Thủ tướng: Nông nghiệp và nông thôn là trụ đỡ nền kinh tế Việt Nam

Chiều nay, 28/9 tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ ba trong năm 2020 và khẳng định, nông nghiệp, nông thôn chính là trụ đỡ nền kinh tế Việt Nam.
Sputnik

Thủ tướng và các bộ, ban, ngành cùng giải đáp nhiều câu hỏi của bà con nông dân, nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững, làm sao để phát huy hơn nữa tinh thần tự lực tự cường của nông dân.

Nông nghiệp thắng lợi toàn diện nhưng còn nhiều trăn trở

Chiều 28/9, tại Buôn Ma Thuột đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3 năm 2020. Theo đó, đây là cuộc đối thoại thứ 3 của Thủ tướng với nông dân sau 2 lần đối thoại với nông dân tại miền Nam và miền Bắc.

Nông nghiệp Việt đạt kỷ lục với kim ngạch xuất khẩu 41,3 tỷ USD

Hội nghị đối thoại lần này giữa lãnh đạo Chính phủ và đại diện ngành nông nghiệp, nông thôn, các nông dân tiêu biểu có chủ đề: "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại".

Hội nghị ghi nhận sự tham dự của hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân của cả Việt Nam.

Phát biểu mở đầu cuộc đối thoại với nông dân vào chiều nay, 28/9, tại TP. Buôn Ma Thuột, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm nay, nông nghiệp Việt Nam đạt thắng lợi toàn diện, “được mùa, được giá”.

Qua thực tiễn thời quan qua có thể thấy, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam luôn là trụ đỡ của nền kinh tế qua các thời kỳ, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn cầu. Việt Nam giữ được tăng trưởng tích cực là nhờ có trụ đỡ là nông nghiệp, nông thôn. Dự kiến năm nay, ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 42 tỷ USD, là một trong những nước dẫn đầu Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản.

“Việt Nam giữ được tăng trưởng dương là nhờ có trụ đỡ là nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên, còn nhiều trăn trở, khó khăn về nông nghiệp, nông thôn, nông dân cần phải tháo gỡ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Bắt đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi sự kiện hôm nay có sự tham dự của 15 cơ quan liên quan đến các vấn đề nông dân quan tâm, bao gồm các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Thủ tướng: Nông nghiệp và nông thôn là trụ đỡ nền kinh tế Việt Nam
“Rất mong 350 đại biểu nông dân hôm nay đặt câu hỏi cho sát vấn đề để giải quyết không chỉ vấn đề kinh tế mà cả xã hội ở nông thôn, đặc biệt là khu vực miền Trung-Tây Nguyên”, Thủ tướng nói.

Lãnh đạo Chính phủ đồng thời cũng khẳng định, Đảng, Nhà nước muốn nghe tâm tư nguyện vọng của bà con, “có kiến nghị, khó khăn gì để cùng tháo gỡ, giải quyết”, để làm sao nông nghiệp, nông thôn tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng của mình.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, hiện nay, ngành nông nghiệp, giai cấp nông dân đã phát triển ở giai đoạn cao, rất đáng mừng. Cơ bản trong năm nay, nông nghiệp được mùa, trúng giá, cả lúa gạo, thủy sản, trái cây, gỗ rừng trồng “có thể nói một nền nông nghiệp thắng lợi toàn diện”, theo quan điểm của Thủ tướng.

Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, còn nhiều trăn trở, khó khăn về nông nghiệp, nông thôn, người nông dân cần phải tháo gỡ mà cuộc đối thoại hôm nay góp phần vào việc tháo gỡ đó.

Làm gì để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững?

Về khó khăn cụ thể, Thủ tướng cho rằng, trước hết là thị trường. Thứ hai là công nghiệp chế biến, tỷ lệ còn thấp. Thứ ba là vấn đề vốn. Vấn đề nữa là đầu vào nông nghiệp, gồm giống, phân bón làm sao có giống tốt, không còn tình trạng sản xuất, phân phối giống giả, phân bón giả.

«Thời hoàng kim» của nền kinh tế Việt Nam sẽ kéo dài bao lâu?

Cũng tại đối thoại, Thủ tướng đặt ra 2 vấn đề lớn là làm sao hình thành lớp nông dân mới với tư duy mới, đổi mới, “chứ không mãi “con trâu đi trước, cái cày theo sau” và tinh thần tự lực tự cường của người nông dân Việt Nam.

“Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân. Bà con suy nghĩ phải làm gì để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Do đó, cuộc đối thoại phải thiết thực, không hình thức”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, năm nay, vì dịch bệnh do coronavirus, nên không ít lao động mất đi việc làm. Mặc dù vậy, lao động ở khu vực nông thôn, nông nghiệp hầu như không bị thất nghiệp, còn ở thành thị, đây là vấn đề rất đáng lo ngại.

Không chỉ xuất khẩu nông sản đạt tới 42 tỷ USD, là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực châu Á về xuất khẩu các sản phẩm nông sản, Việt Nam còn đạt hơn mục tiêu hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các địa phương đã đặt mục tiêu 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm nay.

“Năm nay đại dịch, song cơ bản chúng ta vẫn được mùa trúng giá từ lúa gạo, thuỷ sản, trái cây. Có thể nói nông nghiệp thắng lợi toàn diện. Số hộ thiếu đói giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái”, Thủ tướng nói.

Về thị trường của các mặt hàng nông sản Việt Nam, Thủ tướng cho hay, dù khó khăn nhưng chúng ta đã tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Tuy nhiên, tỷ lệ chế biến các mặt hàng nông sản còn thấp, như cà phê mới có 12%. Vốn liếng còn khó khăn, tín dụng tăng trưởng 6% nhưng mà nông nghiệp được đầu tư bao nhiêu? Ngoài ra, tình trạng phân bón giả, thuốc trừ sâu kém chất lượng cũng còn nhức nhối, gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho bà con.

“Chúng ta làm thế nào phát huy hơn nữa tinh thần tự lực tự cường của nông dân, suy nghĩ phải làm gì để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, từ đó giải quyết tốt các vấn đề ở nông thôn, nông dân”, người đứng đầu Chính phủ trăn trở.

Cũng tại buổi đối thoại với Thủ tướng, có rất nhiều câu hỏi được nông dân đặt ra, mong Chính phủ và các bộ, ngành giải đáp chủ yếu xoay quanh các vấn đề như lĩnh vực quản lý Nhà nước, đất đai, rừng, uy hoạch vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn trái, nhất là thực trạng thua lỗ, kém hiệu quả khi nông sản rớt giá, canh tác không bền vững với những loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu.

Đại diện nông dân cũng nêu các vấn đề về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; khai thác, đánh bắt nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ sau thu hoạch, công nghiệp chế biến nông sản; vấn đề nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp.

Lọt top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới: Việt Nam muốn tự chủ

Hội nghị đối thoại lần này giữa Thủ tướng và nông dân còn tập trung làm rõ một loạt vấn đề như giải pháp, biện pháp, chính sách khuyến khích nông dân rời bỏ mô hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, bị động chuyển sang tư duy làm ăn lớn, sản xuất lớn, hợp tác, liên kết, hình thành kinh tế tập thể gắn với chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, việc vốn đầu tư vào nông nghiệp thấp, quy trình chăn nuôi, trồng trọt chưa hoàn thiện, chưa đạt yêu cầu an toàn thực phẩm. Quy hoạch sản xuất thiếu đồng bộ, không ổn định, nhất là quy hoạch vùng nông sản trọng điểm.

Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư đúng mức, còn nhiều hạn chế. Các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân khởi nghiệp chưa đồng bộ, chậm hình thành chuỗi giá trị, lãng phí cơ hội, tiềm năng đất đai, lao động.

Đặc biệt, còn một vấn đề đáng lo hiện nay đó là, một bộ phận nông dân có tâm lý không muốn làm nông nghiệp, nông dân không còn thiết tha và bỏ ruộng đồng diễn ra ở không ít địa phương. Thị trường sản xuất, kinh doanh, cung ứng và sử dụng phân bón, vật tư tồn tại nhiều hạn chế, tiêu cực.

Đồng thời, tình trạng tranh chấp đất đai, tài sản trên đất giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp, tình trạng phá hoại cây trồng, tài sản diễn biến phức tạp.

Thủ tướng trả lời câu hỏi của nông dân về cà phê, phân bón giả, mắc ca và nuôi trồng thủy hải sản

Tại phần đối thoại, ông Đỗ Quý Toán (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) đặt câu hỏi với Thủ tướng và đại diện các bộ, ban ngành rằng, thời gian qua, giá cà phê xuống rất thấp, khiến nông dân nhiều địa phương lo lắng, muốn chặt đi để trồng cây khác. Ông Toán mong Thủ tướng cho biết người trồng cà phê có nên tiếp tục duy trì cây cà phê hay chuyển đổi sang cây trồng khác?

Kinh tế xanh – giải pháp cho Việt Nam và tất cả các nước Đông Nam Á

Đáp lại câu hỏi của nông dân Toán, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trước hết, phải khẳng định cà phê là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam.

“Chất lượng cà phê Việt Nam rất tốt, được thế giới đánh giá cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc khuyên bà con vẫn tiếp tục trồng cà phê nhưng phải quy hoạch vùng trồng cho rõ ràng. Nông dân không được tiếp tục phá rừng trồng cà phê mà nâng cao quy hoạch chất lượng trồng cà phê, thâm canh có chất lượng đối với cây cà phê.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục mở rộng ổn định thị trường, cấp vốn để để tái canh cà phê, nâng cao chất lượng tái canh. Đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Về phần mình, bà Trần Thị Hoàng Anh (nông dân tỉnh Gia Lai) đặt vấn đề Chính phủ và các bộ ngành đã tăng cường các giải pháp, quy định của pháp luật về quản lý phân bón, chống phân bón giả.

Theo bà Anh, hiện vẫn còn tình trạng buôn bán phân bón giả.

“Chính phủ và các bộ ngành có giải pháp gì để chấm dứt tình trạng phân bón giả như hiện nay?”, bà Trần Thị Hoàng Anh nói.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng sau năm 2016, Chính phủ và Quốc hội yêu cầu phải chấn chỉnh, tập trung một cơ quan quản lý phân bón.

Thủ tướng: Nông nghiệp và nông thôn là trụ đỡ nền kinh tế Việt Nam

Thủ tướng sau đó đã có văn bản, nghị định mới thống nhất một đầu mối là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan trực tiếp quản lý phân bón.

Hiện Việt Nam có 125.000 ha gieo trồng nông nghiệp bằng phương thức hữu cơ. Trong năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu 353 triệu USD nông sản hữu cơ đi 80 nước. Việc này là minh chứng cho thấy chúng ta đang vận hành một nền nông nghiệp văn minh, một nền nông nghiệp sạch, ổn định.

Cũng nhân đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cơ quan chức năng phải điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc những tổ chức, cá nhân sản xuất phân bón giả. Đặc biệt, cơ quan hữu quan cần chủ động phát hiện những đại lý, cá nhân sản xuất phân bón giả để xử lý, lên án những hành vi tiêu cực.

Kinh tế ban đêm: Việt Nam bắt đầu bước vào cuộc chơi mới

Trong khi đó, bà Vi Thị Thanh (nông dân tỉnh Đắk Nông) hỏi, trong bối cảnh nhiều cây công nghiệp chủ lực, truyền thống của Tây Nguyên như cà phê, cao su, hồ tiêu đồng loạt mất giá thì cây mắc ca được xem là một hướng đi mới.

Theo bà Thanh, bà con làm nông ở Tây Nguyên đã đầu tư trồng mắc ca rất nhiều, nhưng trồng được 5 - 6 năm mới biết cây mắc ca không có quả hoặc rất ít quả. Lý do là vì giống cây mắc ca kém chất lượng. Lấy ví dụ, bà cho biết tại huyện Tuy Đức của tỉnh Đắk Nông đang có rất nhiều nông dân khốn khổ vì mắc ca không có trái.

“Vậy xin hỏi sắp tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT sẽ có những giải pháp gì về việc phát triển cây mắc ca?”, bà Thanh đặt câu hỏi.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trả lời cho biết, ngày mai Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị tổng kết 5 năm trồng mắc ca ở Việt Nam để chỉ ra đâu là thành công hay không thành công, nguyên nhân và giải pháp phát triển mắc ca tại Việt Nam. Cây mắc ca là cây mới mang lại hiệu quả kinh tế và nhu cầu thế giới đã tăng nhu cầu lên 200%.

“Về cây giống không ra trái, yêu cầu kiểm tra ai cung cấp giống không phù hợp khiến cho cây mắc ca không ra trái hoặc ra trái rất ít. Tại hội nghị ngày mai, chúng tôi sẽ lắng nghe và tiếp thu các ý kiến từ tất cả các bên để tìm ra giải pháp tốt nhất phát triển cây mắc ca”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời gửi lời mời nông dân Vi Thị Thanh tham dự hội nghị này.

Ông Lê Minh Quyền (nông dân tỉnh Khánh Hòa) đặt câu hỏi về chính sách, giải pháp để phát triển và mở rộng tiềm năng nghề nuôi trồng trên biển.

World Bank tin kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng cao thứ 5 thế giới

Đối với vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, Việt Nam cần xây dựng chiến lược, chính sách nuôi trồng trong môi trường biển. Các nước như Đan Mạch, Na Uy thuận lợi hơn chúng ta, khi họ phát triển rất mạnh chiến lược nuôi trồng trên biển và có công nghệ hiện đại.

“Hiện nay Việt Nam  cũng cần đặt ra vấn đề an toàn đối với nuôi trồng trên biển, yêu cầu có những nghị định hướng dẫn ngư dân thực hiện”, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Vì sao nuôi trồng trong đầm vịnh ở Phú Yên, Khánh Hoà hải sản chết nhiều? Cần tìm hiểu nguyên nhân để rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn lưu ý phát triển nuôi biển thì phải quan tâm đến vấn đề bảo vệ tính mạng của bà con chúng ta, nuôi lồng bè nhưng khi gặp bão lớn cấp 12 thì làm thế nào? Phía Nhà nước cần ghi nhận thông tin, đánh giá để hỗ trợ bà con ngư dân”, Thủ tướng nêu câu hỏi.

Trong quá trình diễn ra hội nghị, còn rất nhiều câu hỏi khác được Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đã giải đáp cho bà con nông dân.

Đồng thời, sau hội nghị đối thoại với nông dân miền Trung-Tây Nguyên, chiều tối 28/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện mục tiêu kép tại địa phương này.

Thảo luận