Tàu chiến Mỹ, tàu khảo sát HD4 Trung Quốc và tàu kiểm ngư Việt Nam đang làm gì ở Biển Đông?

Tình hình Biển Đông lại nóng lên những ngày gần đây. Thông tin tàu chiến USS Gabrielle Giffords của Hải quân Mỹ, một tàu kiểm ngư Việt Nam và tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 4 (HD4) xuất hiện gần nhau trên Biển Đông, trong cuộc chạm mặt bất ngờ thu hút sự chú ý của giới quan sát và dư luận quốc tế.
Sputnik

Cụ thể, trong loạt hình ảnh mới đây do Mỹ công bố, tàu USS Gabrielle Giffords của Hải quân Hoa Kỳ xuất hiện cùng một khu vực với tàu kiểm ngư Việt Nam và tàu khảo sát Trung Quốc, hoạt động dưới sự hộ tống của tàu hộ vệ tên lửa tại Biển Đông.

Trong khi đó, tuyên bố được Bộ Quốc phòng Mỹ vừa đưa ra kịch liệt chỉ trích hoạt động tập trận quân sự của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như hành động trái ngược với cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông. Đồng thời, Washington kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp thêm tình hình ở vùng biển tranh chấp này.

Cuộc chạm mặt của tàu 3 nước Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc ở Biển Đông

Trên trang Facebook của  Hạm đội 7 (U.S.Pacific Fleet), Hải quân Hoa Kỳ ngày 2/7/2020 vừa công bố loạt hình ảnh đáng chú ý về cuộc gặp tay ba giữa tàu chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10), tàu kiểm ngư Việt Nam và tàu khảo sát Hai Yang Di Zhi 4 Hao (HD4) của Trung Quốc.

Trước đó, Hải quân Mỹ cũng công bố bức ảnh cuộc chạm mặt với tàu Hải dương Địa chất HD4 của Trung Quốc ngày 1/7.

Cụ thể theo thông tin bức ảnh mô tả, tàu chiến đấu ven bờ USS Gabrielle Giffords (LCS 10) trong khi thực hiện các hoạt động tuần tra thường lệ của Hạm đội 7 Hoa Kỳ nhằm tăng cường khả năng tác chiến với tàu đối tác đã có cuộc “chạm mặt”, đi vào vùng lân cận, gần khu vực hoạt động của tàu Trung Quốc Hai Yang Di Zhi 4 Hao (HD4).

“Tàu chiến đấu ven biển lớp Independence USS Gabrielle Giffords Gold (LCS 10) thực hiện nhiệm vụ thông thường gần tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc trên Biển Đông hôm 1/7. USS Gabrielle Giffords đang làm nhiệm vụ luân phiên trong khu vực do Hạm đội 7 phụ trách nhằm cải thiện khả năng phối hợp với đối tác, và đóng vai trò như một lực lượng sẵn sàng phản ứng”, thông báo của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các bức không ảnh do Mỹ công bố cho thấy một tàu kiểm ngư Việt Nam (không rõ số hiệu) thuộc lớp tàu tuần tra KN-750 dường như đã cơ động chắn ngang đường tàu Trung Quốc có thể tiến tới.

Cuộc chiến săn ngầm ở Biển Đông: Mỹ dằn mặt Trung Quốc
Trong một số bức ảnh khác chụp từ trên không do Mỹ công bố, có thể thấy tàu kiểm ngư Việt Nam (chưa rõ số hiệu) thuộc lớp tàu tuần tra KN-750 có vẻ như đã cơ động chắn ngang đường tàu Trung Quốc.

Có ít nhất 2 tấm hình chụp từ trực thăng hoặc thiết bị bay không người lái của Mỹ cho thấy dường như tàu kiểm ngư của Việt Nam đã báo đuổi theo tàu Trung Quốc trước khi tàu USS Gabrielle Giffords có mặt.

Căn cứ theo đường vệt nước để lại trên mặt biển, chiến hạm USS Gabrielle Giffords dường như đã tăng tốc để cắt ngang đội hình của tàu Trung Quốc. Trong một bức ảnh khác, tàu hộ vệ tên lửa của hải quân Trung Quốc đã di chuyển sau hành động của tàu Mỹ.

Dữ liệu hàng hải trên trang Marine Traffic cho thấy tàu khảo sát của Trung Quốc đã chuyển hướng khỏi khu vực và tăng tốc về phía bắc chỉ một ngày sau vụ việc.

Thông tin trên trang dữ liệu hàng hải Marine Traffic cho thấy, một ngày sau khi xảy ra vụ việc, tàu khảo sát của Trung Quốc đã chuyển hướng khỏi khu vực và tăng tốc về phía bắc.

Hiện Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa có bình luận chính thức về vụ việc này.

Tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ Việt Nam?

Được biết, đây không phải là lần đầu Trung Quốc điều tàu khảo sát tới Biển Đông. Nhiều ý kiến cho rằng các tàu khảo sát Trung Quốc không chỉ thực hiện nhiệm vụ khảo sát dầu khí, mà còn tranh thủ vẽ bản đồ đáy biển cho tàu ngầm hoạt động.

Covid-19 và Biển Đông: Việt Nam cho cả thế giới thấy sức mạnh của ngoại giao khôn ngoan
Trên các tờ báo quốc tế, nhiều thông tin cho rằng tàu khảo sát Hải Dương 4 đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trước đó, Benar News – trang tin của Philippines đã dẫn dữ liệu theo dõi tàu thuyền cho thấy tàu thăm dò Hải Dương 4 đã đi vào EEZ của Việt Nam ngày 14-16/6, có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam 200 hải lý và cách đảo Phú Quý của Việt Nam khoảng 182 hải lý. Tàu Hải Dương 4 chỉ đi một mình, dù một tàu hải cảnh Trung Quốc được phát hiện gần đó.

Trên thực tế, vụ việc ngày 1/7 không phải lần đầu tiên USS Gabrielle Giffords chạm trán với tàu Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 5, chiến hạm này của Hoa Kỳ đã đối đầu với tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng đội tàu hộ tống khi các tàu này được cho là quấy rối tàu khoan dầu khí của Malaysia trên Biển Đông.

Đừng to mồm ở Biển Đông: Sát thủ tàu sân bay Trung Quốc còn lâu mới dọa được Mỹ

Tàu USS Gabrielle Giffords thuộc lớp Independence, là tàu chiến ven bờ đầu tiên sở hửu tên lửa chống hạm. Không giống như các tàu khu trục thông thường, thiết kế của các tàu thuộc lớp Independence cho phép chúng cơ động nhanh nhẹn tại các vùng nước nông trên Biển Đông.

Hôm 23/6 vừa qua, tàu USS Gabrielle Giffords tham gia diễn tập cùng hai tàu của Lực lượng Phòng vệ trên Biển Nhật Bản (JMSDF) ở Biển Đông nhằm thể hiện tầm quan trọng của việc liên lạc và phối hợp khi hoạt động cùng nhau, theo tuyên bố của Hải quân Mỹ.

Các học giả và báo chí Trung Quốc lên tiếng chỉ trích tàu chiến Mỹ gây hấn trên Biển Đông, cáo buộc Mỹ đang áp đặt tiêu chuẩn kép với nước này.

Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận và tàu HD4 xâm phạm chủ quyền

Trả lời phóng viên liên quan đến tình hình ở Biển Đông, chiều 2/7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã có chia sẻ về vụ việc tàu khảo sát của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như hành vi tập trận của Bắc Kinh ở Hoàng Sa.

Trung Quốc không từ bỏ Biển Đông và Việt Nam không thể có Đảng mạnh mà nhà nước yếu

Liên quan đến thông tin về tàu thăm dò Hải Dương 4 đã đi vào EEZ của Việt Nam ngày 14-16/6 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác ở Biển Đông.

“Chúng tôi cho rằng các hoạt động thăm dò, khảo sát phải có sự đồng ý của Việt Nam, phù hợp công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực biển đông, trong khu vực cũng như trên thế giới”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Về thông báo của Cục Hải sự Hải Nam rằng quân đội Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc diễn tập dài 5 ngày tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ 1/7-5/7, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng thông tin cho biết Việt Nam có giao thiệp, trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc không lặp lại hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia này.

“Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quy trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc, và việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Mỹ lên án Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa

Rạng sáng 3/7 (theo giờ Việt Nam), Bộ Quốc phòng Mỹ đăng thông cáo lên án cuộc tập trận 5 ngày của Trung Quốc ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc đòi chủ quyền ở Biển Đông: Mỹ, Việt Nam phản đối, Philippines đổi thái độ

Theo đó, Lầu Năm Góc cáo buộc Trung Quốc đang làm bất ổn hơn tình hình Biển Đông và vi phạm cam kết của các bên trong Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

“Khu vực được chỉ định làm nơi diễn ra các cuộc tập trận quân sự bao gồm vùng biển và lãnh thổ có tranh chấp. Việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông trái ngược hoàn toàn với những nỗ lực giảm căng thẳng và duy trì sự ổn định. Hành vi ngang ngược của Trung Quốc sẽ gây bất ổn hơn nữa tình hình ở Biển Đông. Những cuộc tập trận này đồng thời cũng vi phạm các cam kết của Bắc Kinh đối với Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 nhằm tránh các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở khu vực”, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.

Lầu Năm Góc cho rằng, các cuộc tập trận quân sự mà Bắc Kinh tiến hành chính là những diễn biến mới nhất trong chuỗi hành động dài của Trung Quốc nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền phi pháp trên biển và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.

Trồng rau, đưa người ra ở Biển Đông: Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tranh chấp với Việt Nam

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đưa ra khẳng định Trung Quốc đang hành động trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi “tất cả các quốc gia dù lớn nhỏ đều được đảm bảo chủ quyền, không bị cưỡng ép và có quyền theo đuổi phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và luật pháp quốc tế”.

“Hành động của Trung Quốc trái ngược với cam kết của nước này về việc không quân sự hóa Biển Đông cũng như tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, đều được bảo đảm chủ quyền, không bị ép buộc. Bên cạnh đó, còn có thể theo đuổi hoạt động khai thác, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp với các luật pháp và chuẩn mực quốc tế được chấp nhận”, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi tình hình Biển Đông với mong muốn Trung Quốc sẽ giảm bớt các hoạt động quân sự hóa và cưỡng ép các nước láng giềng ở Biển Đông.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và không thực hiện những hoạt động quân sự có thể làm trầm trọng thêm chuỗi tranh chấp ở Biển Đông”, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Thảo luận