Ngày 27/7, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến cả năm 2020 chỉ đạt 6,5 triệu tấn. Đồng thời, nhiều khả năng Thái Lan sẽ bị tụt từ vị trí thứ 3 xuống thứ 5 trong danh sách các nhà xuất khẩu gạo toàn cầu trong thập niên tới nếu nước này không phát triển các chính sách tăng tính cạnh tranh cho mặt hàng gạo.
Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 2,9 triệu tấn và 1,41 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu gạo Thái Lan chỉ đạt 2,57 triệu tấn đạt giá trị 54,2 tỷ Bạt (baht), giảm 31,9% về khối lượng và 13,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam vượt qua Thái Lan, vươn lên vị trí số 2 thế giới về xuất khẩu gạo.
Xuất khẩu gạo Thái Lan rớt hạng vì Covid-19
Theo thông tin cho biết từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, dự kiến trong năm 2020 lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan chỉ đạt 6,5 triệu tấn.
Xứ sở chùa Vàng nhiều khả năng sẽ bị rơi từ vị trí thứ 3 xuống thứ 5 trong danh sách các nước xuất khẩu gạo toàn cầu trong thập niên tới nếu quốc gia này không có các chính sách tăng cường tính cạnh tranh cho mặt hàng gạo.
Số liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho thấy, trong năm nay 2020 xuất khẩu gạo nước này có thể chỉ đạt 6,5 triệu tấn. Đây được xem là mức thấp nhất ghi nhận trong 1 thập niên trở lại đây, thậm chí thấp hơn mức dự báo 7,5 triệu tấn đã được đưa ra trước đó.
Lý do cho sự sụt giảm nghiêm trọng này được cho là do đại dịch Covid-19 đã làm giảm nhu cầu gạo trên toàn cầu. Ngoài ra, còn có nguyên nhân bởi đồng Bạt tăng giá và tình trạng hạn hán kéo dài làm giảm sản lượng.
Theo ghi nhận vào tuần thứ 3 của tháng 7, giá gạo 5% tấm của Thái Lan dao động ở mức 520 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo đồng hạng của Việt Nam và Ấn Độ lần lượt vào khoảng 440-450 USD/tấn và 360 USD/tấn.
Tính tổng 5 tháng đầu năm 2020, Thái Lan đã xuất khẩu 2,57 triệu tấn gạo, thu về 54,2 tỷ Bạt, giảm 31,9% về khối lượng và và 13,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay Thái Lan đang đứng thứ hạng thứ 3 sau Ấn Độ và Việt Nam. Mỹ, Nam Phi, Angola, Trung Quốc và Nhật Bản là những đối tác nhập khẩu gạo hàng đầu của Thái Lan. Nửa cuối năm 2020, xứ sở chùa Vàng dự kiến xuất khẩu khoảng 3,5 triệu tấn gạo.
Giới chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng Thái Lan sẽ tụt từ vị trí thứ 3 xuống thứ 5 trong danh sách các nước xuất khẩu gạo toàn cầu trong thập niên tới nếu thiếu các chính sách dài hạn để tăng cường tính cạnh tranh cho mặt hàng gạo. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan cũng hết sức chú trọng đến mặt hàng thịt lợn.
Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến Thái Lan
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, thời gian gần đây, việc dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Trung Quốc và các nước láng giềng như Thái Lan đã khiến nhu cầu xuất khẩu lợn tăng.
Trong bối cảnh đó, nhằm làm giảm giá thịt lợn, ngành chăn nuôi lợn ở Thái Lan đã chấp nhận xóa bỏ khâu trung gian sau khi Bộ Thương mại quốc gia này cho biết sẽ giảm xuất khẩu thịt lợn do thiếu nguồn cung và giá tăng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà chăn nuôi lợn Thái Lan Piwat Pongwiwatchai cho biết, theo chương trình “Thịt lợn chống Covid-19”, thịt lợn sẽ được bán với mức giá 130 bạt/kg. Đây là chương trình do Hiệp hội này phát động, kéo dài từ ngày 21/7 đến ngày 7/8/2020.
Hiệp hội các nhà chăn nuôi lợn Thái Lan cũng sẽ phối hợp với Bộ Thương mại Thái Lan ấn định giá thịt hơi ở mức 80 bạt/kg để giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng không vượt 160 bạt/kg, dù cho giới chăn nuôi đang phải đối mặt với việc thua lỗ trong hơn 3 năm.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến Thái Lan, buộc 1.336 doanh nghiệp phải dừng hoạt động trong tháng 6/2020. Trong số đó, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản và dịch vụ tư vấn quản lý, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái và 48% so với tháng 05/2020.
Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm 2020, có 6.227 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới chỉ đạt 33.337 doanh nghiệp, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn đăng ký đạt 105 tỷ bạt, giảm 13%.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Thái Lan đã xây dựng chương trình phục hồi kinh tế; đồng thời có kế hoạch nâng cấp các chương trình Quỹ làng, bao gồm khoảng 7000 chương trình thuộc cấp C lên cấp A và B nhằm đáp ứng các tiêu chí về năng lực quản lý, lợi tức đầu tư hấp dẫn, tài chính, chăm sóc thành viên. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nâng cấp các chương trình Quỹ Làng A và B nhằm gia tăng tính hiệu quả của chương trình.
Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho rằng, đây là một phần nội dung trong chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ Thái Lan.
Theo dự kiến, ngân sách thực hiện chương trình rơi vào khoảng 40 tỷ Bạt, trích từ ngân sách 400 tỷ Bạt đã được Chính phủ sử dụng cho các hoạt động phục hồi kinh tế và xã hội.
Các chương trình này có mục tiêu nhằm phát triển sản phẩm, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập, xây dựng cộng đồng phục vụ ngành du lịch, giao thông và các hoạt động trực tuyến.
Việt Nam có thể vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo năm 2020?
Theo giới chuyên gia, cùng với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam đang có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay.
Thêm nữa, ngành xuất khẩu gạo Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp có hiệu lực. Điều này có thể không khiến kim ngạch xuất khẩu gạo tăng đột biến, tuy nhiên sẽ là cơ hội rất lớn để đa dạng hóa thị trường cho gạo xuất khẩu.
Đặc biệt, việc tham gia vào một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất thế giới cũng là cơ hội cho gạo Việt Nam quảng bá thương hiệu và thâm nhập được nhiều thị trường khác cũng làm tăng cơ hội cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Bên cạnh Hiệp định EVFTA, một số thuận lợi khác cũng đến với gạo Việt năm nay khi trong khuôn khổ tham vấn song phương với Hàn Quốc về việc nước này thuế hóa mặt hàng gạo trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc hai văn bản là Thỏa thuận nhiều bên giữa Hàn Quốc và 5 đối tác WTO (gồm Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam), về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan, Thư trao đổi song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phân bổ hạn ngạch thuế quan.
Kể từ ngày 1/1/2020, ngoài việc phân bổ 20 nghìn tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo. Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu.
Vì sao xuất khẩu gạo Việt Nam vượt trội hơn so với Thái Lan?
Trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 2,9 triệu tấn và 1,41 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu gạo Thái Lan chỉ đạt 2,57 triệu tấn đạt giá trị 54,2 tỷ baht, giảm 31,9% về khối lượng và 13,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, Việt Nam vượt qua Thái Lan, vươn lên vị trí số 2 thế giới về xuất khẩu gạo.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2020, giá gạo xuất khẩu đạt 485,1 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,5 triệu tấn và 1,71 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng và tăng 17,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Theo thống kê trong 5 tháng đầu năm, Philippines là nước nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất với 39,9% thị phần, với khối lượng đạt 1,3 triệu tấn và 598,6 triệu USD, tăng 23,1% về khối lượng và tăng 42,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng theo số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, trên thị trường thế giới giá gạo xuất khẩu Thái Lan trong tháng 6/2020 đã có tăng nhẹ so với tháng 5/2020.
Điều này là do tỷ giá đồng Baht tăng và có sự thiếu hụt nguồn cung do hạn hán. Việc giá gạo tăng cao đã khiến cho gạo Thái Lan trở nên kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia xuất khẩu chính khác như Ấn Độ và Việt Nam.
Trong khi đó, do tỷ giá đồng Rupee giảm, cũng như nhu cầu đặt hàng từ các đối tác nước ngoài đang chững lại, gạo xuất khẩu Ấn Độ giảm nhẹ. Ngoài ra, tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng khiến chính phủ Ấn Độ khó có thể gỡ bỏ phong tỏa hoàn toàn, làm kéo dài tình trạng thiếu hụt lao động logistics.
Giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan tăng từ 490–512USD/tấn lên 505–533 USD/tấn (FOB Băng Cốc). Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm từ 368 – 373 USD/tấn xuống còn 366 – 372 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 26/3.
Trong khi đó, nguồn cung từ vụ thu hoạch Hè Thu tại Việt Nam đang dần được đưa ra thị trường, khiến cho giá gạo giảm nhẹ so với tháng trước. Gạo 5% tấm của Việt Nam giảm từ mức cao 475 USD/tấn xuống còn 450 USD/tấn (FOB TPHCM), mức thấp nhất trong gần 2 tháng.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho biết, triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam đang được mở ra khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) được Quốc hội thông qua.
Cam kết cụ thể EU dành cho Việt Nam là hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát; 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) và tự do hoá hoàn với gạo tấm. Sau 3 – 5 năm, thuế suất cho các sản phẩm từ gạo sẽ về mức 0%.