Phán quyết của Toà trọng tài Hague vẫn nguyên hiệu lực
Trong ghi chú của thông điệp, vị đại diện chính thức của Indonesia bày tỏ quan điểm rằng bản đồ «chín đoạn» ngụ ý khẳng định «quyền lịch sử của Trung Quốc» mà Bắc Kinh đang phát tán, «rõ ràng hoàn toàn không có cơ sở pháp lý quốc tế và là sự vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982». Tài liệu cũng đưa ra lời nhắc nhở rằng «quan điểm này cũng được xác nhận bởi phán quyết của Tòa án ngày 12 tháng 7 năm 2016, quy nhận rằng bất kỳ quyền lịch sử nào mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có thể nắm giữ đối với tài nguyên sống và phi sinh vật đều đã được thay thế bằng biên giới của các vùng biển, phân định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982».
Các nhà ngoại giao Indonesia đề cập đến quyết định mà Toà án Trọng tài quốc tế tại The Hague tuyên bố năm 2016, đáp ứng đơn kiện của Philippines phản đối hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Xin nhắc rằng khi đó các quan toà đã đưa ra phán quyết như sau: Đường «chín đoạn» không có cơ sở pháp lý; việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông là bất hợp pháp; các vách đá và rạn san hô của Trường Sa không phải là đảo và vì thế Trung Quốc không có quyền tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm xung quanh».
Như đã rõ, Bắc Kinh lập tức cho biết họ không công nhận phán quyết của Tòa Hague. Tuy nhiên, tuyên bố đó của phía Trung Quốc không có nghĩa rằng phán quyết của Trọng tài quốc tế là không hợp lệ. Phán quyết được đưa ra năm 2016 vẫn còn nguyên hiệu lực cho đến hôm nay.
Indonesia không thể im lặng hơn nữa
Ông Gregory Poling, chuyên gia Mỹ về luật biển, đã gọi bản thông điệp của Phái đoàn đại diện Thường trực Indonesia tại Liên Hợp Quốc là «một quả bom ngoại giao».
Còn nhà phân tích của Sputnik, TS Piotr Tsvetov nêu ý kiến: "Tôi muốn chọn cách so sánh khiêm tốn hơn, vì thông điệp là loại hình vũ khí ngoại giao khá nhẹ nhàng. Với bản thông điệp, Jakarta vừa ném đá vào khu vườn chính sách đối ngoại của Trung Quốc".
Tuy nhiên, trong trường hợp này, đáng chú ý không phải trọng lượng của một tài liệu ngoại giao, mà là thực tế Indonesia đã gia nhập hàng ngũ các nước ASEAN không e ngại nói với Bắc Kinh rằng hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là không phù hợp với chuẩn mực pháp lý quốc tế. Trong những tháng gần đây, các đại diện của Malaysia, Philippines và Việt Nam đã nhiều lần phân phát tài liệu tại Liên Hợp Quốc, lên án những gì người Trung Quốc đang làm ở Biển Đông. Bây giờ, như đang thấy, cả Indonesia cũng đã bước vào hàng ngũ các nhà phản kháng tích cực.
Cho đến cuối năm ngoái, chính giới Jakarta vẫn không có phản ứng công khai trước hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông. Cho đến đầu tháng 1, các tàu chiến và tàu cá Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Indonesia ở ngoài khơi bờ biển Natuna. Lần này, người Indonesia cảm nhận trực tiếp về sự bành trướng của Trung Quốc trên biển. Và ngay lập tức chính quyền Indonesia lên tiếng phản đối. Khi đó, hồi tháng 1, nhấn mạnh các quyền không thể lay chuyển đối với quần đảo Natuna, Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố không sửa soạn thảo luận gì với Bắc Kinh về việc phân chia biên giới tại nơi này, bởi mọi thứ «đã được phân định từ lâu theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982».
Như đã rõ, văn kiện có mục tiêu điều phối giải quyết tình hình xung đột ở Biển Đông, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực là Bản Quy tắc Ứng xử của các Bên, tài liệu quan trọng mà đại diện của các nước ASEAN và Trung Quốc đang soạn thảo hoạch định. Lẽ ra văn kiện cần được hoàn tất, nhưng cuộc họp dự kiến vào tháng trước đã không diễn ra được do đại dịch coronavirus. Và những gì các nhà ngoại giao ASEAN có thể nói tại các cuộc gặp với đối tác Trung Quốc đang được họ công bố rộng tại các sàn quốc tế khác. Những muốn rằng Bắc Kinh cẩn thận và tôn trọng, lắng nghe các thông điệp và tuyên bố như vậy, - quan sát viên Piotr Tsvetov kết luận.