Các ổ dịch tại Việt Nam hiện đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương ghi nhận ca bệnh
Theo bản tin lúc 18 giờ ngày 11/10 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Bộ Y tế), Việt Nam ghi nhận thêm 2 bệnh nhân mắc Covid-19 trở về từ nước ngoài.
Cụ thể, bệnh nhân 1108 (nam, 48 tuổi) là chuyên gia quốc tịch Ấn Độ, vào Việt Nam làm việc tại tỉnh Đồng Nai. Ngày 6/10, bệnh nhân từ Ấn Độ nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay 6E9471, được chuyển đến cách ly tập trung tại tỉnh Đồng Nai. Ngày 10/10, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.
Bệnh nhân 1109 (nữ, 33 tuổi) có địa chỉ phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP.HCM, là du học sinh. Ngày 3/10, bệnh nhân từ London (Anh) nhập cảnh sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN0054, được chuyển đến cách ly tập trung tại tỉnh Hải Dương. Ngày 10/10, người này có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương.
Đến nay, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 39 không ghi nhận ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Các ổ dịch đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương ghi nhận ca bệnh.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hiện Việt Nam đã chữa khỏi cho 1.024 bệnh nhân. Trong số các bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 4 ca, số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 15 ca, số ca âm tính lần 3 là 16 ca.
TP.HCM yêu cầu người dân tiếp tục đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà
Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành công văn khẩn số 3856/UBND-VX về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.
Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu các Sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước nguy cơ dịch bệnh. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm các biện pháp như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng. Hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.
Các cấp các ngành, đơn vị phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, chú trọng công tác phòng, chống dịch tại địa bàn tập trung đông người như khu dân cư, trường học, bệnh viện, chợ, siêu thị, cơ sở cách ly.
UBND TP đặc biệt giao trọng trách cho ngành y tế thành phố chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để tiếp nhận các chuyến bay thương mại quốc tế nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, không để xảy ra “làn sóng dịch bệnh thứ ba” trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu
Theo trang thống kê worldometers, tính đến 6 giờ ngày 11/10 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 37.435.020 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.077.119 ca tử vong, hơn 28.073.620 bệnh nhân hồi phục.
Dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại châu Âu, khi nhiều nước liên tục công bố số ca nhiễm mới tăng cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3 vừa qua.
Nga, Ba Lan, Bồ Đào Nha ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày cao nhất, lần lượt là 12.846 ca, 5.300 ca và 1.646 ca.
Đức thông báo số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tại nước này là 4.721 ca, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại Đức lên 319.381 trường hợp.
Cộng hòa Séc ghi nhận tốc độ nhiễm mới ở mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch. Nước này hiện có trên 111.000 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 934 ca tử vong. Cộng hòa Séc hiện là quốc gia có số ca nhiễm tính trên 100.000 dân tăng nhanh nhất ở châu Âu, và đứng trước nguy cơ phong tỏa lần 2.
Trước diễn biến dịch bệnh khó lường hiện nay, nhiều nước châu Âu đã tăng cường các biện pháp phòng dịch như gia hạn tình trạng khẩn cấp để hỗ trợ các cơ quan chức năng phòng, chống dịch bệnh, ban hành các quy định y tế bắt buộc như đeo khẩu trang tại nơi công cộng, hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người.