Hoàng Sa là của Việt Nam
“(Hoàng Sa) thuộc về Việt Nam!” – đó là tiếng hô to vang lên từ 30 học sinh trong chuyến thăm đến Bảo tàng Quần đảo Hoàng Sa ở Đà Nẵng, nơi được chính phủ Việt Nam chi 1,8 triệu USD để xây dựng nhằm tôn vinh truyền thống yêu nước và khẳng định chủ quyền quốc gia. Đây là những điều được phóng viên Brad Lendon của Mỹ trải nghiệm trong chuyến làm việc tại Đà Nẵng.
Kể từ khi mở cửa vào năm 2018, khoảng một nửa trong số 40.000 du khách của bảo tàng là học sinh. Tại đây, các em có thể tham quan những cuộc triển lãm, bao gồm tài liệu, bản đồ và hình ảnh, tất cả đều được thiết kế để nói lên một điều:
“Quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Không phải của Trung Quốc”.
Được đặt tên bởi các nhà lập bản đồ Bồ Đào Nha thế kỷ 16, Hoàng Sa là tập hợp của 130 hòn đảo san hô nhỏ và các rạn san hô ở phía tây bắc Biển Đông. Đây là nơi rất phong phú về số lượng sinh vật biển. Nhưng không chỉ là một ngư trường giàu có, các hòn đảo ở đây còn có thể chứa nguồn dự trữ năng lượng tiềm năng.
Quần đảo này không có dân bản địa cư ngụ, chỉ có các đơn vị đồn trú của quân đội Trung Quốc lên tới 1.400 người, theo CIA Factbook.
“Nhưng hiện vẫn không có gì chắc chắn về quốc gia thực sự sở hữu quần đảo này. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam là nước có bằng chứng chủ quyền vững chắc nhất. Nhưng cũng có người cho rằng đó có thể là Trung Quốc”.
Điều không thể nhầm lẫn là Hoàng Sa đã nằm trong tay Trung Quốc trong 45 năm qua. Khi Bắc Kinh tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của mình và tìm cách ảnh hưởng tối đa đến tài nguyên và quyền tài phán ở khu vực này và xa hơn nữa dù dư luận quốc tế và nhiều quốc gia đã lên tiếng phản đối.
Xung đột bắt nguồn từ sâu trong lịch sử
Nếu có ai đó ở Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của Bảo tàng Hoàng Sa, thì đó là Trần Đức Anh Sơn.
Là một trong những chuyên gia về Biển Đông hàng đầu của đất nước, ông đã giúp giám tuyển các tài liệu tại bảo tàng, bao gồm những gì mà theo ông là bằng chứng sớm nhất về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa: bản đồ từ năm 1686, cho thấy các đảo thuộc về triều Nguyễn, vương triều đã cai trị phần lớn những gì hiện nay là nước Việt Nam hiện đại.
Vào cuối thế kỷ 17, các chúa Nguyễn đã phái một đội ngư dân, “Đội Hoàng Sa”, “đến chiếm giữ những hòn đảo đó và thu hoạch yến sào và hải sản và mang về dâng nộp triều đình”, ông Sơn nói.
Những ngư dân đó đã đặt cho hòn đảo cái tên tiếng Việt: Quần đảo Hoàng Sa. Năm 1816, vua Gia Long của nhà Nguyễn chính thức sáp nhập Hoàng Sa, thiết lập chủ quyền của người Việt, ông Sơn cho biết.
Nhưng Trung Quốc nói rằng bằng chứng chủ quyền của họ đối với các đảo có thể được truy nguyên từ hàng ngàn năm trước.
“Các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông có từ hơn 2.000 năm trước. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên tìm thấy, đặt tên, khám phá và khai thác tài nguyên của quần đảo trên Biển Đông, đồng thời cũng là nước đầu tiên liên tục thực thi chủ quyền đối với quần đảo này”, Bộ Ngoại giao nước này cho biết trong bài báo năm 2014. Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa là quần đảo Tây Sa.
Nhưng rất nhiều chuyên gia khác lại cho rằng Việt Nam có chủ quyền hợp pháp với quần đảo Hoàng Sa, bao gồm Raul Pedroza, cựu giáo sư luật quốc tế tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ.
Ông Pedroza lập luận trong phân tích năm 2014 cho tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận CNA rằng Việt Nam cho thấy sự quan tâm rõ ràng về chủ quyền đối với Hoàng Sa từ đầu những năm 1700 trở đi, và duy trì nó qua thời thuộc địa Pháp trong nửa đầu thế kỷ 20 và năm 1954, cũng như sau ngày thống nhất năm 1975 của Việt Nam.
Trung Quốc đã không thể hiện sự quan tâm thực sự đến chủ quyền cho đến năm 1909, khi họ phái một hạm đội tàu hải quân nhỏ đến kiểm tra và đặt các điểm đánh dấu trên một số hòn đảo, ông Pedroza lập luận.
Thậm chí sau đó, người dân Trung Quốc đã không sống ở đó cho đến khi Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm – đảo lớn nhất ở Hoàng Sa - vào năm 1956 và phần còn lại của quần đảo vào năm 1974 sau cuộc chiến ngắn ngủi nhưng đẫm máu với người Việt Nam. Nhưng các hành động của Trung Quốc trong cả hai trường hợp đã vi phạm điều lệ cấm của Liên Hợp Quốc trong việc đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia khác, ông Pedroza tuyên bố, và do đó không có giá trị để khẳng định chủ quyền.
Cuộc chiến năm 1974, trong đó 53 người lính miền Nam Việt Nam bị giết chết, được nêu bật tại Bảo tàng Hoàng Sa, với một bản đồ mô tả chi tiết về trận chiến, hình ảnh của những con tàu liên quan và hình ảnh của những người đã chết, với lời chứng thực rằng họ “đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ từng xentimet của Tổ quốc ở biển khơi”.
Tất nhiên, trong phiên bản tiếng Trung, sự kiện này lại có ý nghĩa là Bắc Kinh đã lấy lại những gì thuộc về Trung Quốc.
Theo phóng viên Lendon, kể từ khi loại bỏ đội quân Việt Nam cuối cùng khỏi Hoàng Sa năm 1974, Trung Quốc đã không ngừng củng cố yêu sách của mình đối với các đảo, đặt quân đội và xây dựng sân bay và bến cảng nhân tạo trên đảo Phú Lâm. Đầu mùa hè này, Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu J-10 tới đảo, một tín hiệu cho khu vực rằng “đó là lãnh thổ của họ và họ có thể đặt máy bay quân sự ở đó bất cứ khi nào họ muốn”, ông Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm Tình báo hỗn hợp Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nói.
“Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố rằng họ có thể mở rộng phạm vi sức mạnh trên không của họ ở Biển Đông nếu cần thiết”, ông Schuster cho biết.
Và ở Đà Nẵng, nơi chỉ cách Hoàng Sa 375 km về phía tây, điều đó thật sự là không thể chấp nhận.
Tranh cãi không thể giải quyết chỉ trong một sớm chiều
Bên ngoài Bảo tàng Quần đảo Hoàng Sa là chiếc thuyền đánh cá mang số hiệu 90152 TS.
Thoạt nhìn, nó trông không khác mấy so với một số thuyền khác đang được sửa chữa dọc theo tuyến đường ven biển. Nhưng bên trong bảo tàng, du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu câu chuyện đằng sau nó.
Chiến thuyền bị đắm vào năm 2014 trong cuộc đối đầu với tàu Hải giám Trung Quốc gần Hoàng Sa. Thủy thủ đoàn sau đó đã được một thuyền khác của Việt Nam giải cứu. Nhưng theo phóng viên Brad Lendon, con tàu mang tính biểu tượng mạnh mẽ của cuộc xung đột đó.
“Tàu mang số hiệu 90152 TS là bằng chứng cho những cáo buộc về hành động ngang ngược của Trung Quốc”, phát ngôn viên của bảo tàng giải thích con tàu vỏ thépTrung Quốc quy mô lớn hơn dễ dàng áp đảo chiếc tàu gỗ nhỏ hơn của Việt Nam như thế nào trong email gửi phóng viên Brad Lendon.
“Chiếc thuyền đồng thời cũng là biểu tượng cho “quyết tâm” của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền của mình đối với vùng biển đảo tranh chấp”, người phát ngôn nói thêm.
Tuy nhiên, phiên bản câu chuyện về tàu 90152 của Bắc Kinh thì hoàn toàn khác.
Theo hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc,” tàu Việt Nam đã “quấy rối” tàu đánh cá Trung Quốc ở vùng biển gần Hoàng Sa”. Tân Hoa Xã đưa tin vào thời điểm đó khẳng định, thuyền Việt Nam tự bị lật sau khi nó “va vào” chiếc thuyền đánh cá của Trung Quốc.
“Những sự cố như thế này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ các nước trên Biển Đông, khiến mọi thứ “nổ tung nhanh chóng” trên vùng biển tranh chấp này”, phóng viên Brad Lendon nhận định.
Khi Trung Quốc đẩy mạnh hàng loạt yêu sách tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên biển, họ đã xây dựng và củng cố các đảo trong chuỗi cấu trúc, thực thể ở Trường Sa - nơi mà cả Việt Nam, Đài Loan và Philippines đều cùng tuyên bố chủ quyền.
Trong khi vào thời điểm đầu năm nay lực lượng Hải quân và dân quân của Trung Quốc được cho là đã đưa tàu bao quanh đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát.
Cũng tương tự như trường hợp năm 2014, một thuyền đánh cá của Philippines đã chìm sau khi va chạm với chiếc thuyền lớn hơn của Trung Quốc hồi đầu tháng 6. Đồng loạt trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đều khẳng định tàu Trung Quốc đã đâm vào thuyền Philippines cố di chuyển nhanh ra khỏi khu vực nguy hiểm vì thủy thủ đoàn cảm thấy bị đe dọa bởi 7 hoặc 8 tàu Philippines đang “bao vây” khi người Trung Hoa đang tiến hành đánh bắt cá.
Báo chí Philippines phủ nhận hoàn toàn luồng thông tin trên. Ngư dân nước này khẳng định rằng chính chiếc thuyền lớn hơn của Trung Quốc mới là bên có những hành động đe dọa thuyền viên người Philippines.
Tờ Inquirer của Philippines dẫn bình luận của chuyên gia nghiên cứu Biển Đông Richard Heydarian nhận định đây chính là dấu hiệu cho thấy “sự trỗi dậy của Trung Quốc với tham vọng bá chủ khu vực ngày càng trơ trẽn”.
Ông gọi đội tàu đánh cá đông đúc của Trung Quốc là “mũi nhọn củng cố những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thống trị toàn bộ vùng biển lân cận”.
Trong khi đó, căng thẳng Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc lại bùng lên từ hồi tháng 7, khi nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc và đoàn tàu hộ tống của Lực lượng cảnh sát biển nước này tiến vào Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - khu vực với chiều rộng 200 hải lý, nơi Hà Nội có toàn bộ chủ quyền và quyền chủ quyền khai thác nguồn khoáng sản tại quần đảo Trường Sa.
Chuyện gì đang xảy ra trên Biển Đông?
Khu vực này được cho là có trữ lượng lớn dầu khí, mà Việt Nam đã có truyền thống khai thác lâu đời và hiện vẫn đang tiến hành nhiều hoạt động hợp tác khai thác khí đốt với Nga và các đối tác khác.
Hà Nội phản ứng rất mạnh mẽ trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc.
“Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm và rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Các chuyên gia phân tích và dư luận quốc tế đều đồng loạt lên án rằng hành động của Trung Quốc là rất đáng lo ngại.
“Bắc Kinh đang thử thách không chỉ Việt Nam, mà cả Hoa Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế”, TS Lê Thu Hương, chuyên viên phân tích cao cấp tại Viện Chính sách chiến lược Australia bình luận.
“Màn xâm lược, bành trướng, thói hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông chính là để Bắc Kinh thử nghiệm xem phản ứng của các nước sẽ đi xa đến đâu trong động thái hỗ trợ mang danh “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, vị chuyên gia nhấn mạnh.