Đà Nẵng nên học kinh nghiệm chống Covid-19 của Vũ Hán? Bộ Công an nói về các vụ án lớn

Chiều nay, diễn ra họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020. Các vấn đề được dư luận quan tâm là công tác phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, đặc biệt là vừa qua Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân có đề nghị Đà Nẵng nên “học tập kinh nghiệm” của Vũ Hán trong phòng chống dịch coronavirus.
Sputnik

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng thông tin vụ án Nhật Cường Mobile, nghi án Tenma Việt Nam hối lộ quan chức hải quan, lý do người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam và vụ bắt, khởi tố các cán bộ giúp việc thân cận, lái xe riêng của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu đánh giá về những tác động của làn sóng Covid-19 thứ hai lên nền kinh tế Việt Nam. Vụ xẻ thịt hồ Đại Lải, công tác và chiến lược phòng chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, kế hoạch thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Bộ GD&ĐT cũng được giải đáp cụ thể.

Chỉ phong tỏa tâm dịch coronavirus, không ngăn sông cấm chợ vì Covid-19

Chiều 3/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020.

Buổi họp báo được tổ chức ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và trong bối cảnh dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại tại Việt Nam khi có thêm nhiều ca bệnh được phát hiện tại một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nội và TP.HCM.

Thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, sau 99 ngày không ghi nhận lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, những ngày qua, chúng ta đã phát hiện các ca nhiễm mới tại nhiều nơi, đặc biệt là tại cụm các bệnh viện ở Đà Nẵng, và một số địa phương.

Ngay sau khi xuất hiện các ca nhiễm mới Covid-19, dưới sự chủ trì của Thủ tướng, Thường trực Chính phủ đã tổ chức 3 cuộc họp. Thủ tướng Chính phủ đã lập tức yêu cầu Thành phố Đà Nẵng và các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách bình tĩnh, lạc quan, không để dịch lây lan rộng.

WHO bình luận về sự xuất hiện chủng COVID-19 mới tại Việt Nam

Tinh thần là “thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực để xử lý triệt để các ổ dịch”. Mỗi gia đình, thôn, bản, xóm, làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch.

Chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, chỉ tập trung phong tỏa những nơi có dịch, cách ly nguồn dịch. Những nơi không có lây nhiễm trong cộng đồng mà chỉ có người trở về từ các vùng dịch thì khoanh vùng phạm vi ở mức độ vừa đủ, hạn chế giãn cách một cách tràn lan. Sắp tới, sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là vi phạm Luật Biên giới, nạn đầu cơ, làm hàng giả, kinh doanh trái phép vật tư y tế.

“Tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải hết sức tỉnh táo, phân tích tình hình để có đối sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để bị động bất ngờ. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là: Không lùi bước trước khó khăn, thách thức; phải biến thách thức thành cơ hội, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Chỉ thị 11 và các Nghị quyết số 01, số 02, số 42 và số 84; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn”, đại diện Chính phủ cho biết.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả. Từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương phải nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

“Chính phủ xác định đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không. Cần dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng. Kiên định triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phòng chống dịch và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra; đồng thời, phải tiếp tục thực hiện tốt an sinh xã hội, môi trường, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”, đồng chí Mai Tiến Dũng cho biết.
Đà Nẵng nên học kinh nghiệm chống Covid-19 của Vũ Hán? Bộ Công an nói về các vụ án lớn

Theo ông Mai Tiến Dũng, tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch, nhưng đồng thời tạo mọi thuận lợi trong lưu thông hàng hóa trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, không được có bất cứ hạn chế nào, không vì kiềm chế lây lan dịch bệnh mà "ngăn sông, cấm chợ", xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm.

“Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu không để đứt gãy nền kinh tế xã hội, cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế xã hội. Tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, chủ động theo dõi động thái của các nước có ảnh hưởng đến Việt Nam, kịp thời có phương án xử lý nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia.

Đà Nẵng có nên học tập kinh nghiệm chống dịch Covid-19 của Vũ Hán?

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về việc, vừa qua Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân có đề nghị học tập kinh nghiệm của Vũ Hán để áp dụng cho Đà Nẵng.

Coronavirus ở Đà Nẵng: Đợt bùng phát sau chót hay là bắt đầu thời kỳ mới? Đột nhiên lại phát bệnh
Chia sẻ quan điểm của Chính phủ về ý kiến này, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, khi phát hiện ổ dịch mới trong thời gian vừa qua, ổ dịch tại 3 Bệnh viện trong Đà Nẵng đã được khoanh vùng ngay.

“Dù ngày nghỉ nhưng Thủ tướng đã họp đưa ra chỉ đạo rất quyết liệt”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Theo ông Mai Tiến Dũng, ổ dịch bao gồm các tổ hợp bệnh viện. Dân cư xung quanh sống gần khu vực đó. Hàng quán và những người dân quanh đó đã được kiểm soát và khoanh vùng chặt chẽ.

“Quan điểm chung là các vùng dịch chúng ta phải khoanh vùng dập dịch. Những vùng khác không phải ổ dịch thì cần cân nhắc về việc khoanh vùng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và nêu ví dụ, ở một thôn của Thái Bình (thôn Bùi, xã Hoà Tiến) thì người ta chỉ khoanh vùng thôn đó thôi. Giãn cách xã hội và khoanh vùng thôn đó.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, cần phải khoanh vùng với bán kính nhỏ, vừa đủ để dập dịch. Việc này vừa để chống dịch nhưng cũng đảm bảo thực hiện mục tiêu kép.

“Kinh nghiệm các nước đều thực hiện mục tiêu kép như ở Việt Nam, vừa khống chế dịch bệnh song song với đó là duy trì phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại quan điểm này và cho rằng, bán kính việc khoanh vùng cách ly hay giãn cách thì cần phải có sự tính toán phù hợp, linh hoạt.

WHO gọi Việt Nam là tấm gương trong cuộc chiến chống đại dịch coronavirus
Ông Mai Tiến Dũng nhắc lại câu chuyện thiệt hại kinh tế của Singapore khi khoanh vùng dịch quá lớn. Các chuyên gia kinh tế của Singapore cũng cho rằng cần phải tính toán và khoanh vùng dịch hợp lý để tránh thiệt hại về kinh tế.

Còn cụ thể về ý kiến của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân về việc học hỏi kinh nghiệm của Vũ Hán, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng sẽ tiếp tục nghiên cứu sao cho hợp lý, đồng thời bảo đảm 2 mục tiêu phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế. Một số địa phương như Hà Nội và TP.HCM đã phản ứng rất nhanh khi tạm thời dừng các hoạt động tụ tập đông người, không tụ tập quá 30 người… Đây là những hành động rất tích cực và có kinh nghiệm của các địa phương trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Cũng về vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho hay sẽ tiếp thu và nghiên cứu phương án cũng như đề nghị của Bí thư Thành ủy TP.HCM.

“Và từ đó, chúng ta áp dụng một cách phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay ở nước ta”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định.
Đà Nẵng nên học kinh nghiệm chống Covid-19 của Vũ Hán? Bộ Công an nói về các vụ án lớn

Trước đó, chiều 2/8, tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành về phòng, chống Covid-19, Bí thư Thành uỷ TP Hồ chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị áp dụng kinh nghiệm của thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, để ngăn dịch bệnh tại Đà Nẵng.

Vì sao người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam?

Tại buổi họp báo Chính phủ, Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an, đã giải đáp câu hỏi của báo giới về việc vì sao gần đây các đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam xuất hiện nhiều hơn so với khi trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng? Tại sao những đối tượng này vào sâu trong nội địa mới phát hiện ra?

Tướng Trần Đơn: Có thể cách chức, xử lý cán bộ nếu để vượt biên trái phép
Về vấn đề này, Thiếu tướng Tô Ân Xô nêu rõ, liên quan tới người nhập cảnh vào Việt Nam, cần phân biệt rõ có 2 nhóm: Người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam bất hợp pháp và số công dân Việt Nam ở các nước láng giềng trở lại trong nước.

“Vì sao lại có việc như vậy? Vì hiện nay Trung Quốc thiên tai liên tục, dịch Covid-19 cũng trở lại, trong khi chúng ta thông tin Việt Nam là điểm đến an toàn, do đó có một lượng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việc Nam để tìm việc hoặc đi du lịch, một số nữa lại đi qua Việt Nam để sang nước khác”, Chánh văn phòng Bộ Công an nêu rõ.
“Bà con người Việt ở nước ngoài được máy bay đón về nhưng bà con lao động ở Trung Quốc lại chưa được đối xử như thế”, đại diện Bộ Công an cho biết.

Theo như giải thích của Thiếu tướng Tô Ân Xô, các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam vì một số nguyên nhân, trong đó có: Tìm việc ở một số địa phương Việt Nam, đi du lịch và có “số lượng tương đối nhiều” vào Việt Nam để sang Campuchia đánh bài, bởi Campuchia đã mở lại các sòng bài.

Đà Nẵng nên học kinh nghiệm chống Covid-19 của Vũ Hán? Bộ Công an nói về các vụ án lớn

Chánh văn phòng Bộ Công an thông tin, từ đầu năm đến nay, tại 27/63 địa phương của Việt Nam có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, với tổng số là 504 người. Một số ví dụ cụ thể như: An Giang có 4 trường hợp, Bắc Ninh có 35 trường hợp, Đà Nẵng có 78 trường hợp, TP.Hồ Chí Minh là 12 người, Lai Châu có 36 người, Lạng Sơn có 29 người, Quảng Ninh có 126 trường hợp và Tây Ninh là 32 trường hợp.

Từ tháng 6 đến nay, công an và biên phòng các địa phương phát hiện 21 vụ việc, với 177 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

Tướng Xô cũng cho biết, Việt Nam đã khởi tố 5 vụ với 19 đối tượng người Việt Nam và người Trung Quốc về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.

Theo đại diện Bộ Công an, số đông tới hàng chục, hàng trăm người nhập cảnh là người Việt Nam lao động chui ở Trung Quốc, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới sang bên kia biên giới làm việc.

Bộ Công an nói gì về Nhật Cường Mobile, vụ bắt cán bộ thân cận của Chủ tịch Hà Nội?

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiếu tối nay, phóng viên đã đặt câu hỏi với đại diện Bộ Công an về vụ án Nhật Cường Mobile, trong đó có những diễn biến mới nhất là việc khởi tố, bắt giam thư ký và lái xe của chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật có liên quan vụ án Nhật Cường.

Vì sao cán bộ giúp việc và lái xe của Chủ tịch Hà Nội bị Bộ Công an khám xét khẩn cấp?
Thiếu tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng Bộ Công an - cho biết, vụ án Nhật Cường là vụ án nghiêm trọng, phức tạp, thuộc Ban Chỉ đạo trung ương phòng chống tham nhũng chỉ đạo.

Liên quan vụ án này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (CO3) đã khởi tố 4 tội danh buôn lậu, thất thất gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, khởi tố 28 bị can, trong đó còn 8 bị can chưa bắt được.

“Hiện vẫn đang tích cực điều tra, theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo là kết thúc điều tra quý 3-2020. Ngày 16/7, Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, bắt tạm giam 3 bị can trong đó có 2 đối tượng làm việc tại UBND Hà Nội.

Từ chối thông tin chi tiết về tài liệu mật bị chiếm đoạt, ông Xô cho biết sẽ thông tin khi có kết quả điều tra.

“Hiện vụ án đang trong quá trình điều tra và đang cố gắng kết thúc trong quý 3 năm 2020”, thiếu tướng Tô Ân Xô thông tin.

Vụ “xẻ thịt” hồ Đại Lải: Hai Bộ vào cuộc điều tra

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã có thông tin với báo chí liên quan đến việc “xẻ thịt” hồ Đại Lải.

Theo ông Phùng Đức Tiến, vụ việc hồ Đại Lải đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân giao cho Vĩnh Phúc tại Thông tư 05 ngày 15.5.2018. Tuy đã giao cho tỉnh Vĩnh Phúc nhưng về mặt quản lý, Tổng cục Thủy lợi đã 3 lần kiểm tra và có văn bản chỉ đạo.

Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an đang phối hợp với nhau để điều tra và cũng đã đôn đốc tỉnh Vĩnh Phúc để xử lý việc lấp hồ Đại Lải.

“Các đơn vị chức năng đã cho thanh tra, kiểm tra kiểm tra vụ việc, khi có kết quả thanh tra kiểm tra, chúng tôi sẽ có thông báo chính thức đến báo chí”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin.

Bộ Công an nói về vụ TS Bùi Quang Tín, Nhật Cường, Tenma hối lộ, đại gia Lê Thanh Thản
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5740/VPCP-NN do ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm ký ngày 14.7.2020 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu liên quan đến hồ Đại Lải.

Trong công văn của Văn phòng Chính phủ nêu: Hồ Đại Lải - công trình cung cấp nước ngọt cho tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội, đồng thời là danh thắng nổi tiếng đang bị "xẻ thịt" một cách không thương tiếc. Suốt chiều dài gần 1 km, hàng chục nghìn khối đất được bạt từ quả đồi sát cạnh đổ thẳng xuống mép hồ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thông tin báo nêu, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật”.

Bộ GD&ĐT quyết định hoãn thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng, Quảng Nam

Thông tin từ Bộ GD&ĐT, ngày 3/8, cho biết thí sinh tại thành phố Đà Nẵng và 6 thành phố, thị xã, huyện của tỉnh Quảng Nam (bao gồm thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc, huyện Quế Sơn, huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình) đang thực hiện cách ly xã hội, sẽ thi đợt thứ hai.

Các thí sinh thuộc diện F1, F2 trong cả nước (nếu có) sẽ dự thi cùng thời gian với học sinh của thành phố Đà Nẵng và 6 thành phố, thị xã, huyện của tỉnh Quảng Nam (chưa có thời gian cụ thể).

Các địa phương còn lại tổ chức kỳ thi theo kế hoạch đã đề ra (từ ngày 8-10/8), với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.

Tại họp báo Chính phủ chiều cùng ngày, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết thời điểm tổ chức đợt 2 do địa phương đề xuất. Khi đó, tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát.

Đà Nẵng nên học kinh nghiệm chống Covid-19 của Vũ Hán? Bộ Công an nói về các vụ án lớn

Những thí sinh thuộc diện F1, F2 thi cùng đợt với thí sinh Đà Nẵng, Quảng Nam, khi ấy, cũng hoàn thành 14 ngày cách ly theo quy định.

Do kỳ thi tốt nghiệp THPT chia thành hai đợt, việc tuyển sinh bằng kết quả thi này cũng chịu ảnh hưởng. Để đảm bảo quyền lợi thí sinh, ông Độ thông tin bộ sẽ có công văn chỉ đạo các trường, cơ sở giáo dục đại học tạo điều kiện thuận lợi, có phương thức tuyển sinh chia chỉ tiêu phù hợp cho từng đợt.

Nói thêm về phương án tổ chức hai đợt thi tốt nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết Thủ tướng kết luận không thể lùi kỳ thi vì còn liên quan xét tuyển đại học.

“Thẩm quyền quyết định thi thuộc Bộ trưởng GD&ĐT. Những địa phương không thuộc diện giãn cách thi bình thường. Tuy nhiên, trong quá trình thi, các tỉnh phải có giải pháp phòng chống dịch bệnh như ngồi giãn cách vừa đủ, đeo khẩu trang rửa tay, sát khuẩn”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Thủ tướng: Việt Nam độc lập, tự cường, không bị động, lúng túng, ngay cả với Covid-19
Ngoài ra, ông nói thêm việc xét đặc cách công nhận tốt nghiệp phải tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt về vấn đề pháp lý.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay theo Luật Giáo dục, học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện theo quy định được dự thi, đạt yêu cầu sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Việc xét đặc cách phải tính toán, báo cáo Quốc hội - cơ quan có thẩm quyền quyết định.

“Tuy nhiên, chúng ta phải xem xét việc xét đặc cách ảnh hưởng quyền lợi thí sinh (liên quan xét tuyển đại học, cao đẳng). Đây là vấn đề rất lớn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu ví dụ 42 trường trong khối công an, quân đội, sức khỏe chỉ sử dụng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, xét đặc cách công nhận tốt nghiệp sẽ thuận lợi cho những thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Nhưng với những em mong muốn dùng kết quả thi để tham gia tuyển sinh, cơ quan chức năng cần cân nhắc thêm.

“Hôm nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo hết các nội dung để các địa phương cân nhắc làm thế nào đảm bảo lợi ích cho thí sinh, phụ huynh”, ông Dũng nói.

Ông nhấn mạnh thêm việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT phải đảm bảo vấn đề phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện Luật Giáo dục, lịch trình, công tác chuẩn bị của Bộ GD&ĐT và các địa phương để vừa thi tốt, đồng thời không để lây nhiễm trong học sinh, giáo viên, trường học.

Bộ Y tế: Đội quân kinh nghiệm nhất đều điều tới Đà Nẵng

Trước câu hỏi liên quan đến đề xuất của Chủ tịch TP Đà Nẵng về cách ly tại nhà khi khu cách ly tập trung quá tải, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết Bộ đã chuẩn bị phương án này từ lâu và sẵn sàng thực hiện khi có lệnh của Ban chỉ đạo.

Thứ trưởng Cường nhắc lại quan điểm của Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng dịch ở Đà Nẵng đã âm thầm trong vòng 1 tháng và đã diễn ra 2 đến 2,5 chu kỳ rồi. Vì thế phải chuẩn bị tinh thần áp dụng biện pháp cao nhất.

“Chúng tôi tiếp thu và nghiên cứu phương án của Bí thư Thành ủy TP.HCM đưa ra để áp dụng phù hợp với tình hình dịch bệnh”, ông Cường nói.

6 ca Covid-19 tử vong, số ca nhiễm tăng cao, chủng coronavirus ở Đà Nẵng đã biến đổi?
Về việc khống chế dịch ở Đà Nẵng, ông cho biết Bộ Y tế đã cử đoàn công tác nhiều kinh nghiệm nhất do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng đoàn. Thứ trưởng Sơn sẽ ở lại Đà Nẵng đến khi nào hết dịch thì thôi. Trong đoàn cũng có đội điều trị, đội dập dịch rất nhiều kinh nghiệm, gồm cả các bác sĩ từng tham gia dập dịch ở Bạch Mai. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng trực tiếp vào Đà Nẵng.

“Tất cả đội quân có kinh nghiệm nhất ở đợt phòng chống dịch đầu tiên đều được đưa vào chiến dịch này. Chúng tôi khoanh vùng cách ly, tiêu độc khử trùng để dập dịch ở 3 bệnh viện ở Đà Nẵng và một số điểm ghi nhận có ca mắc cộng đồng. Sau đó phong tỏa những nơi nguy cơ lây nhiễm cao”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Theo Thứ trưởng, hiện đã huy động hơn 1.000 người là sinh viên trường y, các trường quân đội để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch ở Đà Nẵng.

“Khi nào gỡ bỏ cách ly ở Đà Nẵng được thì chúng ta phải căn cứ vào tình hình, hiện nay đang ở trong tầm kiểm soát rất tốt, truy vết rất quyết liệt, không để dịch lây lan trên diện rộng. Hy vọng thời gian để tháo gỡ tình hình này sẽ sớm thôi”, ông Cường nêu rõ.
Làn sóng Covid-19 thứ hai tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Trả lời câu hỏi về tác động của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai đến kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương cho biết có điểm khác biệt với đợt đầu năm.

Đà Nẵng nên học kinh nghiệm chống Covid-19 của Vũ Hán? Bộ Công an nói về các vụ án lớn

Ông cho biết đầu năm, Chính phủ đã áp dụng giãn cách xã hội khoảng 20 ngày. Khi đó, hoạt động này gây ra tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh. Tăng trưởng quý II đạt rất thấp với mức 0,3%.

Tuy nhiên, ở đợt hai này, Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo không để dịch lây lan rộng. Chính phủ chỉ áp dụng giãn cách xã hội, khoanh vùng dịch ở những địa bàn có nguy cơ; tập trung mọi lực lượng để thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Ông Phương nhận định sau khi dịch bùng phát lần 2, đánh giá sơ bộ là tác động đến ngành du lịch và vận tải hành khách. Khách du lịch cả nước đã hủy tour, hủy hợp đồng, tác động đến một số ngành. Bộ KHĐT đang nghiên cứu, thu thập số liệu để đưa ra dự báo trong tình hình mới.

Bộ Công an lên tiếng về nghi vấn Tenma hối lộ

Cũng trong cuộc họp báo, thông tin về cuộc điều tra nghi vấn công ty Tenma hối lộ để trốn thuế, Bộ Công an cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an đã chỉ đạo các cục chức năng, chỉ đạo công an Bắc Ninh, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, tiến hành điều tra xác minh làm rõ, đồng thời có văn bản đề nghị thanh tra bộ Tài chính tiến hành thanh tra việc tiến hành nghĩa vụ nộp thuế của Tenma.

Thiếu tướng Tô Ân Xô lưu ý, do Tổng giám đốc đại diện pháp luật của công ty Tenma và Giám đốc hành chính sản xuất của Tenma đều xuất cảnh về Nhật Bản trước khi dịch Covid-19 bùng phát và đến nay chưa trở lại Việt Nam nên đến nay cơ quan điều tra Bộ Công an chưa thể làm việc trực tiếp với 2 đại diện này.

“Hiện nay Bộ Công an phối hợp Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và các cơ quan liên quan để thu thập thông tin, tài liệu từ phía Nhật Bản để phục vụ điều tra”, Thiếu tướng Tô Ân Xô thông tin thêm.
Thảo luận