Vòng bán kết đầy phức tạp
Cuộc đua tiếp sức ở vòng bán kết của «Tank Biathlon» khác biệt từ gốc rễ cơ bản so với cuộc đua cá nhân. Thứ nhất, trong đua tiếp sức có sự tham gia cùng lúc của ba tổ lái từ mỗi đội tuyển, luân phiên thay nhau trên cùng một cỗ xe. Xe tăng chỉ được thay thế một lần đuy nhất. Khác biệt thứ hai là thời điểm xuất phát đua tiếp sức là đồng loạt cho tất cả các đội. Thứ ba, mỗi đội cần hoàn thành 12 vòng đua (theo 4 vòng cho mỗi tổ lái) còn chi tiết cụ thể của các vòng được phân định cho mỗi đội bằng cuộc rút thăm đặc biệt. Nét khác biệt thứ tư: tổng số mục tiêu cần bắn hạ cao hơn nhiều so với «cuộc đua cá nhân» - 24 mục tiêu. Thứ năm, tiếp sức cần bắn từ pháo tăng trong khi đang di chuyển với tốc độ xe tăng là 5 km/h.
Làm như vậy còn khó hơn là khai hoả từ một địa điểm, bất chấp sự hoàn hảo của kính ngắm cũng như độ ổn định của khẩu pháo. Mà chiều dài khu vực bắn pháo chỉ vẻn vẹn 400 mét. Và khác biệt thứ sáu là năm nay vòng bán kết của «Tank Biathlon-2020» diễn ra vào buổi chiều, và ngay cả khi thời tiết thuận lợi thì mặt trời lặn vẫn cản trở, chiếu tia sáng gây chói loá kính ngắm và ngẫu nhiên «tiếp tay che chắn» các mục tiêu.
Hai đối thủ trình độ ngang ngửa như nhau
Vào ngày 1 tháng 9, lúc 15:56 theo giờ Matxcơva (tức 19:56 theo giờ Hà Nội) vòng đua tiếp sức bán kết dành cho đội tuyển Việt Nam và Myanmar bắt đầu. Hai đối thủ có trình độ chuẩn bị tương đương ngang nhau so tài trên thao trường ngoại ô thủ đô Nga.
Từ phía đội tuyển Việt Nam, xuất kích đầu tiên là tổ lái của Trần Việt Hải. Cỗ xe tăng mang số hiệu Việt Nam lập tức vượt lên dẫn trước tăng Myanmar. Ở vòng thứ nhất, kíp lái bắn chính xác từ súng máy cỡ nòng lớn, ở vòng thứ hai, xạ thủ Lê Quang Hiệp diệt gọn mục tiêu từ súng máy 7,62 mm, vòng thứ ba chạy tự do, không cần bắn, dưới tay lái điều khiển vững vàng Hoàng Mạnh Tuấn cho xe «bay» với tốc độ 63 km/h. Vòng thứ tư, xạ thủ bắn pháo hạ 2/3 mục tiêu. Tổ lái thứ nhất đã hoàn thành chặng đường trong 42 phút 13 giây, kể cả thời gian dành cho vòng phạt và những thời điểm phạt dừng lập tức tại chỗ pit-stop vì lỗi húc đổ cột trụ.
Nhưng tiếp đó mọi chuyện của «cánh ta» đã xấu đi. Tổ lái của Vũ Bá Trọng không hạ được cả 2 mục tiêu cần tiêu diệt bằng súng máy 12,7mm, còn khi dùng súng máy 7,62 mm thì chỉ bắn trúng 2 trong số 3 mục tiêu. Lái xe - thợ máy Đỗ Quốc Tuấn đã cố gắng điều khiển cỗ tăng 42 tấn thật nhanh, thật chính xác nhưng không tránh khỏi lỗi lao vào cột biên lúc vượt ra khỏi hào chống tăng và vướng phải một «quả mìn» khi cho xe tăng chạy qua «bãi mìn». Đến vòng thứ tư, xạ thủ Trần Ngọc Bình nã đạn từ pháo bắn trúng mục tiêu đầu tiên, thế nhưng tiếc thay không tìm thấy hai mục tiêu còn lại, có lẽ do quá hồi hộp mà kính ngắm thì bị loá nắng. Tháp tăng với khẩu pháo nạp đạn xuyên giáp lúng túng lao vào góc rất nguy hiểm, vượt ra ngoài tầm ngắm mục tiêu…
Đội tuyển Việt Nam ở tình huống thực sự như «ngàn cân treo sợi tóc» vì đe dọa bị loại! Nhưng dù sao chăng nữa, đã bắn vào «vùng sữa» (là vùng đất trắng xung quanh mục tiêu bắn vào «vùng sữa» không được ghi điểm, không được tính là thành công, mà coi là bỏ lỡ). Và thế là thêm hai vòng phạt.
Trong khi đó, đối thủ Myanmar cho tăng chạy chậm hơn và bắn không chính xác hơn so với các tuyển thủ Việt Nam, và cũng phạm vô số lỗi sai. Nhưng lính tăng Myanmar đã chọn lấy chiến thuật khá mạo hiểm: không tốn thời gian ngắm bắn và khai hoả, cứ việc bắn trượt miễn là né được vòng phạt. Kết quả là xét về tổng thời gian, đội Myanmar bắt đầu vượt lên dẫn trước.
Vào hồi 21:20 theo giờ Hà Nội, đúng vào lúc thay đổi tổ lái kế tiếp, cuộc đua bất ngờ ngừng lại theo hiệu lệnh của trọng tài chính. Đoạn ngắt quãng này kéo dài cả một giờ. Đến 22:26, chiếc xe tăng màu vàng xanh với tổ lái của Phạm Văn Anh lại chuyển động.
Trong phần thứ ba của cuộc đua tiếp sức, lính tăng Myanmar nhận vòng phạt do những phát bắn vu vơ. Chạy theo án phạt, họ hoàn toàn mất hút khỏi đường đua và xe tăng lao thẳng qua đám cỏ dại! Cơ hội bứt phá hiện ra với các chiến sĩ tăng Việt Nam. Thế nhưng cánh ta cũng mắc sai lầm, lãng phí thời gian tại các điểm phạt dừng lập tức tại chỗ pit-stop, phạt chạy thêm do húc đổ trụ và không bắn hạ mục tiêu. (Trên bầu trời của ngày cuối hè Matxcơva, mặt trời bắt đầu lặn và tầm nhìn của các xạ thủ-điều khiển của cả hai tổ đã kém hơn). Thợ máy giầu kinh nghiệm Nguyễn Tiến Chiến cố gắng rút ngắn khoảng cách, tăng tốc xe chạy trên đường bằng lên 65 km/h. Thế nhưng đội Myanmar đã về nhất với tổng thời gian sơ bộ là 2 giờ 17 phút 46 giây. Đội Việt Nam chậm hơn vài phút. Kết quả thời gian sơ bộ của lính tăng Việt Nam là 2 giờ 21 phút 05 giây. Tuy nhiên, xạ thủ tăng Việt Nam đã hạ được nhiều mục tiêu hơn. Do vậy, phải chờ Hội đồng giám khảo đưa ra quyết định cuối cùng.
Dù trong vòng bán kết tiếp sức đội tuyển Việt Nam về nhì, không thể nào coi là thua kém thất bại. Đội tuyển Việt Nam vẫn bảo lưu cơ hội vào chung kết. Tuy nhiên, rõ ràng các chiến sĩ xe tăng Việt Nam cần rèn luyện thêm về kỹ năng hoả lực, đặc biệt là bắn pháo.
Hôm nay 2 tháng 9, vào lúc 19:00 theo giờ Hà Nội sẽ diễn ra vòng bán kết thứ 2 đua tiếp sức «Tank Biathlon-2020» giữa các đội thuộc bảng 2. Các đối thủ trong cuộc đua này là Tajikistan, Lào và Congo. Theo kết quả của cuộc đua hôm nay, sẽ xác định các thành viên của cuộc đấu chung kết, vì ở đó chỉ có 4 đội.
Trận chung kết bảng 2 «Tank Biathlon-2020» tiến hành vào ngày 4 tháng 9 lúc 15:00 theo giờ Hà Nội.