Dù bị Covid-19 đe dọa nhưng Việt Nam vẫn làm được nhiều điều bất ngờ

Bất chấp dịch bệnh do coronavirus đang diễn biến hết sức phức tạp, cả nước “quay cuồng” chống Covid-19, nhưng 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam vẫn xuất siêu 6,5 tỷ USD, vượt xa so với mức 1,98 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.
Sputnik

Trong khi đó, Ngân hàng HSBC tin rằng Việt Nam sẽ khống chế tốt đại dịch SARS-CoV-2, nền kinh tế đã có dấu hiệu bình thường trở lại, Việt Nam sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2020 và là quốc gia duy nhất tại ASEAN có tăng trưởng dương trong năm nay.

Mặc Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn xuất siêu 6,5 tỷ USD

Đại diện Bộ Công thương trong báo cáo tình hình hoạt động ngành Công nghiệp và Thương mại tháng 7 và bảy tháng đầu năm 2020 cho biết, trong tháng 7 này, xuất khẩu đã đem về cho Việt Nam khoảng 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Lũy kế tháng 7, xuất khẩu ước đạt 145,79 tỷ USD (tăng 0,2%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, sau 7 tháng, con số xuất siêu của Việt Nam đã lên tới 6,5 tỷ USD, vượt xa so với 1,98 tỷ USD của 7 tháng năm 2019.

Cụ thể, báo cáo của Bộ Công thương nêu rõ, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7 tăng 0,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 10,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,9%.

Có thể nói, dù chỉ tăng trưởng nhẹ 0,2% nhưng đặt trong bối cảnh chung của toàn thị trường, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động nặng nề đến hoạt động giao thương toàn cầu thì đây là một điểm sáng đáng khen ngợi của xuất khẩu Việt Nam.

Theo báo cáo, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn là trụ cột chính dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành, với kim ngạch xuất khẩu đạt 122,6 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hầu hết các nhóm hàng còn lại đều bị sụt giảm.

“Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực vẫn còn khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp”, Bộ Công thương nhận định.
Dù bị Covid-19 đe dọa nhưng Việt Nam vẫn làm được nhiều điều bất ngờ

Tuy nhiên, ở phương diện tích cực hơn, các thị trường đối tác chiến lược lớn nhất của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật, với mức tăng trưởng lần lượt là 15% và 18,4%.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 7 tháng, cả nước đã có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên một tỷ USD, chiếm 87% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo: Tại sao không?
Đây là tín hiệu vô cùng quan trọng khi xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh do coronavirus gây ra.

Với những diễn biến tích cực trên cùng với khu vực kinh tế trong nước đã có những dấu hiệu tích cực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 50,76 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bộ Công thương, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại các nước thuộc Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Ấn Độ. Thêm vào đó, số nước khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, mở cửa biên giới lại phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại đã ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại.

Trong 7 tháng năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn nhưng EVFTA sẽ là lợi thế lớn

Báo cáo ngày 31/7 của Bộ Công thương cũng nêu rõ, trong những tháng đầu năm cũng chứng kiến sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu ở hầu hết các thị trường trọng điểm của Việt Nam.

Cụ thể nhất là xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) trong 7 tháng chỉ đạt 19,5 tỷ USD, giảm 5,9%; thị trường ASEAN đạt 12,8 tỷ USD, giảm 15,2%; Nhật Bản đạt 10,9 tỷ USD, giảm 5%;Hàn Quốc đạt 10,7 tỷ USD, giảm 0,4%...

Ngoài ra, cùng theo xu hướng chung, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng đi xuống do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Đơn cử, nhóm hàng nông, lâm thủy sản, sau 7 tháng ước đạt 13,7 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ, trong khi nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản sụt giảm tới 36% và chỉ đóng góp được khoảng 1,7 tỷ USD.

Dù bị Covid-19 đe dọa nhưng Việt Nam vẫn làm được nhiều điều bất ngờ

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, tính chung 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 61,86 tỷ USD, tăng 1,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 77,47 tỷ USD, giảm 6,2%.

Về thị trường nhập khẩu của Việt Nam, Bộ Công thương cho biết, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 41,6 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua EVFTA – sự kiện mong chờ từ lâu
Tiếp đến Hàn Quốc đạt 24,3 tỷ USD, giảm 9,2%, ASEAN đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,3%; Nhật Bản đạt 11,2 tỷ USD, tăng 5,1%, Hoa Kỳ đạt 8,3 tỷ USD, tăng 2,5%, EU đạt 8,3 tỷ USD, tăng 6%.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ còn nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với việc EVFTA chính thức có hiệu lực kể từ 1/8/2020, Bộ Công thương kỳ vong Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa và doanh nghiệp của Việt Nam.

Bên cạnh đó, nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU.

“Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ”, Bộ Công thương nhận định.

Ngày 28/7, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã tổ chức diễn đàn chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).

Cú sốc Covid-19: Chờ đợi gì ở kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020?
Có hơn 500 doanh nghiệp tham gia sự kiện này. Tại đây, Bộ Công Thương đã khai trương nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (ECVN) phiên bản 2020 nhằm hỗ trợ tối đa hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp khối EU và Việt Nam.

Trong nhóm giải pháp được lãnh đạo các cơ quan ban ngành và các đại biểu bàn đến chính là tập trung vào việc quảng bá, nâng cao thương hiệu, phát triển các chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt có kim ngạch xuất khẩu lớn cũng như lợi thế của Việt Nam sang EU, bao gồm: Dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, gạo, đường, gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm rau quả tươi và chế biến, điện thoại, máy móc, máy vi tính.

Phát biểu về giải pháp đối với xuất khẩu Việt Nam trong giai đoạn khó khăn này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, kinh tế số là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

HSBC: Việt Nam sẽ là nước duy nhất tăng trưởng dương ở ASEAN năm 2020

Ngân hàng HSBC vừa có báo cáo về thị trường cận biên tại châu Á, trong đó đánh giá khả năng kiểm soát tốt đại dịch do coronavirus của Việt Nam sẽ giúp quốc gia này đạt mức tăng trưởng tích cực và là nước duy nhất ở khu vực ASEAN đạt tăng trưởng trong năm 2020 nhiều sóng gió này.

“Việt Nam là quốc gia tăng trưởng dài hạn tốt nhất tại châu Á và là thị trường cận biên được HSBC khuyến khích nhất cho nhà đầu tư”, HSBC khẳng định.

Lý giải về những nhận định này, phía HSCB cho biết, có hàng loạt nguyên nhân. Theo đó, những dấu hiệu tích cực của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam được giữ vững, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ổn định, khả năng khống chế dịch Covid-19 tốt, cải cách chính sách cho sở hữu nước ngoài cũng như giảm nợ công, đầu tư công cao sẽ thúc đẩy nhu cầu tại nhiều mảng kinh tế ngắn hạn là hàng loạt các yếu tố khiến HSBC đánh giá cao và thể hiện niềm tin ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc GDP quý II của Việt Nam tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp dịch Covid-19, cho thấy nền kinh tế đang dần lấy lại được đà phát triển, đồng thời, công cuộc cải cách chính sách và nới lỏng tỷ lệ sở hữu cho người nước ngoài sẽ tạo thêm cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Ngân hàng HSBC, giá cổ phiếu của Việt Nam hiện đang ở mức rẻ và thị trường vẫn đang được lèo lái bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ địa phương.

Do đó, HSBC đánh giá, cơ hội vẫn còn rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, HSBC nhận định bất kỳ phiên điều chỉnh giảm nào của thị trường cũng sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư tham gia.

“Với triển vọng tăng trưởng dài hạn, HSBC cho rằng nhà đầu tư nước ngoài không cần phải tốn nhiều công sức để gặt hái lợi nhuận khi đổ tiền vào Việt Nam”, báo cáo của Ngân hàng cho biết.

World Bank tin kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng cao thứ 5 thế giới
Đáng chú ý, như đã nêu trong báo cáo trước đó vào ngày 28/5, HSBC nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam không còn chỉ hưởng lợi nhờ ưu thế địa lý và xu thế thuê ngoài nữa. Thay vào đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những động lực tăng trưởng từ nội địa và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài hơn.

Sau hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm mới tại cộng đồng, Việt Nam bắt đầu ghi nhận những trường hợp dương tính với coronavirus trở lại. Tuy nhiên đây là tình hình chung của khu vực khi tại những trung tâm tài chính lớn như Hong Kong cũng đang bùng phát dịch mạnh mẽ.

HSBC cho rằng, điều này chứng tỏ dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt trên thế giới và nhà đầu tư cần đánh giá cẩn thận dựa trên tình hình từng quốc gia.

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng HSBC tin rằng Việt Nam sẽ khống chế tốt được tình hình nếu làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 bùng phát. Nhận định này được đưa ra dựa trên việc dịch bệnh đang lây lan phức tạp hơn nhiều tại các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, châu Á.

Thêm vào đó, HSBC cũng tin tưởng Việt Nam sẽ mở rộng thị phần xuất khẩu bất chấp việc giao thương trên toàn cầu bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19.

Dù bị Covid-19 đe dọa nhưng Việt Nam vẫn làm được nhiều điều bất ngờ

Đối với nhận định lạc quan về tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, theo HSBC, quốc gia Đông Nam Á này đã ký kết thành công và là thành viên của hàng loạt Hiệp định, thỏa thuận về tự do thương mại. Do đó, HSBC đánh giá, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI nhất sau Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam đang dần tiến lên trong chuỗi cung ứng khi cải thiện được năng suất lao động và chi phí sản xuất.

“Khả năng ứng phó và kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 cùng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến ngày càng nhiều công ty dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam”, HSBC nhận định.

Đơn cử như truyền thông gần đây đưa tin cho biết, Nhật Bản có ý định chuyển khoảng 30 công ty từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á và khoảng 50% số công ty này có ý định chuyển cứ điểm sang Việt Nam.

“Với lợi thế chi phí thấp, chính sách thuế hợp lý, lợi thế về địa lý, cơ sở hạ tầng được cải thiện và một nguồn nhân lực trẻ, có kinh nghiệm, Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài”, HSBC khẳng định.
GDP Việt Nam sẽ tăng 3% năm 2020

Trong báo cáo của mình, Ngân hàng HSBC cũng đưa ra dự báo khẳng định, dù dịch bệnh do coronavirus diễn biến phức tạp, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu bình thường trở lại.

“GDP quý II đạt 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2020 và là quốc gia duy nhất tại ASEAN có tăng trưởng dương trong năm nay”, HSBC nhấn mạnh.

Trong báo cáo, HSBC cho biết, doanh số bán lẻ tại Việt Nam đã bật tăng 6,2% vào tháng 6/2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất công nghiệp cũng tăng 7% so với năm ngoái và tăng 2,7% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, hàng loạt quyết sách “lịch sử” và “chưa từng có” được Chính phủ triển khai. Điển hình như, chính phủ Việt Nam đã chi tới 30 tỷ USD ngân sách cho đầu tư công trong năm 2020, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng dài hạn.

GDP Việt Nam năm nay có thể tăng trưởng âm
HSBC cũng thẳng thắn, về cơ sở hạ tầng, Việt Nam còn kém nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này đã tích cực đầu tư những năm gần đây.

Với những phân tích, nhận định lạc quan trên, HSBC tin rằng Việt Nam đang có xu thế trở thành thị trường cận biên lớn nhất tại châu Á sau Kuwait được đưa lên thành thị trường mới nổi bởi MSCI.

Trong khảo sát mới đây của Bloomberg cũng cho thấy, chỉ có nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương trong năm nay tại khu vực ASEAN.

Theo đánh giá của Bloomberg, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,8% trong năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng các nền kinh tế ASEAN khác đều theo chiều hướng giảm. Dự báo GDP Thái Lan sụt tới 6%, Singapore giảm 5,7%, Malaysia lao dốc 3,9%, Philippines và Indonesia hạ lần lượt 3,5% và 1%.

Trong năm 2021, theo đánh giá của nhóm chuyên gia Bloomberg, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất ASEAN với mức tăng GDP 8,1%. Tiếp đến là Philippines với 7,5%, Malaysia 5,7%, Indonesia 5%, Singapore 4,8% và cuối cùng là Thái Lan 4%.

Thảo luận