Thủ đô Việt Nam được xếp vào là nhóm đi đầu trong các nghiên cứu cơ bản về khoa học máy tính, vật liệu mới, y học và toán, vật lý và thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về công nghệ thông tin, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, công nghệ 5G, sau 5G.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thành phố Hà Nội được ghi nhận sở hữu 3 điểm mạnh nhất so với các tỉnh thành trong cả nước, bao gồm: tiềm lực khoa học công nghệ, nguồn lực đầu tư và đầu ra đa dạng.
Làm thế nào để phát triển tiềm lực Khoa học công nghệ của Hà Nội?
Chiều nay 14/7, đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) để thảo luận về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ và TP Hà Nội.
Cùng tham dự buổi làm việc còn có ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cùng đại diện lãnh đạo các sở, vụ hai đơn vị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ đã đưa ra những điểm cần hai bên thảo luận, đặc biệt là về cơ chế chính sách khoa học công nghệ mang tính đột phá phù hợp với đặc thù Thủ đô.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, có các giải pháp đồng bộ tài chính, đầu tư và huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ, các giải pháp thu hút đào tạo đội ngũ nhân lực và tri thức về khoa học công nghệ, cũng như mục tiêu để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.
Tại buổi là việc, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã báo cáo các kết quả đã đạt được trong thời gian qua.
Đồng thời, Phó chủ tịch Hà Nội cũng nhấn mạnh mục tiêu Hà Nội phát triển để trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước.
Thành phố thủ đô được xếp vào là nhóm đi đầu trong các nghiên cứu cơ bản về khoa học máy tính, vật liệu mới, y học và toán, vật lý... Về công nghệ thông tin, thành phố thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, công nghệ 5G, sau 5G...
Thành phố Hà Nội cũng đề xuất 8 kiến nghị gửi tới Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh chính sách tài chính đối với các nhiệm vụ khoa học, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện để các nhà khoa học tập trung vào việc nghiên cứu. Hà Nội cũng đề nghị Bộ hỗ trợ xây dựng "Mạng lưới sáng kiến" Hà Nội; chia sẻ cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ phục vụ hoạt động khoa học của thành phố và phát triển Sàn giao dịch công nghệ... Ông Ngô Văn Quý đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn giao quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học sử dụng vốn nhà nước.
"Bộ sẽ chung sức với Hà Nội, hoạch định chiến lược dài hạn, cùng phối hợp chỉ đạo điều hành, cùng tháo gỡ chính sách, tạo các cơ hội, giải pháp thông qua đó tác động tới khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn với các mục tiêu Thành ủy đặt ra, trong đó Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục... Đây cũng là mục tiêu và trách nhiệm của khoa học công nghệ", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.
Trả lời về 8 kiến nghị của thành phố, ông Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ sẽ có chương trình hành động cụ thể. Trong thời gian tới, các đơn vị sẽ tập trung chương trình trọng điểm về doanh nghiệp và sản phẩm.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết Bộ hết sức hoan nghênh ý tưởng thành lập “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội”.
Theo ông, đây là sáng kiến thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội. Dự kiến, “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” sẽ được tập trung xây dựng vào cuối năm 2020.
Theo ông Chu Ngọc Anh, do dư địa phát triển còn nhiều, thành phố nên tập trung đổi mới các chương trình nghiên cứu khoa học, bao gồm từ cơ chế, chính sách tài chính đến thủ tục thông thoáng. Bên cạnh đó, thủ đô cũng nên tập trung vào các chương trình nghiên cứu phục vụ phát triển sản phẩm trọng điểm; lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng chính sách nghiên cứu, khuyến khích phát triển KH&CN và kết nối giữa cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu trên địa bàn.
Xét về tiềm lực khoa học công nghệ, thành phố Hà Nội có tất cả 124 trường đại học, 113 viện nghiên cứu, 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia cùng với hàng nghìn doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiềm năng.
Qua những kết quả đạt được, Bí thư Hà Nội nhận định dù có nhiều điểm đáng ghi nhận nhưng đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế vẫn còn khiêm tốn.
Do đó, ông Huệ mong muốn Hà Nội có thể trở thành hình mẫu hợp tác giữa địa phương với Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng.
Hà Nội và Bộ KH&CN sẽ hợp tác tập trung vào tham vấn đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, thí điểm triển khai cơ chế đặc thù, hoàn thiện chính sách thu hút chuyên gia công nghệ đầu ngành, trong nước và nước ngoài cùng đóng góp cho thành phố. Bí thư Vương Đình Huệ cũng mong muốn trong tháng 10/2020 có thể ra mắt "Mạng lưới sáng kiến Hà Nội".
Hà Nội có 3 cái nhất về phát triển khoa học công nghệ
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ KH&CN đã đưa ra giải pháp cho vấn đề làm sao để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo.
Theo đó, đại diện Bộ cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị phối hợp với TP để thực hiện các vấn đề cụ thể như: xây dựng vườn ươm công nghệ ở khu CNC Hòa Lạc, xây dựng sàn giao dịch công nghệ Hà Nội, mạng lưới đổi mới sáng tạo…
Đồng chí Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ KH&CN nhận định, xét về lĩnh vực khoa học công nghệ, thành phố Hà Nội có 3 cái nhất. Đó là có hạ tầng mạnh nhất, nhiều giáo sư, nhiều tiến sỹ đóng góp tỷ lệ cao nhất trong tỷ lệ tiềm lực KHCN quốc gia, nguồn lực đầu tư cao nhất, dẫn đầu cả nước về sản phẩm đầu ra với số lượng công bố quốc tế (năm 2019 Hà Nội có gần 5.000 công bố quốc tế về nghiên cứu KHCN chiếm 40% của cả nước), tác động khoa học công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội cũng ở mức cao nhất cả nước, năng suất lao động cao nhất cả nước.
“Chắc chắn trong thời gian tới, diện mạo khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Thủ đô sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa”, Thứ trưởng Lê Xuân Định khẳng định.
Theo ông Định, trong thời gian tới, chủ đầu tư lớn nhất trong phát triển khoa học công nghệ sẽ là khối doanh nghiệp. Do đó, rất cần các cơ chế để khơi thông nguồn đầu tư này. Bằng thế mạnh của mình, thành phố thủ đô cũng cần tận dụng đẩy các startup lên trở thành một lực lượng kinh tế mới.
Theo nhận định của lãnh đạo Bộ KH&CN, thành phố Hà Nội có nguồn tài nguyên lịch sử, văn hóa, truyền thống rất lớn. Do vậy, trong chiến lược phát triển dài hạn, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội cần lưu ý đến vấn đề này để khai thác, phát huy hiệu quả...
Chia sẻ tại buổi làm việc, nhiều lãnh đạo các bộ, ngành cũng bày tỏ ấn tượng với những kết quả phát triển khoa học công nghệ của Hà Nội.
Các ý kiến thống nhất rằng thành phố vẫn còn nhiều dư địa để phát triển và khẳng định sẽ đồng hành với thành phố để thực hiện các mục tiêu cụ thể, sớm đưa Hà Nội trở thành trung tâm phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Hà Nội phải là đầu tàu cả nước về đổi mới công nghệ
Tổng kết buổi làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô Hà Nội.
Có 10 nhóm việc được đặt ra để cụ thể hóa mục tiêu đó, bao gồm xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước, phát triển nghiên cứu khoa học xã hội phục vụ cho việc đề ra các giải pháp quản lý đô thị lớn, thông minh, hiện đại gắn với đặc thù của một trung tâm văn hóa, chính trị, giáo dục.
Thành phố Hà Nội cũng phấn đấu trở thành đầu tàu cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển công nghệ. Phấn đấu đến năm 2025, đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo không thấp hơn 1% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thủ đô...
Để thực hiện những mục tiêu đặt ra như trên, đồng chí Vương Đình Huệ mong muốn Bộ KH&CN phối hợp hiệu quả với thành phố Hà Nội trên 6 lĩnh vực, phấn đấu là một trong những hình mẫu về hợp tác giữa địa phương với Bộ KH&CN.
Theo đó, hai bên sẽ phối hợp trong tham vấn, xây dựng chính sách phù hợp với đặc thù của Thủ đô Hà Nội cũng như thử nghiệm những chính sách mới, mô hình kinh tế mới, hỗ trợ Thành phố trong xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của thành phố Hà Nội, đồng bộ với Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2030.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Bộ KH&CN phối hợp với Thành phố trong phát triển tiềm lực khoa học công nghệ của Thủ đô, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả “Quỹ phát triển KHCN”.
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện chính sách tuyển dụng, thu hút đội ngũ trí thức, nhất là chuyên gia khoa học công nghệ đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp trong giải quyết các vấn đề bức xúc của Thủ đô cũng như nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học công nghệ của Thành phố.
“Thành phố cam kết cùng với Bộ KH&CN, các bộ liên quan trong việc hoàn thiện cơ hạ tầng, thu hút nhà đầu tư lớn về KHCN để tạo bước phát triển đột phá cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, góp phần xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc theo quy hoạch với quy mô 600 nghìn dân”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.