Viên trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, với việc ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, thể hiện tư duy chiến lược cởi mở, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang coi kinh tế ban đêm là một động lực mới cho phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.
Kinh tế ban đêm giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng hậu Covid-19
Hiện nay, Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức xác định quy mô, tác động của kinh tế ngầm hay kinh tế ban đêm đến hoạt động kinh tế vĩ mô nói chung.
Tại Việt Nam, kinh tế ban đêm vừa bắt đầu gây chú ý của giới chuyên gia cũng như người dân khi mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm vì đây là xu hướng phù hợp với quốc tế, tạo thêm cơ hội mới cho tăng trưởng, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, sau một thời gian khẩn trương nghiên cứu và tham vấn các Bộ, ngành, địa phương.
Đề án này đã được hoàn thiện chỉ trong một năm từ khi có chủ trương, và khoảng 9 tháng từ khi giao việc chính thức cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là bước đi táo bạo, thể hiện tư duy cởi mở nhất có thể đối với kinh tế ban đêm.
Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu chính sách hỗ trợ kinh tế ban đêm của Trung Quốc để xem xét, học hỏi do có một số điểm tương quan giữa hai nước.
Trên thế giới, có khá nhiều định nghĩa về “kinh tế ban đêm”(Night-time economy), tuy nhiên đa phần kinh tế ban đêm có thể được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 17h tối hôm trước cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm: mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, cho tới các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm...
Kinh tế ban đêm đang ngày càng chiếm tỷ lớn trong nền kinh tế thế giới, tạo ra khoảng 80 tỷ USD doanh thu hàng năm và là ngành kinh tế đứng thứ 5 của Vương quốc Anh. Ở New York - thành phố không ngủ, kinh tế ban đêm đóng góp hơn 10 tỷ USD vào nền kinh tế của toàn thành phố. Ở Nhật Bản, quy mô thị trường kinh tế ban đêm đóng góp khoảng 3,7 tỷ USD...
Việc thí điểm phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam sẽ giúp trợ lực cho nền kinh tế trong bối cảnh cả nước đang cần thêm động lực mới để hồi phục kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19.
Nhiều tuyến phố tại thủ đô Hà Nội, TP.HCM hay thậm chí là ở Phú Quốc (với mô hình chợ đêm) cùng các hoạt động được xem là ví dụ điển hình thể hiện rõ mô hình hoạt động của kinh tế ban đêm. Một số khu phố trưng đèn tới sáng và hoạt động kinh doanh trở nên rộn ràng sau khi màn đêm buông xuống.
Nhiều địa phương khác cũng đã rất hăng hái triển khai kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm dưới nhiều hình thức, như mở các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, khu mua sắm, khu ẩm thực…
Mặc dù vậy, việc kiểm soát hoạt động kinh tế ban đêm cũng là thách thức đối với các địa phương, đặc biệt là vấn đề an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, kiểm soát chất lượng và giá cả hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tình hình phát triển kinh tế ban đêm đối với các địa phương không phải là thuận lợi như nhau. Do vậy Đề án phát triển kinh tế ban đêm vừa được Thủ tướng phê duyệt nêu rõ: Thí điểm phát triển kinh tế 24h đối với những thành phố, đô thị nhiều tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực của địa phương, doanh nghiệp và người dân về kinh tế ban đêm, trên cơ sở đó thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Đây là điều không hề dễ dàng, do hiện tại, đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khiến ngay cả các hoạt động dịch vụ, du lịch thông thường cũng đã và đang đứng trước hoàn cảnh khó khăn. Nhưng đã đến lúc, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi kinh tế ban đêm.
Việt Nam cần phát triển kinh tế ban đêm như thế nào?
Lúc này, khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chưa thể nói ngay tới việc phát triển kinh tế ban đêm, tuy nhiên đây lại là cơ hội để Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc phát triển kinh tế ban đêm, để ngay sau khi đại dịch qua đi là có thể bắt tay làm ngay, góp phần hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế.
Trong bài phân tích ngày 31/7 vừa qua đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, kinh tế ban đêm không phải là mô hình hoàn toàn mới, mà đã trải qua nhiều thập kỷ hình thành và phát triển ở nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, việc ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm thể hiện quyết tâm không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào cho tăng trưởng kinh tế.
Trước tình hình Chính phủ đang chủ trương phòng chống dịch hiệu quả nhưng không lơ là nhiệm vụ phát triển kinh tế, việc thực hiện Đề án sẽ là minh chứng sống động cho quyết tâm khơi thông hoạt động kinh tế.
Vị chuyên gia khẳng định, việc có không ít bộ, ngành, địa phương quan tâm chính là cở sở để tin tưởng mô hình thí điểm về kinh tế ban đêm sẽ sớm được triển khai và nhân rộng.
“Khai thác những tương tác này có thể bù đắp động lực cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch", TS. Minh cho biết.
Việt Nam đã và đang thực hiện là tìm kiếm thêm các động lực tăng trưởng, đặc biệt thông qua các mô hình kinh tế mới. Với việc ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, Chính phủ đang coi kinh tế ban đêm là một động lực mới cho phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.
Hiện tại, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chắc chắn sẽ làm chậm quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau đại dịch và sau giãn cách xã hội trên thế giới, Việt Nam vẫn được coi là một điểm sáng, có sức hút du lịch và việc phát triển kinh tế ban đêm có thể gặp nhiều thuận lợi trong thời gian tới.
Những địa phương nào được thí điểm hoạt động kinh tế ban đêm?
Một trong những giải pháp chủ động phát triển kinh tế ban đêm là cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số thành phố, khu du lịch lớn.
Đề án mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông qua hồi tháng 7 có mục tiêu là nhằm khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Các giải pháp chủ động phát triển kinh tế ban đêm gồm: Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển kinh tế ban đêm, nhóm giải pháp tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro, Nhóm giải pháp sử dụng quy hoạch để quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm, nhóm giải pháp thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm tại một số thành phố và một số khu du lịch lớn trên cả nước và một số giải pháp khác.
Xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế ban đêm thông qua nâng cao năng lực, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh tiếp cận nguồn tài chính chính thức, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng.
Đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá các hoạt động kinh tế ban đêm, xây dựng sản phẩm du lịch đêm dựa trên yếu tố văn hóa bản địa, tạo điểm nhấn theo đặc trưng địa phương (lựa chọn các loại hình dịch vụ, các địa đểm mang tính biểu tượng để thu hút khách du lịch)…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở địa phương, đặc biệt phù hợp với khả năng xây dựng các cơ sở hạ tầng hỗ trợ, nguồn lực đầu tư và khả năng huy động, thu hút đầu tư ở từng địa điểm cụ thể.
Các chương trình/kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm cần có sự tính toán kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng, tác động kinh tế ban đêm đến địa phương (cả tác động tích cực và tiêu cực) dựa trên nhu cầu và việc khai thác tối đa thế mạnh, cũng như yêu cầu và khả năng bố trí nguồn lực quản lý và hỗ trợ của địa phương.
Trong quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ mới, chủ động nghiên cứu quy hoạch những khu vực, địa điểm có khả năng phát triển kinh tế ban đêm với khung thời gian hoạt động cụ thể ở từng khu vực nhằm đảm bảo an toàn xã hội để có cơ sở triển khai trong tương lai, rà soát, nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh cơ chế chính sách, khung pháp lý phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư cho sản phẩm kinh tế ban đêm.