Viện trưởng VKSND Tối Cao nói về việc xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải

Với mong muốn tòa án là biểu tượng của công lý, thể hiện sự trong sạch của nền tư pháp Việt Nam, cử tri đề nghị nếu Ủy ban Tư pháp hoặc Quốc hội yêu cầu điều tra lại vụ án Hồ Duy Hải thì Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng cần điều tra, xử lý hành vi làm sai lệch hồ sơ của vụ án.
Sputnik

Sáng 22/6, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 4, gồm các ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện KSND tối cao, ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM và ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc Công ty phát triển Tân Thuận đã có buổi làm việc tiếp xúc cử tri Q.5, Q.10 và Q.11 sau kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Đề nghị điều tra, xử lý hành vi làm sai lệch hồ sơ của vụ án Hồ Duy Hải

Cử tri P.11, Q.11 là ông Đặng Văn Rành đã có đóng góp ý kiến liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải.

“Trong trường hợp Ủy ban Tư pháp và Quốc hội yêu cầu điều tra lại thì tôi đề nghị điều tra để xác định có hay không hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Tôi theo dõi trên báo chí thì có phản ánh việc rút bút lục, thay đổi, điều chỉnh bút lục hồ sơ vụ án”, cử tri Rành nêu.

Ủy ban Tư pháp xem xét vụ án Hồ Duy Hải: Án tử vẫn lơ lửng trên đầu
Theo ông, vừa qua xảy ra nhiều vụ việc như Đường “Nhuệ”, Tuấn “khỉ”, băng nhóm áo cam… khiến dưluận bất an. Do vậy, ông Rành đề nghị ngành công an và hệ thống tư pháp cần có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa để góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cử tri Đặng Văn Rành cũng nhận định, xét trên tình hình thực tế ở các địa phương, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và chánh án tòa án rất khó được cơ cấu trong thường vụ tỉnh ủy. Ra đến cấp trung ương thì viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ là ủy viên Trung ương Đảng, trong khi Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao là Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an là ủy viên Bộ Chính trị.

Bộ Tư pháp lên tiếng về việc bỏ sổ hộ khẩu giấy, mã định danh cá nhân, Đường Nhuệ

Do vậy, cử tri đề xuất Đảng, Nhà nước cần quan tâm nhìn nhận đúng hơn tầm mức về vị trí của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát tối cao.

Ông Rành ví von, đất nước đang phát triển cũng như mua xe to để chạy cho nhanh nhưng nếu xe không có bộ thắng tốt thì sẽ khó tránh việc đi quá đà, không kiềm chế, không giám sát được các sai phạm. Cũng vậy, nếu vị thế, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân tối cao không được nhìn nhận đúng mức thì khó lòng làm tròn được vai trò, trách nhiệm đó.

Cử tri đề nghị làm rõ việc xử lý sai phạm của ông Tất Thành Cang

Phát biểu tại buổi làm việc, cử tri Mai Thanh Hà (P.7, Q.5) nhận định để có một nền tư pháp tốt, tránh oan sai thì nhiệm vụ mà tòa án phải thực hiện đó là trở thành biểu tượng của công lý, không để xảy ra án oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Ông Mai Thanh Hà đề nghị phải sa thải và truy tố những cán bộ cố ý làm sai, không làm hoặc làm không đúng luật, thuyên chuyển cán bộ thường xuyên.

Vụ án Đường Nhuệ: Lưới trời tuy thưa nhưng khó thoát

Bên cạnh đó, ông Hà cũng đề nghị cơ quan chức năng thông tin cụ thể về các biện pháp xử lý đối với những sai phạm của ông Tất Thành Cang, liên quan đến vụ Sadeco cũng như IPC mà báo chí nêu gần đây.

Một cử tri khác là ông Trần Công Tạo, phường 2, quận 5, thì đề nghị Đảng phải thận trọng trong việc lựa chọn cán bộ chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, do công tác cán bộ có vi trò quan trọng, sống còn đối với chế độ, với đất nước.

Theo ông, không nên đưa vào cấp ủy những cán bộ có nhiều nhà, nhiều tài sản mà không chứng minh được nguồn gốc. Mặc dù người dân không chê trách cán bộ, đảng viên làm giàu nhưng làm giàu phải chính đáng.

Xử ông Tất Thành Cang thế nào?

Đồng tình với ý kiến trên, cử tri Nguyễn Lâm Sanh (phường 12, quận 5) cũng bày tỏ sự quan tâm của người dân đến cái tâm và tầm của người cán bộ. Ông Sanh dẫn chứng vừa qua giá thịt heo tăng mạnh, có lúc lên tới 100%. Ngày trước chỉ tầm 60.000 -70.000 đồng/kg, nay lên trên 120.000 đồng/kg tùy loại.

“Cán bộ phụ trách ngành liên quan đến việc này phải có tầm nhìn chiến lược. Khi xảy ra dịch bệnh thì phải có chiến lược, giải pháp như thế nào? Còn chuyện thịt heo mắc thì ăn thịt gà dân người ta thừa biết rồi, cần gì cán bộ phải nói nữa”, - ông Sanh thẳng thắn.

Viện trưởng VKSND Tối cao nói về vụ án Hồ Duy Hải

Tại buổi làm việc sáng nay, ông Lê Minh Trí đã thay mặt tổ đại biểu phát biểu cảm ơn, tiếp thu các ý kiến, đồng thời cho biết sẽ phân loại, chuyển đến các cơ quan chuyên môn để phản hồi cử tri.

Uy tín nền tư pháp: Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói về vụ án Hồ Duy Hải

Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết, việc có những ý kiến khác nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các ngành trong khối tư pháp là chuyện bình thường, vì nhận thức pháp luật khác nhau nên dẫn đến áp dụng pháp luật khác nhau.

Do đó, các cơ quan cần tăng cường phối hợp, trao đổi và chịu trách nhiệm về chức năng, nhiệm vụ của mình khi thực hiện nhiệm vụ.

Trả lời đề nghị của cử tri về việc “xử lý hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải”, ông Lê Minh Trí cho biết sẽ ghi nhận và tiếp thu, nếu phát hiện có dấu hiệu và cần thiết thì sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.

Ông Trí cho hay, chức năng của Viện KSND bao gồm kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử. Tùy theo mức độ và tài liệu thu thập được, nếu thấy có đủ căn cứ để thực hiện chức năng điều tra, xử lý các hành vi sai phạm hoạt động tư pháp thì Viện KSND sẽ có biện pháp xử lý.

“Xin nói rõ, VKSND Tối cao không ưu ái Hồ Duy Hải hay ai trong vụ này, nhưng thấy chứng cứ mâu thuẫn giữa hiện trường, lời khai… Viện thấy cần thiết nên kháng nghị. Về mặt chính quyền chắc chắn Viện KSND Tối cao kháng nghị không sai, có căn cứ và đúng thẩm quyền”, Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ.

Về vấn đề công tác nhân sự nhiệm kỳ tới, đại biểu Lê Minh Trí khẳng định Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có chỉ đạo rõ ràng, khẳng định sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể để chọn được cán bộ vừa hồng vừa chuyên.

Đại biểu Quốc hội tranh luận khi đề cập vụ Hồ Duy Hải

Theo đó, phải có chính sách bảo vệ cho cán bộ làm đúng, làm tốt trách nhiệm của mình. Trong trường hợp có đơn thư tố cáo cán bộ, cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc để làm rõ. Đây cũng được xem là biện pháp để bảo vệ cán bộ nếu cán bộ trong sạch.

Đại biểu Lê Minh Trí cho biết, không thể khẳng định một cán bộ là hư hỏng khi chỉ vừa mới nghe người đó bị tố cáo. Thông thường, khi sắp đến bầu cử thì hay có tố cáo, vấn đề là phải xử lý làm rõ một cách khách quan chính xác để bảo vệ cán bộ làm tốt và xử lý nghiêm khắc cán bộ làm sai. Có như vậy thì mới giữ được cán bộ để làm việc.

“Cán bộ làm đúng, làm tốt thì phải được bảo vệ. Cán bộ làm sai, vi phạm pháp luật có chứng cứ rõ ràng thì phải kiên quyết xử lý”, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết.
Quốc hội sẽ có quan điểm chính thức về vụ Hồ Duy Hải

Chiều 19/6, sau lễ bế mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp.

Tình tiết mới vụ án Hồ Duy Hải
Đáng chú ý, tại cuộc họp báo, khi được hỏi về vụ án Hồ Duy Hải, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đây là vụ án rất phức tạp. Sau khi hội đồng thẩm phán TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, dư luận, báo chí, đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban Tư pháp xem xét, báo cáo và kiến nghị những nội dung liên quan đến vụ án này.

“Sau khi Ủy ban Tư pháp họp, đến nay ủy ban này chưa có báo cáo kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi nào Ủy ban Tư pháp có báo cáo, Quốc hội sẽ có quan điểm chính thức”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 16/6, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã họp phiên toàn thể thảo luận về quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

Tại phiên họp này, đại đa số các phát biểu của ủy viên Ủy ban Tư pháp trong cuộc họp nhận định những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Hồ Duy Hải là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án. Do vậy, các đại biểu đề nghị xem lại quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải.

Thảo luận