Chiều nay, Việt Nam ghi nhận thêm 1 trường hợp nhiễm coronavirus mới – nữ chuyên gia người Pháp (bệnh nhân số 1.097) được cách ly ngay sau nhập cảnh.
Nhật Bản vừa ghi nhận trường hợp của chàng trai 23 tuổi từ Quốc Oai, Hà Nội bay sang Nhật Bản hôm 30/9 dương tính với coronavirus sau khi được xét nghiệm nhanh ở sân bay Narita.
Nữ chuyên gia người Pháp nhập cảnh vào Việt Nam nhiễm Covid-19
Chiều ngày 5/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết trong ngày Việt Nam đã ghi nhận thêm 1 ca mắc mới Covid-19. Bệnh nhân là nữ chuyên gia người Pháp nhập cảnh vào nước và được cách ly ngay. Đến nay, Việt Nam đã có tất cả 1.097 bệnh nhân.
Đã có tất cả 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước được ghi nhận. Trong đó, số ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Trong ngày có 1 ca mắc mới là ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Hiện Việt Nam đã trải qua 33 ngày không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.
Riêng tại Thủ đô Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 17/8 đến nay, đã sang ngày thứ 48, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Ca mắc mới là ca số 1097, là ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại Hà Nội. Theo đó, đây là bệnh nhân nữ, 57 tuổi, chuyên gia người Pháp, nhập cảnh ngày 19/9/2020 trên chuyến bay EK394 từ Dubai về Sân bay Nội Bài. Bệnh nhân được cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh tại khách sạn Bình An 3, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội.
Ngày 5/10/2020 kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện người bệnh đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, có 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là bệnh nhân số 1076 và 1075.
Bệnh nhân 1075 là nam, 33 tuổi, quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc, là chuyên gia kỹ thuật.
Bệnh nhân 1076 là nam, 58 tuổi, quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc, là chuyên gia kỹ thuật.
Ngày 18/9/2020, 2 bệnh nhân trên từ Quảng Đông, Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Cả hai sau đó được cách ly tập trung ngay tại tỉnh Phú Thọ.
Ngày 19/9, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Đến ngày ngày 27/9, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 và đến ngày 28/9 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Cả 2 bệnh nhân sau đó được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Đến ngày 4/10, sau 4 lần xét nghiệm âm tính, 2 chuyên gia trên được công bố khỏi bệnh.
Hiện tại cả 2 người không sốt, không ho, không khó thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 1.022/1.097 bệnh nhân Covid-19. Hiện Việt Nam không còn ca mắc Covid-19 nào được xếp loại nặng.
Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 1 ca, số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 2 ca, số ca âm tính lần 3 là 6 ca. Đã có 35 ca tử vong được ghi nhận tại Việt Nam liên quan đến Covid-19.
Mới đây, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị tiếp tục kiên định các biện pháp chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với nhiệm vụ chính là tập trung ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài.
Trong đó, cần đặc biệt kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh qua biên giới, đặc biệt trường hợp nhập cảnh trái phép; rà soát, quản lý trường hợp nhập cảnh là chuyên gia theo Công văn số 4995/BYT-DP ngày 21/9/2020 về việc hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, việc kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, khai báo y tế bắt buộc cần được thực hiện nghiêm. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân sử dụng ứng dụng khai báo, truy vết; phân luồng người nhập cảnh ngay tại cửa khẩu, vận chuyển an toàn về địa điểm cách ly, đặc biệt lưu ý người nhập cảnh từ chuyến bay thương mại. Các hình thức cách ly theo hướng dẫn của ngành Y tế tiếp tục được quản lý chặt, không để xảy ra lây nhiễm trong cơ sở cách ly tập trung và từ khu cách ly ra ngoài cộng đồng.
Đến nay đã có 16.363 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe. Trong số đó, 263 ca được cách ly tập trung tại bệnh viện, 4.549 ca được cách ly tại nhà và 11.551 được cách ly tập trung tại các cơ sở khác.
Chàng trai Hà Nội dương tính với Covid-19 khi sang Nhật
Chiều 5/10, Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội, BS. Trương Quang Việt xác nhận thông tin nam thanh niên 23 tuổi ở Hà Nội, bay sang Nhật ngày 30/9, đã có kết quả xét nghiệm test nhanh cho dương tính với SARS-CoV-2.
Theo đó, người này tên Nguyễn Văn D., trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Anh D. khởi hành từ Việt Nam đi Nhật Bản trên chuyến bay NH 898 ngày 30/9.
Theo ông Việt, thông tin trên là thông tin bước đầu được phía hàng không cung cấp. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm cung cấp thông tin chính thức về trường hợp này.
Dự kiến, trong khoảng 6 ngày nữa anh D. sẽ có kết quả xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp RT- PCR.
Ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp nam thanh niên dương tính với SARS-CoV-2, CDC Hà Nội đã triển khai khoanh vùng, tiến hành cách ly y tế tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm lần đầu với 9 người tiếp xúc gần với D., đồng thời tiến hành khử khuẩn môi trường tại khu vực xung quanh.
BS. Trương Quang Việt cũng cho rằng, đây là một trong 10 trường hợp đi Nhật test nhanh dương tính trong thời gian qua, trong số đó, 9 người đã có xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2.
Việt Nam sớm thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người?
Cục Khoa học - công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế cho biết, ngay trong tuần này nhà sản xuất vaccine đầu tiên trong 4 công ty tham gia phát triển vaccine ngừa Covid-19 sẽ nộp hồ sơ đề nghị được thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 trên người để trình Bộ Y tế thẩm định và cấp phép.
Những đơn vị kể trên đã thử nghiệm đến giai đoạn hiện tại là “test thử thách”, một giai đoạn bắt buộc trong sản xuất vaccine tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. Bên cạnh đó, công ty trên cũng đã gửi mẫu để thử nghiệm song song tại một phòng thí nghiệm ở Hàn Quốc về tính sinh miễn dịch, độc tính của vaccine trên chuột hamster.
Sau khi có kết quả tại Hàn Quốc, vaccine này dự kiến sẽ được thử nghiệm trên người từ khoảng tháng 11 hoặc tháng 12.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có một vaccine khác được thử nghiệm ở khâu “test thử thách” tại Mỹ. Hy vọng vaccine này có thể hoàn thành giai đoạn trên trong tháng 11 tới để đủ điều kiện thử nghiệm trên người vào đầu năm 2021.
Việt Nam hỗ trợ cho các nhà sản xuất vaccine Covid-19 trong nước
Phó cục trưởng Cục Khoa học - công nghệ và đào tạo Nguyễn Ngô Quang cho Tuổi Trẻ biết, hai nhà sản xuất đầu tiên thử nghiệm vaccine trên người đều có đủ cơ sở vật chất và dây chuyền công nghiệp để sản xuất 60 triệu liều vaccine ngừa Covid-19/năm.
Theo ông, việc đầu tư phát triển một vaccine rất đắt đỏ, chỉ tính riêng giai đoạn “test thử thách” thực hiện tại nước ngoài đã có giá tới gần 1 triệu USD, thử nghiệm trên người giai đoạn 1 và 2 chi phí tới 30-90 tỷ đồng.
Do đó, Bộ Y tế đã có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ cho các nhà sản xuất vaccine. Hiện Thủ tướng đã đồng ý về mặt nguyên tắc với chủ trương này.
Bên cạnh đóm Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, sử dụng vaccine ngừa Covid-19. So với các vaccine khác, hướng dẫn riêng cho vaccine này có yêu cầu tương đương về mặt chuyên môn, nhưng cho phép “gối đầu” về thời gian nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu vaccine trong đại dịch.
Bộ Y tế còn tham gia họp, thảo luận với các nhà sản xuất vaccine Covid-19 quốc tế. Hiện trên toàn thế giới có 187 vaccine ngừa Covid-19 đang được phát triển, trong đó có 38 loại đang ở giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm trên người, 9/38 vaccine này đang thử nghiệm trên người ở giai đoạn 3 và có một trong số này có thể sẽ được ra mắt vào đầu năm 2021.
Hiện tại, Việt Nam cũng đã tham gia liên minh 92 quốc gia được ưu tiên về quyền tiếp cận vaccine và có thể tiếp cận vaccine này sớm để tiêm ngừa cho người nguy cơ cao (nhân viên y tế, người già, những người có nhiều bệnh mãn tính).
Đọc thêm: