Việt Nam sẽ là nơi tân Thủ tướng Nhật Bản tới thăm đầu tiên: Ngẫu nhiên hay hợp lý?

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản, ông Yoshihide Suga trên cương vị tân Thủ tướng dự kiến thăm Việt Nam và Indonesia. Có giả thiết rằng khi lựa chọn điểm đến, phía Nhật Bản cân nhắc theo hướng tình hình dịch tễ học thuận lợi ở nước này hay nước kia.
Sputnik

Tuy nhiên, có thực tế đáng chú ý là vào năm 2013 nhân vật tiền nhiệm của ông Suga, ông Shinzo Abe sau khi lên nắm quyền lần thứ hai cũng đã thực hiện chuyến thăm đối ngoại đầu tiên của mình không phải đến Hoa Kỳ, mà là Việt Nam và Indonesia.

Sputnik đã hỏi ý kiến các chuyên gia, thử phân tích xem điểm đến này là ngẫu nhiên, là sự trùng hợp thông thường, hay đó là một lựa chọn chủ đích mà đằng sau chứa đựng những lý giải về chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

Có gì đằng sau chuyến thăm đầu tiên của ông Suga đến Việt Nam?

Chuyến công du của tân Thủ tướng Suga sẽ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc (đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản)  và Hoa Kỳ, đồng minh chính của Tokyo về quốc phòng.

Tân Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga sẽ chọn thăm Việt Nam trong chuyến công du đầu tiên?

Do đó, như đang chờ đợi, đằng sau chuyến thăm đầu tiên của tân Thủ tướng Nhật Bản tới Việt Nam «có bóng dáng Trung Quốc», - như nhận xét của chuyên gia Valery Kistanov lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga).

«Giống như ông Abe, ông Suga cũng e ngại sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc, vì vậy các Thủ tướng Nhật Bản cố gắng «chiêu hiền đãi sĩ» lôi kéo các nước ASEAN về phía mình, để tăng cường mối quan hệ của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á, thành lập liên minh chống Trung Quốc ở Biển Đông. Sự lựa chọn của Tokyo nhắm vào các nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông (Trung Quốc và một số nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN – tranh chấp nhiều thập kỷ nay về chủ quyền lãnh thổ với một số đảo (quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa, rạn san hô Scarborough). Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Hoa Đông (quần đảo Senkaku). Biển Đông là nơi Tokyo tập trung lợi ích kinh tế lớn ở đó: các tuyến đường hàng hải quan trọng nhất đều đi qua đây, theo đó Nhật Bản xuất khẩu lượng lớn lượng hàng hóa ra các thị trường nước ngoài. Và theo chiều ngược lại, nhập khẩu năng lượng và các nguyên liệu thô khác. Ngoài ra, Biển Đông có trữ lượng triển vọng về hydrocacbon và  nguồn tài nguyên sinh vật khổng lồ phong phú dưới dạng cá tôm hải sản».

Tất cả những yếu tố này tạo thành nền tảng vững chắc cho quan hệ đặc biệt và sự hợp tác của Nhật Bản với Việt Nam, vốn đang dần trở thành chỗ dựa chính của nước này ở Đông Nam Á trong việc hình thành «trục bài Trung» trong khu vực, - chuyên gia Kistanov nhận xét.

Phản ứng của Việt Nam về việc Nhật Bản có Tân Thủ tướng
«Cũng như nhiều nước ASEAN, Việt Nam có mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc. Ngoài tranh chấp lãnh thổ (cho rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chiếm vị trí chiến lược thuận lợi, và tổ chức căn cứ hải quân trên đó sẽ có lợi cho Trung Quốc), thực tế cuộc chiến tranh Trung-Việt (năm 1979) cũng là lý do khiến Việt Nam phải e ngại đề phòng trước mối đe dọa từ nước lớn láng giềng này. Không ngẫu nhiên mà ngay cả chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito (năm 2017) không phải đến nước nào khác, mà là tới Việt Nam, nơi ông được đón tiếp trọng thể ở cấp cao nhất. Chuyến thăm của Nhật hoàng có nghĩa rõ ràng là đất nước Việt Nam hiện đang chiếm vị trí cao trong ưu tiên chính trị đối ngoại của Nhật Bản».  

Hiện nay Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài và đối tác thương mại chính của Việt Nam, các hãng và công ty lớn nhất của Nhật Bản đang tích cực chinh phục và triển khai công việc trên thị trường tiêu dùng Việt Nam.  

Chuyến công du tới Việt Nam của tân Thủ tướng Suga sẽ là minh chứng sinh động cho thấy sự kế thừa đường lối của nhân vật tiền nhiệm Abe về chính trị-kinh tế và đối ngoại.

Việt Nam có ích cho Nhật Bản ở chỗ nào?

Nhưng Nhật Bản là một đồng minh ích lợi của Việt Nam không chỉ về kinh tế, mà còn cả trên bình diện quân sự, khi Tokyo cố gắng giúp các nước láng giềng ở Đông Nam Á xây dựng lực lượng để duy trì cán cân quyền lực trong khu vực.

Theo mục tiêu này, Nhật Bản đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, vốn đang có nhiều tiến triển rõ rệt, - chuyên gia Valery Kistanov nhấn mạnh.

Việt Nam - Nhật Bản: Đâu đơn thuần chỉ là quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư
«Trước đó, Nhật Bản đã cung cấp cho Việt Nam các tàu tuần tiễu dành cho công tác tuần phòng ở Biển Đông. Bản thân Nhật Bản cũng phái tàu của mình đến Đông Nam Á, đến Biển Đông. Các khu trục hạm và tàu ngầm Nhật Bản, thậm chí cả tàu sân bay trực thăng Izumo, đã ghé thăm không phải nơi bất kỳ nào đó, mà là đến vịnh Cam Ranh, nơi bố trí căn cứ quân sự của Việt Nam và trước đây từng là căn cứ của hạm đội Liên Xô. Và chi tiết này có ý nghĩa biểu đạt rất quan trọng».

Nhật Bản coi Việt Nam là một đối tác triển vọng đặc biệt về đảm bảo an ninh, chính là do có lợi ích chung trên biển. Điều đó phù hợp với mục tiêu mà người tiền nhiệm của ông Suga theo đuổi, là củng cố lập trường bảo vệ-quốc phòng của chính Nhật Bản, không lệ thuộc vào liên minh chiến lược với Hoa Kỳ.

Bàn về chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Suga, Sputnik cũng đã hỏi ý kiến ​​của một chuyên gia Việt Nam.

TS Nguyễn Quốc Hùng, nghiên cứu viên của Trung tâm Chiến lược Nga tại châu Á thuộc Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) chia sẻ quan điểm rằng trong những năm gần đây Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành những đối tác rất quan trọng của nhau, cùng chia sẻ lợi ích chiến lược chung.

Cuộc tháo chạy khỏi Trung Quốc: 1.400 nhà đầu tư Nhật Bản chọn Việt Nam
«Nhờ có vị trí «cửa ngõ Đông Nam Á», Việt Nam hiện nay là hướng ưu tiên của Nhật Bản về đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2018, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai (tính theo tổng vốn tư bản) và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Tổng vốn đăng ký lũy kế của Nhật Bản vào Việt Nam cho đến nay đã đạt 58,1 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp  trên toàn quốc. Thời điểm hiện tại, trên địa bàn cả nước có trên 2.500 doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế lớn, đã đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam và đang dự kiến mở rộng quy mô hơn nữa. Theo dữ liệu khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội cho thấy, có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào Việt Nam».  

Chuyên gia Nguyễn Quốc Hùng cho rằng tân Thủ tướng Nhật Bản Suga sẽ tiếp nối chiến lược «Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa» (FOIP) mà ông Abe được xem là tác giả-kiến ​​trúc sư.

«Uy tín khu vực và quốc tế của Việt Nam đang không ngừng được nâng cao. Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Với vị trí trung tâm ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và có lẽ thực tế là nhà lãnh đạo mới của ASEAN, Việt Nam có thể phát huy ảnh hưởng lớn đến chương trình nghị sự về an ninh của Đông Nam Á. Do đó, Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Nhật Bản về «Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa», và Nhật Bản cần sự hỗ trợ của Việt Nam để tăng cường quan hệ an ninh với ASEAN».
Thảo luận