Tai nghe không dây của Apple- Airpod sẽ được sản xuất tại Việt Nam?
Apple đang bắt đầu sản xuất thử nghiệm tai nghe không dây AirPods nổi tiếng của mình tại Việt Nam khi công ty đẩy nhanh kế hoạch đa dạng hóa sản xuất dòng sản phẩm điện tử tiêu dùng ngoài Trung Quốc, Nikkei Asian Review cho biết.
Tập đoàn Goertek của Trung Quốc - một trong những đối tác sản xuất quan trọng của Apple, sẽ bắt đầu thử nghiệm quy trình sản xuất thế hệ AirPods mới nhất trong mùa hè này, tại nhà máy ở Việt Nam.
Điều này sẽ đánh dấu việc sản xuất tai nghe không dây đầu tiên bên ngoài Trung Quốc - đất nước có nền kinh tế thứ hai thế giới. AirPods là sản phẩm tăng trưởng nhanh nhất của Apple, tăng 35 triệu lô hàng vào năm ngoái so với 20 triệu trong năm 2017.
Apple đã viết thư cho các nhà cung cấp linh kiện để yêu cầu họ hỗ trợ Goertek mặc dù lượng thử nghiệm ban đầu rất nhỏ, theo Nikkei Asian Review.
“Các nhà cung cấp được yêu cầu giữ giá không đổi trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm, nhưng điều này có thể được xem xét sau khi lượng sản xuất tăng lên”, nguồn tin cho biết.
“Sản lượng ban đầu sẽ hạn chế, nhưng sẽ rất dễ dàng để tăng công suất khi tất cả quy trình sản xuất hoạt động trơn tru”, người đối thoại với hãng tin nói thêm.
Goertek từ chối trả lời yêu cầu bình luận từ Nikkei.
Apple tính toán gì ở Việt Nam?
Apple từ lâu đã sản xuất EarPods truyền thống (kết nối với iPhone qua dây dẫn) tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, AirPods vẫn chỉ được sản xuất tại Trung Quốc bởi các nhà cung cấp Inventec, Luxshare-ICT và GoerTek. Apple từ chối bình luận về kế hoạch sản xuất cho AirPods.
Tuy nhiên, việc chuyển sang sản xuất thử nghiệm thường là khởi đầu cho việc sản xuất hàng loạt. Tại Việt Nam, Apple dự định chuyển nguồn cung ứng khoảng 15% -30% sản lượng ra bên ngoài Trung Quốc - nơi lợi thế về chi phí và nhân lực đang có dấu hiệu giảm dần. Nikkei Asian Review đã báo cáo vào tháng trước rằng gã khổng lồ công nghệ California đã yêu cầu các nhà cung cấp tính toán chi phí cho sự đa dạng hóa đó.
AirPods là tai nghe không dây bán chạy nhất thế giới, chiếm 60% thị phần và mở ra danh mục điện tử tiêu dùng mới khi chúng được ra mắt vào cuối năm 2016. Samsung, Huawei và các thương hiệu âm thanh truyền thống khác như Jabra và Bose sau đó đều đã chạy đua để cho ra đời tai nghe không dây. Các lô hàng tai nghe không dây trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 48 triệu chiếc trong năm 2018 lên 129 triệu chiếc vào năm 2020, theo Counterpoint.
Động lực tăng trưởng mạnh mẽ mang đến cho Apple cơ hội đẩy nhanh đa phương hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc mà không nhất thiết phải giảm sản lượng tại đây.
"Rất có khả năng Apple sẽ áp dụng chiến lược "Trung Quốc +1" trong nỗ lực đa dạng hóa sản xuất", - Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan nói. Điều đó có nghĩa là công ty sẽ tăng lượng sản xuất ở các nước bên ngoài Trung Quốc mà không cắt giảm đáng kể sản lượng Trung Quốc khi bắt đầu.
"Giảm sản lượng ở Trung Quốc hiện quá nhạy cảm đối với Apple, cũng như đối với các nhà cung cấp của họ", ông Chiu nói. Hơn nữa, việc đa phương hóa ban đầu sẽ chỉ là "vận chuyển một số hàng hóa bán thành phẩm đến địa điểm mới và sau đó lắp ráp chúng lại với nhau. Chứ không phải thực hiện tất cả các công đoạn từ đầu đến cuối".
Apple rất nhạy cảm với đất nước vốn là trụ cột cho thành công của mình trong nhiều thập kỷ gần đây. Chính phủ Trung Quốc đã rất tích cực ủng hộ các cơ sở sản xuất của Apple, cung cấp sự hỗ trợ to lớn cho các nhà máy, cơ sở hạ tầng, năng lượng và chi phí nhân công. Trong hai thập kỷ qua, sự hiện diện của Apple đã tạo ra chuỗi cung ứng chất lượng cao và được kết nối chặt chẽ, có khả năng huy động hàng trăm ngàn công nhân lành nghề và linh kiện thiết bị trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, tỷ lệ sinh thấp, chi phí lao động gia tăng và căng thẳng thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến Apple phải xem xét lại sự phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc, như Nikkei Asian Review đưa tin vào tháng trước.
Việt Nam đã nổi lên như một sự thay thế mạnh mẽ, nhờ sự gần gũi về địa lý với Trung Quốc, có lợi cho công tác hậu cần. Đây cũng là đất nước sở hữu lượng lao động có tay nghề cao với chi phí nhân công tương đối thấp.
Tuy nhiên, chỉ với 95 triệu người - gần một phần mười dân số Trung Quốc - lực lượng lao động của Việt Nam bị hạn chế, và đã có dấu hiệu thiếu hụt lao động tiềm năng và chi phí gia tăng khi nhiều công ty chuyển đến đó để tránh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Việc đe dọa áp đặt thuế quan của Tổng thống Donald Trump đối với Việt Nam trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng trước đã gây ra mối lo ngại cho những công ty muốn đa dạng hóa sản xuất ở đất nước Đông Nam Á.
“Nhiều công ty công nghệ đang di chuyển hoặc tăng sản xuất [tại Việt Nam] để tránh thuế quan, vì vị trí gần với Trung Quốc và có chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh so với các nước Đông Nam Á khác”, - Karen Ma, nhà phân tích chuyên về các thị trường mới nổi tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp ở Hsinchu. “Tuy nhiên, mọi người hiện đang lo lắng rằng Việt Nam có thể trở nên “quá nóng” và có thể sớm rơi vào tình trạng thiếu lao động, cũng như chi phí sản xuất gia tăng”.
Việt Nam có những điều kiện thuận lợi nào để trở thành trung tâm sản xuất của Apple?
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Vũ Đình Ánh đã chia sẻ với Sputnik quan điểm về việc nhiều Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong kế hoạch đa dạng hóa của Apple (tái cấu trúc cơ bản chuỗi cung ứng).
Ông nêu những lý do cơ bản là lợi thế quốc gia của Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu của gã khổng lồ công nghệ này:
Dịch chuyển sản xuất của Apple từ Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á đã được dự báo và nay đang biến thành hiện thực với tốc độ ngày càng cao. Việt Nam được lựa chọn như một trong những điểm đến ưa thích nhất, không chỉ của Apple mà còn nhiều tập đoàn khác.
Trước hết, Việt Nam có vị trí địa lý thích hợp và nằm trên tuyến vận tải hàng hóa đi toàn thế giới không làm đảo lộn quá nhiều phương án vận chuyển nguyên vật liệu cũng như thành phẩm của các nhà cung cấp cho Apple sau khi ra khỏi Trung Quốc.
Thứ hai, Việt Nam có điều kiện chính trị ổn định, quan hệ đối ngoại rộng mở, độ mở của nền kinh tế hàng đầu khu vực và là đối tác kinh tế thương mại đáng tin cậy của hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tích cực tham gia hàng loạt FTA, trong đó có những FTA quan trọng như CP TPP, EV FTA…
Thứ ba, Việt Nam có môi trường kinh tế ổn định với lạm phát được kiểm soát tốt, giá trị đối nội và đối ngoại của VND được giữ vững đi đôi với hệ thống tài chính đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu trong cũng như ngoài nước.
Thứ tư, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và có chính sách đặc biệt ưu đãi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư tầm cỡ toàn cầu nhằm biến Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất của thế giới. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài được hưởng điều kiện thuận lợi và ưu đãi đặc biệt trong tiếp cận đất đai mặt bằng sản xuất, thuế, vốn, lao động,...
Thứ năm, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào gần 60 triệu người, có thể đào tạo trong thời gian ngắn với tiền công, tiền lương tương đối thấp. Trường hợp Samsung chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất toàn cầu chứng tỏ Apple sẽ ko phải hối hận khi chuyển sản xuất sang Việt Nam - nơi đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Apple đã chọn và đã thành công.
Thứ sáu, các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển rất nhanh và không ít trong số đó đã và sẽ đảm đương được vai trò công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khi tới Việt Nam, Apple và các nhà cung cấp đều có thể tìm thấy những đối tác là doanh nghiệp Việt Nam đáng tin cậy, có tiềm lực tài chính, công nghệ và quản trị đang tiến bộ từng ngày từng giờ.
Thứ bảy, cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang được hoàn thiện với tốc độ cao, cả hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Kết nối khu vực và toàn cầu, chất lượng quốc tế và mở cửa hội nhập là những đặc trưng nổi bật của cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện tại và tương lai.
Thứ tám, Việt Nam mở cửa hội nhập và phát triển giúp cho hạ tầng xã hội và môi trường sống được cải thiện mạnh mẽ, đáp ứng mọi yêu cầu sinh hoạt dù cao cấp nhất của người quản lý và chuyên gia thuộc các tập đoàn hàng đầu thế giới. Việt Nam không chỉ là nơi sản xuất kinh doanh mà còn được lựa chọn để sinh sống lâu dài, để du lịch,... của nhiều người nước ngoài trong môi trường quốc tế hóa rộng mở, thân thiện và bình đẳng.
Xu hướng chuyển dịch này tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh phân tích: Kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội tốt để phát triển, củng cố và khẳng định vị thế một trong những trung tâm sản xuất toàn cầu. Hàng loạt các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ được cải thiện, chẳng hạn GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, công ăn việc làm, thu ngân sách nhà nước,... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tốt trở thành đối tác của Apple, của các nhà cung cấp cho Apple, đồng thời thu nhập và đời sống của hàng vạn gia đình Việt Nam có điều kiện nâng cao nhờ có liên quan tới các dự án của Apple triển khai ở Việt Nam. Bộ mặt nhiều địa phương, đặc biệt là địa phương được chọn làm dự án sẽ thay đổi mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cái được lớn nhất là nâng cao uy tín Việt Nam trong nền kinh tế thế giới và hiệu ứng lan tỏa đối với nền kinh tế trong nước.