Sơ lược tiểu sử Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình
Sáng 17/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) công bố kết quả họp Ban Chấp hành lần thứ nhất bầu Ban thường vụ, Bí thư, các Phó Bí thư, UBKT và Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ.
Theo đó, ông Đỗ Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang được bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang khóa 11, 2 Phó Bí thư Tỉnh uỷ là ông Mai Văn Huỳnh (Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc) và ông Lâm Minh Thành (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang).
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang khoá XI có 51 người, khuyết 2 do quy trình giới thiệu bầu bổ sung 2 uỷ viên không kịp.
Ban Thường vụ có 14 người. Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ khoá mới gồm 11 uỷ viên. Ông Phạm Hoàng Nam (Chánh thanh tra tỉnh) được bầu giữ chức Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ.
Tân Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình sinh năm 1967, quê ở huyện Thới Bình, Cà Mau. Ông Bình là thạc sĩ Kinh tế, cử nhân Chính trị.
Trước khi trở thành người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, ông Đỗ Thanh Bình từng giữ chức Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Vĩnh Thuận.
Tháng 1/2002-10/2005, ông là Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận.
Tháng 11/2005-9/2010, ông Bình làm Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận, sau đó làm Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận.
Từ năm 2012 đến năm 2015, ông lần lượt giữ chức Phó Trưởng ban, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang. Đầu tháng 7/2020, ông Bình được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.
Ông Nguyễn Thanh Nghị nhận quyết định làm Thứ trưởng Xây dựng
Ngày 16/10, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Tổ chức Trung ương đã công bố 2 quyết định về công tác nhân sự liên quan đến ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang.
Tại Đại hội, ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang tham gia làm Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng.
Đồng thời, ông Mai Văn Chính cũng công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nghị giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Ông Nguyễn Thanh Nghị sinh năm 1976, quê quán tại TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Ông là Tiến sĩ Khoa học kỹ thuật xây dựng.
Tháng 3/2014, ông được điều động làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhiệm kỳ 2010-2015. Đến tháng 10/2015, ông Nguyễn Thanh Nghị được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020.
Trước đó, ông Nguyễn Thanh Nghị từng làm Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM.
Nhiệm kỳ nhiều dấu ấn
Báo cáo chinh trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang vào ngày 16/10 cho biết, trong nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 7,22%/năm; quy mô nền kinh tế tăng 1,52 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.630 USD năm 2015, lên 2.458 USD năm 2020 (gấp 1,66 lần so với năm 2015). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông-lâm-thủy sản từ 40,39% xuống còn 31,54%; tỷ trọng công nghiệp – xây dựng từ 18,11% tăng lên 20,06%; dịch vụ từ 41,5% tăng lên 48,4%.
Lĩnh vực nông – lâm – thủy sản tăng trưởng bình quân 2,5%/năm. Sản lượng lương thực năm 2020 đạt 4,3 triệu tấn cao nhất so với các tỉnh, thành trong vùng. Sản xuất nông nghiệp hướng đến nông nghiệp sạch, hữu cơ với nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao đạt hàng 100 triệu đồng/ha/năm; Giữ ổn định diện tích đất lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng đạt nghị quyết đề ra 12%, Lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm có bước phát triển, chiếm 9,03% trong cơ cấu nông nghiệp.
Công nghiệp – xây dựng phát triển khá, tăng trưởng bình quân 8,2%/năm, 6/9 xã đảo đã có điện lưới quốc gia, nâng tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 99,5%.
Sản lượng lương thực năm 2020 đạt 4,3 triệu tấn, lúa chất lượng cao chiếm 72%. Trong sản xuất nông nghiệp, Kiên Giang chú trọng nhiều hơn vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, từ 78,22 triệu đồng/ha/năm tăng lên 100 triệu đồng/ha/năm; các hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ngày càng nhiều.
Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 755.000 tấn (đạt 99,93% so Nghị quyết). Kiên Giang đã tập trung thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã công nhận 79/117 xã đạt tiêu chí nông thôn mới và hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra.
Kiên Giang cũng đã tập trung phát triển, mở rộng hệ thống thương mại, đa dạng các ngành dịch vụ khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là dịch vụ du lịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 13,29%/năm; kim ngạch xuất khẩu có bước chuyển biến tích cực so với nhiệm kỳ trước, đạt 780 triệu USD, tăng 19,5% so với năm 2015.
Tổng lượng khách du lịch đạt hơn 28,2 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt hơn 22.918 tỷ đồng, nổi bật là chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tiếp tục được đầu tư phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách. Tổng thu ngân sách đạt 49.807 tỷ đồng, tăng 24,3% so với đầu nhiệm kỳ; riêng năm 2020 đạt 11.540 tỷ đồng, gấp 2,13 lần so với năm 2015 (vượt Nghị quyết).
Đặc biệt, Kiên Giang đã đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Trong nhiệm kỳ tỉnh đã huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 225.681 tỷ đồng, gấp 1,44 lần so đầu nhiệm kỳ và chiếm 76,3% GRDP toàn tỉnh và tăng 53,17% so với giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân 6,19%.