Đáng chú ý, bệnh nhân 964 – nữ cán bộ CDC Quảng Nam mắc Covid-19 này vẫn chưa xác định được nguồn lây. Hiện, 154 cán bộ CDC Quảng Nam khác tạm có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV, tuy nhiên, ngành Y tế Quảng Nam đang khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp F1, F2 của ca bệnh trên.
Trong khi đó, nữ công an TP. Đà Nẵng mắc Covid-19, bệnh nhân số 944, từng chốt ở các khu vực tiếp xúc nhiều người trong đó có Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn và Trung tâm Giải trí Helio Center.
Sáng nay, Đà Nẵng công bố thêm 9 bệnh nhân được ra viện, ngành y tế thành phố đã chữa khỏi cho 53 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế ở Đà Nẵng lý giải vì sao F1 các ca nhiễm coronavirus phải cách ly, quản lý tại cơ sở tập trung.
Thêm 2 ca mắc Covid-19, có cả cán bộ CDC Quảng Nam
Sáng nay, 17/8, Bộ Y tế thông báo cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm hai ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số trường hợp mắc Covid-19 của cả nước lên thành 964.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, hai ca mắc nCoV mới sáng nay trú tại Hải Dương (liên quan nhà hàng Thế giới Bò tươi- nơi được xác định có ổ dịch coronavirus sau đó) và nữ cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Quảng Nam, người từng đi Đà Nẵng hơn một tháng trước khi được xác định nhiễm SARS-CoV-2.
Cụ thể, Bộ Y tế thông tin, bệnh nhân 963 là nam, 30 tuổi, Tân Bình, thành phố Hải Dương. Ngày 3/8, bệnh nhân ăn tối tại nhà hàng Thế giới Bò tươi ở phường Phạm Ngũ Lão, thành phố Hải Dương - ổ dịch Covid-19 có nhiều ca dương tính với virus corona đã được công bố. Ngày 15/8, bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả xét nghiệm ngày 16/8 khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
Đáng chú ý, tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương cho biết, sau khi xác định ca mắc SARS-CoV-2 số 963, ngành y tế địa phương đã tập trung truy vết, xác định lịch trình di chuyển của bệnh nhân này. Theo đó, xác định, ngày 3/8, khoảng 6 rưỡi tối, bệnh nhân đi ăn cùng 18 nhân viên Công ty Hải Dương Ford tại quán Thế giới Bò tươi. Ăn xong thì đi chơi game tại quán Green, chỉ gặp chủ quán, sau đó đi mua sữa chua tại quán cô Oanh trên đường Bà Triệu (không đeo khẩu trang).
Ngày 4/8 bệnh nhân đi làm tại công ty, tối về nhà. 7/8, có đặt mua chè và nhận ship tới công ty, tiếp xúc nhân viên giao chè (có đeo khẩu trang). Ngày 8/8, mua bánh ở cửa hàng tạp hóa gần nhà rồi bắt taxi về quê vợ tại thôn Thiệu, xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà, Hải Dương. Tối đi đám cưới (không ăn cỗ) ở Thanh Cường, Thanh Hà. Đến 9/8, bắt taxi về lại TP. Hải Dương. 10/8 có mua trà sữa quán Snow (đeo khẩu trang và giữ khoảng cách). Ngày 11/8 đi làm và về nhà sinh hoạt như bình thường.
Ngày 13/8, bệnh nhân nghỉ ở nhà khi có thông báo cách ly. 14/ được đưa đi cách ly tập trung tại Đại học Hải Dương, sau đó lấy mẫu xét nghiệm. CDC Hải Dương đã xác định được 75 người có tiếp xúc gần F1 và 32 người thuộc diện F2 để đưa đi cách ly tập trung.
Ca bệnh mắc coronavirus số 964 là nữ, 49 tuổi, Tam Kỳ, Quảng Nam. Đây là trường hợp bị nghi ngờ ủ bệnh trong thời gian dài. Theo đó, Ngày 11/7, bệnh nhân đi đám cưới tại Duy Tân, Đà Nẵng. Ngày 15/8, bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả xét nghiệm ngày 16/8 dương tính với virus corona chủng mới.
Như vậy, tính đến 6h ngày 17/8 Việt Nam, có tổng cộng 964 ca bệnh Covid-19, trong đó 336 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay và 628 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt, số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 488 trường hợp.
Việt Nam hiện đang tiến hành cách ly, theo dõi sức khỏe số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch là trên 107.600 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 4.015 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác gần 25000 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú gần 78.700 nguời.
Cũng trong sáng nay, theo báo cáo của Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến trưa 17/8, đã có 465 người trong số 964 bệnh nhân đã ghi nhận được điều trị khỏi (48,2%), hiện có 125 người có kết quả âm tính 1-3 lần (số ca âm tính lần đầu với SARS-CoV-2- 45 ca, số ca âm tính lần 2 trở lên với - 28 ca, số ca âm tính lần 3 là 42 người). Cả nước còn 369 bệnh nhân dương tính với coronavirus.
Dù cả ngành Y tế và các chuyên gia đầu ngành đã rất nỗ lực, tuy nhiên, Việt Nam đã có 24 bệnh nhân đã tử vong, đều là bệnh nhân mắc bệnh trong giai đoạn 25/7 đến nay. Hầu hết trong số này đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường type 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.
Đáng chú ý, cũng trong sáng 17/8, ngoài 2 bệnh nhân mắc mới kể trên, hiện còn một ca bệnh ở Hà Nội đã có kết quả dương tính tại địa phương và Hà Nội đã báo thông tin lên Bộ Y tế chờ xác nhận. Đây là nữ nhân viên ngân hàng Tiên Phong (300 Trần Khát Chân, Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng - trường hợp F1 của bệnh nhân 962).
Chưa xác định nguồn lây nhiễm coronavirus của nữ cán bộ CDC Quảng Nam
Cùng với thông báo của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, sáng nay, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam thông tin cụ thể về kết quả điều tra, giám sát bệnh nhân số 964 – nữ cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Quảng Nam.
Theo đó, nữ bệnh nhân mắc Covid-19 số 964 là nữ, sinh năm 1971, trú tại khối phố Mỹ Đông, An Mỹ, Tam Kỳ, Quảng Nam.
Về thông tin dịch tễ, bệnh nhân hiện đang sống cùng chồng, 2 con, 2 chị em trong gia đình, bà nội. Ngoài ra còn tiếp xúc với 3 cháu khác đều ở phường An Mỹ, TP Tam Kỳ, Quảng Nam.
Về quá trình lây nhiễm, trước đó, vào ngày 11/7 bệnh nhân có đi đám cưới cùng gia đình tại một nhà hàng ở đường Duy Tân (TP Đà Nẵng) cùng chồng, mẹ chồng, con gái, chị chồng, em chồng, vợ chồng anh trai chồng, em chồng ở TP Hồ Chí Minh, vợ chú, tài xế và một chị khác đang làm ICU ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng (đã xét nghiệm 4 lần có kết quả âm tính).
Bệnh nhân này khẳng định, từ khi đi Đà Nẵng về đến nay, bệnh nhân không đi đâu xa, không có ai ở Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn (quê của bệnh nhân) vào thăm. Từ ngày 11/7-15/8, bệnh nhân có đi siêu thị 2 lần, có đeo khẩu trang. Ngày 9/8, chị dâu ở xã Tam Phú lên nhà bệnh nhân chơi.
Thứ 7 hàng tuần, bệnh nhân có đi chợ thương mại (phường An Mỹ, TP Tam Kỳ), có đeo khẩu trang. Có mua đồ tại quán chị T. đường Nguyễn Thái Học. Mua bún đường Nguyễn Thái Học không biết tên quán nhưng ở ngoài đường không vô quán, chủ quán mang bún ra ngoài. Buổi sáng hằng ngày thường mua đồ ăn tại quán anh D. bên nhà, mua mang về và có đeo khẩu trang.
Nữ bệnh nhân 964 hiện làm việc tại bộ phận hành chính thuộc khoa Dinh Dưỡng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam), chưa từng tham gia công tác phòng chống dịch bệnh. Bệnh nhân cho biết, luôn mang khẩu trang trong suốt thời gian ở cơ quan.
Trong 10 ngày qua, bệnh nhân ít giao lưu tiếp xúc với nhân viên trong cơ quan, chỉ tiếp gần với 1 người trong khoa là chị N.T.Đ. Ngày 13/8 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 tại TP Tam Kỳ và cho kết quả dương tính ngày 15/8/2020.
Ngày 16/8, bệnh nhân được chuyển điều trị tại khu điều trị Điện Nam - Điện Ngọc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam. Tình trạng bệnh nhân hiện tại không sốt, ho nhẹ, tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
BS. Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam trao đổi với báo chí cho biết, hiện gần 300 người thuộc lực lương trực tiếp tham gia phòng chống dịch như đội phản ứng nhanh của tỉnh, Đoàn Thanh niên tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, CDC đều được lấy mẫu trong ngày 16/8. Đặc biệt, 154 nhân viên của CDC Quảng Nam đã được xét nghiệm và tất cả kết quả xét nghiệm đều âm tính.
“Tất cả các trường hợp xét nghiệm ngày hôm qua cho lực lượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch như đội phản ứng nhanh của tỉnh, của Đoàn Thanh niên tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, tất cả cán bộ của CDC Quảng Nam, văn phòng Sở Y tế đều đã âm tính. Hiện Sở sẽ tiếp tục giám sát, điều tra bổ sung thêm thông tin lịch trình và các trường hợp về người tiếp xúc gần với bệnh nhân”, BS. Nguyễn Văn Hai khẳng định.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi nữ cán bộ CDC tỉnh nhiễm coronavirus, lực lượng y tế đã tiến hành khoanh vùng cách ly, phun thuốc khử trùng lần 2 toàn khu vực nhà, khu vực cách ly. Đồng thời, cử đoàn giám sát tiếp tục điều tra truy vết tất cả các trường hợp F1, F2, xác định lịch trình, cách ly, lấy mẫu đúng quy định.
Nữ công an TP. Đà Nẵng nhiễm Covid-19 tiếp xúc nhiều người
Nữ công an TP. Đà Nẵng được xác định dương tính với coronavirus là T.T.M.T, 36 tuổi, sống cùng gia đình tại đường Hòa Nam 5, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP. Đà Nẵng, trong ngày 24/7, bệnh nhân này làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính của Công an tại Bộ phận một cửa Trung tâm hành chính Đà Nẵng. Khoảng 6h chiều đến quán chay An Lạc (đường Quang Trung) rồi về trụ sở cơ quan tại 47 Lý Tự Trọng, có tiếp xúc với hai đồng nghiệp.
Những ngày tiếp theo, nữ cán bố này chỉ làm việc tại trụ sở Công an Đà Nẵng. Từ 27 đến 31/7, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng khó thở và tức ngực nên chỉ ở tại phòng riêng, về nhà lúc 16h30.
Sáng từ 1- 9/8, nữ cán bộ Công an thường ghé mua đồ ăn tại lò bánh mì Anh Quân, đường Nguyễn Huy Tưởng. Do khó thở, chị xin phép không đi làm. Ngày 10 và 11/8, chị mua xôi bắp gần lò bánh mì này và đến cơ quan làm việc, có tiếp xúc một số người. Chiều cùng ngày chị ghé tiệm tạp hoá gần nhà và tiếp xúc 4 người.
Khoảng 6h-11h ngày 12/8, nữ cán bộ Công an này tham gia trực chốt tại Khu ẩm thực thuộc Trung tâm giải trí Helio Center Đà Nẵng, tiếp xúc 4 người đồng nghiệp tại đây.
Khoảng 11h đến 12h cùng ngày, chị chuyển đến trực chốt tại cổng số 5 thuộc Cung thể thao Tiên Sơn (Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn), tiếp xúc 3 người và hai đồng nghiệp đến thay vị trí chốt.
Khoảng 7-8h ngày 13/8, chị đến mua mì lá tại đường Nguyễn Huy Tưởng, mua thuốc tại đường Ông Ích Khiêm. Đến 9h, chị đến làm tại cơ quan làm việc, tiếp xúc với 9 đồng nghiệp. 10h chị được lấy mẫu xét nghiệm dịch hầu họng và sau đó ăn trưa cùng hai đồng nghiệp.
Từ 12h đến 18h ngày 13/8, chị tham gia trực chốt tại cổng số 5 Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn, tiếp xúc 12 người. Ngày 14/8, chị được xác định nhiễm coronavirus và hiện bệnh nhân này đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Thêm 9 bệnh nhân Đà Nẵng khỏi bệnh
Sáng 17/8, Đà Nẵng công bố chữa khỏi bệnh cho thêm 9 bệnh nhân nữa, nâng tổng số ca hồi phục tại Việt Nam lên thành 465 người. Sau một thời gian điều trị tích cực và đã có từ 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trở lên, 9 bệnh nhân trên đã đủ điều kiện để công bố khỏi bệnh.
Cụ thể, Bộ Y tế cho biết, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã công bố chữa khỏi cho 6 bệnh nhân gồm: 435, 455, 571, 610, 611, 712. Trung tâm y tế Hòa Vang công bố chữa khỏi cho 3 bệnh nhân 492, 819, 555.
Ngay sau khi được công bố xuất viện và hoàn tất mọi thủ tục, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Trung tâm Y tế Hòa Vang bố trí phương tiện đưa các bệnh nhân trên về nhà. Các bệnh nhân sẽ tiếp tục được cách ly tại nơi cư trú, cơ quan y tế địa phương trong 14 ngày theo quy định phòng chống dịch.
Từ 25/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 344 ca mắc Covid-19, đã chữa khỏi cho 53 bệnh nhân, hiện ngành Y tế thành phố còn điều trị 271 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi và Trung tâm Y tế Hòa Vang.
Vì sao F1 bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải cách ly tập trung?
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Phó Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế ở Đà Nẵng thông tin cho biết, hiện tại, dịch Covid-19 chưa có vắc-xin phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch Covid-19 là cắt đứt đường lây truyền, để làm được điều đó thì phải cách ly, cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus ra cộng đồng.
Theo vị chuyên gia, đây là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp có liên quan đến ca bệnh và liên quan đến ca nghi ngờ mắc Covid-19. Riêng đối với các trường hợp F1, trong hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng 1 với bệnh nhân Covid-19 hoặc nghi ngờ mắc nên cần có sự chú ý đặc biệt hơn.
PGS.TS Trần Như Dương giải thích, F1 chính là những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 2m, không kể là tiếp xúc trong thời gian bao lâu.
Theo đó, nếu đã tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nên F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây nhiễm từ người bệnh. Có thể coi F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng. Vì vậy, việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh Covid-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19 là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch.
“Nếu không truy vết, cách ly F1 nhanh, kịp thời, để lọt F1 trong cộng đồng, nguy cơ cao trở thành người bệnh, phát tán virus, khi đó, dịch sẽ khó ngăn chặn. Vì vậy, việc truy vết, cách ly tập trung bắt buộc đối với F1 là một trong những điều kiện cực kỳ quan trọng và mang tính chiến lược bắt buộc”, PGS.TS Trần Như Dương khẳng định.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, các F1 là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, lây nhiễm virus, cho nên vào khu cách ly, việc sắp xếp từ phòng ốc, đồ dùng sinh hoạt đến việc cách ly thế nào đều phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của Bộ Y tế và được thực hiện bởi cơ quan quản lý. Theo dõi y tế phải được tiến hành bởi nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung đó.
Việc tuân thủ các quy định trong khu cách ly là rất cần thiết để tránh lây nhiễm chéo (nếu có). Nếu tuân thủ đúng các quy định đó, người dân yên tâm là đã đảm bảo được việc phòng chống lây nhiễm bệnh trong khu cách ly, nếu mình thuộc đối tượng phải cách ly tập trung.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, một trong những việc đảm bảo cho sự an toàn tại khu cách ly là khi đã vào khu cách ly tập trung, phải ở trong phòng, không gặp gỡ ai, không tụ tập đông người, hạn chế đi ra ngoài, hạn chế tối đa việc nói chuyện với người khác.
Để cùng chống dịch, toàn dân nên tuân thủ các hướng dẫn phòng dịch của ngành y tế (đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, thực hiện khai báo y tế...).
PGS.TS Trần Như Dương nhắc lại, đối tượng F1 cần tuân thủ nghiêm ngặt cách ly tập trung. Đây vừa là quyền lợi cũng là nghĩa vụ công dân. Quyền lợi là được cách ly theo dõi y tế, được phát hiện ngay, chăm sóc y tế ngay nếu mắc bệnh, bảo vệ được sức khỏe, tính mạng. Còn nghĩa vụ là mình vào cách ly tập trung, tuân thủ các nội quy cách ly để bệnh không lây lan sang người khác, sang cộng đồng.
“Tôi cho rằng, trong cuộc chiến này cần sự chung sức của toàn nhân dân, chúng ta phải chung sức, chung lòng, bệnh dịch mới sớm được đẩy lùi”, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định.