Trong khi đó, tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) sẽ mua 40% cổ phần trong dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 2 có công suất 1.200 MW tại tỉnh Hà Tĩnh.
Chào Trung Quốc, không muốn về nhà, doanh nghiệp Hàn Quốc chọn Việt Nam
Nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm tăng cường kêu gọi loạt công ty chuyển dịch sản xuất ra nhà khỏi Trung Quốc trở về quê hương dường như không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Thực tế, mặc dù Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp về nước “trong thời buổi khó khăn” nhằm giảm thiểu các nguy cơ sụt giảm sản xuất thì dường như các doanh nghiệp xứ Hàn chẳng mấy bận tâm đến những nỗ lực từ phía Nhà Xanh. Theo hãng tin Bloomberg, ngay cả khi đại dịch coronavirus và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung làm dấy lên lo ngại và nguy cơ rủi ro của việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc như công xưởng của cả thế giới thì làn sóng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp Hàn cũng không quá sôi động.
Theo dữ liệu thống thống kê của Viện Kinh tế Công nghiệp & Thương mại Hàn Quốc, chỉ có 80 công ty trong số hàng nghìn công ty có liên kết kinh doanh làm ăn ở Trung Quốc trở về nước kể từ khi Hàn Quốc ban hành luật “U-Turn” vào năm 2013 để ngăn chặn làn sóng gia tăng sản xuất ở nước ngoài.
Thậm chí, cho dù sau khi Chính phủ Hàn Quốc mở rộng chính sách trợ cấp hay tái bảo trợ cho những công ty dịch vụ và công nghệ thông tin vào đầu năm nay, sức hấp dẫn của việc đưa dây chuyền sản xuất hồi hương dường như còn rất hạn chế.
Theo Bloomberg, thực tế chỉ ra rằng các công ty Hàn Quốc đang cân nhắc cắt giảm hoạt động ở Trung Quốc và thay vào đó, họ tìm cách chuyển địa điểm kinh doanh sản xuất sang khu vực Đông Nam Á, nhất là tại Việt Nam – điểm đến ưa thích của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản.
Điều đó cho thấy Hàn Quốc đang bỏ lỡ cơ hội để mang lại việc làm, đảm bảo chuỗi cung ứng của mình trong đại dịch Covid-19 và duy trì lợi thế, khả năng cạnh tranh sản xuất trong nước.
Chuyên gia Bae Ho-young, nhà nghiên cứu thuộc Liên đoàn các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul cho biết, các rào cản ở quê nhà quá cao. Vị chuyên gia này chỉ ra thực tế là do thị trường lao động cứng nhắc, chi phí lao động cao hơn và nguyên cả mạng lưới quy định phức tạp về môi trường.
Khảo sát vừa được tiến hành dưới sự dẫn dắt của nhà nghiên cứu Bae hồi tháng 6/2020 cho thấy, có 7 trong số 10 công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc không quan tâm đến việc trở về nước.
9 trong số 10 công ty Hàn Quốc tại Việt Nam cũng khẳng định họ không có kế hoạch về nước.
Hãng tin Bloomberg cũng cho biết, việc chính quyền Tổng thống Moon Jae-in thực thi chính sách tiền lương tối thiểu cao hơn, thời gian làm việc ngắn hơn và tăng cường thuê lao động thường xuyên được giới chuyên gia nhận định rằng chỉ làm tăng chi phí kinh doanh, gây hại cho nhu cầu mở rộng sản xuất tại quê nhà.
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc nối gót Samsung đến làm ăn ở Việt Nam
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, lương hàng tháng của công nhân nhà máy ở Hàn Quốc là 3.405 USD vào năm 2019.
Dữ liệu của Tổ chức ILO cũng đồng thời cho thấy con số này cao hơn 13 lần so với nhân viên lao động ở nhà máy ở Việt Nam vào năm 2018 và cao hơn 4 lần so với lao động của Trung Quốc vào năm 2016.
“Hàn Quốc vẫn là địa điểm kinh doanh sản xuất hết sức đắt đỏ, đặc biệt là đối với nhóm hàng xuất khẩu”, Sung Won Sohn, Giáo sư kinh tế tại Đại học Loyola Marymount cho biết.
“Trong khi thế giới đang quay cuồng ứng phó với đại dịch Covid-19, các công ty Hàn Quốc phải chọn hoặc ở lại Trung Quốc hoặc di rời sang Đông Nam Á để duy trì lợi thế cạnh tranh và bảo đảm thị phần trên toàn cầu”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Để đối phó với tình trạng nghèo đói và thất nghiệp có xu hướng gia tăng, chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng phạm vi giảm thuế và tăng trợ cấp đầu tư từ hồi tháng 3. Seoul cũng đưa ra chính sách đầu tư tài chính dài hạn và nới lỏng quy định về thị thực đối với lao động nước ngoài. Vào năm 2021, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tăng gấp đôi trợ cấp đầu tư lên 50 tỷ won (vào khoảng 43 triệu USD).
Theo hãng tin Bloomberg, Samsung là một trong các công ty lớn của Hàn Quốc đang tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á và nhiều khu vực khác, đồng thời đẩy mạnh cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc.
Samsung hiện đang mở rộng nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời đóng cửa một số dây chuyền thiết bị tiêu dùng tại Trung Quốc.
Ông lớn Hàn Quốc khác là Hyundai Motor cũng đang tăng sản xuất tại Việt Nam và ngừng dây chuyền ở Bắc Kinh.
“Doanh nghiệp nhỏ hơn có xu hướng đi tới những quốc gia mà công ty lớn đã đến”, Bill Lee, nhà phân tích tại Samil Pricewaterhouse Coopers nhận xét.
Vị chuyên gia này cho biết đã giúp nhiều nhà cung cấp cho Samsung và Hyundai thanh lý tài sản tại Trung Quốc trước khi chuyển sản xuất ra khỏi quốc gia này.
Tập đoàn Điện Lực Hàn Quốc muốn đầu tư vào dự án nhiệt điện ở Việt Nam
Truyền thông Hàn Quốc những ngày qua đưa tin rộng rãi về việc Tập đoàn Điện lực Nhà nước Hàn Quốc với sự đồng thuận của các thành viên hội đồng quản trị đã đồng ý tham gia vào dự án Vũng Áng 2 trị giá 2,2 tỷ USD nhằm xây dựng hai nhà máy nhiệt điện than 600 megawatt tại Hà Tĩnh, Việt Nam.
“Trong cuộc họp Hội đồng Quản trị diễn ra hôm thứ Hai, các thành viên hội đồng quản trị đã thông qua kế hoạch của công ty về việc tham gia dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam”, một quan chức KEPCO cho biết. Với sự chấp thuận của hội đồng quản trị, dự án dự kiến sẽ khởi công vào nửa đầu năm 2021.
Dự án nhà máy điện trị giá 2,2 tỷ USD này tại Vũng Áng ban đầu được tiến hành bởi Tập đoàn Mitsubishi và Công ty Điện lực & Ánh sáng Trung Quốc (CLP) của Hồng Kông, mỗi bên nắm giữ 40% cổ phần trong dự án và Công ty Điện lực Chugoku của Nhật Bản nắm giữ 20% cổ phần còn lại. Nhưng sau khi CLP thông báo sẽ rút khỏi dự án do chính sách thoát than mới được thông qua, Mitsubishi đã đề xuất KEPCO mua lại cổ phần của CLP nắm giữ.
Sau khi được các thành viên hội đồng quản trị chấp thuận, KEPCO sẽ mua lại 40% cổ phần từ CLP. Nếu sự tham gia của KEPCO được hoàn tất, các công ty Hàn Quốc như Samsung C&T và Doosan Heavy Industries dự kiến sẽ tham gia dự án với tư cách là nhà thầu kỹ thuật, mua sắm và xây dựng (EPC).
Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện hàng năm của Việt Nam nhanh hơn so với các nước Đông Nam Á khác. Điện sản xuất từ các loại nhiên liệu hóa thạch vẫn đóng vai trò lớn trong nguồn điện của Việt Nam.
Tại Hàn Quốc, KEPCO đang đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng từ giới nhà đầu tư lo ngại rằng dự án sẽ khiến công ty điện không đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) cũng như thay đổi các tiêu chuẩn năng lượng toàn cầu, vốn rất coi trọng năng lượng tái tạo trong điều kiện hiện nay.
Về phần mình, với kinh nghiệm đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện than ở Indonesia, KEPCO cam kết sẽ sử dụng công nghệ mới để giảm thiểu phát thải carbon ở nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 của Việt Nam.
Trong kho đó, GS Caltex Corp., công ty lọc dầu lớn thứ hai Hàn Quốc về doanh số, ngày 7/10 cho biết công ty này đã ký một thỏa thuận trị giá 39 tỷ đồng (1,6 triệu USD) với công ty khởi nghiệp VI Automotive Service của Việt Nam. Được biết, đây cũng đồng thời là khoản đầu tư đầu tiên của GS Caltex vào Việt Nam.
Là doanh nghiệp liên doanh 50:50 giữa GS Energy của Hàn Quốc và Chevron Corp của Mỹ, phía GS Caltex cho hay, họ có kế hoạch bán các sản phẩm dầu nhờn tại Việt Nam.