Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ, trách nhiệm của Chỉ huy trưởng Biên phòng là điều hành bảo vệ tuyến biên giới: Anh nào để xảy ra vượt biên trái phép phải chịu trách nhiệm. Ai có biểu hiện vi phạm thì xử lý nghiêm, cần thiết có thể cách chức, xử lý cán bộ, phải triệt phá bằng được các đường dây đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Bắt hai kẻ cầm đầu đường dây đưa người Trung Quốc vào TP.HCM
Đêm 30/7, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã bắt khẩn cấp hai đối tượng cầm đầu đường dây đưa người Trung Quốc vượt biên trái phép qua cửa khẩu Lào Cai để vào TP.HCM.
Sáng 31/7, một lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai xác nhận, cơ quan cảnh sát đã bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Trịnh Văn Hưng (sinh năm 1972, trú tại đường 7B, khu tái định cư Đắc Lành, phường Phước Đông, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và Nguyễn Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1971, trú tại số nhà 015, đường M17, thôn Hồng Hà, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai).
Theo kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Lào Cai, vào thời điểm đầu tháng 4/2020, đối tượng Nguyễn Thị Thanh Nhàn có quen biết với một người Trung Quốc tên là A Ma.
Công dân Trung Quốc này có đề cập vấn đề với Nhàn về việc cần tìm thuê xe ô-tô để chở người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng đường mòn khu vực biên giới Việt – Trung.
Theo lời A Ma, những đối tượng người Trung Quốc này sau khi “chuồn” trót lọt vào Việt Nam thì sẽ được chở vào thành phố Hồ Chí Minh để kiếm việc làm thuê.
Nếu thành công, mỗi chuyến xe từ Lào Cai vào TP.HCM, A Ma sẽ trả cho Nhàn 25 triệu đồng.
Đối tượng Nguyễn Thị Thanh Nhàn sau đó đã liên hệ với Nguyễn Trịnh Văn Hưng để thuê xe ô tô từ thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) ra Lào Cai, đón số người Trung Quốc vượt biên nhập cảnh trái phép vào thành phố Hồ Chí Minh.
Mỗi chuyến xe như vậy Nhàn trả cho Hưng 23 triệu đồng, còn 2 triệu Nhàn giữ lại để tiêu xài cá nhân.
Theo cơ quan điều tra, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 4/2020 đến ngày 27/7, Nhàn và Hưng đã móc nối với A Ma và nhiều đối tượng liên quan khác đưa đón trót lọt 6 chuyến xe chở người Trung Quốc vào thành phố Hồ Chí Minh.
Đến ngày 27/7, bằng thủ đoạn tương tự, các đối tượng bố trí 2 xe lên Lào Cai đón thêm 10 người Trung Quốc để đi vào thành phố Hồ Chí Minh thì bị Công an thành phố Lào Cai phát hiện, bắt giữ.
Hiện, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Lào Cai đang đấu tranh, điều tra mở rộng vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bắt giữ 45 đối tượng nhập cảnh trái phép ở Quảng Ninh
Ngày 30/7, Đồn Biên phòng Bắc Sơn (tỉnh Quảng Ninh) đã liên tục bắt giữ 2 nhóm đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tại khu vực Mốc 1364(2)+300 thuộc thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Cụ thể, khoảng 15h chiều ngày 30/7, Đồn Biên phòng Bắc Sơn phát hiện nhóm 16 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua sông biên giới. Nhóm này gồm 10 nam và 6 nữ.
Những đối tượng này khai nhận từ cuối năm 2019 đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc qua các đường mòn, lối mở các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng. Tất cả đều đi lao động “chui” tại một số xưởng sản xuất ở Quảng Tây (Trung Quốc).
Đến khoảng 18h cùng ngày, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Sơn lại phát hiện một nhóm 29 người nhập cảnh trái phép cũng tại khu vực này.
Vậy là chỉ trong một ngày, tại cùng một khu vực, Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã phát hiện và bắt giữ 45 người nhập cảnh trái phép. Những người này đã được đưa về khu cách ly tại TP Móng Cái.
Theo Đồn trưởng Đồn biên phòng Bắc Sơn, Trung tá Đặng Toàn Dân cho biết, những người nhập cảnh trái phép này là công dân Việt Nam đến từ các tỉnh Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Lạng Sơn, Bắc Giang… Họ vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm.
Sau khi Covid-19 bùng phát và lực lượng chức năng sở tại truy quét, họ tìm cách quay trở về nước.
“Đồn biên phòng Bắc Sơn đã cử thêm lực lượng túc trực trên toàn tuyến biên giới, kiên quyết không để người vượt biên đi sâu vào trong nội địa”, trung tá Dân cho biết.
Cơ quan chức năng sau đó đã lập biên bản, xử lý theo quy định và bàn giao tất cả số công dân nói trên để đưa đi cách ly tập trung tại Trung tâm y tế TP Móng Cái, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Một đồn biên phòng bắt giữ gần 2.500 người
Trung tá Nghiêm Duy Khiêm - Đồn trưởng Đồn biên phòng Xín Cái (đồn phụ trách tuyến đường biên của hai xã Xín Cái và Thượng Phùng có tổng chiều dài đường biên gần 24km) cho biết, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đồn đã thành lập 5 chốt kiểm dịch, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh.
Trung tá Khiêm cho hay, nếu tuyến biên giới huyện Mèo Vạc có chiều dài gần 50km thì riêng Đồn biên phòng Xín Cái đã quản lý 24km. Đặc biệt, tuyến đường biên do đồn quản lý thuộc loại phức tạp nhất tỉnh Hà Giang khi hầu hết các vụ nhập cảnh trái phép đều được phát hiện, bắt giữ tại đây.
“Từ sâu trong nội địa Trung Quốc để vào Việt Nam thì đi tuyến đường về khu vực giáp biên thuộc huyện Mèo Vạc là gần nhất. Nếu đi về đường Lạng Sơn, Quảng Ninh thì xa hơn và các tuyến đó còn có hàng hóa xuất nhập cảnh nên việc kiểm tra, kiểm soát rất chặt. Vì vậy, các chủ sử dụng lao động, người lao động từ Trung Quốc về gần đây đều đi hướng Mèo Vạc. Do đó, chỉ riêng một Đồn biên phòng Xín Cái từ tháng 2 đến nay chúng tôi đã phát hiện, bắt giữ gần 2.500 người nhập cảnh trái phép, chủ yếu là người lao động Việt Nam”, Đồn trưởng Khiêm cho hay.
Ngoài ra, cũng theo Trung tá Khiêm, có ba vụ với trên 30 công dân quốc tịch Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Đồn Xín Cái sau đó đã tiến hành lập biên bản vi phạm và trao trả ngay cho phía Trung Quốc. Hiện nay, trên địa bàn xã Xín Cái, Thượng Phùng, chính quyền và đồn biên phòng đã lập hai điểm cách ly ngay sát biên giới với 600 người đang cách ly.
Trung tá Khiêm cho biết, đa phần người dân nhập cảnh trái phép trở về từ Trung Quốc là lao động tự do đi làm thuê sâu trong nội địa Trung Quốc, cách biên giới 2.000 - 3.000km. Trong bối cảnh dịch bệnh, lũ lụt tại nước bạn nên hoạt động sản xuất bên Trung Quốc đình trệ, người lao động mất việc. Do đó, từ đầu tháng 7 đến nay lượng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam rất đông.
Ngoài người lao động, cũng có một số người lấy chồng Trung Quốc trở về Việt Nam để hoàn thiện thủ tục giấy tờ kết hôn. Có người ở Trung Quốc nhiều năm nay, vì lần này hết việc nên về thăm người thân. Có người mới sang phải trở về vì người nhà đau ốm.
Số người nhập cảnh trái phép tăng
Tối 29/7, lực lượng biên phòng ở chốt kiểm dịch liên ngành mốc 450 đã tiến hành bắt giữ nhóm 9 người Việt nhập cảnh trái phép.
Chốt trưởng chốt kiểm dịch, Thượng úy Nguyễn Xuân Cháng cho biết, đây là nhóm nhập cảnh trái phép thứ 3 trong ngày mà chốt kiểm dịch bắt giữ. Trước đó, 4h sáng 29/7, đội của Thượng úy Cháng đã bắt giữ 8 người nhập cảnh trái phép. Đến 13h cùng ngày, một nhóm 16 người cũng bị bắt giữ tại chốt kiểm dịch liên ngành mốc 450.
Như vậy, chỉ một ngày, một chốt kiểm dịch nơi biên giới đã bắt giữ được 33 người nhập cảnh trái phép và đây chỉ là một trong số 5 chốt kiểm dịch của Đồn biên phòng Xín Cái lập nên, nằm trên 24km đường biên. Bên cạnh 5 chốt kiểm dịch này, đồn biên phòng cũng như cán bộ, chiến sĩ ở các chốt liên tục thay nhau tuần tra bất kể ngày đêm.
“Từ đầu tháng 7 đến nay, hầu như ngày nào chốt chúng tôi cũng bắt giữ người nhập cảnh trái phép. Cao điểm một đêm giữa tháng 7, chốt chúng tôi bắt giữ hơn 100 người”, Thượng úy Nguyễn Xuân Cháng cho hay.
Trong khi đó, Thiếu tá Nguyễn Đức Oanh - chính trị viên Đồn biên phòng Sơn Vĩ (xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc) - cho biết đồn đang tạm giữ 68 công dân Việt Nam từ Trung Quốc nhập cảnh trái phép về nước. Những người này hiện đang được cách ly ngay tại trạm kiểm soát biên phòng của đơn vị.
“Tuy không nhiều như bên Xín Cái, Thượng Phùng nhưng từ tháng 6 đến nay số người nhập cảnh trái phép qua địa bàn đồn phụ trách có chiều hướng gia tăng. Lúc nào cũng có 70 - 80 người bị bắt giữ, đưa vào cách ly. Những ngày giữa tháng 7, điểm cách ly của trạm biên phòng gần như quá tải với trên 100 người”, thiếu tá Oanh nói.
Chỉ huy các đồn biên phòng cho hay, tất cả những người nhập cảnh trái phép đều được đưa vào khu cách ly, mỗi ngày được chính quyền hỗ trợ tiền ăn 3 bữa với mức ăn 80.000 đồng/người/ngày. Mỗi ngày, lực lượng y bác sĩ của huyện vào lấy mẫu máu xét nghiệm để sàng lọc. Trong trường hợp phát hiện ai có dấu hiệu mắc bệnh sẽ được chuyển ra ngoài bệnh viện đa khoa huyện.
Về phần mình, thượng tá Nguyễn Tiến Minh - phó chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang cho biết, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép qua Hà Giang rất phức tạp khi tỉnh này có gần 280km đường biên giáp Trung Quốc.
“Trên tuyến biên giới có rất nhiều đường mòn, lối mở và đặc điểm biên giới Hà Giang là chạy song song trên đất liền nên người dân hai bên có thể dễ dàng qua lại. Từ đầu mùa dịch, biên phòng tỉnh đã thiết lập 60 chốt kiểm dịch, kiểm soát đặt dọc đường biên, bên cạnh đó còn có 15 tổ tuần tra cơ động. Và hiện nay, khi tình hình xuất nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, tỉnh đã quyết định tăng cường lực lượng cho các đồn biên phòng”, thượng tá Minh cho biết.
Bộ Quốc phòng: Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát biên giới
Về vấn đề siết chặt tình trạng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, tăng nguy cơ lây nhiễm coronavirus từ bên ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đều có chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường siết chặt, kiểm soát biên giới, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Cụ thể, phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, từ đầu năm đến nay bộ đội Biên phòng đã ngăn chặn trên 16.000 người nhập cảnh trái phép, khởi tố 30 vụ án với 70 người liên quan. Đây là những con số rất lớn thể hiện sự quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của lực lượng biên phòng, giúp ngăn chặn nguy cơ lây lan từ bên kia biên giới.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Phúc, đường dây đưa đón người nhập cảnh trái phép qua biên giới gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài. Chỉ riêng trong tháng 7 đã có trên 2.400 người bị bắt giữ khi cố tình xâm nhập qua đường mòn, lối mở. Trong đó, nhiều người cố tình trốn cách ly bằng cách chui gầm xe, nấp trong các kiện hàng.
“Người nước ngoài nhập cảnh trái phép thường tìm cách móc nối thông qua mạng xã hội, qua cư dân làm ăn bên kia biên giới và thuê người Việt Nam đưa đường. Số này chúng tôi đều khởi tố để điều tra ban đầu, 15 ngày sau bàn giao cho công an. Một số khác xử lý hành chính, đưa vào khu cách ly rồi trao trả lại phía Trung Quốc", Thiếu tướng Lê Văn Phúc cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu cũng nêu ý kiến, Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài trên 5.000km mà chỉ có 1.600 tổ, chốt, với khoảng 7.000 lĩnh biên phòng “bám biên” thì là “quá mỏng”.
Các lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng nhận định, tội phạm tổ chức theo dõi cán bộ, chiến sĩ, thấy chỗ nào sơ hở thì lợi dụng đưa người nhập cảnh trái phép. Hơn nữa, biên giới Việt Nam với các nước láng giềng là biên giới mở nên nguy cơ xuất nhập cảnh trái phép rất cao.
Thời gian tới, bộ đội biên phòng tiếp tục đấu tranh với các vi phạm về xuất nhập cảnh và siết chặt quản lý bộ đội.
“Nếu có trường hợp vi phạm, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định”, Thiếu tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh Biên phòng khẳng định.
Theo đó, Bộ Tư lệnh Biên phòng đã tăng cường đoàn kiểm tra, chấn chỉnh và động viên cán bộ chiến sĩ, kích hoạt toàn bộ lực lượng kiểm soát đường mòn, lối mở, đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là trinh sát điều tra các đường dây đưa người xuất nhập cảnh trái phép.
Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Lê Đức Thái đề nghị Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ chỉ đạo địa phương tăng cường lực lượng cùng với biên phòng tuần tra, kiểm soát biên giới, vì “nhân dân mới là chủ thể bảo vệ biên giới, biên phòng là nòng cốt, các lực lượng khác cùng tham gia”.
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Bộ Quốc phòng phát biểu cho biết, ông đồng tình với quan điểm, bên cạnh dân quân, công an địa phương, sẽ tăng cường lực lượng các quân khu cùng biên phòng chốt chặt biên giới.
“Trách nhiệm của Chỉ huy trưởng Biên phòng là điều hành bảo vệ tuyến biên giới. Anh nào để xảy ra vượt biên trái phép phải chịu trách nhiệm. Ai có biểu hiện vi phạm thì xử lý nghiêm, cần thiết có thể cách chức, xử lý cán bộ, đồng thời phối hợp công an, địa phương triệt phá cho được các đường dây đưa người nhập cảnh trái phép”, Thượng tướng Trần Đơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thượng tướng Trần Đơn cũng đồng ý với giải pháp chuyển quân mỗi tháng một lần để đảm bảo sức khỏe cho lực lượng các chiến sĩ phải gồng mình canh biên giới. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu Bộ Tư lệnh Biên phòng chỉ đạo tổ chức ăn, ở, đảm bảo đầy đủ thuốc men, theo trang bị, phòng hộ cho bộ đội làm nhiệm vụ lâu dài, tránh để ốm đau, bệnh tật, ảnh hưởng sức khỏe.
“Tổng cục Hậu cần, Cục Quân y không được để thiếu trang thiết bị phòng chống dịch”, Thượng tướng Trần Đơn nêu rõ.