Ô nhiễm là nguyên nhân lớn nhất gây tử vong và bệnh tật
Ngày 18.12 vừa qua, Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP) đã đưa ra kết luận trong báo cáo đánh giá tác động của các chất gây ô nhiễm trong không khí, nguồn nước và tại nơi làm việc, nơi ở trên phạm vi toàn cầu.
Báo cáo của GAHP dựa trên dữ liệu của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (viết tắt là IHNME) về tác hại ô nhiễm không khí, nước, chì và nghề nghiệp.
Theo đánh giá của Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP), ô nhiễm là nguyên nhân lớn nhất gây tử vong và bệnh tật trên thế giới. Tỷ lệ tử vong vì ô nhiễm chiếm 15% tổng số ca tử vong trên toàn cầu, tương đương hơn 8.3 triệu người.
Theo số liệu mà GAHP công bố, trong số 10 quốc gia có số người tử vong nhiều nhất do ô nhiễm trong năm 2017, có cả những cường quốc giàu nhất thế giới như Mỹ và hiển nhiên, là cả những nước nghèo, nơi kinh tế vẫn chậm phát triển hoặc đang phát triển nhưng thiếu kiểm soát về các yếu tố môi trường.
Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm khẳng định, Ấn Độ hiện là quốc gia đứng số 1 thế giới về số người tử vong liên quan đến ô nhiễm (môi trường, không khí…), tiếp đến là Trung Quốc và Nigeria. Trong đó, Ấn Độ có 2,3 triệu người (cụ thể là 2,326,771 ca tử vong) và Trung Quốc có 1,865,566 người chết vì ô nhiễm.
Các vị trí tiếp theo là Nigeria với 279,318 người, Indonesia với 232,974 nạn nhân và Pakistan với 223,836 ca tử vong.
Riêng một cường quốc giàu nhất thế giới như Mỹ cũng có tới 196,930 người tử vong do ô nhiễm trên tổng dân số hơn 325 triệu người.
Theo phân tích của GAHP, Ấn Độ là quốc gia ngày càng phải chịu tình trạng ô nhiễm trầm trọng do hoạt động công nghiệp, lượng phương tiện giao thông đô thị lớn nhưng lại không có điều kiện vệ sinh phù hợp, cộng với lượng không khí trong nhà bị ô nhiễm kéo dài tại các vùng cộng đồng có thu nhập thấp.
Đại diện cho Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm, Giám đốc điều hành GAHP, Rachelael Kupka cho biết: “Báo cáo nêu trên chính là hồi chuông cảnh báo tất cả chúng ta rằng ô nhiễm hiện tại đã trở thành vấn nạn, khủng hoảng toàn cầu. Dù bạn sống ở đâu đi nữa, ô nhiễm vẫn sẽ đeo đuổi và không tha cho bạn nếu không kịp thời hành động”.
Cũng theo báo cáo của GAHP, số ca tử vong cao nhất, tỷ lệ tử vong lớn nhất do ô nhiễm theo dân số được xác nhận ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới. Ở đó, nguồn nước bẩn, chất lượng không khí và điều kiện vệ sinh kém, ô nhiễm nặng nề chính là những kẻ thù giấu mặt.
Theo Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm, Cộng hòa Chad, Trung Phi, và CHDCND Triều Tiên là những quốc gia có số ca tử vong cao nhất do ô nhiễm với các chỉ số lần lượt là 287,251,202 người/100.000 người dân.
Ở chiều hướng ngược lại, 5 nước trên bán đảo Ả rập lại nằm trong top 10 nước có tỷ lệ tử vong thấp nhất do ô nhiễm. Cái tên nổi bật chính là Qatar (chỉ chưa tới 25 người/100.000 dân).
Theo GAHP, ô nhiễm không khí là sự kết hợp của các chất ô nhiễm trong nhà cũng như ngoài trời và tầng ô-zôn, trong khi ô nhiễm nguồn nước gồm nguồn nước không an toàn và hệ thống vệ sinh kém. Báo cáo của Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm cũng khẳng định ô nhiễm không khí chiếm tới 40% số ca tử vong liên quan đến các loại ô nhiễm, với Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan dẫn đầu lần lượt theo thứ tự là 1,2 triệu, 1,2 triệu và 130.000 người.
Tuy nhiên, đáng chú ý, theo kết luận của GAHP, số ca tử vong do ô nhiễm trên toàn cầu cao hơn số người tử vong do hút thuốc lá nhưng vẫn thấp hơn số nạn nhân tử vong do rượu, ma túy, chế độ ăn nhiều muối, HIV, sốt rét, lao và chiến tranh.
Việt Nam có hơn 50 ngàn người chết vì ô nhiễm không khí
Báo cáo mà GAHP công bố cũng khẳng định, 2/3 tác động của ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến các bệnh không lây nhiễm, là tác nhân gây ra 21% số ca tử vong do tim mạch, 26% tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ, 23% tử vong do đột quỵ, 51% số ca tử vong do phổi tắc nghẽn mạn tính và 43% tử vong do ung thư phổi.
“Mặc dù ô nhiễm là một trong những kẻ giết người hàng đầu thế giới, nhưng đây là vấn đề mà nhiều quốc gia không giành đủ nguồn lực tương xứng với tác động kinh hoàng, hệ lụy mà ô nhiễm gây ra”, TS. Jack Caravanos, giáo sư của Đại học New York thuộc Đại học Y tế công cộng toàn cầu, kiêm cố vấn cho GAHP khẳng định.
“Rất khó để theo dõi các trường hợp tử vong do ô nhiễm vì có rất nhiều loại ô nhiễm và những hệ lụy cuối cùng. Chẳng hạn, một người chết vì bệnh có thể sẽ không được tính tử vong do liên quan đến ô nhiễm ngay cả khi trên thực tế ô nhiễm là yếu tố chủ đạo gây nên những cái chết như vậy”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo báo cáo của GAHP, Việt Nam có 71.365 ca tử vong do ô nhiễm vào năm 2017. Trong đó, số người chết vì ô nhiễm không khí là 50.232, ô nhiễm nước là 3.097, ô nhiễm chì là 8.227, ô nhiễm nghề nghiệp là hơn 9.000 ca.
Với tỷ lệ tử vong là 75/100.000, Việt Nam đứng thứ 103 trong tổng số 187 quốc gia.
Nếu tính chung khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam có tỷ lệ tử vong do ô nhiễm không khí xếp thứ 10, đứng sau các quốc gia như Papua New Guinea, Trung Quốc, Kiribati, Lào, Solomon, Campuchia.
Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong năm 2019, ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Ô nhiễm không khí đang ngày trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng “xấu” hơn với sự gia tăng các nguồn thải gây ô nhiễm. Các khu vực lân cận những thành phố lớn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp hay hoạt động sản xuất chất lượng không khí cũng xấu đi nghiêm trọng.
Đáng chú ý, chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, nguy hại tới sức khỏe người dân, nhất là bụi mịn PM2.5. Thực tế này đòi hỏi trong năm 2020, Tổng cục Môi trường cần có những hành động quyết liệt, nhất là kiểm soát chặt chẽ nguồn xả thải, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Tổng cục Môi trường có báo cáo quan trọng, trong đó khẳng định, lượng chất thải được thải ra môi trường đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, công tác quản lý rác thải sinh hoạt hiện nay còn nhiều hạn chế, phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp, không đảm bảo vệ sinh và yếu tố bền vững. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được giảm thiểu hoặc tái chế tại các cơ sở xử lý chưa cao, ý thức của người dân trong phân loại rác thải cũng chưa tốt.
Cùng với chất thải rắn và ô nhiễm không khí, nước thải cũng là điều đáng lo. Báo cáo của Tổng cục Môi trường cho thấy nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hầu hết chưa qua xử lý, mà xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư, hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu.
Đáng chú ý, vẫn còn nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để, nhiều cơ sở công nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư chậm được di dời. Chất lượng và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tiếp tục suy giảm.