Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng thông tin vụ bắt TS. Phạm Đình Quý, Giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng TP.HCM, đồng thời cho biết đã giao Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk trả lời cụ thể báo chí về vụ việc này.
Tại buổi họp báo, Tướng Tô Ân Xô cũng khẳng định vụ việc nâng khống giá thiết bị Y tế như ở Bệnh viện Bạch Mai không phải trường hợp đầu tiên, cũng không phải cuối cùng. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thì nhấn mạnh, Bộ Y tế đã yêu cầu công khai với người dân về giá dịch vụ và việc xã hội hóa dịch vụ y tế.
Bộ Công an nói gì về đơn xin tại ngoại điều trị ung thư và sức khỏe của ông Nguyễn Đức Chung?
Chiều ngày 2/10, trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết nhiều thông tin đáng chú ý liên quan đến tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Đức Chung.
Cụ thể, trả lời về tình hình sức khỏe của nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tướng Tô Ân Xô cho hay, theo báo cáo của cơ quan điều tra, tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Đức Chung “bình thường trong điều kiện mới”.
Đại diện Bộ Công an cũng tái khẳng định việc ông Nguyễn Đức Chung có liên quan đến ba vụ án hình sự mà các cơ quan điều tra đang khẩn trương tiến hành xác minh.
Liên quan đến việc trước đó luật sư của ông Chung có đề cập đến chuyện gia đình nguyên lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội có đơn xin được tại ngoại để điều trị ung thư, Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng nêu rõ, cơ quan an ninh điều tra đã nhận được đơn đề nghị của gia đình về việc thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Đức Chung.
“Nhưng qua kết quả xem xét, tội Chiếm đoạt tài sản bí mật Nhà nước có tính chất rất nghiêm trọng, vì thế, do yêu cầu điều tra vụ án, trước mắt chưa thể thay đổi biện pháp ngăn chặn”, Thiếu tướng Tô Ân Xô thông tin.
Đại diện Bộ Công an cũng khẳng định, cơ quan an ninh điều tra phối hợp với cơ quan y tế đã tổ chức khám, chữa bệnh cho ông Nguyễn Đức Chung.
Trước đó, như Sputnik Việt Nam đã đưa tin, ngày 18/9, luật sư Trương Trọng Nghĩa, bào chữa cho nguyên Chủ tịch UBND Hà Nội, cho biết ông Nguyễn Đức Chung và gia đình hiện đang làm đơn và thủ tục cần thiết xin được tại ngoài hầu tra để điều trị bệnh ung thư.
Luật sư Nghĩa cho hay, ông Nguyễn Đức Chung hiện bị tạm giam tại Hà Nội và gia đình đã chuẩn bị thủ tục làm đơn xin tại ngoại để điều trị ung thư.
“Đối với nguyện vọng và mong muốn của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và gia đình, các cơ quan tố tụng sẽ xem xét, quyết định cho ông Chung được tại ngoại hay không là căn cứ vào nhu cầu tố tụng”, ông Trương Trọng Nghĩa nêu rõ trước đó.
Ngoài ra, vị luật sư cũng bày tỏ, cơ quan tố tụng cũng sẽ cân nhắc đến vấn đề sức khỏe của ông Nguyễn Đức Chung cũng như khả năng điều trị bệnh ung thư mà bên trong trại tạm giam khó đáp ứng được các yêu cầu về thuốc và thiết bị hỗ trợ.
Chiều 28/8, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội, để điều tra hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Trước đó, ngày 11/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Quyết định nêu rõ, tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.
Cũng trong ngày 11/8, Bộ Chính trị quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Hà Nội.
Ngày 3/9/2020, thay mặt Thường trực HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-HĐND về việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu HĐND TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Đức Chung để các cơ quan tư pháp thực hiện quy trình tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Ngoài vụ án Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung còn bị tạm đình chỉ công tác, đình chỉ sinh hoạt Đảng để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong 2 vụ án khác.
Thứ nhất là vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Rửa tiền”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Thứ hai là vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại thành phố Hà Nội với chế phẩm Redoxy -3C.
Bộ Công an lên tiếng vụ bắt TS. Phạm Đình Quý
Cũng trong buổi họp báo chiều nay, Thiếu tướng Tô Ân Xô đã thông tin với báo giới một số điểm về vụ việc Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố, bắt tạm giam TS. Phạm Đình Quý, Giảng viên Đại học Tôn Đức Thắng TP.HCM về tội “Vu khống”.
Theo đó, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, căn cứ vào báo cáo của Công an tỉnh Đắk Lắk, sau khi tiếp nhận nguồn tin tội phạm, cơ quan Cảnh sát điều tra đã tổ chức xác minh.
Qua xác minh cho thấy dấu hiệu tội phạm nên ngày 19/9, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với đối với Hoàng Minh Tuấn (sinh năm 1980) về tội Vu khống, theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đại diện Bộ Công an cũng cho hay, các quyết định này đã được VKSND tỉnh Đắk Lắk phê chuẩn.
Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng nêu rõ, sau khi mở rộng điều tra, ngày 25/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã có lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, ra quyết định tạm giữ và lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Phạm Đình Quý.
“Quá trình điều tra cho thấy Hoàng Minh Tuấn và Phạm Đình Quý bước đầu khai nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình. Cơ quan điều tra đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để mở rộng điều tra và xử lý hai bị can này theo đúng quy định của pháp luật”, Thiếu tướng Tô Ân Xô nêu rõ.
“Bộ Công an đã giao Giám đốc Công an Đắk Lắk có trách nhiệm thông tin cụ thể, chi tiết hơn nếu báo chí muốn hỏi về vụ án này”, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định.
Gia đình TS. Phạm Đình Quý muốn Công an Đắk Lắk chỉ rõ người bị vu khống
Cũng trong một diễn biến liên quan, chiều nay ngày 2/10, gia đình TS. Phạm ĐÌnh Quý cho hay đã ủy quyền cho luật sư bảo vệ quyền lợi cho giảng viên này.
Cụ thể, Văn phòng luật sư Trung Hoà thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội được ông Phạm Đình Trang, cha ruột của võ sư Phạm Đình Quý uỷ quyền để bảo vệ quyền lợi cho ông Quý.
Theo thông tin mà Văn phòng luật sư Trung Hòa cung cấp cho NLĐ, cách đây 2 ngày, Văn phòng luật sư này đã từ TP Hà Nội vào tỉnh Đắk Lắk để đăng ký gặp mặt ông Phạm Đình Quý, tuy nhiên yêu cầu này chưa được công an Đắk Lắk đồng ý.
Ngoài ra, phía Luật sư cũng cho biết, hiện công an đang chờ hỏi ý kiến ông Phạm Đình Quý có đồng ý để luật sư bảo vệ quyền lợi rồi mới thông báo cho phía luật sư mà gia đình đã uỷ quyền.
Trao đổi với báo chí, đại diện gia đình TS. Phạm Đình Quý nhấn mạnh muốn làm rõ thêm việc khởi tố vụ án đối với ông Quý vì hành vi “Vu khống” theo điều 156 của Bộ Luật Hình sự 2015.
Cụ thể, theo cha ông Quý là ông Phạm Đình Trang, nếu Công an tỉnh Đắk Lắk đã công bố lệnh khởi tố và bắt tạm giam với ông Quý thì cũng phải cho biết ai là bị hại trong vụ án. Gia đình cho rằng, cần minh bạch thông tin để rộng đường dư luận.
Vụ nâng giá y tế ở Bạch Mai: Không phải cuối cùng
Liên quan đến vụ án nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai mà đỉnh điểm là việc khởi tố nguyên Giám đốc Nguyễn Quốc Anh, trong phiên họp Thường kỳ của Chính phủ, Chánh Văn phòng Bộ Công an cũng thông tin khẳng định vụ việc ở bệnh viện Bạch Mai không phải là vụ đầu tiên, nhưng cũng không phải là vụ cuối cùng được điều tra.
Cụ thể, theo người phát ngôn Bộ Công an, việc mở rộng điều tra sẽ căn cứ vào tài liệu thu thập được. Nếu có những vụ việc tương tự tiếp theo, Cơ quan Công an sẽ tiếp tục mở rộng điều tra.
Lên tiếng về việc rà soát tình hình xã hội hóa thiết bị, dịch vụ y tế và lý do chậm trễ khi ban hành biểu giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin khẳng định, xã hội hóa y tế là chủ trương đúng đắn của Chính phủ.
“Bộ Y tế đã ban hành quy định về liên doanh liên kết, từ đó đem lại cho người dân dịch vụ tốt hơn và giá thành thấp hơn so với việc ra nước ngoài chữa bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nêu rõ.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cũng thừa nhận thông qua hình thức xã hội hóa, đã có một số tồn tại, trong đó có tình trạng nâng giá trang thiết bị.
Trả lời trước báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, thực ra, không phải bây giờ Bộ Y tế mới có yêu cầu rà soát trang thiết bị xã hội hóa, mà từ trước đây đã yêu cầu thanh tra, kiểm soát, giao giám đốc các sở y tế và bệnh viện có trách nhiệm công khai với người dân về giá dịch vụ và việc xã hội hóa dịch vụ.
Thứ trưởng nhắc lại, gần đây, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã ký chỉ thị 20 yêu cầu cơ sở y tế cả nước rà soát lại và bảo đảm quyền của người thụ hưởng, công khai giá dịch vụ y tế, để người dân có quyền lựa chọn dịch vụ.
Theo đại diện Bộ Y tế, việc xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu, từ cuối 2018 và đầu 2019, chúng tôi đã xây dựng dự thảo thông tư giá dịch vụ y tế theo yêu cầu từ quý 2-2019.
“Nhưng việc ban hành cần sự chấp thuận của các bộ, ngành và liên quan chỉ số giá tiêu dùng CPI nên dự kiến sẽ ban hành khung giá dịch vụ theo yêu cầu sớm nhất" – đồng chí Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, gần đây Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế công khai giá trang thiết bị lên cổng thông tin của Bộ Y tế, giúp các đơn vị có kênh tham khảo khi mua sắm.
Theo đó, đến 31/12/2020, các đơn vị đều phải công bố giá thiết bị trên cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế, tránh những trường hợp đáng tiếc gây xôn xao dư luận như ở CDC Hà Nội hay Bạch Mai.