Liên quan tình hình bạo loạn do xung đột sắc tộc leo thang từ sau vụ George Floyd tử vong, châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình gây bất ổn xã hội trên toàn nước Mỹ, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cũng khẳng định, Việt Nam quan tâm và chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ, mong tình hình nước này sớm ổn định. Đồng thời cũng chưa ghi nhận trường hợp công dân Việt Nam nào bị ảnh hưởng trong các cuộc biểu tình ở Mỹ.
Việt Nam phản ứng thông tin Trung Quốc xây cáp ngầm ở Hoàng Sa
Chiều 11/6, trong buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng bình luận việc chính quyền Bắc Kinh mới đây triển khai hệ thống cáp ngầm ở Hoàng Sa được cho là phục vụ mục đích quân sự, tăng cường năng lực theo dõi hoạt động của các tàu thuyền ở Biển Đông và trong khu vực.
“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng phát biểu khẳng định.
“Các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào hòa bình và an ninh ở Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Trước đó, trang Benar News ngày 8/6 công bố hình ảnh chụp từ vệ tinh của Hãng Planet Labs (Hoa Kỳ) cùng dữ liệu theo dõi tàu thuyền cho hay, phía Trung Quốc đang tiến hành lắp đặt hệ thống cáp ngầm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh chiếm đóng từ lâu.
Theo Benar News, tàu của chính quyền Bắc Kinh tiến hành đặt cáp ngầm mang tên Tian Yi Hai Gong gắn cờ Trung Quốc được phát hiện rời bến Thượng Hải hôm 18/5/2020 và xuất hiện tại quần đảo Hoàng Sa ngày 28/5/2020 vừa qua.
Theo bức ảnh vệ tinh mà Planet Labs chụp ngày 4/6 gần đây cho thấy con tàu có thể đã thả cáp ngay phía bắc của đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hoạt động này lặp lại tại hai địa điểm khác gần đảo Bắc và đảo Phú Lâm cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Sang ngày 5/6, tàu đặt cáp ngầm Tian Yi Hai Gong của Trung Quốc đi về hướng Tây Nam và băng qua đảo Duy Mộng, đảo Ba Ba và bãi Xà Cừ. Qua ngày 8/6, con tàu này vẫn hoạt động ở khi phía Đông Bắc bãi Xà Cừ.
Theo Benar News, giới quan sát hiện vẫn chưa thể chắc chắn về khả năng tàu Tian Yi Hai Gong có đặt cáp nagàm ở ba thực thể Duy Mộng, đảo Ba Ba và bãi Xà Cừ hay không nhưng đường di chuyển của nó tương tự như lúc hoạt động tại đảo Cây, đảo Bắc và Phú Lâm.
Trước đó, hồi năm 2016, truyền thông cũng từng đưa tin về vụ đặt cáp ngầm dưới biển gần đây nhất của Trung Quốc. Tuyến cáp đó kết nối căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm với đảo Hải Nam.
“Từ ảnh vệ tinh không thể suy ra chức năng của các tuyến cáp mà Trung Quốc vừa đặt”, BernaNews dẫn ý kiến chuyên gia cho biết và dự đoán kết nối cáp quang giữa những thực thể do Trung Quốc chiếm đóng có thể để phục vụ mục đích quân sự.
“Việc khác mà có thể họ đang làm là họ đã họ mạng lưới kiểu SOSUS, một hệ thống giám sát âm thanh dưới biển, để có thể nghe âm thanh tàu ngầm của đối thủ”, ông Kraska nói.
Trong khi đó, ông Bryan Clark, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách ở Washington, cũng bày tỏ nghi ngờ hệ thống cáp ngầm của Trung Quốc có thể dùng cho mục đích theo dõi hoạt động của đối phương ở Biển Đông.
“Một hệ thống sonar sẽ đóng vai trò quan trọng với khu vực phía bắc đảo Phú Lâm vì căn cứ của hạm đội tàu ngầm biển Hoa Nam của Trung Quốc đóng tại căn cứ hải quân Du Lâm thuộc đảo Hải Nam”, chuyên gia nghiên cứu Bryan Clark nhấn mạnh.
Việt Nam nói gì vụ Mỹ gửi công hàm lên LHQ phản đối Trung Quốc ở Biển Đông?
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị nêu phản ứng của Việt Nam trước việc chính quyền Mỹ mới đây đã gửi Công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) phản đối yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, Việt Nam quan tâm đến vấn đề này.
“Việt Nam quan tâm đến việc thời gian vừa qua có nhiều quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc đã lưu hành văn bản bày tỏ quan điểm về tình hình Biển Đông. Việc lưu hành tài liệu bày tỏ quan điểm là một phương thức hoạt động thường làm của các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc”, bà Lê Thị Thu Hằng cho hay tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều ngày 11/6.
Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông bao gồm cả về chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền hợp pháp trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được nói rõ nhiều lần.
“Một lần nữa xin khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như các quyền lợi hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)”, đại diện Bộ Ngoại giao nêu rõ.
“Cộng đồng quốc tế cũng như Liên Hợp Quốc coi trọng các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc có quan điểm đề cao, thúc đẩy và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Công hàm ngày 1/6 do Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft đệ trình lên Tổng Thư ký Antonio Guterres đề cập đến công hàm số CML/14/2019 Trung Quốc gửi cho Liên Hợp Quốc ngày 12/12/2019 để phản đối yêu cầu của Malaysia xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý lên Ủy ban Ranh giới thềm Lục địa CLCS cùng ngày.
Trong Công hàm trình LHQ, Đại sứ Hoa Kỳ Kelly Craft đã thẳng thắn bác bỏ các yêu sách hàng hải mà Trung Quốc tuyên bố trong công hàm ngày 12/12/2019 do Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
“Mỹ xác định các yêu sách hàng hải này không phù hợp với luật pháp quốc tế theo Công ước về Luật Biển 1982”, công hàm mà bà Craft đệ trình nêu rõ.
Hoa Kỳ cho rằng, những yêu sách mà Trung Quốc đang thực thi có mục đích can thiệp bất hợp pháp vào quyền tự do của Mỹ và nhiều quốc gia khác.
“Mỹ đặc biệt phản đối quyền lịch sử vốn vượt quá quyền được có trên biển theo luật quốc tế, của Trung Quốc trên Biển Đông”, công hàm nhấn mạnh.
Đồng thời, Washington cũng nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về vụ kiện của Philippines năm 2016 và tuyên bố đây mới là “phán quyết cuối cùng có tính ràng buộc về mặt pháp lý”.
Việt Nam quan tâm đến các cuộc biểu tình và bạo loạn ở Mỹ
Cũng trong buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị nêu bình luận của Việt Nam về việc Việt Nam có quan điểm ra sao trước làn sóng biểu tình ở Mỹ ngày càng lan rộng do những mâu thuẫn, xung đột sắc tộc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam quan tâm và chia sẻ với chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ về tình trạng một số vụ biểu tình đang có xu hướng bạo lực, diễn ra ở một số địa phương của Hoa Kỳ và có ảnh hưởng đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân nước này.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định, Hà Nội mong muốn tình hình nước Mỹ sớm ổn định để người dân Hoa Kỳ có thể sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Trong bối cảnh diễn biến bạo loạn do xung đột sắc tộc leo thang từ sau cái chết của George Floyd, châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình gây bất ổn xã hội trên toàn nước Mỹ, liên quan đến tình hình người Việt Nam tại Hoa Kỳ, người phát ngôn cho biết Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ thường xuyên theo dõi sát tình hình để kịp thời thực hiện công tác bảo hộ công dân.
“Trong bối cảnh diễn biến phức tạp do các cuộc biểu tình tại một số địa phương của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng đến công dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ thường xuyên theo dõi sát tình hình, trao đổi và giữ liên hệ với các cơ quan chức năng nước sở tại, các đầu mối cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ để chủ động nắm thông tin, có các khuyến cáo đến công dân Việt Nam và sẵn sàng bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Theo thông tin Bộ Ngoại giao Việt Nam nhận được từ các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho đến nay, chưa ghi nhận trường hợp công dân Việt Nam nào bị ảnh hưởng trong các cuộc biểu tình.
“Chưa ghi nhận trường hợp công dân Việt Nam nào bị ảnh hưởng trong các cuộc biểu tình”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.