Cũng liên quan đến Kiên Giang, ngày 6/10, Chính phủ đã hoàn thiện dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và các phường thuộc thành phố này sau khi xem xét tờ trình của UBND tỉnh Kiên Giang cũng như Bộ Nội vụ cùng sự ủng hộ của đông đảo cử tri.
Trong khi đó, tại Long An, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ diễn ra từ 13 đến 16/10 với tôn chỉ tiết kiệm tối đa mọi chi phí không cần thiết, vừa tổ chức đại hội chu toàn, vừa chú trọng ngân sách phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Thanh Nghị vẫn điều hành Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang
Hôm nay ngày 6/10, ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang đã tổ chức họp báo nhằm cung cấp một số thông tin về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tỉnh Kiên Giang. Ông Phạm Công Khâm, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh, chủ trì cuộc họp.
Ông Phạm Công Khâm cho biết, Đại hội sẽ được tổ chức trong thời gian từ ngày 15/10 đến ngày 17/10. Đặc biệt, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Kiên Giang khẳng định, người điều hành Đại hội vẫn sẽ là ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhiệm kỳ X.
Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phạm Công Khâm, tính đến thời điểm này Tỉnh ủy Kiên Giang chưa nhận được văn bản chính thức về việc Thủ tướng Chính phủ điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Nghị về giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Đây mới chỉ là thông tin báo chí đăng tải.
Về công tác tổ chức Đại hội, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết mọi thứ sẽ diễn ra trên tinh thần tiết kiệm chi phí tối đa.
“Sẽ có quà lưu niệm dành tặng đại biểu và khách mời nhưng sẽ trong khuôn khổ quy định chế độ chi cho đại hội”, ông Phạm Công Khâm thông tin cho hay.
Phú Quốc lên thành phố trước khi thành đặc khu kinh tế của Việt Nam
Ngày 31/7/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đã ký tờ trình số 123/TTr-UBND gửi Chính phủ về việc thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường trực thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Đến ngày 30/9, thông tin từ UBND tỉnh Kiên Giang cho hay, Bộ Nội vụ đã có tờ trình Chính phủ về việc thành lập Thành phố Phú Quốc cùng các phường trực thuộc thành phố này. Như vậy, nếu được thông qua, Phú Quốc sẽ trở thành thành phố trước khi thành đặc khu kinh tế của Việt Nam.
Theo tờ trình của Bộ Nội vụ, Phú Quốc có những điểm nổi bật và điều kiện thuận lợi để thành thành phố Phú Quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Ngày 6/10, Chính phủ cũng đã hoàn thiện dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và các phường thuộc thành phố này.
Cụ thể, sau khi xem xét tờ trình của UBND tỉnh Kiên Giang, Chính phủ nhận thấy việc thành lập thành phố Phú Quốc là nhằm thiết lập mô hình quản lý chính quyền đô thị nhằm thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương này.
Theo tờ trình, Phú Quốc có vị trí địa lý đặc biệt - nằm trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, tiếp giáp với các nước Campuchia, Thái Lan và Malaysia.
Huyện Phú Quốc được mệnh danh là “đảo ngọc”, “thiên đường du lịch” với những bãi biển còn nguyên sơ, được bao phủ bởi bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế biết đến rộng rãi.
Với vị trí địa lý đặc biệt, Phú Quốc còn có các ngư trường khá giàu tiềm năng, vùng biển nước sâu tạo điều kiện phát triển hệ thống cảng biển để tàu lớn có thể neo đậu. Do đó, Phú Quốc luôn là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.
Trước đó, trong tờ trình của Bộ Nội vụ có đề cập đến những thành tựu về kinh tế - xã hội của Phú Quốc. Theo đó, tổng giá trị sản xuất năm 2019 đạt 56.547 tỷ đồng, tổng thu ngân sách đạt hơn 5.257 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là hơn 2.306 tỷ đồng.
Về đầu tư phát triển, Phú Quốc hiện có 320 dự án với diện tích khoảng 10.900 ha, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 340.000 tỷ đồng, trong đó có 47 dự án đã đi vào hoạt động với diện tích 1.202 ha, tổng số vốn đầu tư khoảng 13.504 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, Phú Quốc đạt hơn 3 triệu lượt khách, chiếm khoảng 60% lượng khách của tỉnh Kiên Giang, giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 0,93% năm 2017 xuống 0,65% năm 2019.
Kinh tế phát triển đã tạo thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,93% năm 2017 xuống còn 0,65% năm 2019.
Chính phủ nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của Phú Quốc đã tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển chung của Kiên Giang trong thời gian qua.
Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, từ năm 2014, Phú Quốc đã được công nhận là đô thị loại 2, đã làm thay đổi diện mạo của Phú Quốc và mang đến những công năng đô thị mới đa dạng hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao.
Tuy nhiên, Phú Quốc vẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính theo mô hình chính quyền nông thôn, dẫn đến bộ máy chính quyền hiện nay không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu quản lý trong tình hình mới, với nhiều vấn đề bất cập.
Đồng thời, tờ trình của tỉnh Kiên Giang cũng như của Bộ Nội vụ cũng trình bày việc hai thị trấn Dương Đông và An Thới cũng phát triển mạnh mẽ, có nhiều chuyển biến trong quá trình phát triển đô thị, hình thành lối sống đô thị xứng đáng được thành lập phường.
“Việc thành lập TP Phú Quốc và các phường thuộc TP Phú Quốc bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 128, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể là: phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 đến 2020, phù hợp với quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị, chương trình phát triển đô thị tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, quy hoạch chung đô thị Phú Quốc đến năm 2030”, tờ trình của Bộ Nội vụ khẳng định.
“Phát huy tiềm năng, lợi thế và động lực nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang nói chung và huyện đảo Phú Quốc nói riêng. Quá trình xây dựng đề án đã nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, đảm bảo đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương”, tờ trình nêu rõ.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ cho rằng, huyện đảo Phú Quốc hiện đã đạt được tiêu chuẩn thành lập thành phố và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, mọi thủ tục đúng quy trình từ địa phương đến cơ quan bộ, ngang bộ.
“Căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Bộ Nội vụ thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Kiên Giang về việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc TP. Phú Quốc trình Chính phủ xem xét, quyết định”, Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Còn theo như tờ trình của Chính phủ, lý giải lý do về đề nghị thành lập thành phố Phú Quốc cho biết, điều này là cần thiết, nhằm thiết lập mô hình quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
“Song song đó, tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy nhanh việc xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch theo định hướng của Chính phủ và là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam”, tờ trình Chính phủ nêu rõ.
Như vậy, thành phố Phú Quốc sau khi thành lập có diện tích tự nhiên 589,27 km², quy mô dân số là 179.480 người và có 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: phường Dương Đông, phường An Thới và 7 xã là Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu.
Long An tiết kiệm được 16 triệu đồng tiền “quà cho đại biểu”
Cũng trong ngày hôm nay 6/10, Tỉnh ủy Long An đã tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được cho biết, Đại hội tỉnh này sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ 13 đến 16/10. Phương châm của Đại hội lần này là "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Năng động - Phát triển".
Đối với vấn đề kinh phí tổ chức đại hội, ông Được cho biết trong tình bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, địa phương vừa chuẩn bị cho đại hội chu toàn, vừa tập trung tối đa trong việc hồi phục kinh tế, ngăn ngừa dịch, vì vậy việc tiết kiệm ngân sách rất được chú trọng, lưu tâm.
Theo ông Nguyễn Văn Được, ví dụ như quà cho đại biểu. Theo quy định của trung ương thì mỗi đại biểu 1 triệu đồng. Đại hội tỉnh Long An có 430 người tham dự, sẽ có tổng kinh phí 430 triệu đồng.
“Nhưng chúng tôi đã chọn các hạng mục để phục vụ mang tính chất lưu niệm như bút, phù hiệu chưa đến 1 triệu đồng cho mỗi người. Tổng chi phí trang bị cho đại biểu chỉ 414 triệu, tiết kiệm được 16 triệu đồng”, ông Được cho biết.
Ngoài ra, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An cũng thông tin, còn có thêm nhiều mức chi bị cắt giảm. Cụ thể, với trường hợp một thành viên khi tham gia một tiểu ban phục vụ đại hội được một suất phụ cấp. Theo đúng quy định này thì khi người đó tham dự nhiều tiểu ban khác nhau sẽ nhận được các phụ cấp tương xứng.
“Nhưng ở Long An, một người có phục vụ nhiều tiểu ban phục vụ đại hội thì cũng chỉ được đúng một suất phụ cấp, còn lại cắt hết. Nhờ vậy, từ dự kiến chuẩn bị đại hội hơn 8 tỉ đồng, chi phí thực tế chỉ còn hơn 4 tỷ đồng, tiết kiệm được 50%”, ông Được thông tin.
Đối với các mục tiêu và chỉ tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ tới, Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An sẽ tập trung vào việc tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông. Trong số đó, có 3 công trình trọng điểm cần phải hoàn thiện đường vành đai TP.Tân An, đường tỉnh 830E phục vụ cho trục dọc bắc nam nối kết các khu công nghiệp xuống cảng quốc tế Long An và đường tỉnh 827E nhằm nối kết phát triển hệ thống giao thông ven biển các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.