Cục trưởng CSGT nói về đề xuất trang bị súng tiểu liên
Bộ Công an Việt Nam vừa đưa ra đề xuất Dự thảo quy định quyền hạn, chức năng, hình thức, nội dung tuần tra kiểm soát trên đường của lực lượng CSGT để xin ý kiến đóng góp.
Cụ thể, Bộ Công an đề nghị trang bị cho CSGT thêm nhiều loại vũ khí như súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên.
Phát biểu về đề xuất này của Bộ, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng CSGT (Bộ Công an) cho biết, theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, công an nhân dân được sử dụng một số loại vũ khí, công cụ hỗ trợ.
“Tại Thông tư 01/2016 lại chưa được nêu cụ thể CSGT được sử dụng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ gì nên dự thảo này phải bổ sung”, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng khẳng định và cho rằng việc đề xuất trang bị súng trường, súng tiểu liên là phù hợp với hoạt động của lực lượng CSGT.
“Hơn nữa, đây chỉ là cụ thể hoá trong Luật, không phải khi có quyền sử dụng, cảnh sát sẽ được trang bị ngay. Nếu được thông qua, Bộ Công an còn phải căn cứ trên tình hình thực tế mà quyết định trang bị vũ khí cho lực lượng CSGT địa bàn sao cho phù hợp”, báo Giao thông trích lời của Cục trưởng CSGT (Bộ Công an) thông tin.
Về vấn đề này, đại diện Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cũng ủng hộ đề xuất của Bộ Công an vì trên thực tế, khi lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát chỉ được trang bị công cụ hỗ trợ mà chưa có vũ khí.
Trong khi đó, theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, súng bắn đạn cao su mà CSGT đang sử dụng chỉ thuộc nhóm “công cụ hỗ trợ”.
Việc dự thảo có quy định rõ ràng về việc trang bị thêm một số loại vũ khí, công cụ hỗ trợ như súng ngắn, súng tiểu liên, súng trường sẽ giúp tăng hiệu quả đảm bảo an ninh trật tự trong bối cảnh gia tăng tội phạm ma túy có sử dụng súng và các hành vi chống đối CSGT.
Trước đó, trả lời trước truyền thông, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội) cho rằng:
“CSGT là một lực lượng trong công an nhân dân nói chung nên có quyền được sử dụng các loại vũ khí mà pháp luật không cấm, song cần sử dụng như thế nào cho hợp lý với điều kiện và thực tiễn của công việc. Việc trang bị vũ khí gì, công cụ hỗ trợ gì đã được nêu trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và Bộ trưởng Bộ Công an có quyền quyết định”.
Tuy nhiên, vị Thiếu tướng cũng lưu ý rằng, đôi khi việc có quyền sử dụng vũ khí cũng tạo thêm áp lực cho cảnh sát, bởi trong luật quy định rất rõ, khi nào mới được nổ súng, nếu đồng chí nào vi phạm cũng sẽ bị xử rất nặng.
Vì sao Việt Nam trở thành điểm trung chuyển ma túy lớn?
Ngày 4.10, Thảnh ủy TP.HCM đã tổ chức Hội nghị về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn thành phố. Đến dự và chỉ đạo hội nghị có Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong. Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo Thành ủy, các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh và các sở ban ngành của thành phố. Hội nghị được truyền trực tuyến đến 24 quận huyện của thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị,Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM, nguyên Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP cho biết 20 năm qua, tội phạm ma túy ngày càng có quy mô lớn hơn.
“Trước đây, heroin được tính đơn vị bánh, ký nhưng giờ tính bằng tấn. Người nghiện ngày càng gia tăng. Chủng loại ma túy được sử dụng và lạm dụng ngày càng nhiều, gây hậu quả về trật tự xã hội, thậm chí là cuồng sát người thân. Chúng ta chưa đạt được yêu cầu tổng quát về kiềm chế và kéo giảm tội phạm lẫn tệ nạn ma túy”, Thiếu tướng Phan Anh Minh nói.
Theo ông, có sự tương tác rất mạnh giữa tội phạm về tệ nạn ma túy và cả tội phạm hình sự trong đó người nghiện là trung tâm có tác động tiêu cực và nguy hiểm nhất.
“Người sử dụng trái phép chất ma túy không chỉ là thị trường nuôi sống tội phạm về ma túy, mà còn là nguồn nhân lực tiếp tay cho các tổ chức buôn bán ma túy. Đây là lực lượng thử ma túy. Cũng chính người nghiện là thành tố làm gia tăng phạm pháp hình sự, an ninh trật tự xấu hơn”, NLĐ dẫn phát biểu của nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM khẳng định.
Theo lý giải của Thiếu tướng, trong thời gian ông phụ trách, có hai năm là năm 2008 và năm 2013, tội phạm hình sự gia tăng trên địa bàn thành phố. Hóa ra nguyên nhân là do “bế tắc” trong công tác quản lý người nghiện. Hiện trạng “tồn đọng” người nghiện còn phổ biến và ngay lập tức kéo theo tỷ lệ tội phạm gia tăng.
Theo nguyên Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP cho biết, cần có quan điểm nhìn nhận toàn diện hơn về người nghiện. Đây chính là những đối tượng có nguy cơ phạm pháp rất cao, cần có sự quan tâm, chú ý và chế độ quản lý đặc biệt.
Theo tướng Phan Anh Minh, đối sách trong thời gian tới là tập trung ngăn ngừa phát sinh người nghiện mới, can thiệp sớm, theo dõi giúp đỡ đối với cá nhân và quần thể người có nguy cơ phạm tội hay tái phạm liên quan đến ma túy.
Về vấn đề xử lý tội phạm ma túy, Thiếu tướng Phan Anh Minh đề nghị các cơ quan tố tụng cần nhanh chóng khắc phục một số nhược điểm tồn tại lâu nay. Đó chính là tình trạng “phân chia” thẩm quyền của cơ quan tố tụng. Theo đó, Luật Hình sự chỉ quy định xử lý có ba tội danh là tàng trữ, vận chuyển và sử dụng chất ma túy mà bỏ qua nhiều hành vi phạm tội là tác nhân gây phát sinh người nghiện như lôi kéo, cưỡng ép, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy. Nguyên Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đề nghị nên cố gắng xử 1/3 trong số vụ án có thêm nhóm tội nêu trên.
“Các cơ quan thực hiện tố tụng cần khắc phục tình trạng "chia" theo thẩm quyền. Bản chất tội phạm về ma túy đều có tổ chức, liên quận huyện và xuyên quốc gia, đồng phạm ở khắp nơi mà cứ đòi vi phạm ở quận nào bắt ở quận đó, chứ qua quận khác là sai thẩm quyền”, Thiếu tướng Phan Anh Minh bày tỏ.
Thêm vào đó, điều mà Thiếu tướng Phan Anh Minh còn trăn trở đó chính là việc ông thường xuyên bị chất vấn về vấn đề trung chuyển ma túy.
“Cái này có lâu rồi nhưng điều ngạc nhiên là quy mô gia tăng hơn. Mà thực ra tôi cũng hỏi cung các tội phạm trung chuyển thì họ nói Việt Nam hội nhập kinh tế sâu, giao thương thanh toán thuận lợi nhưng pháp luật không hội nhập. Dại gì không trung chuyển qua Việt Nam. Bởi việc tương trợ tư pháp giữa các nước với Việt Nam có nhiều hạn chế nên phát hiện đã khó và phát hiện ra cũng khó xử đối tượng” - nguyên Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khẳng định.
Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng chỉ ra một vấn đề bất cập nữa đó chính là hầu hết tương trợ tư pháp đều dồn vào các cơ quan Trung ương. Ông lấy ví dụ, có trường hợp Công an TP.HCM đã phát hiện lô ma túy xuống tàu trên đường sang Đài Loan và các đối tượng chuẩn bị nhận hàng, nhưng lúc này xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an không được vì lãnh đạo Bộ đang đi họp Quốc hội nên xin ý kiến chỉ đạo không được, hễ chậm trễ một chút là đã mất rồi.
“Những tồn tại này cần phải nhanh chóng khắc phục còn không thì đừng ngạc nhiên khi tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy chọn Việt Nam là nơi trung chuyển ma túy với quy mô ngày càng lớn hơn”, Thiếu tướng Phan Anh Minh nhấn mạnh.