoàn tàu Cát Linh- Hà Đông trước khi nghiệm thu sẽ không được xem xét vì không có văn bản chính thức.
Sputnik

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, kể cả Tổng thầu Trung Quốc có khó khăn về tài chính lúc này cũng phải chạy thử nghiệm toàn tuyến Cát Linh- Hà Đông. Phía Việt Nam không có trách nhiệm phải quyết toán thêm 50 triệu USD đó.

Không thanh toán 50 triệu USD chạy thử tàu Cát Linh - Hà Đông

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008.

Dự án Cát Linh-Hà Đông chưa chạy thật, Tổng thầu Trung Quốc đòi gấp Việt Nam 50 triệu USD?

Trong đó, dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, Tổng thầu EPC do Bên tài trợ vốn chỉ định là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện. Đơn vị Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, theo đó Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh đã trúng thầu tư vấn giám sát dự án.

Trước thông tin phía Tổng thầu Trung Quốc, bên thực hiện Dự án đường sắt đô thị trên cao của Hà Nội - Cát Linh – Hà Đông đề nghị phía Việt Nam thanh toán toàn bộ 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ chi phí trước khi bàn giao dự án, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã có phản hồi.

Sáng nay, ngày 2/6, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định trong cuộc họp trực tuyến giữa Ban Quản lý Dự án đường sắt (Ban QLDA) và Tổng thầu EPC Trung Quốc mới đây, phía Trung Quốc đã đề nghị Việt Nam thanh toán khoản tiền 50 triệu USD để chạy thử đoàn tàu toàn tuyến Cát Linh – Hà Đông phục vụ công tác nghiệm thu trước khi bàn giao.

Giải cứu dự án đường sắt Cát Linh–Hà Đông

Bình luận về yêu cầu này của Tổng thầu EPC, ông Nguyễn Ngọc Đông nêu rõ, đây chỉ là ý kiến trao đổi trong cuộc họp, không hề có văn bản chính thức nên Bộ GTVT không xem xét đề nghị này của Tổng thầu Trung Quốc.

“Đây là ý kiến trao đổi trong cuộc họp, không có văn bản chính thức nên chúng tôi không xem xét đề nghị này”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, tất cả các mốc thanh toán trong dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đều đã được phía Việt Nam thực hiện theo quy định hợp đồng EPC.

“Do vậy, trường hợp tổng thầu Trung Quốc ra văn bản với yêu cầu nêu trên thì cũng không được xem xét do trái quy định hợp đồng”, Thứ trưởng Bộ GTVT nêu quan điểm rõ ràng.
“Nếu tổng thầu Trung Quốc có khó khăn tài chính tại thời điểm này cũng phải chạy thử tàu, phía Việt Nam không có trách nhiệm phải quyết toán thêm khoản tiền đó”, đại diện Bộ GTVT quả quyết.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng bổ sung thêm, số tiền thanh toán của phía Việt Nam cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến nay đạt khoảng 78% giá trị hợp đồng, số tiền còn lại sẽ được thanh toán trước khi bàn giao dự án, sau khi mọi yếu tố nghiệm thu, vận hành tàu  toàn tuyến an toàn.

Trước đó, dự kiến kế hoạch vận hành thử toàn bộ hệ thống để phục vụ công tác nghiệm thu, đánh giá an toàn hệ thống từ tháng 2/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kế hoạch vận hành thử bị thay đổi. Ngoài ra, chuyên gia châu Âu của nhà thầu tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (tư vấn ACT, Pháp) cũng chưa xác định thời điểm trở lại dự án.

Đối với các nhân sự tư vấn giám sát, Bộ GTVT nhấn mạnh quan điểm phải khẩn trương sang Việt Nam để cùng Tổng thầu EPC giải quyết tồn tại vướng mắc của Dự án”.

Đồng thời, dự kiến thủ tục sang Việt Nam của nhân sự lao động Trung Quốc sẽ hoàn thiện thủ tục vào cuối tháng 5/2020, tuy nhiên do các quy định chặt chẽ về xuất-nhập cảnh do kiểm soát dịch Covid-19, cách ly phòng chống dịch bệnh liên quan đến chính sách của các quốc gia khác nhau, vậy nên công tác này chưa hoàn thành. Vì vậy, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã yêu cầu Tổng thầu, tư vấn giám sát phối hợp với Ban Ban quản lý dự án Đường sắt trong quá trình làm việc với cấp thẩm quyền để thực hiện các thủ tục nhập cảnh cho các nhân sự của Dự án.

Tuyến Cát Linh-Hà Đông: Việt Nam đã trả số tiền lớn cho Tổng thầu EPC Trung Quốc

Hiện nay, các thủ tục đã cơ bản hoàn thành (chỉ còn văn bản chấp thuận của UBND TP. Hà Nội) các bên thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp, làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của hai nước để tháo gỡ các vướng mắc còn lại, sớm đưa nhân sự sang Việt Nam.

Sau khi Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép nhập cảnh đối với chuyên gia nước ngoài, Ban quản lý dự án đã lên kế hoạch đưa 150 kỹ sư của tổng thầu Trung Quốc trở lại làm việc. Đầu tháng 6 này, các kỹ sư sẽ được nhập cảnh vào Việt Nam và cách ly y tế 14 ngày thông qua cửa khẩu Hà Khẩu – Lào Cai.

Vì sao Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại lỡ hẹn?

Trước đó, giữa tháng 5/2020, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thể đã ký báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành GTVT, trong đó có dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh – Hà Đông (đã 3 lần đội vốn và 8 lần lỗi hẹn, chưa biết bao giờ chạy thật).

Bộ GTVT nói gì về đường sắt Cát Linh - Hà Đông, xóa bỏ BOT Bắc Thăng Long?

Theo đó, báo cáo của Chính phủ cho biết, đến thời điểm này, về tiến độ dự án, nội dung xây lắp nhà ga và đơn thể depot đã cơ bản hoàn thành các hạng mục, đã thực hiện nghiệm thu 2/5 hạng mục công trình xây dựng cơ bản có thể nghiệm thu có điều kiện (đường ray và cầu cạn khu gian), 3 hạng mục công trình còn lại vẫn còn tồn tại (cả về hiện trường và hồ sơ), chưa đủ điều kiện nghiệm thu, vẫn đang được tổng thầu chỉnh sửa và khắc phục các tồn tại về phần kiến trúc.

Về hạng mục thiết bị, Bộ GTVT cho hay, tổng thầu EPC, tư vấn TEDI, tư vấn ACT vẫn đang tiếp tục trao đổi làm việc để thống nhất các nội dung còn vướng mắc về thông số thiết bị của một số hạng mục chuyên ngành thiết bị. Tổng thầu đang hoàn thiện lại hồ sơ hoàn công và bổ sung các nội dung còn thiếu để đủ điều kiện nghiệm thu.

Báo cáo khẳng định, Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt đang phối hợp với tổng thầu EPC Trung Quốc để nghiệm thu có điều kiện đối với các hạng mục công trình thành phần không ảnh hưởng đến công tác an toàn. Ngoài ra, theo báo cáo của Chính phủ thì vướng mắc hiện nay nằm ở việc đưa nhân sự Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục triển khai dự án do ảnh hưởng của dịch bệnh coronavirus.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã có văn bản số 1105 ngày 24/4/2020 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký chấp thuận chủ trương cho phép các nhân sự làm việc tại dự án được nhập cảnh vào Việt Nam và giao Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tiếp tục xử lý.

Về phía đối tác Ban QLDA đường sắt Cát Linh- Hà Đông đã yêu cầu tổng thầu, tư vấn giám sát phối hợp với Ban QLDA đường sắt trong quá trình làm việc với cấp thẩm quyền để thực hiện các thủ tục nhập cảnh cho các nhân sự của dự án. Đến nay, các thủ tục đã cơ bản hoàn thành (chỉ còn văn bản chấp thuận của UBND TP.Hà Nội) các bên thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp, làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của hai nước để tháo gỡ các vướng mắc còn lại, sớm đưa nhân sự sang Việt Nam.

Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị cách ly để phòng dịch COVID-19

Đối với hồ sơ hoàn công và nghiệm thu, báo cáo của Chính phủ cho hay, Ban QLDA đường sắt đã rà soát về hiện trạng, số lượng hồ sơ chưa đủ điều kiện nghiệm thu và cần phải hoàn thiện thủ tục pháp lý các bên.

“Tại các cuộc họp trực tuyến và bằng văn bản, Ban QLDA đường sắt tiếp tục đôn đốc tổng thầu tập trung bố trí nhân sự hoàn thiện hồ sơ các hạng mục về phần xây dựng (hạng mục kiến trúc các nhà ga và đơn thể depot) và các tồn tại về hồ sơ phần thiết bị đổng thời yêu cầu các đơn vị tư vấn khẩn trương rà soát, kiểm tra có ý kiến dứt điểm các vấn đề tồn tại, làm cơ sở để tổng thầu hoàn thiện cuối cùng”, Bộ GTVT nêu rõ.

Về đề cương vận hành thử và kế hoạch vận hành thử, Ban QLDA đường sắt đã có văn bản đôn đốc TEDI, tổng thầu EPC phối hợp, khẩn trương hoàn chỉnh, đóng dấu thẩm tra và yêu cầu tổng thầu, nhà thầu EPC cập nhật lại nội dung để hoàn chỉnh bản kế hoạch vận hành thử chi tiết. Còn thời điểm vận hành thử thì vẫn chưa được xác định.

“Thời gian qua, mặc dù đã quyết liệt chỉ đạo nhưng dự án triển khai còn chậm, đến nay dự án vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại do còn đang được hoàn thiện đánh giá an toàn hệ thống, hoàn thành xử lý các khiếm khuyết hạng mục thiết bị trước khi bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành khai thác”, Bộ GTVT nêu rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định, các khó khăn vướng mắc đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ Quán Trung Quốc để hỗ trợ chỉ đạo và có các giải pháp giải quyết nhằm đưa dự án vào vận hành khai thác trong thời gian sớm nhất.

Về những khó khăn, vướng mắc hiện tại trong công tác đánh giá an toàn hệ thống, Ban QLDA đường sắt sẽ tiếp tục tổ chức họp với liên danh tư vấn ACT trong thời gian tới và cần sự phối hợp chặt chẽ với yổng thầu để kịp thời cung cấp hồ sơ. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng nêu rõ, các vấn đề mà tư vấn ACT đưa ra phải thực hiện theo quy định của pháp luật và cần tổng thầu Trung Quốc tích cực phối hợp, thực hiện cung cấp các hồ sơ tài liệu, mới có thể hoàn thành việc đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án.

Cát Linh- Hà Đông: Vì sao Việt Nam phải xin gia hạn trả nợ gốc cho Trung Quốc?

Các tồn tại về thiết bị (thông số thiết bị, thiết bị cẩu, giao diện người máy), Ban QLDA đường sắt tiếp tục yêu cầu tổng thầu EPC tập trung nhân lực, phối hợp với tư vấn TEDI khẩn trương thống nhất các nội dung còn vướng mắc và báo cáo Ban QLDA đường sắt để tổng hợp và báo cáo Bộ GTVT.

Đối với khó khăn vướng mắc của gói thầu tư vấn giám sát, hiện nay do tổng thầu chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành nên dự án chưa có cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến gói thầu tư vấn giám sát chưa có cơ sở để cho phép kéo dài trong thời gian tới. Đồng thời, do chưa làm rõ được nguyên nhân, trách nhiệm của bên làm chậm, nên chưa bố trí được nguồn vốn cho gói thầu tư vấn giám sát.

Ban QLDA đường sắt đề xuất Bộ GTVT xem xét báo cáo Thường trực Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để sớm đưa dự án vào vận hành khai thác.

“Đồng thời, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt chủ động rà soát các điều khoản trong hợp đồng EPC, xác định rõ trách nhiệm của tổng thầu và các bên liên quan để xử lý, giải quyết các khiếu kiện trong trường hợp cần thiết, phù hợp với điều kiện của hợp đồng EPC”, Bộ GTVT cho hay.

Sớm nhất là bao giờ tàu Cát Linh- Hà Đông chạy thật?

Bộ GTVT thừa nhận, việc triển khai thực hiện dự án đã chậm nhiều lần và tổng mức đầu tư đã điều chỉnh tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ở đây bao gồm cả chủ quan và khách quan cùng một số nguyên nhân khác.

Chuyên gia dự án Cát Linh – Hà Đông chưa thể quay trở lại Việt Nam vì dịch bệnh

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ GTVT cho rằng thiết kế cơ sở ban đầu còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc chờ nhà tài trợ phê duyệt hợp đồng, cấp hiệu lực cho Hiệp định vay vốn bổ sung kéo dài. Ngoài ra, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) là cơ quan quản lý, cung cấp nguồn vốn vay không thiết lập đại diện thường trú tại Việt Nam. Điều này gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành cấp vốn thực hiện dự án.

Chưa hết, Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ. Theo Bộ GTVT, tiếp đó là do cách thức triển khai thực hiện dự án ở mỗi nước có sự khác biệt, đặc biệt là cách thức lập hồ sơ thiết kế, hồ sơ nghiệm thu thanh toán.

“Trong khi đây là lần đầu tiên Tổng thầu Trung Quốc thực hiện dự án tại Việt Nam dẫn đến công tác quản lý điều hành của Tổng thầu còn nhiều lúng túng và bất cập”, Bộ GTVT thừa nhận.

Bộ trưởng Thể cũng cho hay, công tác giải ngân của Hiệp định vay bổ sung gặp nhiều vướng mắc do các bên chưa thống nhất được ý kiến pháp lý (Hiệp định vay bổ sung được ký từ 11/5/2017 nhưng đến 28/12/2017 các bên mới thống nhất được ý kiến pháp lý và đến ngày 25/4/2018 mới thống nhất được 13 điều kiện cho lần giải ngân đầu tiên của dự án). Cuối cùng là do các quy định và chế tài xử lý đối với hợp đồng EPC còn chưa đầy đủ.

Việt Nam yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc sang giải quyết dự án Cát Linh-Hà Đông

Về nguyên nhân khách quan, theo Bộ GTVT, công tác giải phóng mặt bằng tại trung tâm TP. Hà Nội là “rất chậm và phức tạp”, không đáp ứng được yêu cầu của công tác khảo sát thiết kế kỹ thuật. Tiếp đó là do yếu tố khác biệt về quy định giữa 2 quốc gia về các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm trong bước thiết kế, thi công và dự toán gây khó khăn trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện.

“Hệ thống quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam về thực hiện hợp đồng EPC chưa đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt là quy định về tính trọn gói giữa các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án”, Bộ GTVT nhấn mạnh.

Chưa hết, Bộ GTVT cũng cho rằng lạm phát trong giai đoạn thực hiện dự án năm 2008 và giai đoạn 2010-2011 cao làm ảnh hưởng đến giá nhân công, vật tư, vật liệu xây dựng, khiến dự án chậm tiến độ và đội vốn.

Đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông được cấp chứng nhận đăng kiểm tạm thời

Trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định “đang khẩn trương chỉ đạo” xây dựng kế hoạch bàn giao và đưa dự án vào khai thác “trong thời gian sớm nhất” khi đủ điều kiện. Tuy nhiên, “sớm nhất” là bao giờ Cát Linh- Hà Đông chạy thật thì lãnh đạo Bộ GTVT vẫn chưa thể đưa ra một mốc thời gian cụ thể.

Trước đó, hôm 20/4, khi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT bàn với đối tác, giải quyết dứt điểm dự án Cát Linh – Hà Đông trước tháng 6 năm nay.

Thảo luận