Cũng ngay trong phiên họp đầu tiên của đợt 2, Quốc hội Việt Nam đã tiến hành biểu quyết thông qua các Nghị quyết quan trọng khác như Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA) và Nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Cùng với EVFTA, Hiệp định EVIPA và gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác Việt Nam- EU và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA
Ngày 8/6, Quốc hội Việt Nam khóa XIV tiến hành họp đợt 2, Kỳ họp thứ 9, theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội (trước đó, Quốc hội đã họp đợt 1 theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19).
Theo chương trình nghị sự, ngay trong phiên họp đầu tiên của đợt 2, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua các Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA), Nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, tại phiên họp thông qua Nghị quyết EVFTA và Nghị quyết EVIPA có sự tham dự của Trưởng Đại diện Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Đại sứ các nước thành viên EU tại Việt Nam, thể hiện sự quan tâm và phối hợp thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, Việt Nam. EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).
Trên thực tế, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định EVFTA, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.
Xét về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm. EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.
Đối với đầu tư, EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.
Đối với vấn đề lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng, tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.
Trong nghị quyết được thông qua sáng nay nêu rõ, Quốc hội cho phép áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định, trong đó: Áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 2 kèm theo Nghị quyết này. Áp dụng các quy định của Hiệp định tại Phụ lục 3 kèm theo Nghị quyết này cho đến ngày Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành.
Riêng đối với Vương quốc Anh, Quốc hội cho phép áp dụng Hiệp định trong thời gian từ ngày Hiệp định có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng theo thỏa thuận giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu về việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).
Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc phê chuẩn Hiệp định là phù hợp với chủ trương, đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, đồng thời đánh giá Hiệp định có chuẩn mực cao nhất, hướng tới một không gian thị trường tiềm năng lớn nhất với 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, trong đó có nhiều quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về thương mại, đầu tư.
Lợi ích mang lại cho Việt Nam là thúc đẩy gia tăng hai chiều thương mại, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng quy mô xuất khẩu nhiều ngành thế mạnh như nông sản, thuỷ sản, dệt may. Người dân được tiếp cận hàng hóa nguyên phụ liệu trang thiết bị máy móc, đặc biệt là hóa mỹ phẩm giá rẻ chất lượng cao. EVFTA cũng là cơ hội đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, cải cách thể chế
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội khuyến nghị những vấn đề lớn. Cụ thể, Chính phủ sớm ban hành chiến lược, kế hoạch chi tiết để triển khai Hiệp định, tổ chức phổ biến, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Các bộ, ngành liên quan phối hợp lãnh đạo các địa phương chọn lựa, xác định danh mục ngành hàng, các sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam sớm tham gia vững chắc thị trường rộng lớn này. Trước mắt có biện pháp giữ, duy trì thị phần thị trường các nước liên minh châu Âu trong điều kiện đại dịch Covid-19, đồng thời tận dụng tốt thành tựu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo.
Các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động, chính sách thúc đẩy chương trình phát triển vững chắc doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là sử dụng gói hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực hội nhập, quản trị hiệu quả đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng chương trình tăng khả năng đối phó hiệu quả, hạn chế rủi ro thấp nhất với những diễn biến phát sinh phi truyền thống, nghiên cứu luật pháp nước sở tại để hạn chế vi phạm trong hoạt động thương mại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp thu, bổ sung vào Kế hoạch triển khai Hiệp định.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 30/6/2019, tại Hà Nội trong Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu cho biết, việc ký EVFTA và EVIPA mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.
“Là quốc gia giàu tiềm năng phát triển năng động hàng đầu tại Đông Nam Á, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng hóa quan hệ, với tầm nhìn mạnh mẽ về hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam rất vui mừng hợp tác với Liên minh Châu Âu ở phía Tây Bán cầu, một nền văn minh tiên tiến, một khối kinh tế phát triển hiện đại, hùng mạnh hàng đầu thế giới, cũng như mở rộng hợp tác song phương với 28 nước thành viên EU”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, hai Hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam và từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. Đặc biệt doanh nghiệp EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam mà cả thị các nước ASEAN, CPTPP và các thị trường lớn khác ở khu vực Đông Á, góp phần tạo nên xung lực của hợp tác Đông- Tây mang đến sự phát triển thịnh vượng của 2 khu vực Á - Âu và toàn cầu.
“Việc ký các Hiệp định EVFTA, EVIPA hôm nay mới là bước khởi đầu, hai bên cần nỗ lực hợp tác để quá trình triển khai hợp tác thành công. Việt Nam sẽ ban hành “Chương trình hành động quốc gia” thực hiện 2 Hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết, triển khai sâu rộng đến các Bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, gắn với phát huy sự năng động, sáng tạo trong quá trình thực hiện hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển giàu mạnh hùng cường”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVIPA
Cũng trong sáng nay 8/6, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA) với 95,45% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVIPA do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, hầu hết ý kiến các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí cao Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tán thành phê chuẩn Hiệp định đồng thời với Hiệp định EVIPA tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
“Có ý kiến đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định. Việc phê chuẩn Hiệp định sẽ mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19”, ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
Đồng thời, cũng có kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, trong những năm qua Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng 32.000 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 370 tỷ USD, nhưng khu vực châu Âu chỉ khoảng 2.500 dự án với số vốn đăng ký 27,5 tỷ USD. Việc phê chuẩn Hiệp định giúp thu hút vốn đầu tư, tiếp cận nền công nghiệp hiện đại, công nghệ mới và công nghệ sạch từ các nước châu Âu.
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ ban hành kế hoạch hành động chi tiết; các bộ ngành liên quan chọn lựa sản phẩm ngành nghề có thế mạnh sớm tham gia thị trường, có biện pháp giữ thị phần, thị trường EU trong đại dịch Covid-19, tận dụng tốt công nghệ 4.0, nền kinh tế số, nâng cao nguồn lao động, ứng phó rủi ro.
Theo đó, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật, rà soát hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan, triển khai hiệu quả hiệp định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Đối với EVIPA, thách thức đặt ra cho Việt Nam là cải cách thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng nguồn nhân lực nên cần tăng tuyên truyền, phổ biến.
Trước đó, trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, việc thực thi Hiệp định này sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU, đồng thời củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên.
“Cùng với Hiệp định EVFTA, Hiệp định này sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong Khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, khu vực cũng như trên trường quốc tế”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ.
Việc thực hiện cam kết theo Hiệp định EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo Hiệp định EVFTA, việc thực thi Hiệp định EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh như: Công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính.
Gia nhập công ước 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa
Trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9 sáng nay, Quốc hội với 460 đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức, với tỷ lệ tán thành 94,82%. Có một đại biểu không tán thành và một đại biểu không tham gia biểu quyết.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết các đại biểu Quốc hội đều khẳng định việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Việc gia nhập này cũng vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động.
Đây là một trong tám công ước cơ bản của ILO và được ILO thông qua ngày 25/6/1957. Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007).
Về chính trị, việc gia nhập Công ước góp phần khẳng định và thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO.
Về kinh tế - xã hội, việc gia nhập và thực hiện Công ước sẽ góp phần ngăn chặn các nguy cơ cưỡng bức lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, giúp cho môi trường lao động ổn định, hài hòa, thông qua đó tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động, giúp hàng hóa của Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, từ đó giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo đảm công bằng xã hội tốt hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Về pháp lý, việc gia nhập Công ước sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam. Với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chủ chương nhất quán về hội nhập kinh tế quốc tế và sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật thời gian qua, việc xem xét gia nhập Công ước số 105 tại thời điểm hiện nay là chín muồi và hết sức cần thiết.
Việc Việt Nam gia nhập Công ước số 105 sẽ tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không trái với quy định của Hiến pháp, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc gia nhập sẽ hỗ trợ thực hiện tốt hơn một số công ước khác mà Việt Nam là thành viên, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi quốc gia thành viên phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.