Mưa bão, thiên tai “đặc biệt dị thường”, Việt Nam nhắc lại bài học lũ chồng lũ năm 2016

Thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai sáng nay 16/10 cho biết, rất có thể ở Việt Nam sẽ xảy ra tình trạng lũ chồng lũ giống như hồi 2016 do đó cần đề cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.
Sputnik

Trong khi đó, các hồ chứa ở khu vực phía Bắc, Bắc và Trung trung bộ đến nay đã đầy ắp nước. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh cần đặc biệt lưu ý điều tiết trước khi đón mưa lớn do áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào bờ.

Liên quan đến tin áp thấp nhiệt đới, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào lúc 19 giờ ngày 16/10, tâm áp thấp nhiệt đới ở vị trí khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc, 109,2 độ Kinh Đông, thuộc vùng biển các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Bình Định.

Tin áp thấp nhiệt đới: Trung Bộ mưa to

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, vào 7 giờ ngày 16/10, tâm áp thấp nhiệt đới ở vị trí khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc, 112,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Bình Định khoảng chừng 360km về phía Đông.

Bão số 7 cực kỳ nguy hiểm, Phó Tư lệnh Quân khu 4 gặp nạn khi cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3

Ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới, sức gió mạnh nhất chừng cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, từ 7 giờ đến 19 giờ ngày 16/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được từ 25-30km.

Đến 19 giờ ngày 16/10, tâm áp thấp nhiệt đới ở vị trí khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc, 109,2 độ Kinh Đông, thuộc vùng biển các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Bình Định. Vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới, sức gió mạnh nhất cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo đến 7 giờ ngày 17/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ rồi suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.

Từ 7 giờ ngày 16/10 đến 7 giờ ngày 17/10, vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới gây ra trên Biển Đông (nơi có gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) là từ vĩ tuyến 13,5 đến 17,0 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, tất cả các tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Mức độ rủi ro thiên tai được đánh giá là cấp 3.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, kết hợp với không khí lạnh, khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa, vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động.

Khả năng xuất hiện 2 cơn bão liên tiếp ở Biển Đông, miền Trung đối mặt mưa lũ lịch sử

Trong khoảng thời gian từ trưa và chiều 16/10, vùng biển từ các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Bình Định có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động, sóng biển cao từ 2,0-4,0m.

Gió Tây Nam tại khu vực Nam Biển Đông mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, riêng vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2,5-3,5m, biển động.

Dưới ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực Vịnh Bắc Bộ và Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, từ trưa 16/10 tăng lên cấp 7, giật cấp 9, sóng biển ở Vịnh Bắc Bộ cao 2,0-4,0m, ở Bắc Biển Đông 3,0-5,0m, biển động mạnh.

Ngư dân và các thuyền viên được khuyến cáo khi điều khiển tàu, thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển thì phải luôn luôn giữ cho tàu thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350 đến 400km - khoảng 200 hải lý.

Trong trường hợp không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới mà lọt vào vùng gió bão, áp thấp nhiệt đới thì người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu, thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới.

Trong thời gian từ ngày 16-21/10, ở Trung Bộ có mưa rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình có khả năng mưa đặc biệt to.

Từ ngày 16-21/10, tổng lượng mưa ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình phổ biến ở mức 500-800mm, có nơi trên 900mm, ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế phổ biến ở mức 300-500mm, có nơi trên 500mm, ở các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng, Quảng Nam phổ biến ở mức 300-400mm, có nơi trên 500mm, từ Quảng Ngãi đến Phú Yên phổ biến ở mức 200-300mm, có nơi trên 350mm.

Từ ngày 16/10 đến ngày 18/10, khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.

Tiếp đó, sau ngày 21/10, các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ vẫn còn có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài. Mức độ rủi ro thiên tai do mưa lớn lúc này vào khoảng cấp 2.

Ít nhất 63 người chết và mất tích do mưa lũ

Sáng 16/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp bàn các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lũ và đặc biệt là vận hành liên hồ chứa. Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp.

Bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo đó, sáng nay Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thông tin cho biết, đến sáng nay đã ghi nhận tổng cộng 63 người chết và mất tích do bão lũ. Trong số đó, có 62 người thiệt mạng và mất tích do mưa lũ ở miền Trung.

Riêng số người thiệt mạng là 55 người (tăng thêm 15 người so với báo cáo ngày 15/10).

Bên cạnh sự cố sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 khiến nhiều người chết và mất tích, còn có 6 tàu vận tải với 57 người bị sự cố tại tỉnh Quảng Trị. Tính đến thời điểm này, đã có 50 người được cứu với, cùng với 7 người bị chết, mất tích. Có 4 tàu cá bị chìm, may mắn 17 thuyền viên trên tàu đã được cứu vớt an toàn.

Sau mưa lũ ở miền Trung, còn có một áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 7, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi vào Bắc Trung bộ và Bắc bộ. mưa to trong 2-3 ngày qua ở miền Bắc là do hoàn lưu của bão số 7 gây ra.

Mưa gió do bão số 7 gây ra đã làm 1 người bị mất tích là anh Mùa A Tráng (sinh năm 1987, ở huyện Trạm Tấu, Yên Bái). Anh Tráng bị nước cuốn trôi khi lội qua suối.

Đồng thời, khi hoàn lưu bão số 7 đi vào, Nam Định là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất. Có 1 nhà bị sập, 14 nhà hư hỏng, 870ha lúa giảm năng suất, 105ha cây rau màu bị thiệt hại.

Mưa bão còn gây ra vụ sạt mái kè đê biển Hải Thịnh 3, đê biển Hải Hậu với diện tích các hố sạt 278m2 (tại Km25+320 và Km25+770).

Cảnh báo: Các hồ chứa ở miền Bắc, Bắc và Trung trung bộ cơ bản đã đầy nước

Phát biểu tại buổi làm việc sáng nay, đại diện Bộ Công Thương cho biết, hiện các hồ thủy điện phía Bắc cơ bản đã đầy. Trong khi đó, ở khu vực Bắc Trung bộ và Trung trung bộ, các hồ chứa cơ bản cũng cũng đã đầy.

“Bộ Công Thương cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo yêu cầu tổng rà soát tất cả hồ chứa, đặc biệt đối với những hồ nằm trong khu vực đang chịu ảnh hưởng của lũ lụt để tính toán kĩ, kiểm tra tránh tình trạng như Rào Trăng 3”, đại diện Bộ Công Thương thông tin.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải phát biểu tại cuộc họp nêu rõ, hiện tại nước về hồ khu vực sông Đà đang giảm, các hồ chứa ở khu vực phía Bắc không đáng ngại.

Các nhà khoa học cảnh báo sắp có bão từ kéo dài nhiều ngày

Các hồ thủy điện của EVN ở khu vực Bắc Trung bộ đã đảm bảo tích nước đến 90- 95%. Các hồ ở khu vực Tây Nguyên nước mới ở mức thấp chủ yếu ở khoảng 40-80%. Các hồ khu vực phía Nam mực nước đang ở mức thấp.

“Trong thời gian tới EVN sẽ tập trung theo dõi chặt chẽ nước về các hồ thủy điện, phối hợp chặt chẽ với địa phương để điều tiết nước, đảm bảo an toàn. Tăng cường giám sát, kiểm tra khu vực hồ, hạ du, công trình thủy công, nhà máy. Các công trình vận hành của nhà máy, kiểm tra các công trình liên quan khác”, ông Hải nhấn mạnh.

Về phần mình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi Đồng Văn Tự cho hay, khu vực phía Bắc hiện có 2.543 hồ thủy lợi, chỉ có 19 hồ có cửa van điều tiết.

Theo ông Tự, đến lúc này, dưới tình hình mưa lũ, các hồ cơ bản đã đầy nước, chỉ còn số ít hồ đang ở mức thấp. Đặc biệt, có 18 hồ đang tràn tự do, 3 hồ đang xả tràn, 51 hồ chứa đang thi công, 81 hồ đang hư hỏng cần đặc biệt chú ý theo dõi.

Khu vực Bắc Trung Bộ có 2323 hồ, trong đó chỉ có 47 hồ chứa có cửa van điều tiết, còn lại tràn tự do. Có 55 hồ bị hư hỏng nếu gặp mưa lớn khoảng 200-300mm dễ xảy ra sự cố.

Khu vực Bắc Trung bộ có 2 hồ Hương Điền, Bình Điền đang xả rất thấp, đề nghị tăng xả lên 1000-1500 để đón lũ vào ngày 17-18/10. Khu vực Tây nguyên có 1246 hồ chứa, trong đó 25 hồ có cửa van điều tiết.

Bài học lũ chồng lũ năm 2016 vẫn còn đó

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, trước mắt cần tập trung theo sát diễn biến tình hình mưa lớn do áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ trong chiều 17/10.

“Năm nay thiên tai vô cùng phức tạp, đặc biệt dị thường, cho đến nay vẫn giữ được cục diện các hồ an toàn như thế này là đáng hoan nghênh. Sự cố thủy điện Rào Trăng 3 là do gặp sự cố lúc thi công chứ không ở giai đoạn vận hành. Tuy nhiên, không được chủ quan với việc vận hành, đảm bảo an toàn hồ chứa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tổng kết buổi làm việc.

Hơn 600 cột điện gãy đổ trong bão số 5: Bộ Xây dựng lý giải nguyên nhân
Ông Cường cho rằng, cần hết sức lưu ý trong thời gian tới bởi tâm điểm gây mưa lớn sắp tới ở Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ trong hoàn cảnh các hồ đang đầy ắp nước, dấu hiệu mưa chưa giảm.

Đối với khu vực phía Bắc, cần nỗ lực làm tốt để đạt mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn hồ đập vừa tích nước dự trữ đủ cho mùa khô phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế.

Trong khi đó, ở khu vực Bắc miền Trung, tất cả hồ nhỏ cơ bản đầy nước, hồ lớn còn công năng tích, hết sức chú ý vì những hồ lớn nằm trong lõi mưa rất lớn sắp tới do đó không được chủ quan.

“Cần chú ý những hồ chứa đang sửa chữa, xuống cấp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, không chủ quan. Bài học 2016 lũ chồng lũ đến tận 31/12. Vì vậy cần tuân thủ tuyệt đối theo công điện của Thủ tướng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử các đoàn kiểm tra xuống các địa bàn để chỉ đạo, khắc phục, ứng phó.

“Thực hiện an toàn vận hành liên hồ chứa, thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo tài nguyên nước để phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nêu rõ.
Phái đoàn Ngoại giao Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả mưa lũ

Theo thông cáo mới nhất của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam cho biết luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong công việc tái thiết sau lũ lụt.

Việt Nam tập trung khắc phục hậu quả bão số 5

Theo đó, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đã “bày tỏ sự cảm thông sâu sắc” nhất tới người dân Việt Nam trước những thương vong, thiệt hại về tài sản và mất nhà cửa do lũ lụt tại miền Trung gây ra.

“Chúng tôi sát cánh bên Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong lúc này, khi các bạn tiếc thương những người thân yêu và khắc phục các thiệt hại do trận lũ lụt tồi tệ này gây ra, và rồi bước tiếp, như cách mà con người Việt Nam vẫn luôn như vậy”, thông cáo cho biết.
“Chúng tôi cam kết hỗ trợ các bạn trong công việc tái thiết. Với sự dẫn dắt của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam và chúng tôi đang chuẩn bị cho các kế hoạch hỗ trợ tiếp theo”, nội dung của thông cáo nêu rõ.
Thảo luận