Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sau khi ký EVFTA, thuế suất xuất khẩu gạo Việt Nam vào Liên minh châu Âu sẽ được giảm xuống 0%, đồng thời, các tiêu chuẩn của thị trường EU rất cao nên một khi gạo Việt vào được EU thì vị thế sẽ được nâng cao hơn rất nhiều trên thị trường quốc tế.
Việt Nam sẽ vượt mặt Thái Lan để dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo?
Báo cáo Tình hình hoạt động ngành Công nghiệp và Thương mại tháng 5 năm 2020 vừa được Bộ Công Thương công bố cho biết, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh trở lại sau khi Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo bình thường trở lại từ ngày 1/5 vừa qua.
Theo ước tính của Bộ Công thương, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5 đã tăng 47% về lượng và 55,3% về giá trị so với tháng 4/2020. So với cùng kỳ năm 2019, lượng gạo xuất khẩu tăng 11,7% nhưng điều đáng nói là giá trị xuất khẩu gạo tăng tới 35,7% so với cùng kì năm 2019, đạt 750 nghìn tấn, trị giá 395 triệu USD.
Cụ thể, theo thống kê, trong tháng 5, ước tính Việt Nam xuất khẩu 750 tấn gạo, kim ngạch đạt 395 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 5 cũng tăng lên mức cao nhất trong trong nhiều năm qua với giá bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng 4 và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, tính chung 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu gạo của nước ta đã tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 485 USD/tấn.
“Với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay”- Bộ Công Thương nhận định.
Theo Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,11 triệu tấn, trị giá 43,046 triệu Baht (tương đương 1,387 tỷ USD), giảm mạnh 32,1% về lượng và 15,7% về giá trị so với mức 3,22 triệu tấn, trị giá 51,07 triệu Baht (1,62 triệu USD) của cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu gạo Việt Nam tăng mạnh nhưng chưa nên vội mừng
Như đã nêu trong báo cáo, Bộ Công Thương khẳng định, từ giữa tháng 4 đến nay, các nước châu Âu và một số thị trường xuất khẩu của Việt Nam từng bước mở cửa trở lại, đem lại tín hiệu tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Tại Hoa Kỳ, tình hình cũng tương tự, khi tính đến cuối tháng 5-/020, tất cả 50 tiểu bang ở Mỹ đã mở cửa lại từng phần sau khi đóng cửa 2 tháng để thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch Covid-19.
“Đây là tín hiệu tốt để hoạt động xuất khẩu của Việt Nam dần phục hồi”, Bộ Công thương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam chưa nên mừng vội với những thành quả ban đầu vì sở dĩ những gì thể hiện thời gian qua đạt được là nhờ nhu cầu lúa gạo trên thế giới tăng cao và trên thực tế, ngành sản xuất lương thực, lúa gạo vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo đó, những vấn đề còn tồn tại của ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay là thiếu thương hiệu, chất lượng chưa cao, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã còn lỏng lẻo, sản xuất manh mún. Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia phân tích, ngành lúa gạo muốn phát triển bền vững đòi hỏi sản phẩm phải an toàn, có đầu mối giao nhận, đặc biệt cần có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đây là điều kiện tiên quyết để đưa gạo vào các thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ.
Trong báo cáo của Bộ Công Thương, bên cạnh gạo, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 5 cũng tăng mạnh, 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng sắn lát có nhiều cơ hội khi Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi ngành chăn nuôi lợn sau dịch tả lợn châu Phi dẫn đến nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Hiện, giá xuất khẩu sắn lát vẫn tiếp tục tăng do khan hiếm nguồn cung trước bối cảnh nhiều diện tích sắn Trung Quốc đang bị dịch bệnh khảm lá sắn tiếp tục bùng phát và lây lan trên diện rộng, nguy cơ sản lượng sắn năm nay có thể giảm.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 18,5 tỷ USD trong tháng 5, tăng 5,2% so với tháng 4/2020. Theo đó, cả 3 nhóm hàng chính đều tăng, gồm: nông thủy sản tăng 3,8%, ước đạt 2,1 tỷ USD, nhiên liệu và khoáng sản tăng 33,3%, ước đạt 170 triệu USD, nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 4,9%, ước đạt 15,12 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong nhóm hàng công nghiệp chế biến, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2020, với kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 5, Việt Nam ước tính nhập siêu 900 triệu USD. Tính chung 5 tháng năm 2020, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 1,88 tỷ USD cao hơn nhiều so với con số thâm hụt 256 triệu USD của 5 tháng đầu năm 2019. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 10,52 tỷ USD, trong khi khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu 8,64 tỷ USD.
Dự báo, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn.
EVFTA giúp xuất khẩu gạo Việt Nam đột phá thị trường châu Âu?
Có thể nói, EVFTA không chỉ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn tăng khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam tại thị trường EU. Như ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ trên tạp chí Công thương, việc EU giảm thuế xuất về 0% cho gạo Việt Nam sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Theo ông Bình, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU lại đang bị áp thuế rất cao, tới 45%. Thậm chí có một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn. Ví dụ, nhiều loại gạo thơm thuộc dòng ST20, ST25 vừa đoạt giải gạo ngon nhất thế giới bán vào thị trường EU với giá 700 USD/tấn nhưng chịu thuế nhập khẩu 45%. Chính vì vậy, giá bán bị đội lên hơn 1.000 USD/tấn. Riêng một số nước áp thuế 100% thì giá gạo thơm lên tới 1.400 USD/tấn.
“Trong khi đó, gạo Campuchia được miễn thuế nhập khẩu vào EU nên gạo Việt không có cửa cạnh tranh. Do đó, chúng tôi mong chờ tới ngày Quốc hội thông qua hiệp định này để gạo Việt có thêm lợi thế cạnh tranh với gạo Campuchia và các nước khác”, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ.
“Ngay lập tức thuế suất của ngành gạo vào EU sẽ về 0% - tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho gạo Việt. Và như vậy, dù dịch bệnh vẫn còn chưa được khống chế thì rất nhiều khả năng xuất khẩu gạo vào EU sẽ tăng khả quan”, ông Phạm Thái Bình cho biết.
Tuy nhiên, để nắm bắt được các cơ hội EVFTA không phải là dễ dàng. Cửa đã mở nhưng để có thể thông hành, hàng nông sản của ta còn cần phải vượt qua nhiều rào cản như hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hay vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ…
Với tính chất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, người nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp lại càng phải chủ động đẩy mạnh nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản Việt Nam. Đối với mặt hàng gạo cũng vậy.
Vị chuyên gia cũng chia sẻ thêm, để tận dụng tối đa EVFTA, doanh nghiệp của ông cũng như các đơn vị xuất khẩu gạo, lương thực khác đều đang có những nỗ lực nhất định. Theo đó, với thị trường EU, tiêu chuẩn chất lượng gạo rất quan trọng. Nếu sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất cấm sẽ rất khó nhập vào thị trường này được.
Để tiếp cận được EU, doanh nghiệp phải có các giấy chứng nhận Global G.A.P và phải thay đổi trong canh tác, trồng trọt so với trước đây. Cụ thể là hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để giữ chất lượng gạo và phải xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt tiêu chuẩn quốc tế.
“Riêng với chúng tôi đã xuất khẩu vào EU nên các tiêu chuẩn này đều đáp ứng đầy đủ nên chỉ cần hiệp định có hiệu lực sẽ tăng tốc xuất khẩu hơn”, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An khẳng định.
“Thậm chí, ngay cả khi chúng ta xuất khẩu vào EU rồi thì hai Bộ này vẫn cần có cách thức phối hợp chặt chẽ để quảng bá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thâm nhập sâu vào thị trường EU”, ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay, mặc dù hạn ngạch xuất khẩu gạo sang EU chỉ 80.000 tấn nhưng gạo xuất qua thị trường này là sản phẩm chất lượng cao. Đặc biệt, các tiêu chuẩn của thị trường EU rất cao nên khi gạo Việt vào được EU thì vị thế sẽ được nâng cao hơn trên thị trường quốc tế.