Bộ Y tế Việt Nam chiều 11/8 thông báo cho biết, cả nước có thêm 16 ca mắc SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm nCoV của cả nước lên thành 863 người.
Bệnh nhân thứ 16 tử vong vì viêm phổi nặng do Covid-19, đái tháo đường type 1, suy kiệt dài ngày và suy tim.
Việt Nam có thêm 16 ca mắc coronavirus
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông tin cho biết, chiều nay cả nước ghi nhận 16 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 10 trường hợp ở Đà Nẵng, 4 người ở Quảng Nam và hai người ở Quảng Trị.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 863 ca nhiễm coronavirus và 16 bệnh nhân Covid-19 tử vong.
Về 16 ca mắc nCoV mới chiều nay, Bộ Y tế cho biết, có 10 người ở Đà Nẵng gồm các bệnh nhân từ 848 – 856. Cụ thể, ca bệnh số 848 là người phụ nữ 78 tuổi ở Sơn Trà. Ca bệnh số 849 là nữ; 39 tuổi cũng ở Sơn Trà.
Bệnh nhân mắc Covid-19 số 850 là nam, 55 tuổi ở Hải Châu. Ca bệnh số 851 là người phụ nữ 67 tuổi ở Hòa Vang.
Trường hợp nhiễm coronavirus số 851 là người đàn ông 40 tuổi ở Sơn Trà. Ca bệnh 853 là bé trai 14 tuổi ở Sơn Trà.
Bệnh nhân mắc Covid-19 số 854 là nữ, 70 tuổi, Hải Châu, Đà Nẵng. Bệnh nhân số 855 là người phụ nữ, 61 tuổi ở Liên Chiểu. Bệnh nhân số 856 là nam, 30 tuổi ở Liên Chiểu.
4 trường hợp nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận ở Quảng Nam là các bệnh nhân số 857- 860. Trong đó, ca bệnh thứ 857 là nam thanh niên 26 tuổi, người Duy Xuyên, Quảng Nam. Từ ngày 20-23 và 27/7/2020, bệnh nhân tiếp xúc với hai trường hợp đã được xác nhận dương tính trước đó là bệnh nhân 619 và 731.
Ca bệnh 858 là người phụ nữ 55 tuổi ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ ngày 9 -14/7/2020, bà đi chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Ngoài ra, còn một trường hợp nhiễm coronavirus nữa (bệnh nhân số 863) tại Đà Nẵng được công bố chiều nay. Theo đó, đây là người phụ nữ 52 tuổi ở Ngũ Hành Sơn.
Bệnh nhân nCoV số 859 là người phụ nữ 47 tuổi tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Đây là mẹ của bệnh nhân số 841 (bé trai 11 tuổi).
Bệnh nhân số 860 là người phụ nữ 55 tuổi ở Hội An, Quảng Nam (có tiếp xúc với các bệnh nhân 593, 625, 547 và 715.
Bộ Y tế cho hay, hiện tại tại các bệnh nhân từ 857-860 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Riêng về hai ca nhiễm ở Quảng Trị, bệnh nhân số 861 là nữ, 36 tuổi ở huyện Gio Linh. Trường hợp này đã tiếp xúc với các bệnh nhân đã được công bố trước đó là ca bệnh số 750 và 833.
Trường hợp mắc Covid-19 số 862 là người phụ nữ 66 tuổi ở Hướng Hóa, Quảng Trị. Đây là mẹ và người chăm sóc bệnh nhân số 832 từ ngày 2-7/8/2020. Hiện nay, các bệnh nhân số 861 và 862 đều đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Quảng Trị.
Như vậy, từ ngày 25/7 đến nay, tổng số ca mắc mới liên quan Đà Nẵng là 405 người.
Về tình hình điều trị, Tiểu Ban Điều trị cho biết, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 399/863 ca mắc Covid-19 khỏi bệnh (46,2%) tổng số ca bệnh Covid-19 trong cả nước.
Hiện, đã có 10 trường hợp âm tính lần đầu với coronavirus và 51 người âm tính từ 1-2 lần đối với SARS-CoV-2.
Cả nước hiện đang cách ly 165.983 người thuộc diện tiếp xúc gần hay nhập cảnh từ vùng dịch. Trong đó, theo dõi tại các cơ sở y tế, bệnh viện là 5.628 người, tại các cơ sở cách ly tập trung khác là 27.472 người và tại nhà, nơi lưu trú là 132.883 người.
Bộ Y tế thông tin về bệnh nhân Covid-19 thứ 16 tử vong
Cũng trong chiều nay, 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng có thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân mắc coronavirus số 832.
Theo đó, bệnh nhân số 832 tử vong do viêm phổi nặng do Covid-19, trên bệnh nhân đái tháo đường type 1 suy kiệt dài ngày, suy tim.
Về bệnh nhân số 832, đây là người đàn ông 37 tuổi ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trước khi nhiễm virus corona, trường hợp bệnh nhân này đã có tiểu sử bị đái tháo đường type 1, suy kiệt dài ngày và suy tim.
Về quá trình nhiễm bệnh và điều trị, Bộ Y tế cho biết, từ các ngày 8 đến 18/8, nam bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Quảng Trị và được lấy mẫu xét nghiệm.
Trong ngày 9/8, bệnh nhân được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 10/8, do suy kiệt, bệnh nhân được Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Quảng Trị chuyển đến Trung tâm cách ly và điều trị Covid-19- Bệnh viện Trung ương Huế, cơ sở 2, được chẩn đoán: Viêm phổi do Covid-19 biến chứng suy hô hấp trên bệnh nhân đái tháo đường type I, suy tim, suy kiệt nặng. Đáng chú ý, bệnh nhân này người đã “teo đét”, chỉ nặng 30kg.
Các bác sĩ cho hay, ngày 11/8, bệnh nhân có 4 lần ngừng tuần hoàn hô hấp, được các bác sĩ tiến hành cấp cứu, hồi sức tích cực, tạo nhịp tim ngoài lồng ngực nhiều lần. Tuy nhiên, đến 10h30 bệnh nhân đã tử vong.
Về chẩn đoán tử vong, Bộ Y tế khẳng định, bệnh nhân bị “viêm phổi nặng do Covid-19, trên bệnh nhân, đái tháo đường type 1 suy kiệt dài ngày, suy tim”.
Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 16 bệnh nhân Covid-19 tử vong từ thời điểm bùng phát dịch do coronavirus đến nay. Đó là các bệnh nhân số 496, 426, 429, 524, 475, 499, 428, 437, 651, 718, 456, 430, 737, 436, 522 và 832.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải kiểm chặt khâu xuất nhập cảnh
Chiều nay 11/8 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19.
Tham dự sự kiện này còn có Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng chống dịch Covid-19 cùng lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an.
Lãnh đạo Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam áp dụng biện pháp hạn chế, tạm dừng nhập cảnh, cách ly tập trung với trường hợp nhập cảnh.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các nước láng giềng cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát làn sóng thứ 2 tại Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, nổi lên một số vấn đề đáng chú ý như: Hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, tình hình an ninh nông thôn ở một số địa bàn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.
Cụ thể, trình bày báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, Phụ trách Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đã chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng ở các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm soát chặt chẽ biên giới, siết chặt tuần tra, kiểm soát đường mòn, lối mở, ngăn chặn hiệu quả xuất nhập cảnh trái phép.
Thời gian qua, lực lượng biên phòng và chức năng ở địa phương đã phát hiện, xử lý 16. 530 người nhập cảnh trái phép, bàn giao cho địa phương cách ly theo quy định. Bên cạnh đó, lực lượng cũng bảo đảm vật tư, hóa chất phòng dịch, thực hiện tốt “phương châm 4 tại chỗ” chủ động khai thác các trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Theo lãnh đạo Bộ Tư lệnh Biên phòng, các phương thức, thủ đoạn mới nhập cảnh trái phép như trốn trên phương tiện vận chuyển hàng hóa, móc nối, lôi kéo qua mạng xã hội (Facebook, Wechat, Messenger, Zalo...).
Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng sim rác hoặc sim nước ngoài hướng dẫn người xuất nhập cảnh trái phép, phân công từng công đoạn: Thuê xe, đưa đón, dẫn đường; thanh toán tiền công qua tài khoản cá nhân hoặc trả trực tiếp… nên quá trình điều tra, xác minh và xử lý gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, thời gian qua, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các lực lượng và cơ quan chức năng duy trì thực hiện nghiêm công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu
Bộ đội Biên phòng đã triển khai 11 kế hoạch nghiệp vụ, xác lập đấu tranh 10 chuyên án, khởi tố, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý 41 vụ/81 đối tượng có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh.
Đồng thời, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo Biên phòng các tỉnh, thành phố chủ động khảo sát 44 địa điểm có thể sử dụng làm khu cách ly tập trung do đơn vị quản lý, đảm bảo trang thiết bị, vật chất sẵn sàng đáp ứng tiếp nhận trên 5 nghìn người.
Phát biểu tại buổi làm việc chiều nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, với đường biên hơn 5.000 km, thời gian qua, bộ đội biên phòng đã không quản khó khăn hy sinh lợi ích riêng, nằm rừng ở lán để giữ biên giới trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong phòng, chống dịch Covid-19.
Thời gian tới, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chính vì vậy, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cần động viên tinh thần các cán bộ, chiến sỹ hiện đang ở các chốt biên giới không chủ quan lơ là trong công tác phòng chống dịch và chuẩn bị các phương án đảm bảo sức khỏe cho bộ đội biên phòng trong mùa mưa rét tới đây. Trong đó, nên triển khai các điểm chốt bán kiên cố.
Tiếp tục chủ động phối hợp với lực lượng công an các địa phương kiểm soát chặt chẽ khâu xuất nhập cảnh, kịp thời phát hiện các trường hợp lợi dụng hính sách đưa người nhập cảnh trái phép.
“Vật tư liên quan chống dịch thì Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng phải đảm bảo. Nhưng để đảm bảo điều kiện cho các chiến sỹ trụ vững trong thời gian dài, tới đây mưa rét, bây giờ phải có phương án. Đề nghị UBND các tỉnh biên giới phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng tổ chức các tổ nhóm lực lượng phối hợp. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu, rồi công an phối hợp, thành thế trận nhiều lớp quản lý thật chặt, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đáng chú ý, cũng tại buổi làm việc hôm nay, Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng khẳng định, đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm Covid-19 trong lực lượng biên phòng.
Theo đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tổ chức quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan đơn vị biên phòng triển khai thực hiện nghiêm, quyết liệt chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ Tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch với phương châm “chống dịch như chống giặc”.
“Bộ Tư lệnh BĐBP chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch ở các trạng thái, tình huống. Thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt lực lượng trên tuyến đầu làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện các sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ”, Thiếu tướng Lê Đức Thái nhấn mạnh.