Củi vào lò: Đề nghị tiếp tục truy tố ông Đinh La Thăng và Nguyễn Hồng Trường

Ngày 31/8, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án sai phạm tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương liên quan cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và cựu Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường.
Sputnik

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định ông Nguyễn Hồng Trường - cựu thứ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng – cựu Bộ trưởng Bộ GTVT và đồng phạm đã để xảy ra những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, từ đó giúp bị can Đinh Ngọc Hệ (Út 'trọc') lừa đảo chiếm đoạt tiền thu phí hơn 725 tỷ đồng.

Đề nghị truy tố hai cựu lãnh đạo Bộ GTVT Đinh La Thăng và Nguyễn Hồng Trường

Cụ thể, ngày 31/8, đã có kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về vụ án “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Với kết luận này, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp truy tố bị can Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải), Nguyễn Hồng Trường (sinh năm 1957, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông) vận tải cùng 5 đồng phạm về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cơ quan chức năng ban hành kết luận này sau nửa tháng điều tra, thực hiện lệnh bắt tạm giam cựu thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường.

Hiện kết luận đã được chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân tối cao để đề nghị truy tố các bị can Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT, Nguyễn Hồng Trường, cựu Thứ trưởng, Đinh Ngọc Hệ, cựu Chủ tịch hội đồng quản trị, cựu Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn cùng với 17 bị can khác.

Củi vào lò: Đề nghị tiếp tục truy tố ông Đinh La Thăng và Nguyễn Hồng Trường

Đáng chú ý, cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM, cựu Chủ tịch PVN, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng được cơ quan điều tra xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này.

Ông Đinh La Thăng dính dáng gì đến công ty của Út 'trọc'?

Theo đó, trên cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng được giao quản lý tài sản, trong đó có quyền thu phí Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Với chức trách của mình, ông Thăng là người nắm rõ các quy định pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và chuyển giao quyền thu phí, cũng như nhận thức rõ đây là tài sản đặc thù có giá trị đặc biệt lớn, cần tìm kiếm đối tác có năng lực tài chính để tối ưu hóa việc bán quyền thu phí.

Tuy nhiên, sau khi được Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương bán quyền thu phí vào tháng 2/2012, ông Đinh La Thăng đã gọi điện cho Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long và đưa ra những chỉ đạo “bất thường”.

Di sản của ông Đinh La Thăng: Cứu 12 dự án thua lỗ ngành Công thương thế nào?
Theo đó, ông Thăng chỉ đạo để cho công ty của Út 'trọc', là công ty đang kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính mua quyền thu phí.

Trong thời gian thực hiện, ông Thăng nắm rõ toàn bộ hoạt động triển khai đề án, kết quả bán đấu giá được thực hiện không đúng quy định pháp luật, để cho công ty Yên Khánh của bị can Đinh Ngọc Hệ trúng đấu giá, phù hợp với giới thiệu ban đầu của ông Thăng.

Ngoài ra, ông Đinh La Thăng cũng biết rõ việc công ty Yên Khánh kéo dài, trì hoãn không thanh toán tiền đấu giá đúng thời hạn, phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và chuyển giao quyền thu phí lại cho Nhà nước.

“Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng không những không chỉ đạo chấm dứt trước hạn hợp đồng mà còn yêu cầu Dương Tuấn Minh để doanh nghiệp trả từ từ”, kết luận điều tra nêu rõ.

Không những thế, ông Thăng còn có bút phê đồng ý cho công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung 2 nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm, đồng thời đề nghị cho công ty cấn trừ vào số tiền phải thanh toán theo hợp đồng quyền thu phí, tạo điều kiện cho công ty hưởng lợi.

Như vậy, hành vi của ông Đinh La Thăng đã cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Cơ quan điều tra quy kết ông Thăng có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này.

Ông Nguyễn Hồng Trường vi phạm để Út ‘trọc’ Đinh Ngọc Hệ chiếm 725 tỷ

Trong khi đó, trong vai trò là Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Hồng Trường được xác định là người đã ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí, nhưng không thông qua hội đồng xác định giá, hoặc thuê tổ chức thẩm định giá.

Mặc dù chỉ có một người tham gia đấu giá, và trả giá bằng giá khởi điểm, ông Trường vẫn ký quyết định cho phép Hội đồng bán chỉ định.

Ông Nguyễn Hồng Trường còn là người đã ký thông báo Công ty Yên Khánh và công ty Khánh An đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dù chưa thông qua ý kiến của các thành viên Hội đồng bán đấu giá.

Cựu Thượng tá quân đội Út 'trọc' trúng thầu nhiều dự án kiểu "tay không bắt giặc"
Trước việc Công ty Yên Khánh không thực hiện thanh toán đúng thời hạn, ông Trường không những không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng mà còn ký 9 văn bản, chủ trì cuộc họp chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long tiếp tục đôn đốc Công ty Yên Khánh trả tiền.

Theo cơ quan điều tra, hành vi của ông Trường đã vi phạm nhiều quy định pháp luật, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước.

Với mục đích chiếm đoạt quyền thu phí, ngay từ đầu bị can Đinh Ngọc Hệ (tức Út 'trọc') đã có thủ đoạn gian dối, chỉ đạo nhân viên làm giả báo cáo từ lỗ thành lãi và làm giả xác nhận của đơn vị kiểm toán trong báo cáo tài chính năm 2001, 2002.

Từ đó, dù đang kinh doanh thua lỗ, công ty của Út 'trọc' đủ điều kiện tham gia đấu giá.

Vì không có năng lực tài chính để trả theo hợp đồng, Út 'trọc' đã kéo dài thời gian thanh toán tiền mua quyền thu phí sau khi trúng đấu giá.

Trong quá trình thu phí, Đinh Ngọc Hệ lại có hành vi gian dối, chỉ đạo mua và sử dụng phần mềm của Công ty Xuân Phi nhằm che giấu doanh thu, báo cáo không đúng thực tế.

Bằng một loạt những hành vi vi phạm trên, với sự giúp sức của đồng phạm, bị can Đinh Ngọc Hệ đã chiếm đoạt hơn 725 tỉ của Nhà nước.

Củi vào lò: Đề nghị tiếp tục truy tố ông Đinh La Thăng và Nguyễn Hồng Trường

Cơ quan điều tra xác định có đủ căn cứ kết luận bị can Đinh Ngọc Hệ đã có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với vai trò chủ mưu cầm đầu và tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Nỗ lực thu hồi tài sản Nhà nước trong vụ án ông Nguyễn Hồng Trường, Đinh La Thăng

Ngày 14/8, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố loạt bị can gồm các ông Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng Bộ GTVT, hiện đang thụ án 30 năm tù), ông Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ GTVT), ông Nguyễn Chí Thành (quyền Vụ trưởng vụ Tài chính, Bộ GTVT), ông Lê Trung Cường (chuyên viên vụ Tài chính, Bộ GTVT) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo điều 219 Bộ Luật Hình sự 2015.

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng Công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu giá và thu phí tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Như Sputnik Việt Nam, trước đó, ông Nguyễn Hồng Trường đã bị Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 – 2017. Nguyên do là bởi ông này đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác, và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng.

5 đại án lớn làm ‘đau đầu’ Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng của Việt Nam
Đồng thời, tại kết luật của Ủy ban Kiểm tra trung ương tại kỳ họp thứ 35 nêu rõ, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải đã “vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải”.

Về phần mình, cựu Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường chịu trách nhiệm cá nhân về ký các quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa, cho cổ phần hóa không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của pháp luật về cổ phần hóa, quản lý vốn tại các doanh nghiệp.

Ông Trường cũng đồng ý cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam thực hiện một số hoạt động không đúng với quy định của Luật doanh nghiệp năm 2013 và các quy định của Chính phủ; thiếu kiểm tra, để các doanh nghiệp được phân công phụ trách vi phạm, khuyết điểm gây thất thoát tài sản của nhà nước.

Bộ Công an khẳng định, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Thảo luận