Bộ Nội vụ thông tin việc hiện chưa phù hợp để Việt Nam lập Bộ Thanh niên. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải nhiều vấn đề liên quan đến Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Công bố lệnh của Chủ tịch nước: Việt Nam khai tử kinh doanh đòi nợ thuê
Ngày 10/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông tin các dự luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Theo đó, căn cứ Điều 88 và Điều 91 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, căn cứ Điều 80 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch nước công bố 10 luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Luật Hoà giải, Đối thoại tài Toà án, Luật Thanh niên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Theo đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, các luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Riêng Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều sẽ có hiệu lực muộn hơn 6 tháng, tức 1/7/2021.
Đáng chú ý, trong số 10 Luật vừa được Quốc hội thông qua và được Văn phòng Chủ tịch nước công bố hôm nay, có 5 luật mới lần đầu tiên được ban hành. Cụ thể là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Thanh niên 2020, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Đáng chú ý, tại buổi họp sáng nay, giới thiệu một số điểm mới của Luật Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng cho biết luật đã bổ sung nội dung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Luật Đầu tư 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Như Sputnik Việt Nam đã đưa tin, đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận tại các kỳ họp thứ 8 và thứ 9 khi góp ý về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Theo đó, trong quá trình báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến trước khi thông qua dự án luật này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đa số các ý kiến đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” do lo ngại việc biến tướng, hệ lụy, gây mất ổn định an ninh trật tự - xã hội, xói mòn đạo đức.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo luật hiện hành, đổi tên thành “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ” và có biện pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả là được.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và tiếp thu theo đa số ý kiến, có 317/409 đồng ý với phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Biểu quyết về vấn đề này, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho hay, Luật Đầu tư được ban hành với mục tiêu tổng thể nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
Luật gồm 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục gồm các nội dung chủ yếu về nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan ( Điều 4), về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện dự án đầu tư; về quản lý nhà nước và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Trả lời báo chí về việc những doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh đòi nợ sẽ đi về đâu khi Luật Đầu tư này có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, những doanh nghiệp đang được cấp phép kinh doanh đòi nợ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021.
Tuy nhiên, sau đó, những dịch vụ liên quan đến loại hình kinh doanh đòi nợ này cũng sẽ chấm dứt.
“Các doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ có nhiều loại hình kinh doanh, đòi nợ chỉ là một phần trong danh mục kinh doanh của họ. Các hình thức kinh doanh khác của những doanh nghiệp này vẫn tiếp tục hoạt động theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ cũng phải thanh quyết toán tất cả các vấn đề liên quan đến dịch vụ này từ nay đến ngày 1/1 năm sau.
Bộ KH&ĐT nói về Luật Doanh nghiệp và Luật PPP
Trong buổi họp báo ngày 10/7, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã giới thiệu những cải cách quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp 2020.
Theo Bộ KH&ĐT, Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 218 điều, với những cải cách quan trọng nhất, gồm Cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường, Nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến, Nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước, Thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh, Tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.
Cải cách đầu tiên là cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường, nổi bật là bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu “số” thay cho con dấu “truyền thống”.
“Luật cũng đã thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay”, Thứ trưởng Thắng nêu rõ.
Về Luật PPP, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, đây là luật mới, trước đây, các quy định về hoạt động PPP chỉ dừng ở cấp Nghị định.
Luật quy định cụ thể về các lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP, quy mô đầu tư, phân loại các dự án PPP và thẩm quyền quyết định của trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách.
“Luật PPP được ban hành là cơ sở cho việc hoàn thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng bền vũng, lâu dài”, ông Vũ Đại Thắng khẳng định.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Luật PPP chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới, trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế nguồn tiền để thực hiện các dự án như thế nào, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng có phản hồi về vấn đề này.
“Tước đây chúng ta đưa ra hình thức BT để nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền ra xây dựng các công trình hạ tầng sau đó Nhà nước sẽ trả quỹ đất để họ phát triển quỹ đất đó để cân bằng 2 chi phí”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định.
Theo ông Thắng, trong quá trình thảo luận Luật PPP, có nhiều ý kiến cho rằng hình thức này không có việc hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong đầu tư nên không thể coi đó là hình thức đầu tư PPP.
“Về nguyên tắc, Luật PPP có hợp đồng giữa Nhà nước và tư nhân. Còn việc xây dựng công trình xong đổi lấy đất thì hoàn toàn không phải PPP do đó không nằm trong nội dung của Luật PPP”, Thứ trưởng Thắng nói.
Đối với những vướng mắc về nguồn lực đầu tư các dự án, đại diện Bộ Kế hoạch - đầu tư cho rằng đất đai chúng ta đã có, pháp luật cho phép đấu thầu, đấu giá. Do vậy có thể đấu giá mặt bằng để lấy kinh phí thực hiện dự án đầu tư theo nhu cầu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
“Tạm dừng thực hiện hợp đồng theo hình thức BT cũng là một trong những điểm để quản lý hiệu quả hơn nữa quỹ đất trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn hẹp”, ông Vũ Đại Thắng nêu rõ.
Việt Nam dừng thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND
Trong buổi họp báo hôm nay, trình bày một số nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng thư ký Quốc hội - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho biết luật đã quy định chuyển tiếp để xác định lộ trình hoàn thành việc thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh.
Theo đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH được thành lập theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
“Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, Uỷ ban nhân dân (UBND) tại các tỉnh, thành thực hiện thí điểm tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung. Việc thành lập Văn phòng này phải hoàn thành trước 1/7/2021”, đại diện Ủy ban Pháp luật cho biết.
Cũng theo ông Giang, việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND sau hơn một năm thực hiện cho thấy, việc tổ chức một Văn phòng giúp việc chung cho ba cơ quan chưa thực sự đáp ứng mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc cho ba cơ quan này.
“Việc này cũng chưa rõ được vai trò tham mưu trong trong hoạt động giám sát và quản lý, điều hành giữa cơ quan đại diện với cơ quan quản lý. Vì vậy, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất ba văn phòng theo Nghị quyết 580 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Theo đó, Quốc hội quyết định sẽ tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc chung cho Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Còn văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ riêng cho UBDN cấp tỉnh.
Chưa phù hợp để thành lập Bộ Thanh Niên?
Tại buổi họp báo, thông tin về Luật Thanh niên 2020, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Luật có 7 chương, 41 điều, sẽ thay thế Luật Thanh niên 2005.
Luật Thanh niên 2020 quy định 8 điểm mới cơ bản: Thứ nhất, không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên.
Thứ hai, quy định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.
Thứ ba, quy định nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.
Thứ tư, quy định Tháng Thanh niên, Đối thoại với thanh niên. Theo đó, tháng 3 hàng năm sẽ là Tháng Thanh niên.
Thứ năm, quy định về chính sách đối với thanh niên. Thứ sáu, trách nhiệm của tổ chức thanh niên. Thứ bẩy, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên.
Thứ tám, quy định về quản lý Nhà nước về thanh niên.
Tuy nhiên, phát biểu trong buổi họp báo, đại diện Bộ Nội vụ cho hay, Quốc hội thấy trong giai đoạn này chưa thực sự phù hợp nên đã quy định trong Luật Thanh niên năm 2020 là Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh niên.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề về công tác thanh niên.
“Đặc biệt trong điều kiện chúng ta đang thực hiện nghị quyết 18 hội nghị trung ương VI về tinh gọn bộ máy để các cơ quan hoạt động có hiệu quả, vì vậy vấn đề thành lập Bộ Thanh niên trong giai đoạn hiện nay chưa phù hợp nên không có nghiên cứu để xây dựng Bộ Thanh niên”, Bộ Nội vụ cho hay.
Cũng tại buổi họp báo ngày 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước công bố việc đổi tên 2 Ủy ban của Quốc hội.
Theo đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đổi tên thành Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, còn Ủy ban về các vấn đề xã hội đổi thành Ủy ban Xã hội từ nhiệm kỳ khóa XV tới đây.