Việt Nam ứng phó với đàn châu chấu từ Trung Quốc tràn sang

Trước việc đàn châu chấu từ Trung Quốc vừa tràn sang Việt Nam, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 2 cử lực lượng theo dõi và hỗ trợ địa phương tiêu diệt khi cần thiết.
Sputnik

Trong khi đó, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin cho biết, đàn châu chấu đang gây hại tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam tràn xuống từ Trung Quốc là loài châu chấu tre lưng vàng đã gây hại tại Việt Nam trong vài năm gần đây và không phải là châu chấu sa mạc.

Đàn châu chấu từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam

Trong thời gian gần một tuần nay, tại địa bàn các bản Pờ Nhú Khò, Tá Miếu (xã Sín Thầu), huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, đàn châu chấu tre lưng vàng đậu kín rừng tre trên diện tích 20 ha, với mật độ trung bình 100-400 con/m2. Sau khi ăn trụi lá tre, chúng tiếp tục tràn xuống các nương ngô gây hại khoảng 20 ha.

Nạn châu chấu sa mạc đe dọa: Việt Nam ứng phó thế nào?

Chiều 24/7, Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên Nguyễn Trọng Kính cho biết, cơ quan này đã cử cán bộ xuống địa bàn theo dõi để khoanh vùng, tiêu diệt đàn châu chấu.

Theo ông Kính, loại châu chấu đang gây hại ở Điện Biên là châu chấu tre lưng vàng, đã xuất hiện nhiều đợt từ năm 2015 đến nay và thường di chuyển từ Lào sang Việt Nam. Đây là lần đầu tiên có đàn châu chấu từ Trung Quốc sang.

“Nguyên nhân có thể là huyện biên giới Trung Quốc đang phun thuốc diệt châu chấu nên chúng tràn sang. Đa số là con trưởng thành, đang ghép đôi đẻ trứng và sẽ tiếp tục phân tán”, ông Kính cho hay.

Về phần mình, ông Nguyễn Quý Dương, Cục phó Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin cho biết, châu chấu tre lưng vàng thường xuất hiện vào tháng 7 hàng năm ở các tỉnh biên giới như Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Thanh Hóa.

“Chúng chỉ thích ăn lá rừng, tre nứa, khu vực ít tre nứa thì chúng phá hoại ngô. Hy vọng sau vài ngày chúng sẽ di chuyển để cây hồi phục”, ông Dương thông tin.

Trước tình hình châu chấu gây hại như trên, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 2 cử lực lượng theo dõi sự di chuyển của đàn châu chấu, hỗ trợ địa phương tiêu diệt khi cần thiết.

Cục Bảo vệ thực vật thông tin về đàn châu chấu đang gây hại ở miền núi phía Bắc

Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cung cấp một số thông tin về việc đàn châu chấu đang hoành hành tại một số địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc.

Việt Nam sẽ dùng rađar quân sự và máy bay phun thuốc ngăn châu chấu xâm nhập

Theo đó, chiều 24/7, ông Bùi Xuân Phong, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin cho biết, đàn châu chấu đang gây hại tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam là loài châu chấu tre lưng vàng đã gây hại tại Việt Nam trong vài năm gần đây và không phải là châu chấu sa mạc.

Theo ông Phong, trước đó, trong giai đoạn từ 2016-2017, loài châu chấu này đã gây hại thành dịch và được tổ chức phòng trừ khá rộng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Cục Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn các địa phương chủ động phòng trừ loài gây hại này.

Diện tích hoạt động của loài châu chấu này sau đó đã giảm dần. Từ đầu năm 2020 tới nay, châu chấu gây hại phát sinh ở quy mô hẹp tại một số địa phương như: Điện Biên, Bắc Kạn, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Nhiều khả năng loài châu chấu gây hại này có thể kéo dài đến tháng 8.

Ông Bùi Xuân Phong cho hay, châu chấu tre lưng vàng là loài có tập tính di cư, tuy nhiên mức độ gây hại nhẹ và quy mô đàn nhỏ hơn so với châu chấu sa mạc. Châu chấu tre lưng vàng đặc biệt ưa thích lá tre.

Hết corona đến sốt xuất huyết, Việt Nam có nguy cơ dịch chồng dịch?

Khi di cư đến đâu thì chúng sẽ ăn cây tre đầu tiên, sau đó mới đến ngô, lúa nhưng với diện tích hạn chế. Cần thực hiện các biện pháp phòng trừ để giảm thiệt hại cho nông dân.

Ngay từ năm 2016, Cục Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn cho các địa phương và nông dân phòng trừ châu chấu tre lưng vàng và cho đến nay, biện pháp phòng trừ này dù khá đơn giản nhưng cũng có những khó khăn do đặc thù riêng.

Theo đó, phải phun trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật khi châu chấu tre lưng vàng mới nở. Thông thường vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 hàng năm, châu chấu sẽ đẻ trứng. Châu chấu trưởng thành chết và trứng sẽ ở dưới đất đến tận tháng 3, tháng 4 năm sau mới nở.

Cục Bảo vệ thực vật thông tin cho các địa phương, hướng dẫn nông dân tìm kiếm những nơi châu chấu thường trú ngụ, giao phối để đánh dấu. Đến tháng 3, tháng 4 năm sau, người dân sẵn sàng thuốc bảo vệ thực vật, nhân lực, phương tiện để khi phát hiện châu chấu nở thì thực hiện phun trừ ngay. Hiện các địa phương đang thực hiện khá hiệu quả biện pháp phòng trừ này.

Mỗi năm, Cục Bảo vệ thực vật đều cung cấp thông tin hướng dẫn cho các địa phương để xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm, ngay từ trước khi trứng nở đã có kế hoạch phòng trừ. Bên cạnh đó, địa phương cũng có hỗ trợ kinh phí về thuốc bảo vệ thực vật, nhân lực… với những diện tích không thuộc người dân quản lý.

Sau corona, Việt Nam đối mặt với virus Zika cực kỳ nguy hiểm do muỗi đốt

Mặc dù vậy, ông Phong cho biết, một điểm khó khăn là nếu châu chấu đẻ trứng ở trong rừng sâu, xa thôn bản thì người dân sẽ không phát hiện được. Sau đó, khi lớn lên, chúng sẽ tụ tập thành đàn lớn hơn và tiếp tục di chuyển, gây hại. Ở thời điểm này, lại cần tiếp tục phòng trừ, bảo vệ lúa, ngô cho nông dân.

Cũng theo ông Phong, thông tin từ các địa phương cho biết, hiện tỉnh Điện Biên có khoảng 4 ha ngô, Bắc Kạn có khoảng 3 ha ngô bị thiệt hại bởi loài châu chấu tre lưng vàng này.

Tuy nhiên, may mắn là do ngô ở Bắc Kạn đã già nên không ảnh hưởng đến năng suất, còn tại Điện Biên do ngô đang giai đoạn xoáy nõn nên dự kiến sẽ ít ảnh hưởng đến năng suất.

Thảo luận