Trước đó, quân đội Trung Quốc cũng đã tiến hành tập trận chiếm quần đảo Đông Sa hiện do Đài Loan kiểm soát.
Trung Quốc cũng vừa thay thuật ngữ liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo PGS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Bắc Kinh bộc lộ ý đồ và âm mưu, dùng một mũi tên để bắn trúng 4 đích.
Đồng thời, Trung Quốc cũng dường như muốn gửi thông điệp đến Mỹ, rằng Bắc Kinh không dễ xuống thang trước các áp lực của Mỹ, khi căng thẳng Mỹ - Trung đang gia tăng mạnh mẽ.
Trung Quốc điều tiêm kích ra Trường Sa làm gì?
Những năm qua, Trung Quốc chiếm đóng toàn bộ các bãi cạn Vành Khăn, Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi ở quần đảo Trường Sa (mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền).
Bắc Kinh xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay, bãi đỗ, hệ thống radar hiện đại. Nghiên cứu được công bố bới Sảng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Hoa Kỳ) từ năm 2018 đã cho thấy, hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng ở các bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn, Xu Bi nhằm phục vụ cho các mục tiêu quân sự của Bắc Kinh, nhất là trong các đợt huấn luyện, tập trận phối hợp giữa các dòng tiêm kích hiện đại nhất của PLA với hệ thống tàu chiến ngày càng đáng gờm.
Benarnews ngày 4/8 thông tin cho biết, Trung Quốc đã triển khai tàu chiến cùng loạt tiêm kích ở quần đảo Trường Sa, Biển Đông.
Đây được xem là một trong những động thái mới nhất liên quan đến căng thẳng ở Biển Đông và là cơ hội để Bắc Kinh phô diễn sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Theo hình ảnh vệ tinh và truyền thông nhà nước Trung Quốc cho thấy, Bắc Kinh đã triển khai đưa chiến hạm và chiến đấu cơ thực hiện chuyến bay dài tới những căn cứ mà Trung Quốc chiếm giữ trên quần đảo Trường Sa, phần lãnh thổ đang tranh chấp, trong đó Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Động thái này diễn ra trước cuộc tập trận lớn đa phương dưới sự chỉ huy của lực lượng quân đội Hoa Kỳ theo kế hoạch từ ngày 17 đến 31 tháng 8 gần Hawaii. Đợt tập trận rầm rộ này sẽ có sự tham dự của nhiều quốc gia thuộc khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Được biết, một tàu Hải quân Philippines đã ra khơi phục vụ cho cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). Các quốc gia khác dự kiến cũng sẽ cử tàu tham dự cuộc tập trận này bao gồm Việt Nam, Australia, Brunei, Singapore, Nhật Bản, Malaysia và Indonesia.
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc có trụ sở tại tỉnh Hồ Nam đã phát sóng đoạn phim tài liệu về Lữ đoàn Không quân Trung Quốc (PLAAF) có liên quan đến cuộc tập trận cuối tuần qua.
Trong video, 4 chiến đấu cơ Su-30 được cho là thực hiện tiếp nhiên liệu trên không trong chuyến bay kéo dài 10 giờ tới Đá Subi, với chỉ huy của lữ đoàn đã phá vỡ kỷ lục trước đó của PLAAF cho các chuyến bay tầm xa và chứng tỏ khả năng của Trung Quốc có thể điều máy bay tới quần đảo Trường Sa bất kỳ lúc nào.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASI) - một phần của Đại học Không quân liên kết với Không quân Hoa Kỳ - đã chỉ ra rằng chỉ mất chưa đến 10 giờ để bay thẳng đến Đá Subi từ Trường Sa, lữ đoàn có khả năng đặt căn cứ tại Hồ Nam.
“Giả sử những gì trong video công bố là chính xác, Không quân Trung Quốc dường như đã thực hiện loạt chuyến bay đến và đi từ Trường Sa”, ông Brendan Mulvaney, Giám đốc CASI, cho biết.
Theo tính toán thì một chuyến bay kéo dài 10 giờ không có ý nghĩa gì. Đó là khoảng 1.300 dặm từ Changsa (Trường Sa – thủ phủ tỉnh Hồ Nam) đến quần đảo Trường Sa, thường chỉ mất 2-3 giờ đối với tốc độ bay bình thường. Chuyến bay trong vòng 10 giờ, cho thấy họ bay với tốc độ 260 dặm/ giờ, điều đó không thể xảy ra”, vị chuyên gia phân tích nói.
Thay vì kiểm tra độ bền của máy bay hoặc tính khả thi của chuyến bay, các chuyên gia phỏng đoán cuộc tập trận có khả năng nhằm kiểm tra thể lực của các phi công trong điều kiện bay đường dài mệt mỏi.
“Su-30 có khả năng duy trì các chuyến bay kéo dài 10 giờ đồng hồ với việc tiếp nhiên liệu trên không”, ông Mul Muley cho biết. Câu hỏi đặt ra là liệu một phi công có khả năng thực hiện điều đó hay không.
Đá Subi là một trong bốn hòn đảo nhân tạo lớn nhất của Trung Quốc tại Trường Sa, một quần đảo đá và rạn san hô ở nửa phía nam của Biển Đông mà Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc được cho là cũng đã điều hai chiến hạm tới Đá Vành Khăn, khoảng 150 dặm ngoài khơi đảo Palawan của Philippines. Hình ảnh vệ tinh cho thấy dường như tàu khu trục Type 054A và tàu hộ tống Type 056 đang phục vụ cho Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đi thuyền trong đầm phá mở rộng Đá Vành Khăn vào ngày Chủ nhật. Các tàu khác đang đến tiếp tế và đi từ căn cứ Đá Vành Khăn, cũng có thể nhìn thấy.
Vì sao Trung Quốc tập trận chiếm Đông Sa ở Biển Đông?
Tờ Mainichi, Nhật Bản ngày 3/8 đưa tin cho biết, Trung Quốc dự kiến sẽ thực hiện cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn nhằm chiếm giữ quần đảo Đông Sa (Pratas) do Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông vào tháng 8/2020.
Thông tin này được giáo sư, chuyên gia quân sự tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc (trực thuộc Quân Ủy Trung ương Trung Quốc) xác nhận.
Tuy nhiên, theo Mainichi, trong bài báo đăng trên tạp chí Hong Kong với quan điểm “thân” Trung Quốc số tháng 8, Giáo sư Li Daguang, một chiến lược gia quân sự nổi tiếng thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc không đề cập cụ thể ngày và địa điểm cho cuộc tập trận quy mô lớn của Quân đội nhân dân Trung Quốc.
Tờ báo Nhật Bản cũng cho biết, mặc dù thông tin vị chuyên gia quân sự của Trung Quốc vừa cung cấp không phải là mới, kế hoạch tập trận đã có từ tháng 5, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một nhân vật có liên quan mật thiết đến quân đội Trung Quốc lên tiếng thừa nhận một cách công khai.
Chuyên gia quân sự Li Daguang còn nhấn mạnh, mục đích cuộc tập trận lần này là để phục vụ cho kế hoạch đánh chiếm quần đảo Đông Sa do Đài Loan nắm quyền kiểm soát.
“Tùy thuộc vào nội dung của cuộc tập trận, căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể leo thang ở Biển Đông. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đã lên tiếng cảnh báo sẽ có những quyết sách cứng rắn chống lại hành động khiêu khích của Bắc Kinh”, tờ báo nhấn mạnh.
Trung Quốc đang tập trận rầm rộ ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng đối đầu Mỹ- Trung tăng cao, nhiều nước trong khu vực đồng loạt lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền, không gây phức tạp thêm tình hình ở khu vực tranh chấp cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trước đó, hôm 30/7, tờ Bưu điện Nam Hoa Buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh vừa triển khai chiến đấu cơ H-6G và H-6J tiến hành phối hợp tập trận ở Biển Đông.
Theo hình ảnh vệ tinh, một số lượng lớn máy bay ném bom H-6 tại căn cứ Lỗi Dương đã biến mất vào sáng 29/7.
Đáng chú ý là khoảng cách từ căn cứ này đến khu vực tập trận trong vịnh Bắc Bộ cũng xấp xỉ khoảng cách từ Lỗi Dương tới quần đảo Đông Sa.
Do đó, theo nhiều chuyên gia, khả năng cao H-6J và H-6G đã tham gia cuộc tập trận ngoài khơi bán đảo Lôi Châu, mô phỏng tình huống đánh chiếm quần đảo Đông Sa.
Nhằm phản ứng lại hành vi khiêu khích từ phía PLA, Mỹ đã phái tàu sân bay đến Biển Đông vào tháng 7, trong khi Đài Loan đã gửi lực lượng hàng hải của mình đến Quần đảo Đông Sa để thực hiện huấn luyện trong tháng 6.
Thời gian qua, tại Đài Loan, những lo ngại đang kéo dài dai dẳng liên quan đến việc chính phủ Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ cố gắng đạt được mục tiêu “ấp ủ bao lâu” là thống nhất Đài Loan với Đại lục, “bằng vũ lực nếu cần”.
Tại sao Trung Quốc lại thay đổi thuật ngữ liên quan đến Hoàng Sa?
Vừa qua, Trung Quốc đã công bố bản sửa đổi Quy tắc kỹ thuật để kiểm tra theo luật định tàu biển trong hành trình nội địa ban hành kể từ năm 1974 (sau thời điểm xảy ra hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974). Đồng thời, bản quy tắc mới này có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020.
Theo văn bản này, Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập “Vùng hàng hải Hải Nam – Tây Sa”. Cần nhớ, Tây Sa là tên gọi mà Bắc Kinh dùng để chỉ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974.
Thực tế, đây là khu vực nằm giữa hai điểm trên hai đảo Hải Nam và ba điểm trên quần đảo Hoàng Sa.
Việc Trung Quốc thay đổi thuật ngữ, gọi khu vực này là “vùng ven biển” để thay cho cụm từ “vùng biển ngoài khơi” trước đây làm dấy lên nhiều đồn đoán.
Về vấn đề này, PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng Cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, “Bắc Kinh dùng một mũi tên để bắn trúng bốn đích”.
Theo quan điểm của PGS. Vũ Thanh Ca chia sẻ trên VnExpress, có 4 mục đích khiến Bắc Kinh thay đổi thuật ngữ liên quan đến Hoàng Sa. Thứ nhất, Trung Quốc muốn tạo cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý vùng nước quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và vùng nước nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam theo “quy chế quản lý vùng ven biển”.
Đồng tình với nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Ths. Hoàng Việt, Đại học Luật TP.HCM, cũng cho rằng Bắc Kinh muốn biến khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam thành khu vực nội thuỷ của Trung Quốc.
Mục đích thứ hai theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Bắc Kinh muốn củng cố yêu sách Tứ Sa bằng cách nội luật hóa nó.
Theo vị chuyên gia, sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 ra phán quyết bác bỏ yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc, Bắc Kinh đã tìm cách bổ sung yêu sách Tứ Sa để tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với một vùng nước trên Biển Đông còn rộng hơn "Đường lưỡi bò".
Trên thực tế, yêu sách Tứ Sa được thực hiện bằng cách sử dụng đường cơ sở thẳng quần đảo, là đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể ngoài cùng của 4 nhóm đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
“Với đường cơ sở thẳng này, Trung Quốc coi vùng nước phía trong quần đảo Hoàng Sa là vùng nước quần đảo theo chế độ nội thủy. Trung Quốc cũng coi quần đảo Hoàng Sa có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Do đó Trung Quốc coi vùng nước nằm phía bắc quần đảo Hoàng Sa chồng lấn với EEZ tính từ đường cơ sở của đảo Hải Nam, làm cho vùng nước nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam trở thành "vùng ven biển”, PGS.TS Vũ Thanh Ca nhấn mạnh.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo cũng nêu mục đích thứ ba, Trung Quốc muốn tạo tiền lệ để thể chế hóa yêu sách Tứ Sa với các quần đảo và bãi ngầm khác trên Biển Đông.
“Thứ tư, Trung Quốc muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng việc các nước phản đối các yêu sách biển sai trái của Trung Quốc không làm Bắc Kinh thay đổi”, vị chuyên gia phân tích.
Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Trung Quốc cho thấy sẽ tiếp tục thực hiện hoá các yêu sách phi pháp của mình, khiến các quốc gia liên quan nản lòng, chấp nhận chia sẻ vùng biển thuộc chủ quyền của mình cho Bắc Kinh.
ThS. Hoàng Việt đề cập đến vấn đề rằng, thời gian qua số quốc gia tham gia vào "cuộc chiến công hàm" gia tăng.
Các nước thành viên ASEAN gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia đã gửi công hàm đến Liên Hợp Quốc, bác bỏ yêu sách phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Dù không nằm trong khu vực, tuy nhiên, Mỹ, Australia cũng có động thái chỉ trích dữ dội yêu sách chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc và cho rằng các yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc là “bất hợp pháp”và “không phù hợp” với luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, ThS Hoàng Việt cho rằng Trung Quốc có thể “đáp trả” ASEAN, sau khi lãnh đạo các nước thành viên ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN cuối tháng 6, bày tỏ quan ngại về diễn biến gần đây ở Biển Đông, kêu gọi các bên tuân thủ luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
“Trung Quốc cũng dường như muốn gửi thông điệp đến Mỹ, rằng Bắc Kinh không dễ xuống thang trước các áp lực của Mỹ, khi căng thẳng Mỹ - Trung đang gia tăng mạnh mẽ”, ông Việt nêu quan điểm.
Quy định của Trung Quốc liên quan đến Hoàng Sa trái với luật pháp quốc tế
Nhận định về giá trị pháp lý trong quy định mới của Trung Quốc, PGS. TS Vũ Thanh Ca, khẳng định quy định của Bắc Kinh liên quan đến Hoàng Sa hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế.
“Trung Quốc không phải là một “quốc gia quần đảo” nên việc nước này tuyên bố đường cơ sở thẳng cho quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, để nối hai điểm trên đảo Hải Nam và ba điểm trên quần đảo Hoàng Sa, là sai trái”, ông Ca nêu rõ.
Còn với thuật ngữ “vùng ven biển” (coastal) thay vì “vùng biển ngoài khơi” (offshore), nguyên Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo nêu rõ, các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa chỉ có lãnh hải 12 hải lý, không có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) để tạo ra “vùng ven biển” như Trung Quốc quy định.
Cũng theo UNCLOS, các đảo đá không phù hợp cho con người sinh sống hoặc không có đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có EEZ và thềm lục địa.
“Phán quyết của PCA năm 2016 đã giải thích rõ khái niệm "phù hợp cho con người sinh sống hoặc đời sống kinh tế riêng", tuyên bố rằng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa chỉ là các đảo đá, không có EEZ và thềm lục địa”, PGS.TS Vũ Thanh Ca khẳng định.
Vị chuyên gia nêu rõ, đối chiếu các lập luận của PCA đối với các đảo trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có thể thấy rằng các đảo này với các điều kiện tự nhiên của nó trước đây chưa bao giờ có một cộng đồng dân cư ổn định, coi đó là nhà và các hoạt động kinh tế chỉ thuần túy là các hoạt động khai thác tài nguyên, do đó Hoàng Sa không có EEZ và thềm lục địa.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo lưu ý các luận điểm trên của UNCLOS đã được nêu rõ trong các công hàm của Việt Nam và Australia gửi đến LHQ.
Trong công hàm gửi lên LHQ vào cuối tháng 3/2020, Việt Nam khẳng định “vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121(3) của Công ước, các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất”.
Trong Công hàm ngày 23/7 của Australia, nước này cho biết, không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc vẽ các đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể hàng hải hoặc 'nhóm đảo' trên Biển Đông, gồm cả “Tứ Sa”, các quần đảo “lục địa” hay “xa bờ”. Australia bác bỏ mọi yêu sách đối với vùng biển nội địa, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa dựa trên những đường cơ sở thẳng như vậy.
“Quy định mới của Trung Quốc là một bước đi tiếp theo trong chiến thuật diễn giải sai trái UNCLOS, để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông”, PGS.TS Vũ Thanh Ca khẳng định.
Thời gian tới, theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Trung Quốc có thể tiếp tục thể chế hoá các tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình, gia tăng căng thẳng trên Biển Đông để tiếp tục đe doạ các nước liên quan.
Trong khi đó, ThS. Hoàng Việt cũng cảnh báo Trung Quốc có thể đưa ra các quy định tương tự ở các khu vực đang kiểm soát, gồm 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa, nếu các nước không phản đối đủ mạnh. Đồng thời, Bắc Kinh có thể tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở quần đảo Hoàng Sa.
Những động thái lạ của Trung Quốc ở Biển Đông là “mũi tên trúng nhiều đích”, vừa phô diễn sức mạnh quân sự, vừa cảnh cáo Mỹ, “hù dọa” các nước láng giếng. Do đó, Việt Nam và các quốc gia ASEAN cần đoàn kết, cẩn trọng trong đàm phán COC với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.