Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Y tế cho biết sẽ hỗ trợ Hải Dương cách ly, dập dịch và xét nghiệm coronavirus.
Ngành y tế Việt Nam hiện cũng đang phân tích, giải mã gen virus corona gây bệnh được phát hiện ở Hải Dương, đồng thời đề nghị nâng mức cảnh báo, đẩy mạnh xét nghiệm và đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin.
Thêm 18 ca Covid-19: Có cả người Trung Quốc nhập cảnh trái phép nhiễm coronavirus
Hôm nay 14/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 thông tin cho biết Việt Nam đã ghi nhận thêm 18 ca mắc mới Covid-19, trong đó 15 ca tại Đà Nẵng, 02 ca tại Quảng Ngãi, 01 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP Hồ Chí Minh. Như vậy, đến lúc này Việt Nam hiện có 929 bệnh nhân. Có 12 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong hôm nay.
Bệnh nhân 912 tại TP. Hồ Chí Minh, theo Bộ Y tế cho biết, đây là nam, 27 tuổi, quốc tịch Trung Quốc. Ngày 27/7, bệnh nhân cùng 7 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép qua biên giới phía Bắc Việt Nam. Từ 27-29/7, bệnh nhân đi ôtô vào TP.Hồ Chí Minh.
Ngày 30/7, bệnh nhân được phát hiện, đưa cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm tại Bệnh viện Quận 7. Kết quả xét nghiệm lúc này cho âm tính.
Ngày 1/8, bệnh nhân chuyển cách ly tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, được lấy mẫu xét nghiệm ngày 3/8 và 6/8, kết quả vẫn cho âm tính. Ngày 12/8, bệnh nhân được lấy mẫu lần 3, kết quả có 1/8 mẫu dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã Chiến Củ Chi.
Trong khi đó, các bệnh nhân số 913-927 đều ở Đà Nẵng. Trong đó, có 2 ca là bệnh nhân, một ca là người chăm sóc, 2 ca là F1, 9 ca liên quan Bệnh viện Đà Nẵng, một ca tại quận Hải Châu (cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra).
Bệnh nhân 928 tại Quảng Nam: là nam, 5 tuổi, là F1 (là cháu nội) bệnh nhân 796. Bệnh nhân 929 tại Quảng Nam: là nữ, 57 tuổi, là F1 (vợ) bệnh nhân 796. Tính đến 18h ngày 14/8, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 929 ca mắc Covid-19, trong đó 328 ca nhiễm được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 461 ca. Từ 6h đến 18h ngày 14/8, Việt Nam ghi nhận 18 ca mắc mới
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe là 172.093 người, trong đó 5.222 người được cách ly tại bệnh viện, 141.072 người được cách ly tại nhà, 25.799 người được cách ly tại cơ sở khác.
Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày hôm nay đã có thêm 12 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, trong đó bao gồm:
10 bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện Hòa Vang: là các bệnh nhân số 556, 636, 637, 646, 664, 613, 628, 642, 667, 687 và 2 bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Bà Rịa - Vũng Tàu là bệnh nhân số 375 và 404.
Như vậy đến thời điểm này có 437/919 bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam được công bố khỏi bệnh, chiếm 47% tổng số ca bệnh.
Tính đến chiều ngày 14/8, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 50 ca. Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 là 91 ca. Hiện còn 330 bệnh nhân dương tính với với SARS-CoV-2.
Đến nay, đã có 21 trường hợp tử vong. Hầu hết trong số đó đều là người cao tuổi, mắc nhiều bệnh lý nền nặng, mạn tính như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường type 1, type 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng...
Bao giờ kiểm soát được tình hình dịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam?
Ngày 14/8, tại Trụ sở Chính phủ đã diễn ra cuộc họp triển khai biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp với nhiều nội dung quan trọng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế đang phối hợp sát sao với ngành y tế Hải Dương để triển khai các biện pháp ứng phó. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ hỗ trợ tỉnh toàn diện trong việc truy vết, cách ly, lấy mẫu diện rộng, thực hiện nhanh công tác xét nghiệm để ngăn chặn dịch.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo quốc gia, thời gian tới sẽ không còn những thời điểm nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Nguy cơ dịch bệnh bùng phát xuất hiện tại nhiều địa phương. Do vậy, cần nâng cao mức độ cảnh báo, thực hiện nghiêm các biện pháp “chung sống an toàn với dịch”.
Đối với công tác dập dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Bộ Y tế đang phối hợp với địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng. Theo tính toán, tình hình có thể được kiểm soát vào cuối tháng 8/2020.
Về vấn đề điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã điều tất cả các đội tinh nhuệ nhất từ các bệnh viện lớn vào chi viện, phối hợp, hỗ trợ địa phương. Mọi trang thiết bị cần thiết đều được đưa vào để phục vụ điều trị.
“Tuy nhiên, do đợt này, dịch Covid-19 tấn công vào đúng khu vực xung yếu nhất là các khoa điều trị bệnh nhân nặng, tự thân tính mạng đã rất mong manh, sự sống của nhiều người phụ thuộc vào máy móc. Mắc thêm Covid-19 chỉ như giọt nước tràn ly. Nên mặc dù các thầy thuốc đã nỗ lực hết sức nhưng nhiều trường hợp đã không qua khỏi. Mỗi một bệnh nhân tử vong, anh em đều nhắn tin về “xin lỗi thủ trưởng, chúng tôi không cứu được”, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết.
Việt Nam đang giải mã gen virus corona được phát hiện ở Hải Dương
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long xác định chùm ca mắc Covid-19 tại Hải Dương đang rất phức tạp. Ông Long cho biết, theo điều tra, bệnh nhân số 867 có thể mắc Covid-19 từ ngày 30/7 và đã đi khám tại nhiều cơ sở y tế, tiếp xúc với nhiều người.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang khẩn trương tiến hành phân tích sâu, giải mã gen virus gây bệnh ở Hải Dương để xem xét mức độ liên quan với chủng virus gây bệnh ở Đà Nẵng. Sau vài ngày nữa sẽ có kết quả.
Ban Chỉ đạo nhận định việc xảy ra chùm ca bệnh tại Hải Dương cho thấy cộng đồng còn rất chủ quan. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo được đưa ra sau khi dùng bùng phát tại Đà Nẵng, vẫn xảy ra tình trạng một tiệm ăn rất đông người nhưng người phục vụ không đeo khẩu trang, khách hàng rất đông và không thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn.
Với mục tiêu chủ động kiểm soát tình hình, tỉnh Hải Dương đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp mạnh, tổ chức cách ly thành phố Hải Dương, tạm dừng nhiều hoạt động. Những biện pháp này được đánh giá là rất cần thiết và kịp thời.
“Thành phố Hải Dương thực hiện cách ly xã hội là giải pháp mạnh mẽ, kịp thời, đúng đắn. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ Hải Dương truy vết, cách ly; khoanh vùng, dập dịch; đặc biệt triển khai nhanh nhất có thể việc lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng với tất cả những người đi đến, có liên quan đến quán ăn ở Hải Dương”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
“Bộ Y tế cũng phối hợp với tỉnh Hải Dương nhanh chóng khôi phục toàn bộ hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 của 4 cơ sở tại địa phương, tiến hành xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng dự kiến 1.500 mẫu/ngày. Đồng thời Bộ đã cử Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ ngành y tế Hải Dương thực hiện xét nghiệm Covid-19”, GS.TS Nguyễn Thanh Long nói.
Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine để phục vụ chống dịch
Cũng tại cuộc thảo luận ngày 14/8, đánh giá diễn biến dịch bệnh trong cả nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam thống nhất nhận định rằng, có thể từ giờ trở đi sẽ “không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa”.
Các đại biểu đều quán triệt tinh thần rằng, không thể đòi hỏi trên cả nước tuyệt đối không có dịch. Bởi nguy cơ dịch bệnh là thường trực ở tất cả các địa phương.
“Hôm nay dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát ở tỉnh này, ngày mai có thể xuất hiện ở địa phương khác… Ban Chỉ đạo một lần nữa nhấn mạnh quan điểm dịch bệnh còn kéo dài. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng được dịch bệnh Covid-19 khi nào có thuốc đặc trị, hoặc có vắc-xin (vaccine) đặc hiệu”, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo cũng nêu rõ, Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine.
Liên quan đến việc một số nước đã sản xuất được vaccine, Ban Chỉ đạo cũng nêu rõ, để có thể nhập về và tiến hành tiêm chủng còn phụ thuộc vào khả năng cung ứng của nhà sản xuất và quy định của pháp luật Việt Nam về thử nghiệm vaccine trước khi tiêm chủng đại trà. Đồng thời, thời gian này có thể kéo dài nhiều tháng.
Việt Nam nâng mức cảnh báo chống dịch?
Với những quan điểm đã nêu, Ban Chỉ đạo khẳng định, “chiến lược chống dịch của chúng ta là chiến dịch của nước còn nghèo. Cả cộng đồng phải chung sức để cùng ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan rộng”.
Phương châm phòng chống dịch của Việt Nam từ trước đến nay là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch thực hiện từ đầu đến giờ vẫn không thay đổi.
Trong bối cảnh dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phải triển khai đồng bộ các biện pháp để “chung sống an toàn với dịch”. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, trong đợt dịch này, ở nhiều nơi, cả chính quyền lẫn người dân, có biểu hiện chủ quan, ứng phó đủng đỉnh, chưa thực sự vào cuộc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ “mỗi người dân là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình, làng xã là một pháo đài chống dịch”.
Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị mới để chỉ đạo các địa phương và người dân triển khai thực hiện các biện pháp chống dịch trong thời gian tới.
Theo đó, Ban Chỉ đạo cho rằng, cần phải nâng mức cảnh báo. Chính quyền các cấp không được chủ quan, lơ là, phải chuyển sang trạng thái ứng phó mạnh mẽ hơn, siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Mỗi cấp chính quyền phải có phương án chủ động, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện để ứng phó kịp thời khi có tình huống dịch bùng phát. Đặc biệt, cần “cột chặt trách nhiệm của người đứng đầu các cấp” trong công tác phòng, chống dịch.
Tại cuộc họp hôm nay, Ban Chỉ đạo cũng kêu gọi, đối với người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, chấp hành nghiêm các biện pháp chống dịch như hạn chế đi ra đường nếu không cần thiết, nếu đi ra nơi công cộng thì phải thường xuyên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc.
Mỗi người dân cần thay đổi thói quen để “chung sống an toàn với dịch bệnh”. Đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi người với chính bản thân mình, với gia đình mình, mà rộng ra là trách nhiệm với xã hội, đất nước.
Ban Chỉ đạo đề nghị các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, cộng tác, thực hiện nghiêm các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch.
Các cấp chính quyền phải có kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân, ấn định thời gian thực hiện, sau đó xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, “vừa tuyên truyền mạnh mẽ, vừa xử lý nghiêm mới có tác động cảnh báo, nâng mức phòng ngừa xã hội”.
Việt Nam tăng cường kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh
Cũng tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đề cập đến vấn đề quản lý đối tượng nhập cảnh, đặc biệt là các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao vào Việt Nam làm việc, đại diện Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng đề nghị các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ.
Đặc biệt phải thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức cách ly, an toàn vệ sinh dịch tễ. Đồng thời cần nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ mới (như một số nước tiên tiến đã thực hiện test nhanh đối với những người vừa xuống sân bay, hay gắn vòng điện tử theo dõi người nhập cảnh) để nhanh chóng sàng lọc, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh theo quy định.
Liên quan đến vấn đề quản lý người nhập cảnh, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, vừa qua lợi dụng kẽ hở của chính sách đón chuyên gia, lao động kỹ thuật cao vào Việt Nam làm việc, đã xuất hiện những đường dây thông qua doanh nghiệp để tổ chức đưa người nhập cảnh không đúng quy định.
“Bộ Công an đang tiến hành điều tra và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật”, đại diện Bộ Công an cho biết.
Về kế hoạch trong thời gian tới, Bộ Công an cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra việc tổ chức tiếp nhận đón chuyên gia, lao động kỹ thuật cao vào Việt Nam tại các địa phương, để đảm bảo vừa tạo điều kiện cho sản xuất, vừa phải bảo đảm an toàn, cam kết không để những rủi ro dịch tễ trở thành hiện thực.
Đối với vấn đề tổ chức thi tốt nghiệp THPT, Ban Chỉ đạo đánh giá, đợt 1 kỳ thi đã được tổ chức thành công. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương do có dịch nên chưa tổ chức thi được.
Do vậy, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để ngay sau khi dịch ở các địa phương được khống chế, thì tiến hành tổ chức thi ngay.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã lên các phương án tổ chức các đợt thi tiếp theo, để sớm hoàn thành kỳ thi theo quy định, đảm bảo quyền lợi cho các em.
Thông tin về hai ca chưa rõ nguồn lây ở Hà Nội
Chiều 14/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội họp dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý (thay cho ông Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ trước đó).
Trong cuộc họp này, ngành Y tế Hà Nội đã làm rõ về hai trường hợp nghi mắc coronavirus có lịch trình liên quan đến Hà Nội được đề cập từ hôm 12/8.
Theo đó, về ca mắc nCoV số 867, từ Hải Dương đến Hà Nội thì được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho biết, tỉnh Hải Dương đã phát hiện ba ca nữa cũng có liên quan đến bệnh nhân này.
“Như thế, có thể xác định nguồn gốc là từ Hải Dương chứ không phải ở Hà Nội”, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nhấn mạnh.
Đối với trường hợp thứ 2 là người nghi nhiễm SARS-CoV-2 được xét nghiệm dương tính khi đáp chuyến bay từ Hà Nội đến Nhật Bản, lãnh đạo TP. Hà Nội cũng cho hay người này đã có kết quả xét nghiệm lại khẳng định âm tính.
“Khi sang Nhật, test nhanh là dương tính, nhưng hôm nay, theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Bộ Ngoại giao, thì người này đã có kết quả PCR âm tính. Ngày mai, tiếp tục xét nghiệm để khẳng định lại”, ông Ngô Văn Quý thông tin.
Trước những cơ sở này, đại diện TP. Hà Nội cho rằng, tạm thời có thể tạm yên tâm với hai trường hợp trên và xác định toàn bộ ca bệnh ở thủ đô hiện nay đều đã rõ nguồn lây.
Liên quan đến ca bệnh 867, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, thông qua điều tra của Sở Y tế, có thể khẳng định ca bệnh 867 lây nhiễm từ Hải Dương.
“Ba bệnh nhân dương tính đều có liên quan đến quán ăn Thế giới bò tươi, 36 Ngô Quyền, TP Hải Dương. Trong 3 ca bệnh, một là phụ nữ thông gia với bệnh nhân 867, 2 người còn lại là nhân viên quán ăn, một phụ nữ 56 tuổi và một thanh niên 17 tuổi. Như vậy khẳng định bệnh nhân 867 này là mắc từ Hải Dương lên Hà Nội, chứ không phải lây từ Hà Nội”, ông Hoàng Đức Hạnh khẳng định.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, thành phố đã có 30 ca mắc Covid-19, 8 ca ngoài cộng đồng và 22 ca từ bên ngoài đã được cách ly ngay khi nhập cảnh. Số trường hợp tiếp xúc gần F1 đã ghi nhận là 528 trong đó 527 mẫu có kết quả âm tính, một trường hợp dương tính (bệnh nhân 752).
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Đà Nẵng cũng như chùm ca bệnh ở Hải Dương, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho rằng, có thể thủ đô sẽ tiếp tục xuất hiện ca lây nhiễm ngoài cộng đồng. Do đó, cần chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực, vật lực đảm bảo công tác phòng chống dịch có thể phải kéo dài đến hết năm nay.