Theo các chuyên gia quốc tế, trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng hoạt động ở Biển Đông, tiếp tục khẳng định các quyền lịch sử của mình ở vùng biển Việt Nam và Malaysia từ năm ngoái, cuối cùng, Manila cũng hiểu rằng mối quan hệ (tưởng là rất tốt đẹp) trước đây với Bắc Kinh sẽ không bảo vệ lợi ích của Philippines.
Mỹ gửi công hàm lên LHQ phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 2/6, tại Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong thông báo đăng trên Twitter cho biết, Mỹ đã có công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc nhằm phản đối và bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Washington khẳng định, những đòi hỏi của Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở tuyến hàng hải quan trọng trên Biển Đông là bất hợp pháp.
“Hôm nay, Mỹ phản đối yêu sách hàng hải phi pháp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông tại Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi bác bỏ những yêu sách phi pháp và nguy hiểm này. Các nước thành viên phải đoàn kết tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do trên biển”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh.
Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đăng tải kèm theo Công hàm ngày 1/6 do Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft đệ trình lên Tổng Thư ký Antonio Guterres, trong đề nói về công hàm số CML/14/2019 Trung Quốc gửi cho Liên Hợp Quốc ngày 12/12/2019 để phản đối yêu cầu của Malaysia xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý lên Ủy ban Ranh giới thềm Lục địa CLCS cùng ngày.
Trong Công hàm trình LHQ, Đại sứ Hoa Kỳ Kelly Craft đã thẳng thắn bác bỏ các yêu sách hàng hải mà Trung Quốc tuyên bố trong công hàm ngày 12/12/2019 do Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
“Mỹ xác định các yêu sách hàng hải này không phù hợp với luật pháp quốc tế theo Công ước về Luật Biển 1982”, công hàm mà bà Craft đệ trình nêu rõ.
“Mỹ đặc biệt phản đối quyền lịch sử vốn vượt quá quyền được có trên biển theo luật quốc tế, của Trung Quốc trên Biển Đông”, công hàm nhấn mạnh.
Đồng thời, Washington cũng nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về vụ kiện của Philippines năm 2016 và tuyên bố đây mới là “phán quyết cuối cùng có tính ràng buộc về mặt pháp lý”.
Cuối cùng, Đại sứ Hoa Kỳ cũng đề nghị Tổng Thư ký Guterres cho lưu hành bức thư này tới tất cả các nước thành viên như một văn bản cho chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời đăng tải trên trang web của văn phòng pháp chế.
Việt Nam bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông
Trước đó, ngày 30/3, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm lên LHQ, phản hồi hai công hàm mà Trung Quốc đưa ra ngày 23/3 và ngày 12/12/2019.
Cụ thể, công hàm mà Phái đoàn thường trực của Việt Nam gửi lên Tổng Thư ký LHQ cho biết, liên quan đến Công hàm số CML/14/2019 ngày 12/12/2019 và nhằm phản hồi đệ trình cùng ngày của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, Công hàm số CML/11/2020 ngày 23/3/2020 của Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Việt Nam bày tỏ lập trường nhất quán phản đổi quan điểm của Trung Quốc về việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trước đó, hôm 23 tháng 3, Trung Quốc cũng đã gửi công hàm lên LHQ phản hồi tài liệu đệ trình của phía Philippines. Theo đó, Bắc Kinh khẳng định: Có chủ quyền vào quần đảo Nam Sa và vùng biển gần kề, có chủ quyền cũng như quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan, với đáy biển và lòng đất. Trung Quốc cũng nhấn mạnh, mình có “chủ quyền lịch sử” ở Biển Đông và có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo bấy lâu nay.
Ngoài ra, trong công hàm phản hồi tài liệu của Malaysia ngày 12/12/2019, Trung Quốc cho biết nước này “có chủ quyền” với các quần đảo ở Biển Đông, “bao gồm quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa, (trong đó, quần đảo Nam Sa và Tây Sa là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam)”. Cũng giống như phản hồi tài liệu của Philippines, chính quyền Trung Quốc tiếp tục nhắc đến cái gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông.
Trong Công hàm mà Phái đoàn Thường trực của Việt Nam gửi lên LHQ, Hà Nội khẳng định những lập trường đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tuyên bố nhiều lần trước đây về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
“Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”, Công hàm của Việt Nam nhấn mạnh.
“Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế”, Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại LHQ khẳng định.
Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo đó, Hà Nội nêu rõ, vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121 (3) của Công ước; các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất, các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng.
“Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử, các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý. Lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại Liên Hợp Quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan”, Công hàm khẳng định.
Với những cơ sở này, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đề nghị Tổng Thư ký Antonio Guterres lưu hành Công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước, cũng như tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc.
Vì sao Philippines hoãn huỷ thoả thuận quân sự với Mỹ?
Trên Twitter ngày 2/6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin xác nhận Tổng thống Rodrigo Duterte vừa quyết định đình chỉ tiến trình hủy thỏa thuận quân sự quan trọng với Mỹ. Cụ thể, chính quyền Manila bất ngờ tuyên bố sẽ tiếp tục Hiệp định thăm viếng (VFA) lẫn nhau ký với Mỹ, thay đổi hoàn toàn lập trường “cứng rắn” trước đó.
Thông báo được gửi đến Đại sứ quán Mỹ tại Manila ngày 1/6 và nhận được sự hoan nghênh từ Washington. Trong dòng tweet của mình, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Philippines cũng đăng kèm bức Công hàm chính thức đã được Bộ Ngoại giao Philippines gửi đến Đại sứ quán Mỹ một ngày trước.
Bản Công hàm ngoại giao đề ngày 1/6 này viết Philippines đã quyết định đình chỉ việc chấm dứt Hiệp định về quân đội thăm viếng lẫn nhau Mỹ - Philippines kể từ thời điểm này (tức 1/6/2020). Thời hạn đình chỉ là 6 tháng và có thể được gia hạn thêm 6 tháng nữa vào 6 tháng sau.
Lý do chính thức được chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đưa ra là xuất phát từ “tình hình chính trị khu vực và những thay đổi khác”, nhưng không đề cập chi tiết.
Phản hồi về động thái này của chính quyền Manila, Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho rằng, đây là quyết định đúng đắn, củng cố quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ - Philippines trong thời gian tới.
“Hiệp định về quân đội thăm viếng lẫn nhau Mỹ - Philippines đã được ký kết nhiều năm trước và đóng góp quan trọng cho lợi ích quốc gia của hai nước. Hy vọng hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng”, thông báo của ĐSQ Hoa Kỳ tại Philippines nhấn mạnh.
Theo tờ NHK của Nhật Bản, có ý kiến cho rằng, nếu Philippines muốn tiến hành các cuộc tập trận trung với quân đội Mỹ thì không thể thiếu Hiệp định về viếng thăm lẫn nhau giữa hai lực lượng quân sự Hoa Kỳ- Philippines. Nếu bãi bỏ Hiệp định này, sẽ ảnh hưởng đến khả năng kiềm chế của Trung Quốc.
Đặc biệt, với việc Bắc Kinh tăng cường hoạt động ở Biển Đông, Philippines buộc phải thay đổi quyết định chấm dứt thỏa thuận quân sự với Mỹ đã đưa ra trước đây.
Trước đó, hôm 11/2/2020, Tổng thống Philippines Duterte đã tuyên bố quyết định chấm dứt Hiệp định các lực lượng viếng thăm lẫn nhau Mỹ - Philippines (VFA).
Thỏa thuận Các lực lượng Viếng thăm (Visiting Forces Agreement – VFA), được ký vào năm 1998, đã quy định địa vị pháp lý cho quân đội Hoa Kỳ, cho phép tàu chiến, máy bay và binh lính Mỹ luân phiên đồn trú tại Philippines, tham gia các cuộc tập trận quân sự và hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
“Đã đến lúc chúng ta tự lo cho mình. Chúng ta sẽ tự củng cố năng lực phòng thủ và không dựa vào bất kỳ quốc gia nào khác”, phát ngôn viên Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte- Salvador Panelo tuyên bố khi đó.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã nhiều lần ám chỉ đến việc cắt đứt quan hệ với Mỹ trong khi theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh phi truyền thống như Nga và Trung Quốc.
Tờ The New York Times ngày 2/6 dẫn lời một số chuyên gia nhận định quyết định tạm hoãn huỷ VFA là “một lợi thế chiến lược quan trọng cho Mỹ”, vì tính trong khu vực Biển Đông chỉ có Philippines là đồng minh quân sự của Washington.
“Nhiều khả năng sau khi chứng kiến Trung Quốc liên tục hành xử hung hãn và gây hấn với các nước như Việt Nam hay Malaysia, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã nhận ra có thể chiến lược hoà hoãn với Trung Quốc sẽ không bảo vệ được lợi ích Philippines” - Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Bonnie Glaser nhận định với NYT
“Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục khẳng định các quyền lịch sử của mình ở vùng biển Việt Nam và Malaysia từ năm ngoái, có thể, Manila đã hiểu rằng mối quan hệ (tưởng là rất tốt đẹp) trước đây với Bắc Kinh sẽ không bảo vệ lợi ích của Philippines”, Giáo sư khoa học chính trị M. Taylor Fravel, giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts nhấn mạnh.
Trong khi đó, nhà sử gia quân sự Jose Antonio Custodio thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách, Chiến lược và Phát triển (Philippines) chỉ ra nhiều ý kiến trong chính quyền của ông Duterte cũng không ủng hộ việc với việc chấm dứt VFA do lo ngại đổ vỡ liên minh quân sự Mỹ - Philippines vốn được xây dựng và phát triển hơn 60 năm qua, đặc biệt là giúp Manila về nhiều mặt trong việc phải đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông.