Cục CSGT, Bộ Công an lên tiếng về việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Liệu Bộ Công an quản việc cấp giấy phép lái xe, thi lái xe có hiệu quả hơn Bộ GTVT? Liên quan đến vấn đề này, ngày 30/9, Cục phó Cảnh sát giao thông Bộ Công an Đại tá Đỗ Thanh Bình đã có những chia sẻ về đề xuất giao Bộ Công an đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thay cho Bộ Giao thông Vận tải.
Sputnik

Đại diện lãnh đạo Cục CSGT cũng khẳng định không có chuyện vũ trang hóa nhiệm vụ ngành dân sự trong việc chuyển giao cho Bộ Công an sát hạch, cấp giấy phép lái xe thay cho Bộ GTVT.

Tranh luận về việc Bộ Công an quản giấy phép lái xe có tốt hơn Bộ GTVT?

Khi trở thành cơ quan chịu trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe, Bộ Công an có thể chủ động phát hiện đối tượng sử dụng giấy phép lái xe giả, giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp và các trường hợp vi phạm khác.

Hôm nay ngày 30/9, Đoàn đại biểu quốc hội TP HCM đã tổ chức hội thảo Góp ý dự thảo Luật Giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Lần đầu tiên Việt Nam có Đội hình nữ CSGT điều khiển xe đặc chủng dẫn đoàn lãnh đạo

Tranh luận tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đưa ra bày tỏ sự quan tâm đến nội dung mới đưa vào dự thảo Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một vấn đề đáng lưu ý là dự thảo luật về việc giao quyền "quản" giấy phép lái xe cho Bộ Công an.

Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP HCM - Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, thống nhất với quy định về trách nhiệm Bộ Công an trong quản lý, đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe mà dự thảo Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề cập. NLĐ dẫn lời ông Hà cho biết, đơn vị chủ trì xử lý vi phạm giao thông cần gắn với quản lý, đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe.

Khi điều này được đưa vào thực thi sẽ góp phần nâng cao chất lượng xử lý vi phạm giao thông cũng như khắc phục những bất cập hiện có trong đào tạo cấp giấy phép lái xe.

Ông cũng nhấn mạnh việc Bộ Công an quản lý giấy phép lái xe không có nghĩa là cơ quan chức năng không còn sử dụng các trung tâm đào tạo lái xe đang hoạt động như nhiều cá nhân, doanh nghiệp lo ngại.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Thảo (đại diện Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân) lưu ý CSGT là lực lượng trực tiếp phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về giao thông. Trong quá trình xử lý vi phạm chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề, nội dung có liên quan đến việc quản lý giấy phép lái xe và cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe.

Cục CSGT, Bộ Công an lên tiếng về việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Trong khi đó, hiện tại mọi công tác liên quan giấy phép lái xe đều do ngành GTVT chủ trì. Từ đây làm nảy sinh nhiều khó khăn trong công tác quản lý và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng, quản lý trật tự an toàn giao thông nói chung.

"Quản lý cơ sở dữ liệu về giấy phép lái xe, Bộ Công an còn có thể chủ động phát hiện đối tượng sử dụng giấy phép lái xe giả, giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp", ông Thảo nói.

Khoản 4, Điều 63 trong dự thảo Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, Bộ Công an là cơ quan có nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch; cấp đổi và thu hồi giấy phép lái xe; quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sau khi được cấp giấy phép lái xe.

Cục CSGT lý giải đề xuất tiếp nhận quản lý đào tạo lái xe

Hôm nay, ngày 30/9, Cục phó Cảnh sát giao thông Bộ Công an - Đại tá Đỗ Thanh Bình đã có những chia sẻ về đề xuất giao Bộ Công an đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thay cho Bộ Giao thông Vận tải.

Theo đó, ông Bình cho biết, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đi vào hiệu lực hơn 10 năm. Trong thời gian đó, mỗi năm trung bình có gần 10.000 người chết do tai nạn giao thông, làm hàng trăm nghìn người khác mang thương tật suốt đời. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trên, Luật lại không chỉ rõ đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm.

Phố cafe sát đường tàu thu hút sự chú ý của Cục CSGT

Qua phân tích tình hình thực tiễn, cơ quan chức năng cũng phát hiện ra nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Chính vì vậy, không thể lấy lý do để giữ ổn định cho cơ quan quản lý nhà nước mà để tình hình an toàn giao thông tiếp diễn như hiện nay.

“Do đó, Bộ công an đã cân nhắc, tham mưu đề xuất, nếu được giao tiếp quản sát hạch, đào tạo lái xe thì sẽ chịu trách nhiệm chính khi tai nạn giao thông xảy ra”, Đại tá Bình chia sẻ.

Ngoài ra, trước khi trình đề xuất này, Bộ Công an cũng đã tiến hành tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Nga, Pháp, Đức, Hà Lan, Australia.... Bộ nhận thấy rằng lực lượng cảnh sát làm tốt công tác này.

“Theo thống kê, hiện nay từ cấp Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các tỉnh thành phố là 64 đơn vị, có 650 cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Tính trung bình khoảng 9 người trên một đơn vị. Khi chuyển giao cho Bộ Công an, các cán bộ này sẽ do Bộ Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Vận tải địa phương sắp xếp công việc”, ông Bình nói về vấn đề liên quan đến chuyển đổi cơ quan quản lý.

Theo vị lãnh đạo chia sẻ trên VnExpress, hiện nay có khoảng 1.655 sát hạch viên, trong đó gần 600 người là giáo viên tại các cơ sở đào tạo được cấp thẻ sát hạch viên không trong biên chế nhà nước. Bộ Công an đề xuất những sát hạch viên trên sẽ làm việc cho đến khi hết hạn trong thẻ cấp, sau đó thi nâng cao kỹ năng theo chuẩn quốc tế, nếu đáp ứng sẽ được sử dụng tiếp.

Nói về chi phí phát sinh khi chuyển đổi, ông Bình cho biết đã báo cáo cụ thể khi nghiên cứu đề xuất. Đối với vấn đề tiếp quản công việc đào tạo, sát hạch, ngành công an sẽ không phát sinh thêm biên chế mà lấy sẵn từ các đơn vị đang làm công việc này thuộc lực lượng công an.

Bộ Công an: CSGT tung quân, quyết xử lý tài xế say xỉn tất cả các ngày Tết

Ngoài ra, Bộ cũng tận dụng lực lượng công an 4 cấp (xã, huyện, tỉnh, bộ), trong đó bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo ba cấp (huyện, tỉnh, bộ) gồm 780 đầu mối nên chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế và đủ điều kiện tiếp nhận công việc chuyển giao từ 64 đầu mối của ngành giao thông.

“Với công an cấp xã, chúng tôi tính toán sẽ là đầu mối để tiếp nhận hồ sơ sát hạch lái xe, cấp, đổi giấy phép, tạo điều kiện cho người dân không phải đi lại xa lên tới tỉnh, thành phố, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí”, Đại tá Đỗ Thanh Bình thông tin.

Cũng theo ông, khi tiếp quản việc quản lý sát hạch giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an sẽ vẫn giữ nguyên các cơ sở đào tạo theo hình thức xã hội hóa. Thời gian đầu, Bộ sẽ giữ lại những cán bộ ở trung tâm, giáo viên phụ trách đào tạo, do vậy không phát sinh chi phí.

Bên cạnh đó, Bộ Công an còn có phần mềm quản lý lái xe, giấy phép lái xe và có cơ sở dùng chung đến cấp huyện, có máy in thẻ cấp giấy phép lái xe. Do đó, nếu đề xuất trên được Quốc hội phê chuẩn, việc chuyển giao sẽ chỉ phát sinh chi phí mua máy chủ để lưu trữ.

Không vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự

Trước ý kiến cho rằng việc chuyển đổi này là đang “vũ trang hóa nhiệm vụ của ngành dân sự”, Đại tá Bình bác bỏ ý kiến này.

“Trước khi đề xuất, chúng tôi nghiên cứu kỹ Nghị quyết 17/2007 của Ban chấp hành Trung ương khóa 10 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, trong đó có nội dung "đối với một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Việc thực hiện chủ trương này phải bảo đảm thận trọng, chặt chẽ và hiệu quả”, Đại tá Bình nói.

Khởi tố 4 đối tượng hành hung CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn
Theo ông, Bộ Công an cho rằng cần hiểu đúng khái niệm thế nào là nhiệm vụ "có đủ điều kiện dân sự hóa".

Đối với những nhiệm vụ liên quan đến kinh tế, kỹ thuật đơn thuần mà các ngành dân sự thực hiện được, việc chuyển giao là phù hợp. Trong khi đó, với những nhiệm vụ liên quan đến quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn như sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý người lái, phương tiện thì phải do Bộ Công an quản lý.

“Việc này cũng giống quản lý cư trú cấp căn cước công dân, chứng minh thư, hộ khẩu, quản lý, cấp giấy phép về phòng cháy chữa cháy mà Bộ Công an vẫn đang làm lâu nay”, Đại tá dẫn chứng.

Ông Bình cũng cho biết, Bộ Công an sẽ dành ưu tiên hàng đầu cho việc áp dụng khoa học, công nghệ vào đào tạo, giám sát. Bộ hướng tới việc thực hiện đào tạo, sát hạch lái xe minh bạch hóa và để mọi người dân có thể giám sát. Chương trình đào tạo sẽ được Bộ sắp xếp, điều chỉnh theo hướng ngắn gọn, đảm bảo tối ưu thời gian và tài chính nhất cho người học.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đưa ra các giải pháp tạo sự khác biệt, ví dụ sẽ yêu cầu cao khi sát hạch đường trường.

“Hiện khi người đi không xi nhan sẽ bị trừ điểm, nhưng chúng tôi nếu được quản lý sẽ cho trượt để người thi nhớ các quy tắc đảm bảo an toàn cho chính mình và người tham gia giao thông. Ngoài ra, chúng tôi sẽ bổ sung các kỹ năng lái xe vào ban đêm, sát hạch địa hình ban đêm để tài xế có thể xử lý toàn diện hơn, hay bắt buộc tài xế học thực hành sơ cứu người gặp tai nạn”, ông Bình cho biết.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng sẽ tổ chức chấm điểm, xếp hạng các trung tâm sát hạch lái xe và công khai kết quả để người dân nắm rõ. Từ đó, khi người dân đăng ký học lái xe sẽ biết được trung tâm nào xếp hạng thấp, bao nhiêu người vi phạm. Người học sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên giáo viên, sát hạch thông qua hệ thống máy tính...

Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo điều tra vụ CSGT Đồng Nai tố cấp trên bảo kê xe quá tải

Để thực hiện công tác giám sát, tránh tiêu cực, Bộ Công an sẽ tiến hành nâng cấp, lắp hệ thống camera có tín hiệu âm thanh ở các trường đào tạo, thi sát hạch. Đồng thời, Bộ cũng sẽ công khai đánh giá chất lượng giáo viên theo thang điểm để người học có thể từ đó lựa chọn giáo viên và các cơ sở uy tín để học. Tất cả giáo viên, sát hạch viên sẽ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế như các nước tiên tiến đã áp dụng.

Nói về lợi ích của người dân khi Bộ Công an tiếp quản việc quản lý sát hạch, đào tạo, cấp giấy phép lái xe, ông Bình cho biết:

“Tôi có thể khẳng định việc chuyển giao cơ quan quản lý không ảnh hưởng đến người đã được cấp giấy phép lái xe. Người điều khiển phương tiện vẫn tiếp tục sử dụng giấy phép lái xe khi chưa đến thời hạn, việc thay đổi hệ thống giấy phép lái xe theo Dự thảo Luật mới chỉ thực hiện đối với các trường hợp khi đi cấp đổi, cấp lại, do đó không phát sinh kinh phí và thủ tục hành chính”, Cục Phó Cục CSGT nhấn mạnh.

Thêm vào đó, người dân cũng sẽ được thụ hưởng những chính sách xã hội hóa của nhà nước, được tiếp cận những tiến bộ, khoa học trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, được thống nhất sử dụng dữ liệu liên quan đến cá nhân được quy định trong cơ sở dữ liệu về Giấy phép lái xe, được lựa chọn cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, đơn vị cấp, đổi giấy phép lái xe theo nhu cầu…

Ngoài ra, theo ông Bình, việc phân cấp quản lý đến cấp huyện, cấp xã cũng là một cách giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm bớt nhiều thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe cho người dân.

Về vấn đề đảm bảo tính khách quan, khi vừa là cơ quan quản lý sát hạch giấy phép lái xe, vừa là đơn vị xử phạt vi phạm, đại diện Cục CSGT Bộ Công an cho biết, khi tiếp quản nhiệm vụ này từ Bộ GTVT, cảnh sát giao thông sẽ đảm nhận nhiều vai trò hơn hiện nay.

Tuy nhiên, các cán bộ chiến sĩ sẽ gắn được trách nhiệm xuyên suốt của một lực lượng trong cả quá trình từ đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái, an toàn và tai nạn giao thông, thay cho thực tế hiện nay không có đơn vị nào chịu trách nhiệm.

“Còn việc có khách quan hay không, chúng tôi từng đi hỏi cảnh sát Nhật Bản, Hàn Quốc để tham khảo và đưa ra thiết chế là tất cả sau này sẽ áp dụng xử phạt qua hình ảnh, bằng chứng cứ điện tử trong các trung tâm cho đến ngoài đường. Khi đó người dân và cảnh sát không còn phải đôi co việc ai đúng, ai sai nữa mà cứ theo chứng cứ rõ ràng trên máy thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh làm căn cứ xử lý”, ông Bình nói.

Theo Đại tá Nguyễn Thanh Bình, cơ chế hiện nay là người dân, cơ quan báo chí cùng giám sát hoạt động của cảnh sát thông qua hình ảnh, do đó lực lượng CSGT hy vọng cả xã hội sẽ cùng chung tay để xây dựng, quản lý nội dung này tốt hơn.

CSGT bụng to không được đứng đường làm nhiệm vụ?

Cũng trong ngày 30/9, trả lời báo chí, Cục Phó Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an – Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, hiện nay, tiêu chí lựa chọn CSGT được thực hiện theo yêu cầu chung của Lực lượng Công an nhân dân về chiều cao, cân nặng, thị lực, thể hình, thể trạng, không có quy định riêng cho lực lượng CSGT.

CSGT được dừng xe trong trường hợp nào?

Tuy nhiên, Bộ Công an xác định, cảnh sát Giao thông là lực lượng “mặt tiền của mặt tiền”, thường xuyên tiếp xúc với người dân ở ngoài đường, do đó, rất cần thiết phải xây dựng quy chuẩn để áp dụng riêng.

Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh, quy chuẩn này sẽ không dừng lại ở sức khỏe, thể hình, thể trạng, bụng béo hay gầy mà bao gồm cả tác phong, ứng xử.

“Phải làm sao thể hiện sự chuyên nghiệp, khỏe mạnh, tạo sự thân thiện, gần gũi và thẩm mỹ trong mắt người dân và bạn bè quốc tế”, Đại tá Đỗ Thanh Bình bày tỏ.

Đại diện Cục CSGT cũng cho hay, hiện vẫn còn một số cán bộ “bụng to” đứng ngoài đường làm nhiệm vụ. Theo đó, với các nhiệm vụ bình thường như xử phạt, các đồng chí vẫn có thể đáp ứng.

Tuy nhiên, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, khi có tình huống khẩn cấp như truy bắt tội phạm, giải quyết, hỗ trợ nạn nhân gặp tai nạn, “cảnh sát quá béo sẽ ục ịch, nặng nề, khó hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Theo lãnh đạo Cục CSGT, thời gian tới đây, Cục sẽ tham vấn Bộ Y tế, các chuyên gia về thể thaо, thể hình để xây dựng bộ tiêu chí khoa học, mang tính định lượng về sức khỏe để tuyển chọn các cán bộ chiến sĩ CSGT ra đường làm nhiệm vụ.

Đại tá Đỗ Thanh Bình cũng nhấn mạnh việc cụ thể hóa thế nào là sức khỏe tốt, thể hình đảm bảo tiêu chuẩn, số đo, cân nặng các vòng bao nhiêu cho phù hợp.

“Việc xây dựng tiêu chí về sức khỏe chỉ là nội dung nhỏ, quan trọng là việc đổi mới toàn diện, đặc biệt là văn hóa ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống của cảnh sát giao thông, làm sao cho mềm mại, linh hoạt mà vẫn đảm bảo theo đúng thiết chế pháp luật, được người dân ủng hộ, tuân thủ”, lãnh đạo Cục CSGT đánh giá.

Cũng trong ngày 30/9, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội, bình luận về ý tưởng này cho rằng nếu xây dựng được một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc sẽ giúp thay đổi hình ảnh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ngoài đường hiện nay.

Đại diện Phòng CSGT, Công an Hà Nội cho biết, kể từ năm 2013, Phòng là đơn vị đầu tiên trên cả nước đưa cảnh sát giao thông bụng béo về làm nhiệm vụ văn phòng để xây dựng hình ảnh cảnh sát giao thông thủ đô thân thiện, gần gũi và đẹp trong mắt người dân.

Đại diện Phòng CSGT, Công an Hà Nội khẳng định, hiện có rất ít cán bộ, chiến sĩ bụng to được huy động làm việc trực tiếp ngoài đường. Theo đó, gần như chỉ các trường hợp cấp bách, cần huy động thêm cảnh sát để giải quyết ùn tắc giao thông, trong các hội nghị lớn mới phải huy động cán bộ, chiến sĩ có thể hình béo mập.

Bộ Công an Việt Nam sẽ trang bị súng tiểu liên cho CSGT?

Lãnh đạo Phòng CSGT, Công an Hà Nội cũng cho biết, phần lớn cán bộ, chiến sĩ ở Hà Nội đều được tuyển chọn kỹ càng và đảm bảo tiêu chuẩn.

Đối với tiêu chuẩn tuyển chọn đầu vào, Bộ Công an Việt Nam quy định vòng ngực cân nặng, thể hìnhm thể trạng cân đối giữa chiều cao và cân nặng, không dị hình, dị dạng, không mắc bệnh kinh niên, mạn tính. Đặc biệt là không sử dụng ma túy và các chất gây nghiện, nam từ 1m62 và nữ từ 1m58 trở lên. Với những trường hợp cán bộ chiến sĩ quá béo hoặc quá gầy sẽ tính đến cả các chỉ số BMI, chỉ số khối cơ thể dựa trên cân nặng và chiều cao.

Đồng thời, Bộ Công an yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ, tích cực tự giác rèn luyện thể dục thể thao, điển hình, mỗi ngày dành ra ít nhất 30 phút để tập luyện và phải biết chơi ít nhất một môn thể thao. Tất cả đều nhằm hướng tới việc duy trì hiện trạng sức khỏe tốt nhất cho các cán bộ, chiến sĩ cũng như nâng cao hình ảnh người cán bộ cảnh sát trong mắt người dân.

Thảo luận