Mặc dù Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam vẫn nỗ lực thúc đẩy việc tổ chức các hội nghị cấp bộ, cấp vụ cũng như cấp nhóm công tác nhằm duy trì việc vận hành của khung hợp tác kinh tế ASEAN, thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư, kết nối, sáng tạo.
Tại Hội nghị tham vấn trực tuyến giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Nga, các bên thống nhất rằng sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước Đông Nam Á và Nga trên nhiều lĩnh vực giúp ASEAN tăng cường khả năng cạnh tranh và phát triển công nghệ, hạ tầng cơ sở.
Các Bộ trưởng kinh tế ASEAN thông qua nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất
Tại Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 52 (AEM-52), Việt Nam trong vai trò là nước chủ tịch ASEAN đã đề xuất một số văn kiện và sáng kiến cho hội nghị. Các đề xuất này đã được các thành viên tham dự đánh giá cao và thông qua.
Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai chỉ đạo của các nguyên thủ ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 6. Cùng với đó là các đối thoại, tham vấn cấp bộ trưởng với các đối tác ngoại khối.
Chuỗi sự kiện này được tổ chức từ ngày 25 – 29/8 tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì, cùng với sự tham dự của các Bộ trưởng kinh tế ASEAN, Tổng thư ký ASEAN và đại diện Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN.
Các thành viên tham dự AEM-52 đã tập trung thảo luận một số nội dung như: rà soát tiến trình triển khai các sáng kiến về kinh tế trong năm 2020 khi Việt Nam giữ vai trò chủ tịch.
Các bên cũng thảo luận, cập nhật tình hình dịch bệnh Covid-19 và ứng phó của khu vực, bao gồm cả khả năng xây dựng kế hoạch phục hồi toàn diện của ASEAN, đồng thời, xem xét các khuyến nghị của nhóm đặc trách về hội nhập kinh tế ASEAN trình lên các bộ trưởng kinh tế.
Ngoài ra, các đại biểu còn cùng nhau làm việc về nội dung chuẩn bị cho đối thoại với hàng loạt đối tác của ASEAN cũng như với cộng đồng doanh nghiệp khu vực.
Trong đó, 2 sáng kiến “Chỉ số Hội nhập số ASEAN” và “Tài liệu tham chiếu về kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN” thuộc 13 sáng kiến ưu tiên của Việt Nam cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam vẫn đang tham vấn và thúc đẩy triển khai các sáng kiến còn lại, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia ASEAN, Việt Nam vẫn nỗ lực thúc đẩy việc tổ chức các hội nghị cấp bộ, cấp vụ cũng như cấp nhóm công tác nhằm duy trì việc vận hành của khung hợp tác kinh tế ASEAN, thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư, kết nối, sáng tạo.
Việt Nam cũng chủ động đề xuất và tham gia vào các sáng kiến khu vực nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực và thế giới.
Việt Nam và các nước kêu gọi Ấn Độ trở lại RCEP
Bên cạnh hội nghị trên, nhiều chương trình nghị sự quan trọng khác cũng đã diễn ra và đạt kết quả tốt đẹp. Đáng chú ý trong số đó là Hội nghị Bộ trưởng kinh tế các nước tham gia hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) lần thứ 8.
Hội nghị cũng được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, nhằm thảo luận và thúc đẩy đàm phán RCEP, hướng tới khả năng ký kết hiệp định vào cuối năm 2020.
Các bộ trưởng ghi nhận những nỗ lực và tiến triển trong đàm phán RCEP cho tới thời điểm này hướng đến việc ký kết tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 14 vào tháng 11 năm nay, đồng thời tái khẳng định việc bỏ ngỏ cánh cửa tham gia đàm phán đối với Ấn Độ, không chỉ bởi Ấn Độ là nước đã tham gia ngay từ đầu, khi đàm phán RCEP được khởi động từ năm 2012, mà còn vì những tiềm năng mà Ấn Độ có thể mang lại cho sự thịnh vượng chung của khu vực.
Phát biểu hôm qua, 27/8, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee cho rằng, sắp tới sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11, chúng ta đang ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán vì vậy cần phải đẩy nhanh tiến độ công việc.
“Tôi kêu gọi mọi người linh hoạt hơn trong việc, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng để có thể đảm bảo lễ ký kết Hiệp định RCEP vào cuối năm nay”, đại diện Bộ Thương mại Hàn Quốc nhấn mạnh.
Tại Hội nghị lần này, các nước đều nhấn mạnh vai trò của RCEP trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế thế giới và khu vực.
Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh phát biểu nêu bật tầm quan trọng của những hoạt động tập thể nhằm tăng cường chuỗi cung ứng và phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
“Việc ký hiệp định RCEP sẽ gửi thông điệp tích cực cho thế giới về sức mạnh trong khu vực, cũng như cơ chế thương mại đa phương cởi mở và dựa trên luật lệ, ông Trần Tuấn Anh nói.
ASEAN tăng cường hợp tác với đối tác lớn Anh, Mỹ, Nhật, Trung Quốc
Ngoài sự kiện bàn về RCEP, nhiều hội nghị trực tuyến với các đối tác ngoại khối, như Trung Quốc, Mỹ, Anh cũng đã được tổ chức.
Đáng chú ý, bên cạnh những đối tác được nhắc nhiều trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc thì ASEAN tiếp tục thể hiện đi đầu về hợp tác kết nối chuỗi cung ứng của mình, khi liên tiếp có các cuộc đối thoại trực tuyến với 2 đối tác xuất khẩu lớn là Anh và Mỹ.
Cần lưu ý rằng, trong khi liên minh châu Âu chứng kiến sự ra đi của Anh (Brexit), cục diện thương mại thế giới rơi vào đình trệ giữa xung đột Mỹ - Trung liên tục leo thang căng thẳng, và đại dịch Covid -19 chặt đứt chuỗi cung ứng toàn cầu thì cộng đồng các nước ASEAN nổi lên như một điểm sáng nhờ chủ động kết nối trong khối, kết nối chuỗi cung ứng ASEAN với bên ngoài.
Tại hội nghị lần thứ 19 giữa các Bộ trưởng kinh tế ASEAN và Trung Quốc, hai bên đã thống nhất một số nội dung chính. Thứ nhất, Trung Quốc hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN từ năm 2009, đạt tổng giá trị giao dịch lên tới 507,9 tỷ USD vào năm 2019 (theo số liệu thống kê từ phía ASEAN) và chiếm 18% tổng giao dịch thương mại của ASEAN.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào khối ASEAN đạt khoảng 9.100 tỷ USD vào năm 2019, chiếm 5,7% tổng giá trị FDI của ASEAN.
Hai là, hai bên ghi nhận rằng năm 2020 là năm đặt dấu mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN, do đây là thời điểm kỷ niệm tròn 10 năm thiết lập quan hệ toàn diện về kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc.
Các bước hợp tác tiếp theo được thông qua nhằm giải quyết và triển khai một cách toàn diện những vấn đề còn tồn đọng trong chương trình hợp tác trong thời gian tới.
Với con số trên, Mỹ đứng hàng thứ 2 trong số các đối tác thương mại của ASEAN và là nhà đầu tư FDI lớn nhất của ASEAN trong năm 2019.
Các bộ trưởng hoan nghênh những kế hoạch hợp tác trong giai đoạn 2020 - 2021, tập trung vào một số nội dung như: thương mại số, các thông lệ tốt về cải tổ cơ chế chính sách và minh bạch hóa, thương mại và môi trường, thuận lợi hóa thương mại, doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, nông nghiệp.
Các Bộ trưởng kinh tế ASEAN hoan nghênh đề xuất tổ chức đối thoại Mỹ - ASEAN về quyền lao động và thương mại trong năm 2020 nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và trao đổi quan điểm về vấn đề quyền lao động trong các hiệp định thương mại tự do.
ASEAN 2020: Hiện thực hóa 3 mục tiêu trong hợp tác chống dịch Covid-19
Sáng 28/8, cũng trong khuôn khổ AEM-52, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã tổ chức Hội nghị tham vấn với các đối tác ngoại khối, bao gồm Nhật Bản.
Đồng chủ trì buổi tham vấn lần thứ 26 giữa ASEAN và Nhật Bản có Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, ngài Kajiyama Hiroshi.
Tại buổi tham vấn, các bộ trưởng ghi nhận: Tổng giá trị giao dịch hàng hóa giữa ASEAN và Nhật Bản đã đạt 225,9 nghìn tỷ USD trong năm 2019, chiếm 8% tổng lượng giá trị giao dịch thương mại của toàn khối ASEAN trong năm 2019.
Tổng giá trị vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vào ASEAN đạt khoảng 20,4 nghìn tỷ USD, chiếm 12,7% tổng lượng đầu tư vào ASEAN.
Như vậy, Nhật Bản đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 và là nhà đầu tư lớn thứ hai của cộng đồng các nước ASEAN trong năm 2019.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng cho biết quan ngại sâu sắc trước việc đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực và rộng khắp tới cuộc sống của người dân và các nền kinh tế trong khu vực và trên toàn thế giới.
Trước tình hình đó, các Bộ trưởng tái khẳng định các cam kết chung sức, đồng lòng hành động nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của đại dịch và nỗ lực đảm bảo sự bền vững của kinh tế và tài chính ở cấp vĩ mô, thông qua việc mở cửa thị trường cho thương mại và đầu tư, đảm bảo sự bền vững của chuỗi cung ứng, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu như các sản phẩm y tế, thuốc và lương thực trong khu vực.
Theo các đại biểu, những nỗ lực chung trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế và ổn định xã hội trong khu vực là hết sức quan trọng, bao gồm cả việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2020.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng ghi nhận tiến triển của việc triển khai Kế hoạch Hành động về việc phục hồi kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản, đã được các bộ trưởng của hai bên thông qua tại cuộc họp đặc biệt trực tuyến ngày 29/7/2020.
Nhiều hoạt động cụ thể được được thông qua nhằm hiện thực hóa 3 mục tiêu chính trong quá trình hợp tác chống lại đại dịch Covid-19. Các mục tiêu đó bao gồm đảm bảo mối quan hệ kinh tế gần gũi giữa ASEAN và Nhật Bản, giảm nhẹ các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên các nền kinh tế, củng cố sự linh hoạt của các nền kinh tế trong khu vực.
Các đại biểu nhất trí rằng, kế hoạch sẽ giúp ASEAN và Nhật Bản vượt qua các thách thức của đại dịch do coronavirus gây ra và đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của khu vực sau đại dịch.
Tại hội nghị, các bộ trưởng cũng bày tỏ hoan nghênh việc Nghị định thư lần thứ nhất về việc điều chỉnh Hiệp đinh Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP). Trong đó có các chương trình về Thương mại dịch vụ, di chuyển của thể nhân và đầu tư vào ngày 1/8/2020 và hướng tới việc triển khai một cách toàn diện trong năm nay.
ASEAN và Nga hợp tác đảm bảo sự thông suốt của chuỗi cung ứng
Chiều 28/8 đã diễn ra Hội nghị tham vấn trực tuyến giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Nga. Đồng chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga Vladimir Ilyuchev.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng hai phía đã ghi nhận tác động tiêu cực chưa có tiền lệ từ đại dịch Covid-19 đến đời sống và sự phát triển kinh tế của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Hai bên cho biết sẽ tiếp tục có những biện pháp trao đổi nhằm hạn chế những tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế của các nước, từ đó giúp giữ vững kinh tế vĩ mô và sự ổn định tài chính thông qua việc mở cửa thị trường thương mại và đầu tư, cũng như đảm bảo sự thông suốt của chuỗi cung ứng, nhất là đối với luồng chu chuyển của các hàng hóa thiết yếu như y tế, thuốc men và thực phẩm trong khu vực.
Hai bên ghi nhận, trong thời gian qua Hiệp định song phương giữa ASEAN và Nga đã được triển khai có hiệu quả. Theo thống kê của ASEAN, trong năm 2019 tổng giá trị giao dịch thương mại giữa ASEAN và Nga đạt 18,2 nghìn tỷ USD, chiếm 0,6% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, trong khi FDI từ Nga sang các nước ASEAN đạt 45 triệu USD.
Qua kết quả rà soát quá trình triển khai Chương trình hợp tác về Thương mại và Đầu tư giữa ASEAN và Nga giai đoạn sau năm 2017, đã ghi nhận những kết quả đạt được trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, cơ sở hạ tầng, dịch vụ tài chính và công nghệ số,…
Tại hội nghị, các Bộ trưởng đồng ý rằng sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai bên trong những lĩnh vực này sẽ tạo điều kiện cho ASEAN đẩy mạnh khả năng cạnh tranh và phát triển công nghệ, hạ tầng cơ sở.
Các Bộ trưởng tham dự hội nghị cũng bày tỏ sự hoan nghênh đối với tiến trình triển khai Chương trình hợp tác giữa ASEAN và Ủy ban Kinh tế Á - Âu (EEC) về Hợp tác Kinh tế giai đoạn 2019 - 2020, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối giữa các nền kinh tế ASEAN và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) nhằm khai thác một cách hiệu quả các tiềm năng kinh tế, thương mại của hai Bên.
Các Bộ trưởng đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa Nga và Hội đồng Kinh doanh ASEAN (RABC) và các Trưởng SEOM bên lề cuộc họp ASEAN - EAEU về Hội nhập kinh tế tại Moskva vào ngày 10/12/2019, đồng thời bày tỏ kỳ vọng vào những hoạt động hợp tác tiếp theo trong thời gian sắp tới đây.
Đọc thêm: