Nhiều chuyên gia nước ngoài bày tỏ quan điểm lên án những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và vi phạm pháp luật quốc tế. Trung Quốc liên tục tìm mọi cách ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí trên Biển Đông của các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, Malaysia, Philippines, kéo theo sự vào cuộc của Hoa Kỳ, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột.
Giới quan sát chỉ rõ mưu đồ của Trung Quốc trong việc kiểm soát Biển Đông và lợi dụng tình hình dịch bệnh để phục vụ mưu đồ chính trị. Dư luận quốc tế cho rằng, thật hài hước khi Trung Quốc duy trì các tuyên bố chủ quyền nực cười đồng thời cố gắng viết lại luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Mỹ khen ngợi Australia điều tàu chiến đến Biển Đông thách thức Trung Quốc
“Australia có chung mối quan tâm trong bảo đảm tự do hàng hải và giám sát các thông lệ, quy định quốc tế liên quan tới luật pháp trên biển. Phía Australia rất chuyên nghiệp, đợt tập trận, triển khai hỗn hợp này của chúng tôi cho thấy cam kết chung và vững bền trong quan hệ chặt chẽ giữa hai nước”, Đại tá Hải quân Kurt Sellerberg, hạm trưởng tàu tuần dương USS Bunker Hill của Hải quân Hoa Kỳ nhấn mạnh.
Lời tán dương này được Đại tá Hải quân Sellerberg đưa ra sau khi các tàu chiến Mỹ và tàu hộ vệ HMAS Parramatta của Hải quân Australia diễn tập chung trên Biển Đông từ ngày 13/4.
Như đã đưa tin, Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ tuần trước cho biết tàu chiến HMAS Parramatta di chuyển cùng với tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill, sau đó hội quân với tàu đổ bộ tấn công USS America và tàu khu trục USS Barry ngày 18/4.
“Chúng tôi mong muốn mọi cơ hội hợp tác trên biển với các đồng minh Australia. Sự hiện diện của nhiều tàu chiến uy lực trên Biển Đông đã chứng minh cho các đồng minh và đối tác trong khu vực rằng chúng tôi có cam kết sâu sắc với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do”, Chuẩn Đô đốc Fred Kacher, Chỉ huy Nhóm tác chiến Viễn chinh USS America nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ đợt tập trận này, hoạt động phối hợp giữa tàu chiến Hoa Kỳ và tàu Hải quân Hoàng Gia Australia HMAS Parramatta gồm các cuộc diễn tập bắn đạn thật, vận hành trực thăng, diễn tập đội hình xuồng bảo vệ và hiệp đồng chỉ huy, kiểm soát. Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Mỹ, có 3.000 thủy thủ hải quân và lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã tham gia đợt diễn tập này.
Trước đó, Người phát ngôn Bộ quốc phòng Australia cho biết, tàu tuần dương HMAS Parramatta đã triển khai tại khu vực Nam và Đông Nam Á trong vòng hai tháng nhằm củng cố sự ổn định và an ninh trong khu vực.
Bộ Quốc phòng Australia cũng khẳng định, Australia luôn duy trì chương trình can dự quốc tế mạnh mẽ với các nước trong và xung quanh khu vực Biển Đông trong nhiều thập kỷ nhằm tránh những xung đột không đáng có tại khu vực này.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trước đó thông báo tàu USS America và USS Bunker Hill đã được triển khai và hoạt động trên Biển Đông, nhưng không cho biết vị trí cụ thể.
Nhóm chiến hạm Mỹ đã xuất hiện gần nơi tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc bám theo tàu khoan West Capella do công ty dầu khí Malaysia Petronas vận hành tại vùng biển gần Malaysia.
Những hành động phi pháp của Trung Quốc đang làm bùng lên những cáo buộc liên quan, Bắc Kinh có thể nghĩ rằng, do phải đối phó Covid-19, các nước sẽ phản ứng yếu hơn với những diễn biến ở Biển Đông. Nhưng theo các chuyên gia, Bắc Kinh đã nhầm và trên thực tế họ đang vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ.
Hôm 23/4, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc lợi dụng tình hình các nước trên thế giới đang tập trung chống dịch Covid-19 để tiến hành các hoạt động khiêu khích, gây hấn ở Biển Đông.
Trung Quốc tiếp tục triển khai dân quân biển xung quanh quần đảo Trường Sa và gần đây nhất, họ đưa một đội tàu khảo sát năng lượng với mục đích duy nhất là đe dọa và bắt nạt các bên tuyên bố chủ quyền khác trong hoạt động khai thác dầu khí của đối phương.
“Mỹ phản đối mạnh mẽ hành vi bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hy vọng các quốc gia sẽ buộc họ phải chịu trách nhiệm”, Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 23/4, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng đã có bình luận về việc Mỹ và Australia điều tàu tới tập trận trên Biển Đông:
“Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực Biển Đông được xác lập tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là mục tiêu, lợi ích và trách nhiệm của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Hoạt động của các nước cần đóng góp vào mục tiêu chung này”, Phó Phát ngôn Ngô Toàn Thắng nhấn mạnh cho hay.
EU rất quan ngại về tình hình Biển Đông
Liên quan đến những diễn biến căng thẳng gần đây ở Biển Đông, EU cũng tỏ ra hết sức quan ngại về những hành động đơn phương gần đây tại khu vực này.
Theo đó, ngày 27/4, trả lời TTXVN, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Igor Driesmans, mới đây đã bày tỏ quan ngại về các hành động đơn phương thời gian qua ở Biển Đông, trong đó có việc triển khai tạm thời hoặc thường trực các lực lượng hoặc thiết bị quân sự, quấy rối hoặc đe dọa tàu cá và các tàu khác, cũng như cố gắng đơn phương áp đặt các địa giới hành chính mới.
Đại sứ cho biết, EU quan ngại về các hành động đơn phương gần đây ở Biển Đông, nhấn mạnh những hành động này đã “làm gia tăng căng thẳng” và “hủy hoại” môi trường an ninh hàng hải trong khu vực.
Đại sứ Igor Driesmans cho biết EU đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết với ASEAN, và sẽ tiếp tục hỗ trợ các tiến trình khu vực do ASEAN dẫn dắt, nhằm thúc đẩy trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật pháp, củng cố hợp tác đa phương và hợp tác chặt chẽ với các bên thứ 3.
Do vậy, EU mong muốn ASEAN và Trung Quốc hoàn tất một cách minh bạch các cuộc đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý.
“Điều quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là phải tự kiềm chế và tránh các hành động đơn phương, có các động thái cụ thể nhằm trở lại nguyên trạng, ngừng quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982”, Đại sứ Igor Driesmans nêu rõ.
Liên minh châu Âu khuyến khích các bên tăng cường các biện pháp xây dựng sự tin cậy, lòng tin và an ninh trong khu vực. Nếu cần, các bên có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của một bên thứ ba trong vai trò hòa giải hoặc phân xử nhằm tạo thuận lợi cho việc giải quyết các yêu sách của mình.
Đại sứ Driesmans cho hay EU có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết các yêu sách lãnh thổ chồng chéo và “rất sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm này với các đối tác châu Á”.
Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông, Mỹ, Ấn Độ, Việt Nam lo lắng
Trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, Trung Quốc đã có hàng loạt động thái hung hăng, thể hiện vị thế bá quyền của mình ở Biển Đông.
Sau vụ tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục áp đặt các yêu sách chủ quyền phi pháp như xây "trạm nghiên cứu" ở Trường Sa, đặt ra các khu vực quản lý hành chính ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Không đồng tình trước cách ứng xử của Trung Quốc giữa thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, Mỹ và Philippines đã nhiều lần lên tiếng trước những hành vi của Trung Quốc. Ngày càng nhiều quốc gia cho rằng Trung Quốc đang tận dụng đại dịch để phục vụ cho những mưu đồ bất hảo của mình.
Ngày 26/4, Nhật báo Ấn Độ Times of India có bài viết “Sự hung hăng của Bắc Kinh giữa đại dịch khiến Mỹ và Ấn Độ lo lắng”.
Tác giả bài báo nhấn mạnh, trong thời điểm cả thế giới phải gồng mình chống chọi dịch bệnh đang diễn ra, Trung Quốc đã đẩy mạnh chủ nghĩa bành trướng ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương, gây lo ngại không chỉ cho các nước láng giềng nhỏ hơn, mà còn cho Mỹ và Ấn Độ.
“Đại dịch, theo nguồn tin quan sát diễn biến này, đã không ngăn Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu chiến lược trong khu vực, một số quan chức an ninh Ấn Độ giấu tên cho biết”, bài viết có đoạn.
Tương tự, cũng trong ngày 26/4, tờ Irish Times đăng bài bình luận về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Tờ báo khẳng định mối lo ngại đang gia tăng trên khắp châu Á cho tới Washington D.C (Mỹ) khi chính quyền Bắc Kinh thúc đẩy sự hiện diện ở Biển Đông, giữa thời điểm các nước đang tập trung xử lý Covid-19.
Trong bài viết của mình, Irish Times chỉ ra hàng loạt động thái gây căng thẳng của Trung Quốc như đâm chìm tàu cá Việt Nam, triển khai tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8, xây dựng cơ sở phi pháp trên biển, cũng như không chấp hành phán quyết của Tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) năm 2016.
Nhiều chuyên gia, nhà quan sát tình hình Biển Đông có uy tín trên thế giới như Richard Heydarian, Greg Poling, Bonnie Glaser, Bill Hayton… cũng có ý kiến chỉ ra mưu đồ của Trung Quốc trong việc kiểm soát Biển Đông và lợi dụng tình hình dịch bệnh để phục vụ mưu đồ chính trị.
Tác giả cuốn Biển Đông và Việt Nam, Bill Hayton, cho rằng thật khôi hài khi chứng kiến Trung Quốc duy trì các tuyên bố chủ quyền nực cười đồng thời cố gắng viết lại luật pháp quốc tế.
Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế
Theo nhận định của nhiều chuyên gia nước ngoài, các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông đã và đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp của Trung tâm chính sách châu Á-Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn RAND (Research And Development) trao đổi với TTXVN cho rằng dư luận trong những ngày qua nhìn chung đều thấy được rằng, Bắc Kinh đã có nhiều hành vi bắt nạt các nước láng giềng, liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Theo ông, các hành vi này có thể làm gia tăng bất ổn an ninh trong khu vực, thậm chí có khả năng khiến căng thẳng leo thang.
Về phần mình, Tiến sỹ James Rogers, Giám đốc Chương trình “Global Britain” thuộc Viện Henry & Jackson (London, Anh), nhấn mạnh với tư cách là một bên phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là “đường 9 đoạn” là phi lý và vi phạm luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, việc tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam vừa qua tại khu vực quần đảo Hoàng Sa là rất nguy hiểm và không thể chấp nhận được.
Tiến sĩ James Rogers khẳng định, những tuyên bố chủ quyền phi pháp và hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông đã và đang hủy hoại luật pháp quốc tế, gây bất ổn cho an ninh khu vực.
Theo ông, các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế và các nước có vai trò lớn trong việc bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp cần có động thái nhằm lên án những hành vi như vậy.
Tờ Times of India đăng tải bài viết của nhà báo Rudroneel Ghosh, cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, là hành động đơn phương, gây hoài nghi hơn nữa về các động cơ của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như làm phương hại sự ổn định trong khu vực.
Về phần mình, ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, đồng thời hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những hành động tương tự trong tương lai.