Bộ Y tế khẳng định bệnh nhân 994 ở Phú Thọ không nhiễm coronavirus và quyết định rút ca bệnh này khỏi danh sách ca mắc Covid-19 tại Việt Nam. Cũng trong chiều tối nay, Bộ Y tế cho phép Bệnh viện E (Hà Nội) dỡ bỏ phong tỏa khu vực cổng bệnh viện và khôi phục hoạt động khám chữa bệnh.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, các đại biểu nhấn mạnh, dịch bệnh nCoV ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế, làm việc với các địa phương để chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT đợt 2.
Số ca nhiễm coronavirus của Việt Nam vượt quá 1.000
Chiều 20/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam cho biết, cả nước có thêm 14 người dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 12 trường hợp liên quan Đà Nẵng, hai ca cách ly ngay sau nhập cảnh, tổng số ca mắc virus corona của Việt Nam đã chạm mốc 1.007 người.
Như vậy, với 14 ca nhiễm mới này, tính đến 18h ngày 20/8, Việt Nam đã có tổng cộng 666 ca mắc coronavirus do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới từ thời điểm 25/7 đến nay là 525 trường hợp.
Về 12 ca mắc mới chiều tối nay, Bộ Y tế có thông tin cụ thể. Theo đó, các ca bệnh từ 994 – 998 và 1001 – 1006 là tại Đà Nẵng. Độ tuổi nhiễm bệnh từ 24 -65.
Trong đó, có 6 trường hợp là người đi chăm sóc (năm người ở Bệnh viện Đà Nẵng, một người tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, ba ca là F1 của các bệnh nhân được xác định dương tính với coronavirus trước đó, một người là bệnh nhân và một nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng.
Bệnh nhân mắc coronavirus số 999 trú tại Duy Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam. Đây là chồng (F1 của bệnh nhân 775) và là anh vợ của bệnh nhân 671, điều trị tại Khoa Ngoại – Thần Kinh, Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện anh này đã được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
Trường hợp mắc Covid-19 thứ 1.000 của cả nước là người đàn ông 33 tuổi, quốc tịch Philippines, là chuyên gia và trú tại Khánh Hòa. Đối với trường hợp này, Bộ Y tế cho biết, ngày 14/8, bệnh nhân từ Hàn Quốc về sân bay Cam Ranh trên chuyến bay OZ773, được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Khánh Hoà và được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur Nha Trang có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa.
Bệnh nhân mắc nCoV số 1007 là thanh niên 27 tuổi ở TP.HCM. Ngày 29/7, bệnh nhân từ Guinea Xích đạo về Hà Nội trên chuyến bay VN6 và được cách ly ngay sau nhập cảnh.
Sau khi hết thời hạn cách ly, ngày 14/8, bệnh nhân về TP.HCM và tự cách ly tại nhà, được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 hôm 19/8. Hiện tại, bệnh nhân này đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.
Theo báo cáo của Tiểu Ban Điều trị, hôm nay, Việt Nam có thêm 9 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Gồm bệnh nhân 635 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cùng 8 người từ Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang – bệnh nhân 503, 580, 660, 688, 704, 769, 718 và 921.
Như vậy tính đến 18h tối 20/8, cả nước đã có 542/1007 bệnh nhân mắc coronavirus bình phục.
Tính đến chiều nay, trong số các ca bệnh nCoV đang điều trị đã có 44 trường hợp âm tính lần một với coronavirus, 39 người âm tính lần hai với SARS-CoV-2 và 28 bệnh nhân đã ba lần âm tính.
Số ca tử vong của Việt Nam vẫn là 25 trường hợp.
Tính đến chiều nay, cả nước đang cách ly 83.644 người tiếp xúc gần hay nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó theo dõi tại bệnh viện có 1.887 người, tại các cơ sở khác là 20.294 và tại nhà/nơi lưu trú là 60.981 người.
Bộ Y tế nói gì khi rút cụ ông ở Phú Thọ khỏi danh sách người nhiễm Covid-19?
Chiều 20/8, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế nhận định, bệnh nhân số 994 là trường hợp khó.
Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân không có tiền sử liên quan đến vùng dịch và các ổ dịch, không tiếp xúc với người mắc hay có nguy cơ mắc bệnh. Các biện pháp phòng chống dịch đã nhanh chóng được các cơ quan chức năng triển khai.
Đối với những người tiếp xúc gần, tiếp xúc với bệnh nhân 994 tại Bệnh viện E đã được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính.
Bệnh nhân số 994 sau khi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Sáng 20/8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, mẫu bệnh phẩm cũng được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm bằng các kỹ thuật khác. Cả hai đơn vị đều thông báo kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Với các kết quả xét nghiệm được báo cáo, Bộ Y tế đã quyết định rút trường hợp bệnh nhân 994 ra khỏi danh sách những người bị nhiễm coronavirus của Việt Nam.
Mặc dù vậy, để theo dõi ca bệnh này, Bộ Y tế vẫn quyết định để bệnh nhân ở lại điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh, hệ thống y tế cơ sở đã phản ứng rất nhanh chóng với ca bệnh này, Trên tinh thần công khai, minh bạch và chủ động ứng phó với dịch bệnh do coronavirus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thông báo để các cơ quan liên quan nhanh chóng triển khai các hoạt động khoanh vùng, cách ly, phòng chống dịch.
Theo đó, ngay trong tối ngày 19/8, khi nhận được thông tin về ca bệnh nghi nhiễm này, Bộ Y tế đã cử Đội cơ động chống dịch dưới sự chỉ đạo của PGS.TS Lương Ngọc Khuê đến ngay Bệnh viện E để chỉ đạo các biện phòng chống dịch.
Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế Phú Thọ cũng đã nhanh chóng truy vết các trường hợp tiếp xúc, tiến hành cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Bệnh viện E cũng tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân, tiến hành phong tỏa trong đêm qua để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Từ trường hợp này, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, đây cũng là một trong những trường hợp “đáng lưu ý” với các bệnh viện khi bệnh nhân đến khám có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cần phải thực hiện các biện pháp kiểm soát như một ca nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Đồng thời, trong chiều tối nay, kể từ 18h30 tối 20/8, sau gần một ngày bị phong tỏa, phun khử khuẩn để phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã cho phép Bệnh viện E (Hà Nội) dỡ bỏ phong tỏa, quay lại hoạt động bình thường.
Căn cứ vào kết quả xét nghiệm của bệnh nhân 994, 87 tuổi âm tính với virus SARS-CoV-2 và báo cáo diễn biến lâm sàng của người bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19) nhất trí với đề xuất của Bệnh viện E, cho phép bệnh viện hoạt động trở lại từ 18h30 ngày 20/8/2020.
Tiểu ban Điều trị yêu cầu bệnh viện nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc dự phòng lây nhiễm SARS-CoV-2 trong bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế.
Ổ dịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương đã cơ bản được kiểm soát
Chiều 20/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 của Việt Nam họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tại cuộc họp này, các thành viên Ban Chỉ đạo cho biết về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam, tính đến thời điểm hiện tại, các trường hợp nghi ngờ ở hai tỉnh miền Trung này đã được truy vết và cách ly, lấy mẫu triệt để, tiến hành xét nghiệm với số lượng lớn, trên diện rộng.
Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới đã giảm rõ rệt. Có thể nói, tình hình dịch ở Đà Nẵng và Quảng Nam đã cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng nhận định, những ngày tới tại Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn có thể ghi nhận những ca mắc mới rải rác trong cộng đồng.
“Chúng ta phải tiếp tục truy vết, kịp thời phát hiện ca mắc mới để kịp thời khoanh vùng, dập dịch”, đại diện Bộ Y tế nêu rõ.
Về tình hình dịch ở Hà Nội, từ 23/7 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 11 trường hợp mắc mới, trong đó có 8 trường hợp có mối liên quan dịch tễ tới ổ dịch Đà Nẵng, một trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương (bệnh nhân 867) và 2 trường hợp mắc gần đây nhất là đi từ vùng dịch Đà Nẵng về.
Như vậy, các trường hợp bệnh tại Hà Nội đều có sự liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ổ dịch tại Đà Nẵng.
Đối với ổ dịch tại Hải Dương, tới thời điểm hiện tại đã ghi nhận 12 trường hợp (các bệnh nhân số 906, 907, 908, 950, 963, 970, 971, 972, 973, 977, 978, 993), tất cả đều liên quan đến nhà hàng “Thế giới bò tươi”.
Tuy nhiên, kết quả phân tích gen cho thấy virus trên bệnh nhân số 867 (có lịch sử di chuyển giữa Hà Nội và Hải Dương) tương đồng với virus gây bệnh được phát hiện ở Đà Nẵng.
Ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên (từ ngày 8/8 – bệnh nhân 867), Bộ Y tế đã phối hợp với địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch.
“Đến nay, ổ dịch tại Hải Dương cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với địa phương khẩn trương triển khai công tác truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng để nhanh chóng dập dịch. Kinh nghiệm từ Hải Dương cho thấy, ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng, nếu chính quyền địa phương cần phối hợp với cơ quan y tế triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, thì sau khoảng hơn một tuần chúng ta có thể kiểm soát tình hình”, lãnh đạo Bộ Y tế bày tỏ.
Liên quan đến quá trình chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT lần thứ 2, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết đã tiến hành làm việc với các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk để chuẩn bị công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 8.
“Hiện nay Bộ GD&ĐT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, theo dõi sát tình hình dịch bệnh để đến sát ngày thi có phương án đảm bảo an toàn sức khỏe cho thí sinh, tuân thủ quy định về phòng, chống dịch, đảm bảo cơ hội cho những học sinh có năng lực được vào học những trường đai học theo nguyện vọng, năng lực của mình”, ông Độ nhấn mạnh.
Đọc thêm: