Quan hệ kinh tế tương mại Việt Nam – châu Mỹ phát triển vượt bậc. Giá trị thương mại hai chiều Việt Nam – châu Mỹ tăng gấp 3,5 lần trong thập kỷ qua. Khu vực các nước Mỹ Latin cũng là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ Việt.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Việt Nam hiện đang xác định cơ hội và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ, các doanh nghiệp Việt cần nắm bắt cơ hội phát triển mới, thích ứng và có chiến lược tiếp cận bài bản để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Mỹ.
Giá trị thương mại hai chiều Việt Nam – châu Mỹ tăng 3,5 lần
Có thể nói, song song với việc phát triển quan hệ chính trị - kinh tế- xã hội Việt Nam và châu Mỹ những năm qua, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ ghi nhận những thành tựu và xu hướng tăng trưởng tích cực.
Ngày 25/9 tại Hà Nội, Bộ Công Thương vừa tổ chức Diễn đàn Thương mại và Công nghiệp với các đối tác châu Mỹ 2020 bằng hình thức vừa trực tiếp và trực tuyến.
Đây là sự kiện nhằm chia sẻ, cung cấp thông tin cập nhật về những thay đổi chính trong chính sách kinh tế - thương mại của các nước khu vực châu Mỹ, đồng thời cũng là dịp để các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng ngồi lại phân tích thị trường và nhu cầu đối với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.
Đồng thời, từ đó, xác định cơ hội và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư từ khu vực châu Mỹ, nhất là trong bối cảnh các Hiệp định Thương mại FTA đang được đưa vào thực thi, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ cũng như quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch do coronavirus được đẩy mạnh.
Diễn đàn ngày 25/9 này có sự góp mặt của gần 200 đại biểu là Lãnh đạo UBND, Lãnh đạo các Sở Công thương, các Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, các Hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Về phía các đối tác châu Mỹ, Diễn đàn do Bộ Công Thương tổ chức lần này cũng có sự tham gia của đại diện cơ quan ngoại giao các nước khu vực châu Mỹ tại Việt Nam. Cụ thể có Đại sứ Brazil, Chile, Colombia, Cuba, Mexico, Venezuela, và Peru; Đại biện sứ quán Argentina, Uruguay và Panama, Đại diện Đại sứ quan Mỹ và Canada cùng đại diện nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn của các nước châu Mỹ hiện đang làm ăn, kinh doanh và hợp tác với Việt Nam.
Chủ trì và phát biểu tại Diễn đàn hôm nay, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với Châu Mỹ đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây.
“Châu Mỹ liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng kim ngạch thương mại cao nhất trong các đối tác của Việt Nam. Giá trị thương mại hai chiều trong vòng 10 năm qua đã tăng 3,5 lần, từ 28 tỷ USD vào năm 2011 lên 96,8 tỷ USD tỷ USD vào năm 2019, trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 73,6 tỷ USD và nhập khẩu từ châu Mỹ đạt hơn 23,2 tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam thông tin.
Đồng thời, ông Đỗ Thắng Hải cũng nêu rõ, mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19, nhưng trong 8 tháng năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ vẫn đạt 69,3 tỷ USD, tăng 11,8% trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, về đầu tư trực tiếp, tính đến hết tháng 8 năm 2020, có 28 quốc gia châu Mỹ đầu tư tại Việt Nam với 1.530 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 22,85 tỷ USD.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian qua, một số Hiệp định thương mại quan trọng đã và đang được thiết lập để tạo nên nền tảng tích cực cho phát triển hợp tác kinh tế - thương mại mới như: Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ ký năm 2000, Hiệp định thương mại tự do với Chile ký năm 2011, Hiệp định thương mại với Cuba ký năm 2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ký năm 2018 và đi vào hiệu lực năm 2019, trong đó có Canada, Peru, Mexico của khu vực Châu Mỹ là những quốc gia lần đầu tiên có quan hệ tự do thương mại (FTA) với Việt Nam.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Hiệp định thương mại tự do với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng đang được trao đổi về khả năng đàm phán.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã có những tác động xấu tới nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam và các nước châu Mỹ. Đơn hàng giảm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thất nghiệp gia tăng là những khó khăn lớn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải.
“Tuy nhiên, khó khăn tới cũng là lúc cơ hội phát triển mới cho những doanh nghiệp biết thích ứng, nắm thông tin và có chiến lược phát triển phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam được đánh giá đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Châu Mỹ trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, dịch Covid-19 không phải câu chuyện ngắn hạn mà là dài hạn, dịch bệnh đã đẩy một số xu hướng vốn đã có trở nên nhanh hơn.
Theo Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, một là xu hướng về suy giảm kinh tế, thương mại, xu hướng này tiếp tục ảnh hưởng dài hạn tới các nền kinh tế. Hai là xu hướng chủ nghĩa bảo hộ, dịch Covid-19 là một tác nhân quan trọng đẩy xu hướng này gia tăng thêm. Ba là xu huống dịch chuyển chuỗi, tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu đặc biệt là các chuỗi ở Trung Quốc, các chuỗi dần ngắn lại mang tính khu vực nhiều hơn và nhân rộng nhanh dựa trên sản phẩm công nghệ.
Đồng thời, cũng theo ông Trần Toàn Thắng, thống kê từ Tổng cục hải quan theo nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam cho thấy, hầu hết các thị trường có suy giảm về xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Châu Mỹ từ tháng 4 đến tháng 7 tăng khá nhanh.
“Đây là điểm khá tích cực, một trong những nguyên nhân chính được đánh giá là do tác động từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là Hiệp định (CPTPP)”, ông Thắng bày tỏ.
Trong khi đó, tại Diễn đàn, bà Đỗ Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada, vốn là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cho biết, hiện nay doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Canada so với trước.
Theo bà Hương, Chính phủ Canada những năm gần đây theo đuổi chính sách đa dạng hóa thương mại, ưu tiên phát triển quan hệ thương mại tới Châu Á. Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược thị trường của một số doanh nghiệp Canada.
Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada, dịch bệnh Covid-19 cũng lộ mặt trái cũng chuỗi cung ứng khiến doanh nghiệp phải xem xét lại chỗ mua hàng và sản xuất, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường với mức giá rẻ.
“Châu Á vẫn được doanh nghiệp Canada quan tâm trong thiết lập chuỗi cung ứng. Trong khi đó, giữa Việt Nam và Canada là nền kinh tế mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp, đặc biệt với nông sản, thực phẩm. Việt Nam được đánh giá có chiến lược chống dịch bệnh tốt, có tình hình chính trị, an ninh ổn định, có dân số trẻ. Đây là những nhận định của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Canada mà thương vụ nhận được trong qúa trình tiếp xúc thời gian qua”, bà Đỗ Thu Hương nhấn mạnh.
Theo Tham tán, doanh nghiệp Việt Nam – Canada sẽ có nhiều cơ hội hợp tác hơn trong tương lai. Tin hiệu tốt là gần đây số lượng doanh nghiệp Canada tìm nhà cung ứng, cơ sở đặt nhà máy tại Việt Nam khá nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Trung Quốc có quá nhiều lợi thế trong chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu
Cũng phát biểu tại Diễn đàn này, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp dẫn dữ liệu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đặc biệt tập trung phân tích vào xu hướng thứ ba là xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng, tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là các chuỗi ở Trung Quốc.
“Covid-19 làm các quốc gia giật mình là đang phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung. Vấn đề này hình thành từ giai đoạn trước, trong quá trình chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ và kéo dài sang giai đoạn Covid-19 gần đây”, ông Thắng chỉ rõ.
Theo vị chuyên gia, các quốc gia sẽ dần lấy sản xuất trở về nước mình. Các chuỗi dần ngắn lại mang tính khu vực nhiều hơn, đồng thời nhân rộng, nhân nhanh các chuỗi dựa trên sản phẩm công nghệ. Các xu hướng này đều dẫn đến một dự báo khó tránh là FDI toàn cầu có thể giảm.
Cũng bàn về vấn đề chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầum Tham tán Công sứ Thương mại Việt Nam tại Mỹ Bùi Huy Sơn cho rằng, chuyển dịch chuỗi cung ứng là quá trình liên tục theo quy luật thị trường và vấn đề này sẽ ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Ông Sơn phân tích, thời gian qua, các trung tâm tài chính dần hình thành gồm châu Âu-Mỹ-châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và các khu vực phụ trợ. Theo Liên Hợp Quốc, năm 2018, riêng Trung Quốc cung cấp tới 28% sản lượng toàn cầu.
Từ năm 2018, vấn đề chuyển dịch chuỗi cung ứng bắt đầu thu hút nhiều sự quan tâm.
“Đó là bởi sự thay đổi đột ngột trong chính sách của Mỹ nhằm thu hút đầu tư “hồi hương” với mục tiêu “Nước Mỹ trên hết” (ví dụ điển hình như việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, áp thuế nhôm, thép, dàm phán lại các FTA…). Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang. Điều này đã tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp tại thị trường Trung Quốc”, vị chuyên gia cho biết.
Thêm vào đó, ông Bùi Huy Sơn nhấn mạnh, chính việc đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu là yếu tố chưa từng được dự báo, đã khiến thương mại toàn cầu bị ngưng trệ đột ngột chỉ do một mắt xích duy nhất là “Trung Quốc”.
Theo vị chuyên gia, thời gian gần đây, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng nhằm giảm sự lệ thuộc vào một “mắt xích”, tăng tính an toàn cho hệ thống, kèm theo đó là các lợi ích của mỗi quốc gia.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, như đã thấy, nhằm thúc đẩy quá trình này, Mỹ đã triển khai nhiều giải pháp theo hướng vừa “đẩy” vừa “kéo”. Cụ thể như, Mỹ áp thuế cao tới 25% trên diện rộng với 370 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, tập hợp lực lượng qua các đề xuất đa phương như Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mạng Kinh tế Thịnh vượng (QUAD Plus mà Việt Nam cũng được mời tham dự).
Chưa hết, Mỹ còn kiểm soát chặt hoạt động đầu tư ra nước ngoài, từ nước ngoài trong các dự án, công nghệ nhạy cảm, cấm trực tiếp các sản phẩm Trung Quốc (Huawei, Tiktok, WeChat).
Với những phân tích này, theo ông Bùi Huy Sơn, bức tranh chuyển dịch thời gian tới quả thực vẫn rất khó đoán.
“Đó là bởi Trung Quốc là thị trường có sức hấp dẫn riêng ở các góc độ như chi phí, chất lượng, quy mô thị trường cũng như những quyết tâm cải cách và đang phục hồi sau dịch. Ngoài ra, việc chuyển dịch cũng đòi hỏi chi phí lớn. Các sáng kiến đa phương của Mỹ cũng chưa được triển khai mạnh, nguồn lực cam kết hạn chế”, chuyên gia chỉ rõ.
Ông Sơn cho rằng, việc quyết định chuyển dịch được nhìn nhận sẽ đơn giản hơn với các ngành dược phẩm, thiết bị y tế, dệt may, cơ khí, điện tử, hóa chất. Mô hình Trung Quốc +1 sẽ là bước thử nghiệm. Các ngành công nghệ cao sẽ quyết định chuyển dịch khó khăn.
Việt Nam có cạnh tranh được với Trung Quốc trong chuỗi cung ứng?
Đối với Việt Nam, phát biểu ý kiến thảo luận tại Diễn đàn của Bộ Công Thương, các chuyên gia nêu quan điểm, trong quá trình tham gia xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng, bên cạnh những thế mạnh sẵn có như vị trí địa lý, địa chính trị, gần đây Việt Nam còn tạo được lợi thế mới về năng lực kiểm soát khủng khoảng, nhất là với dịch Covid-19.
Theo các đại biểu, việc Việt Nam cơ bản kiểm soát thành công đại dịch do coronavirus tác động rất mạnh tới tính toán của nhà đầu tư khi tính toán đầu tư tại Việt Nam.
Chưa kể, Việt Nam có sự kết nối tự do với các thị trường lớn nhờ các FTA, ví dụ như EVFTA giữa Việt Nam và EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hàng loạt FTA khác. Đúng như Bộ Công Thương đã nhận định trước đó, đây sẽ là cú hích quan trọng mong chờ giúp Việt Nam tiến nhanh hơn trong quá trình phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, thẳng thắn, hiện nay Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện hơn để có thể tham gia tốt vào qua trình chuyển dịch chuỗi cung ứng, điển hình như, mạng lưới sản xuất, liên kết chuỗi, cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh (giao thông, thanh toán, thông tin…), xây dựng đội ngũ lao động tay nghề cao.
Đối với các doanh nghiệp, khuyến nghị được chuyên gia Bùi Huy Sơn đưa ra là phải là đón bắt cơ hội từ chuyển dịch chuỗi cung ứng gắn với tầm nhìn dài hạn về chất lượng, hiệu quả chứ không chỉ lợi ích tăng trưởng xuất khẩu trước mắt.
“Các doanh nghiệp cũng phải lưu ý thêm rằng khi doanh nghiệp đã đạt năng lực cạnh tranh cao, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng luôn mở ra cơ hội mới không chỉ gắn với Mỹ hay Trung Quốc mà sẽ mở ra cơ hội với các thị trường khác, các nhà cung cấp khác… để có sự chuẩn bị kỹ càng tận dụng cơ hội từ nhiều thị trường”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn lần này, chuyên gia tư vấn quy chuẩn sản phẩm Lukas Quang Trần chia sẻ quan điểm thẳng thắn rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm, hàng hóa phù hợp quy định của các quốc gia nhập khẩu trong khu vực châu Mỹ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cần xác định chiến lược xuất khẩu và thị trường trọng điểm hướng đến, bởi các tiêu chuẩn mà các quốc gia, các đối tác đưa ra đều có sự khác biệt.
Chuyên gia Lukas Quang Trần cũng chỉ ra thêm một điểm yếu mà doanh nghiệp Việt Nam mắc phải, đó là “thiếu sự kết nối nội bộ”, cũng như chưa đánh giá được những yếu tố rủi ro khi nhận đơn hàng từ đối tác nước ngoài.
“Nếu các đơn vị nhận đơn hàng, đơn vị sản xuất, các phòng ban nhân sự không có sự phối hợp làm việc với nhau sẽ dẫn đến việc nhận đơn hàng về nhưng năng lực sản xuất của doanh nghiệp không đáp ứng được, gây ra mất tuân thủ về chất lượng và tiến độ giao hàng, không đảm bảo trách nhiệm xã hội, mất uy tín với đối tác và cũng mất cơ hội hợp tác”, ông Lukas Quang Trần bày tỏ.
Tại Diễn đàn lần này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho hay hiện nay Bộ Công Thương đã và đang tổ chức rất nhiều các hoạt động để phổ biến kiến thức về thị trường, về sản phẩm và tổ chức rất nhiều các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức các buổi gặp gỡ, kết nối các doanh nghiệp hai bên để có thể thúc đẩy mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Mỹ.
“Việt Nam được đánh giá đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư châu Mỹ trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần nắm bắt cơ hội phát triển mới, thích ứng và có chiến lược tiếp cận thị trường bài bản để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.