Vào năm 2016, Tòa Trọng tài tại The Hague đã bác bỏ "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố rằng, phán quyết của tòa án là không thể chấp nhận được và sẽ không ảnh hưởng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc tại khu vực này.
Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông
Trung Quốc kiên quyết bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông, cũng như nỗ lực của một số quốc gia nhằm quốc tế hóa tranh chấp lãnh thổ trong vùng biển đó. Manila biết rõ lập trường của Bắc Kinh về vấn đề này. Vì thế, lời tuyên bố của Locsin tái khẳng định việc giữ vững phán quyết của Toà án Hague chủ yếu liên quan đến tình hình nội bộ Philippines và xung quanh nước này. GS-TS Dmitri Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương học của Nga nói lên ý kiến này trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:
“Chiến lược của Philippines tác hành giống như sóng. Lúc thì công nhận phán quyết của tòa án và yêu cầu thực thi nó. Lúc thì tuyên bố tình hữu nghị với Trung Quốc, gọi Bắc Kinh là nước bạn và ký kết thỏa thuận để cùng Trung Quốc thăm dò, khai thác chung dầu khí ở Biển Đông. Vì thế, không có gì mới trong lời tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao. Ở một mức độ lớn, lời tuyên bố này có liên quan đến tình hình quốc tế và tình hình nội bộ Philippines. Nhìn từ góc độ lợi ích kinh tế, mối quan hệ với Trung Quốc là rất quan trọng đối với Duterte, ông cần đến những khoản vay và hỗ trợ quân sự của Trung Quốc. Hỗ trợ quân sự của Trung Quốc là rất quan trọng do tình hình phức tạp với các nhóm khủng bố ở Mindanao. Cuộc đấu tranh chống các nhóm khủng bố đòi hỏi phải có sự hỗ trợ hậu cần liên tục cho quân đội Philippines. Và mối quan hệ với Hoa Kỳ rất không ổn định. Lúc thì Philippines “tạm” cho Mỹ “thăm viếng quân sự” theo thỏa thuận VFA, lúc thì muốn chấm dứt VFA với Hoa Kỳ. Tất cả điều này là do Philippines thiếu sự ổn định về chính trị, họ muốn giữ cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời, tìm kiếm sự cân bằng trong nước”.
Gần như toàn bộ giới tinh hoa chính trị, mà Rodrigo Duterte đã đẩy ra khỏi các chức vụ lãnh đạo sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, đều là những người “thân” Mỹ, chuyên gia Dmitry Mosyakov lưu ý. Những người này tin cậy vào Hoa Kỳ, họ thường không tính đến những gì đang xảy ra ở Mỹ và không hiểu nước Mỹ sẵn sàng tới mức nào để đáp ứng sự mong đợi của Philippines. Do đó, theo Dmitry Mosyakov, những trò chơi chính trị mà Philippines dựng ra đều là không rõ ràng. Lúc thì Duterte, dưới áp lực của những người theo chủ nghĩa dân tộc, quay sang Hoa Kỳ để được giúp đỡ, lúc thì ông ta nguyền rủa người Mỹ. Vì thế không nên đánh giá quá cao lời tuyên bố của Philippines kêu gọi Trung Quốc thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông.
Philippines tìm cách cân bằng lại mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc
Philippines đang chơi một trò chơi lớn, tìm cách cân bằng lại mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, trong khi bản thân họ đôi khi không hiểu rõ phải làm thế nào để đạt được sự cân bằng này và duy trì nó. Rất nhiều điều phụ thuộc vào những thay đổi lập trường và ý kiến chủ quan của vị tổng thống và "vây cánh" của Duterte. Trong khi đó, rõ ràng là chủ nghĩa thực dụng của Duterte trong quan hệ với Trung Quốc đáp ứng lợi ích quốc gia của Philippines và giúp nâng cao uy tín của nước này trong ASEAN.
Những tuyên bố kiểu như câu nói của Ngoại trưởng Philippines Locsin về Biển Đông thử thách độ bền vững của mối quan hệ Trung-Philippines. Trong khi đó, thái độ tỉnh táo của các chính trị gia ở Manila và Bắc Kinh giúp bảo vệ mối quan hệ song phương khỏi những nỗ lực nhằm phủ bóng lên triển vọng phát triển mối quan hệ này.