7 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2020: Việt Nam sẽ trở thành nhà xuất khẩu gạo số 1 thế giới?

Mục tiêu 7 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2020 của Việt Nam là có thể đạt được, chỉ cần “cố gắng thêm một chút”.
Sputnik

Chính phủ Việt Nam đã cho phép xuất khẩu gạo bình thường lại từ 1/5. Hiện tại xuất khẩu gạo đang tăng mạnh. Đặc biệt, trong tháng 5/2020, giá xuất khẩu gạo lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, bình quân là 527 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng 4/2020 và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch liên quan tới vấn đề an ninh lương thực trong tình hình dịch COVID-19, Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành nhà xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay, vượt Ấn Độ và Thái Lan.

Có sản xuất đủ để xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2020?

Việt Nam sẽ vượt Thái Lan để đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo?
Hôm thứ Ba 2/6, tại cuộc họp báo, Chính phủ Việt Nam nói rằng Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2020.

 “Xuất khẩu gạo sẽ cao hơn 400.000-500.000 tấn so với năm ngoái”- ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng văn phòng chính phủ cho biết tại cuộc họp báo nói trên.

Phóng viên Sputnik thử tìm hiểu xem Việt Nam có khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2020 hay không.

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam ngày 29-5-2020 cho biết: Vụ lúa Đông-Xuân cuối năm 2019, đầu năm 2020, ở cả hai vùng lúa trọng điểm là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng Tây Nam Bộ đều cho sản lượng lúa chỉ đạt mức trung bình so với nhiều năm trở lại đây.

“Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ước tính tổng sản lượng lúa cả năm 2020 có thể đạt 43,5 triệu tấn thóc. Theo công thức cổ điển thì cứ bình quân 2 thóc = 1 gạo. Cho nên, sản lượng gạo cả năm 2020 có thể đạt được từ 22 triệu đến 23 triệu tấn. Tuy nhiên, vì Việt Nam đang gieo trồng nhiều giống lúa mới cho năng suất cao nên sản lượng gạo trên thực tế có thể đạt tới 24 triệu tấn”, - Nhà phân tích chính trị và kinh tế Nguyễn Hoàng chia sẻ thông tin với Sputnik.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, các vùng lúa không không trọng điểm của Việt Nam chỉ có thể duy trì sản lượng bình quân hàng năm. Chỉ có Đồng bằng Bắc Bộ là đạt sản lượng cao hơn cùng kỳ năm trước, khoảng trên 250.000 tấn.

“Trong tổng sản lượng thóc lúa dự tính có thể thu hoạch được trong năm 2020, dự kiến, nhu cầu tiêu thụ trong nước đạt tới 29,96 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu lương thực của người dân là 14,26 triệu tấn, phục vụ công nghiệp thực phẩm là 7,5 triệu tấn, phục vụ chăn nuôi là 3,4 triệu tấn, dự trữ trong nước (bao gồm cả dự trữ quốc gia, dự trữ chiến lược quốc phòng-an ninh và dự trữ doanh nghiệp) là 3,8 triệu tấn, làm giống và dự trữ giống khoảng 1 triệu tấn. Do đó, số lượng thóc dư thừa có thể xuất khẩu là 13,54 triệu tấn, tức là bằng khoảng 6,5 triệu đến 6,7 triệu tấn gạo”, - Nhà phân tích chính trị và kinh tế Nguyễn Hoàng nói tiếp.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong vụ Đông-Xuân 2019-2020, Việt Nam đã xuất khẩu 3,2 triệu tấn gạo, tức là bằng khoảng 6,4 triệu tấn thóc. Trong đó có 1,9 triệu tấn đã xuất khẩu trước ngày 24/3/2020 và 1,3 triệu tấn tiếp tục xuất khẩu sau ngày 24/3/2020.  Trong vụ Hè-Thu 2020, Việt Nam phải phấn đấu đạt sản lượng từ 21 triệu đến 22 triệu tấn thóc thì mới vừa bảo đảm xuất khẩu tối đa 3,8 triệu tấn gạo, vừa bảo đảm tiêu dùng và dự trữ trong nước.

 “Ước tính, tiêu dùng và dự trữ trong nước từ 7,5 đến 8 triệu tấn gạo trong 6 tháng cuối năm. Với các tính toán nêu trên thì mục tiêu 7 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2020 của Việt Nam là có thể đạt được, khi chỉ cần “cố gắng thêm một chút”, - Nhà phân tích chính trị và kinh tế Nguyễn Hoàng bình luận với Sputnik.
“Theo đánh giá của tôi, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2020. Yếu tố quan trọng nhất để khẳng định điều này đó là nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới tăng mạnh do đại dịch COVID-19. Trong khi đó sản lượng gạo trên thế giới năm nay giảm so với năm ngoái. Chỉ mong một điều là hạn hán xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long không làm ảnh hưởng nặng đến tổng sản lượng gạo của Việt Nam và dịch COVID-19 không bị bùng phát lại ở Việt Nam”, - Tiến sĩ kinh tế Lê Xuân Hòa nêu đánh giá tình hình với Sputnik.

Những khó khăn không nhỏ

Có hai yếu tố tác động mạnh tới mục tiêu 7 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2020. Đó là hạn hán xâm nhập mặn, lũ lụt và dịch COVID-19.

Xuất khẩu thêm 38.000 tấn gạo nếp trong hạn ngạch tháng 4/2020

Việt Nam hiện tại vẫn còn đang đứng trước những khó khăn không nhỏ ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất lúa gạo. Nếu như hạn hán và xâm nhập mặn là “kè thù chủ yếu” của vụ lúa Đông-Xuân (chủ yếu ở Nam Bộ), thì bão tố và lũ lụt lại là “kè thù chủ yếu” của vụ lúa Hè-Thu (chủ yếu ở Bắc Bộ và Trung Bộ). Đây là quy luật diễn biến của thời tiết khí hậu ở Việt Nam từ hàng trăm năm nay.

“Từ cuối thế kỷ XX đến nay, do biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ hơn nên các “kẻ thù chủ yếu” của các vụ lúa ở Việt Nam càng trở nên nguy hiểm hơn, các hoạt động bất lợi của thời tiết, khí hậu ngày càng gay gắt hơn. Vụ lúa Hè-Thu 2020 cũng không phải là ngoại lệ đối với các quy luật này”, - Ông Nguyễn Hoàng phân tích với Sputnik.

Tuy nhiên, trong vụ Đông-Xuân 2020, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã khuyến cáo nông dân Nam Bộ xuống giống sớm hơn cùng kỳ hàng năm và sử dụng các giống lúa chịu mặn, chịu hạn. Việc này đã hạn chế rất nhiều tác hại do hạn hãn và xâm nhập mặn gây ra. Tới đây, đối với vụ lúa Hè-Thu ở Bắc Bộ và Trung Bộ Việt Nam, những biện pháp tránh, né bão lụt, sử dụng các giống lúa thích hợp cũng sẽ được triển khai.

7 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2020: Việt Nam sẽ trở thành nhà xuất khẩu gạo số 1 thế giới?

Theo các chuyên gia nông nghiệp, công tác phòng trừ sâu bệnh gây hại cho việc trồng lúa ở Việt Nam từ lâu cũng đã được triển khai sớm và đồng bộ. Các loại thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh đã được đưa vào sử dụng thay thế các loại hóa chất, vừa bảo đảm phòng chống sâu bệnh gây hại, vừa bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế đối với lúa gạo, nhất là lúa gạo xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.

Xuất khẩu gạo: Thủ tướng yêu cầu thanh tra đột xuất, Bộ Công an điều tra

Khó khăn lớn thứ hai là đại dịch COVID-19. Hiện tại, nó vẫn đang có diễn biến phức tạp và khó lường. Trong tháng Ba, khi Việt Nam phải đón nhận “làn sóng dịch” thứ hai đánh vào, Chính phủ Việt Nam đã có quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo. Đó là một quyết định đúng đắn, sáng suốt để phòng ngừa điều tệ hại nhất có thể xảy ra. Tới cuối tháng 4/2020, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát ở Việt Nam, Chính phủ lại tiếp tục cho phép xuất khẩu gạo nhưng vẫn có sự giám sát, kiểm tra. Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được thế giới đánh giá là một mẫu hình. Nhưng với việc bỏ chế độ cách ly xã hội, trở lại cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh tế bình thường, việc kiểm soát dịch bệnh và chế độ phòng bệnh là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Việt Nam có khả năng trở thành nhà xuất khẩu gạo số một thế giới hay không?

Hiện nay Việt Nam đứng thứ 3, sau Ấn Độ và Thái Lan, về xuất khẩu gạo. Tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ không những không giảm mà còn gia tăng rất mạnh. Ấn Độ đã vượt lên hàng số 7 về số người bị nhiễm COVID-19. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến sản xuất cũng như xuất khẩu gạo của Ấn Độ.

“Ấn Độ sẽ giảm xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực, trong thời gian dịch bệnh vẫn còn đang gia tăng. Và chắc chắn trong thời gian 1-2 năm tới Ấn Độ sẽ mất vị trí số 1 trong danh sách các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Như vậy, trong một vài năm tới, Việt Nam và Thái Lan sẽ tranh giành vị trí đầu bảng”, - Tiến sĩ kinh tế Lê Xuân Hòa nói với Sputnik.

Việt Nam có diện tích canh tác lương thực khá khiêm tốn so với nhiều nước sản xuất lúa gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Myanma, Campuchia, nhưng lại có dân số trên 96 triệu người. Đồng thời, Việt Nam có khí hậu khắc nghiệt (mưa bão, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên), nên ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia, bình ổn giá cả lương thực trong nước.

Cạnh tranh chưa lành mạnh xuất khẩu gạo Việt Nam: Phó Thủ tướng chỉ đạo

Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam đặt hy vọng xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2020 không phải xuất phát từ mong muốn rằng Việt Nam sẽ vươn lên hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, mà chỉ là giải pháp tình thế để bù đắp phần nào những tổn thất, mà các ngành kinh tế mũi nhọn khác, như du lịch, vận tải hàng không, sản xuất hàng hóa công nghệ cao,v.v… bị thiệt hại không nhỏ do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong đại dịch COVID-19, khi các quy tắc giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc được thực thi ở các thành phố, các trung tâm công nghiệp, các bến cảng, sân bay, nhà ga, bến xe - những nơi tụ tập đông người để chống lây nhiễm, thì những người nông dân vẫn có thể ra đồng và canh tác, những tàu thuyền đánh cá vẫn có thể ra khơi khai thác thủy hải sản

“Trong giai đoạn 2 đối phó với đại dịch COVID-19 và cả giai đoạn “hậu COVID-19”, nông nghiệp Việt Nam, mà đặc biệt là ngành sản xuất lúa gạo đã thực sự là “cứu cánh” cho nền kinh tế Việt Nam. Nó là cơ sở vững chắc để Việt Nam có thể nhanh chóng vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra, phục hồi sản xuất và phấn đấu đạt được những chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội quan trọng trong năm 2020”, - Nhà phân tích chính trị và kinh tế Nguyễn Hoàng đưa ra bình luận với Sputnik.
“Theo tôi, rất  khó mà dự đoán được Việt Nam có thể trở thành nhà xuất khẩu gạo số 1 thế giới hay không? Rất hy vọng là điều này sẽ xảy ra, bởi chúng ta có nhiều lợi thế. Ngoài những gì đã đề cập ở trên, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, Việt Nam sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu gạo sang châu Âu. Hồi đầu năm 2020, Hàn Quốc quyết định dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu hơn 55 ngàn tấn gạo. Những lợi thế này cũng không nhỏ”, - Tiến sĩ kinh tế Lê Xuân Hòa phân tích với Sputnik.
Bộ Công Thương công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo

Một số chuyên gia khác cho rằng, với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới ngay trong năm nay. Theo Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,11 triệu tấn, trị giá 1,387 tỷ USD, giảm mạnh 32,1% về lượng và 15,7% về trị giá so với mức 3,11 triệu tấn, tương đương 1,62 triệu USD của cùng kỳ năm 2019.

Thảo luận