Viện toàn cầu McKinsey công bố một bản báo cáo, theo đó trong thời gian tới khu vực Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu nhiều hơn các khu vực khác trên thế giới.
Báo cáo của Viện toàn cầu McKinsey nói gì?
Báo cáo của Viện toàn cầu McKinsey cho biết tới năm 2050, ngoại trừ Singapore và Brunei, trung bình hàng năm có 8-13% GDP các nước Đông Nam Á có thể bị đe dọa bởi nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Lũ lụt và mực nước biển dâng cao sẽ gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la cho khu vực có đường bờ biển dài và các vùng trũng đông dân cư. Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực chính như nông nghiệp, du lịch và thủy sản, cùng với sức khỏe con người.
Kể từ năm 1960, nhiệt độ trung bình ở Đông Nam Á đã tăng lên sau mỗi thập kỷ. Việt Nam, Myanmar, Philippines và Thái Lan nằm trong số 10 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong 20 năm qua. Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam là một trong Top-5 quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng lớn nhất bởi sự nóng lên toàn cầu trong tương lai.
Lợi thế của Đông Nam Á
Các nhà phân tích cho rằng một trong những lợi thế của Đông Nam Á là cơ sở hạ tầng và các khu đô thị vẫn đang được xây dựng. Điều này mang lại cho các quốc gia cơ hội xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu tốt hơn để đối phó với biến đổi khí hậu khắc nghiệt. Các nhà khoa học đã chứng minh khí hậu thay đổi do các hoạt động của con người. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các nước Đông Nam Á có thể đóng góp đáng kể vào việc giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu hiện tượng ấm lên toàn cầu. Từ năm 1990 đến 2010, lượng khí thải carbon dioxide ở Đông Nam Á tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác.
Nhu cầu năng lượng sẽ dẫn đến đâu?
Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán nhu cầu năng lượng sẽ tăng 66% vào năm 2040, với gần 40% mức tăng từ than. Điều này gây nguy hiểm cho mục tiêu của hiệp định khí hậu Paris là hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 2 độ C so với mức tiền công nghiệp. Tất cả 10 nước ASEAN đã ký Hiệp định Paris. Chính phủ các nước này phải nhanh chóng hành động, nếu không họ có nguy cơ mất đi sự cải thiện mức sống đạt được trong nhiều thập kỷ tăng trưởng nhờ xuất khẩu.
Bà Natalya Rogozhina, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, bình luận về báo cáo của Viện toàn cầu McKinsey:
"Lũ lụt, bão, sóng thần đang xảy ra ở Đông Nam Á ngày càng thường xuyên hơn. Indonesia là một trong các nước có đường bờ biển dài nhất thế giới, lên tới 54.700 km. Với bờ biển dài 36.300 km, trung bình hàng năm ở Philippines có khoảng 20 cơn bão đổ bộ vào đất liền, với sức tàn phá ngày càng lớn. Thủ đô ven biển của Indonesia là Jakarta, có thể bị chìm một phần ba dưới nước vào năm 2050. Do đó, chính phủ quyết định dời thủ đô đến đảo Kalimantan, ở trung tâm đất nước. Khoảng 70% người Việt Nam sống dọc theo 3.200 km bờ biển và ở vùng đồng bằng trũng thấp. Mực nước biển dâng cao cùng với những đợt khô hạn kéo dài gây ra nguy cơ nhiễm mặn đất và gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ, một trong những khu vực đông dân nhất thế giới. "
Các nước Đông Nam Á thải một phần đáng kể lượng khí carbon dioxide vào khí quyển. Nguyên nhân ở đây bao gồm việc gia tăng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới để đáp ứng nhu cầu điện, nạn phá rừng để làm nông trại nuôi dân ngày càng tăng, cũng như để sản xuất bột giấy, giấy và dầu cọ, những nguồn thu nhập xuất khẩu chính và giao thông đô thị.”
“Chỉ có nền kinh tế xanh mới có thể giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với các nước Đông Nam Á. Việc sử dụng năng lượng sạch và tái tạo, phát triển “sản xuất xanh”, “lối sống xanh” và tiêu dùng bền vững - đây là những gì cần chi tiền và những gì cần đặt lên hàng đầu. Chỉ điều này mới giúp các nước Đông Nam Á thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việc tạo ra năng lượng thay thế không chỉ là đầu tư nước ngoài, nó còn là không khí sạch và sức khỏe của người dân, hàng triệu việc làm mới và lao động năng suất cao. Các nhà lãnh đạo ASEAN tán thành kế hoạch đến năm 2025 đạt 23% thị phần năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của khu vực. Kể từ đầu thế kỷ này, các nước Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo, khu vực này có tiềm năng trở thành một thị trường khổng lồ cho các sản phẩm như vậy. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi kế hoạch, hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", - Tiến sĩ Khoa học Chính trị Natalya Rogozhina cho biết.
Việt Nam thông qua kế hoạch hành động “tăng trưởng xanh”
Năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã thông qua kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, nêu rõ các ưu tiên chính hướng tới một nền kinh tế xanh. Đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 20% tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cân bằng năng lượng của cả nước. Việt Nam có tất cả các điều kiện tiên quyết cho điều này: tiềm năng lớn năng lượng mặt trời và năng lượng gió dọc theo bờ biển từ Bắc tới Nam, hỗ trợ công nghệ và tài chính từ các nước phương Tây và ý chí chính trị. Ở Việt Nam tương lai, người dân sẽ không phải đeo khẩu trang và sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành trong các thành phố xinh đẹp của mình.
Đọc thêm: