Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông?

Liên quan đến tình hình Biển Đông, nếu Đại sự Trung Quốc tại Hungary Đoàn Khiết Long (Duan Jielong) trúng cử Thẩm phán Tòa Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) thì vừa qua, thông tin Việt Nam đề cử các trọng tài và hòa giải viên theo UNCLOS 1982 cũng gây chú ý rất lớn.
Sputnik

Đây được đánh giá là bước đi pháp lý mới của Việt Nam ở Biển Đông nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các thực thể tranh chấp ở Biển Đông. Với “cái đầu lạnh và trái tim nóng”, Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông?

Việt Nam đề cử các trọng tài và hòa giải viên theo UNCLOS 1982

Thông tin Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung đã trao quyết định đề cử trọng tài viên và hòa giải viên theo UNCLOS 1982 quả thực thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế liên quan đến những diễn tiến mới về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Có thể nhìn nhận, tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến phức tạp. Thế đối đầu căng thẳng và nguy cơ xung đột giữa Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu lắng xuống. Những cuộc chiến ngôn từ giữa “đội quân chiến lang” hùng hậu của Bắc Kinh với Washington, Manila, Kuala Lumpur và các bên vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, Hà Nội, cụ thể là Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn kiên định lập trường, tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, yêu cầu chính quyền Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông?

Liên quan đến “bước đi pháp lý mới” của Việt Nam ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin cho biết, ngày 27/7 vừa qua, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trao Quyết định cho các chuyên gia được đề cử vào danh sách trọng tài viên và hòa giải viên theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ đề cử 4 hòa giải viên gồm ông Phạm Quang Hiệu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Huỳnh Minh Chính, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao và Đại sứ Nguyễn Quý Bính, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao.

Giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng luật lệ và lòng tin?
Đối với vị trí các trọng tài viên, Việt Nam đề cử PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao, Học viện Ngoại giao, thành viên Ủy ban Pháp luật quốc tế của Liên hợp quốc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao, TS. Nguyễn Đăng Thắng, Vụ trưởng, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, thành viên Tòa trọng tài thường trực quốc tế và PGS. Robert Beckman, Giám đốc Chương trình Luật và Chính sách Đại dương, Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore.

Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, hiện nay danh sách này đã được công bố chính thức trên trang thông tin của Liên hợp quốc về điều ước quốc tế (United Nations Treaty Collection).

“Trong các nước ASEAN, Việt Nam là nước thứ tư đề cử các chuyên gia vào danh sách trọng tài viên, hòa giải viên theo UNCLOS, sau Indonesia, Singapore và Thái Lan”, Bộ Ngoại giao cho biết.

Tính đến nay, đã có 46 nước tiến hành đề cử trọng tài viên và hòa giải viên nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên UNCLOS 1982.

Hôm 6/8 vừa qua, ĐSQ Việt Nam tại Singapore cũng tổ chức lễ trao quyết định đề cử của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho PGS. Robert Beckman, Giám đốc Chương trình Luật và Chính sách Đại dương, Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore.

Phát biểu tại sự kiện này, bà Tào Thị Thanh Hương – Đại sứ Việt Nam tại Singapore khẳng định, “đây là lần đầu tiên trong lịch sử”, Việt Nam đề cử một công dân nước ngoài cho vị trí quan trọng của một trọng tài viên nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước LHQ về Luật Biển UNCLOS 1982.

Theo nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, động thái mới nhất này của Việt Nam thể hiện Hà Nội đang rất quan tâm đến phương diện pháp lý trong vấn đề giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua luật pháp quốc tế.

Đúng như phát biểu của Đại sứ Thanh Hương, việc đề cử PGS. Robert Beckman khẳng định không chỉ sự công nhận đối với kiến thức và kinh nghiệm vị chuyên gia này mà còn nêu bật sự vô tư và sự ủng hộ dành cho các giải pháp xử lý tranh chấp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế của Việt Nam.

Việt Nam đang chuẩn bị cho vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông?

Bước đi pháp lý mới này của Việt Nam lại làm dấy lên đồn đoán về khả năng Việt Nam đang chuẩn bị cho vụ kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Đặc biệt là sau sự kiện ngày 24/8, Đại sứ Trung Quốc tại Hungary Đoàn Khiết Long (Duan Jielong), đã trúng cử ghế Thẩm phán và là thành viên của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Như vậy, Đại sứ Đoàn Khiết Long là một trong số 6 người được bầu vào vòng bỏ phiếu đầu tiên của các Quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). 

Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông?

Giới quan sát quốc tế đánh giá, việc Trung Quốc “có chân” ở ITLOS mang lại lợi thế không nhỏ cho Bắc Kinh khi cần giải quyết các tranh chấp quốc tế trên biển.

Sự kiện này cũng làm dấy lên những phỏng đoán về các bước đi tiếp theo của Việt Nam nhằm củng cố hơn nữa quyết tâm bảo vệ chủ quyền Biển Đông tuân thủ chặt chẽ luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, cũng còn khá sớm để khẳng định rằng, quyết định đề cử các trọng tài viên và hòa giải viên nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 là biện pháp “đáp trả” hay nhằm chuẩn bị cho công cuộc khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế của Việt Nam. Hà Nội vốn rất thận trọng trong từng chiến lược, quốc sách của mình.

Khiêu khích Việt Nam, Trung Quốc muốn viết lại luật lệ Biển Đông
GS. TS James Kraska (Trung tâm luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Hoa Kỳ) cho rằng Việt Nam, cũng như toàn bộ các bên đã ký UNCLOS 1982, có thể đề cử trọng tài viên nhằm lựa chọn cho một vụ kiện trong tương lai. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, vị chuyên gia cho hay, không nên hiểu động thái này là một phần trong kế hoạch chuẩn bị khởi kiện Bắc Kinh của Hà Nội.

“Thực tế là việc Việt Nam chỉ định một nhóm trọng tài không nhất thiết phải ngầm hiểu rằng họ đang khởi kiện ngay, mà đây đơn giản chỉ là việc thực thi quyền của mình trên tư cách một thành viên UNCLOS”, ông James Kraska nhấn mạnh.

Trong khi đó, “người trong cuộc”, một trong những ứng viên được đề cử làm trọng tài viên, đại diện cho Việt Nam, PGS. Robert Beckman phát biểu cho biết, việc đề cử này có nghĩa là Việt Nam chứng tỏ sự ủng hộ dành cho UNCLOS 1982 và các thủ tục giải quyết tranh chấp, thông qua việc thực hiện quyền của mình trong việc đề cử ứng viên vào danh sách trọng tài viên và hòa giải viên của Liên Hiệp Quốc.

“Rất nhiều quốc gia thành viên UNCLOS 1982 đã thực hiện quyền này. Đây không phải tín hiệu cho thấy Việt Nam đang có ý định khởi động các thủ tục giải quyết tranh chấp chống lại bất kỳ thành viên nào”, ông Beckman khẳng định.

Theo vị chuyên gia về luật biển, cần hiểu đúng hơn thì đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam ủng hộ trình tự pháp lý dựa trên quy tắc được quy định trong UNCLOS 1982 và các thủ tục trong UNCLOS để giải quyết tranh chấp theo đường lối hòa bình giữa các quốc gia thành viên, xung quanh việc giải thích và áp dụng các điều khoản của công ước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam quyết tâm bảo vệ luật pháp quốc tế trên Biển Đông
Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm và nắm chắc luật quốc tế, Giám đốc Chương trình Luật và Chính sách Đại dương, Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, phần lớn các nước đề cử người vào danh sách trọng tài viên đến nay chưa từng khởi động các thủ tục giải quyết tranh chấp này.

Theo đó, cả Philippines lẫn Malaysia đều không đề cử người vào danh sách trọng tài viên, tuy nhiên Philippines đã khởi động thủ tục giải quyết tranh chấp chống lại Trung Quốc, còn Malaysia cũng làm điều tương tự với Singapore trong vụ kiện cải tạo đất.

“Việt Nam đã hành động có chủ đích và phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam đã chứng tỏ sự hiện diện ổn định ở Biển Đông”, PGS. Beckman khẳng định.

Việt Nam cũng cần phải tính đến việc đưa người vào các cơ quan quốc tế

Bình luận về khả năng Việt Nam đề cử danh sách trọng tài viên và hòa giải viên theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) là bước đi đầu tiên để Việt Nam tiến hành khởi kiện các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông hay không, chuyên gia Việt Hoàng, nhà nghiên cứu Biển Đông (đến từ Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện còn quá sớm để nói về kịch bản đó.

Theo vị chuyên gia chia sẻ trên VTC, việc đề cử, giới thiệu những nhân vật có khả năng tham gia vào cơ quan UNCLOS 1982 không có nhiều liên quan đến việc khởi kiện hay không khởi kiện về vấn đề Biển Đông.

“Bởi vì việc khởi kiện lên cơ quan tòa án quốc tế có người Việt Nam trong đó đi chăng nữa cũng sẽ phải tiến hành theo thủ tục quy định”, nhà nghiên cứu Việt Hoàng nêu rõ.
Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông?

Đối với việc đề cử của Việt Nam, ông Hoàng tin tưởng rằng, điều này cho thấy Việt Nam đang dần hội nhập quốc tế, chứng tỏ Việt Nam hoàn toàn có các chuyên gia hàng đầu về luật biển quốc tế.

Theo nhà nghiên cứu về các vấn đề Biển Đông, gần đây, UNCLOS 1982 mở thêm chi nhánh ở Singapore, theo đó phía Việt Nam được quyền giới thiệu những nhân vật có khả năng tham gia vào cơ quan quốc tế này. Trong đề cử lần này, Việt Nam có 4 hòa giải viên, 4 trọng tài viên. Hầu hết là những người được đào tạo ở nước ngoài, có kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý và đa phần từng công tác trong Bộ Ngoại giao.

“Việc Việt Nam đưa ra danh sách đề cử chứng minh một điều rằng, Việt Nam đang hội nhập với quốc tế. Việt Nam cũng cần phải tính đến việc đưa người vào các cơ quan quốc tế, cơ quan tài phán như vậy trong thời gian tới”, chuyên gia nói.

Theo đó, một mặt là để Việt Nam dần hội nhập với quốc tế, mặt khác là để chứng tỏ người Việt Nam có thể tham gia được nhiều vấn đề, có nhân lực được đào tạo bài bản.

Bình luận về việc Việt Nam mời, đề cử PGS.Robert Beckman, chuyên gia Việt Hoàng nhận định, điều này cho thấy sự khách quan của Việt Nam, sẵn sàng giới thiệu những chuyên gia, học giả uy tín vào các tổ chức quốc tế.

Việt Nam cần chuẩn bị cho mọi tình huống, kể cả khởi kiện Trung Quốc?

Khi Trung Quốc liên tiếp có các hành vi ngang ngược, gây hấn, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đã có nhiều ý kiến cho rằng ta nên khởi kiện nước này lên tòa quốc tế, về vấn đề này, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường trao đổi trên VOV nhấn mạnh rằng, đây là một phương án, và không ai loại trừ phương án đó cả.

“Ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả phương án khởi kiện khi cần thiết cũng như nhiều phương án khác nữa. Nhưng khởi kiện vào lúc nào và khởi kiện như thế nào thì ta cần tính toán hết sức kỹ lưỡng với cái đầu lạnh và tỉnh táo để nếu có làm thì phải đạt được hiệu quả cao nhất”, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường khẳng định.

Theo ông Cường, không thể phủ nhận một phán quyết công tâm của Tòa sẽ tạo tiền lệ cho các nước theo đuổi một giải pháp pháp lý khi một bên chỉ muốn dùng sức mạnh cơ bắp thay vì đưa ra bằng chứng thuyết phục để chứng minh yêu sách của mình là có cơ sở. Tuy nhiên, giải pháp pháp lý nên chỉ là lựa chọn cuối cùng khi đàm phán bế tắc và chiến tranh đã gần kề.

Trung Quốc bắn tên lửa ở Biển Đông: Dọa Mỹ, bắt nạt Việt Nam và các nước láng giềng
Trên thực tế, ngay cả khi Tòa ra một phán quyết bất lợi cho Trung Quốc mà nước này không thực thi thì cũng không mang đến hiệu quả như mong muốn. Đó là còn chưa kể đến việc cán cân công lý có thể bị các thế lực tác động cho mưu đồ riêng.

Đại sứ PGS.TS Nguyễn Hồng Thao thẳng thắn chỉ ra một trong những thách thức ở Biển Đông là vấn đề cần lựa chọn những người xứng đáng, khách quan, trung thực cho các cơ quan tài phán quốc tế.

Theo vị chuyên gia, việc lựa chọn những người xứng đáng, khách quan, trung thực cho các cơ quan tài phán quốc tế như Tòa trọng tài Luật biển là quy định cụ thể trong quy chế của mỗi cơ quan tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hay Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Đó cũng là thách thức khi một số nước vận động hành lang, đưa người vào tổ chức. Về nguyên tắc, các thẩm phán là những người làm việc khách quan, không phụ thuộc vào chính trị của quốc gia mà họ mang quốc tịch.

“Kết quả bỏ phiếu phụ thuộc nhiều vào yếu tố khác nhau, từ chất lượng của ứng viên đến thái độ của các nước, vận động của nước có ứng viên…Thách thức lớn nhất là các nước làm sao có được một cái nhìn khách quan, trung thực về ứng viên từ quan điểm khoa học chứ không có tính toán chính trị”, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao thẳng thắn.

Để giải quyết vấn đề Biển Đông, theo Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, Việt Nam cần giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh. Vị chuyên gia phân tích, trái tim nóng, đó là quyết tâm không gì lay chuyển nổi của toàn Đảng, toàn dân ta trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới: ‘Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy’. Thế giới cũng đã hiểu rất rõ quyết tâm và ý chí sắt đá đó của dân tộc Việt Nam.

“Cái đầu lạnh, đó là cần bình tĩnh và tỉnh táo để xử lý vấn đề sao cho có lợi nhất cho đất nước, cho dân tộc. Cần xử lý đến đâu thì xử lý đến đó, không phải lúc nào cũng phải đẩy vấn đề lên quá mức cần thiết”, Đại sứ Cường nhấn mạnh.
Thảo luận