Liên Hợp Quốc ngăn chặn Thế chiến III như thế nào
«Bất kể tất cả những vấn đề và khủng hoảng mà Liên Hợp Quốc và các nước thành viên phải đối mặt trong những năm này, khó tranh cãi rằng, phần nhiều chính nhờ vào các cơ chế chính trị và pháp lý quốc tế quy nhận trong Hiến chương của tổ chức nên nhân loại đã không sa xuống vực thẳm của Thế chiến III, giải quyết nhiều vấn đề bức thiết của trật tự hậu chiến trên hành tinh», - ông Dmitry Medvedev viết trong bài báo nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc, toàn văn đăng trên trang web của kênh RT.
«Tuy nhiên, thật đáng tiếc, không phải chúng ta luôn luôn rút ra được những bài học đúng đắn từ những vấn đề mà thế kỷ XX và XXI mang lại», - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh LB Nga đánh giá.
Trong bài báo, ông Medvedev nhắc rằng các quốc gia sáng lập Liên Hợp Quốc đã phân định sứ mệnh của tổ chức này từ ba nguyên tắc: phấn đấu vì một thế giới ổn định và an toàn, thúc đẩy ý tưởng về quyền con người và xây dựng một trật tự thế giới công bằng hơn.
«Nhưng ngay vào năm tiếp theo sau khi tổ chức được thành lập, các đồng minh ngày hôm qua trong liên minh chống Hitler từng mang lại tự do cho các dân tộc, lại hoá ra ở hai thành luỹ đối địch của Chiến tranh Lạnh, thường xuyên có nguy cơ trở thành cuộc chiến nóng. Hiện giờ thật khó hình dung rằng trong vòng gần 40 năm chúng ta đã sống trong điều kiện đe doạ hàng ngày của chiến tranh hạt nhân huỷ diệt bản thân nhân loại», - ông Medvedev nhận xét.
Theo lời ông, các cấu trúc của Liên Hợp Quốc «đã làm được rất nhiều để khiến thế giới lui khỏi bờ vực thẳm, để tạo lập các cơ chế giải quyết những tình huống xung đột trong khuôn khổ pháp lý». Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của tổ chức Liên Hợp Quốc là giải trừ quân bị, giảm thiểu và loại bỏ tất cả các kho vũ khí hủy diệt hàng loạt, - ông Medvedev nhấn mạnh.
Đánh giá của Hội đồng Bảo an LHQ cho thấy ai chịu trách nhiệm về các cuộc xung đột
Ông Medvedev lưu ý rằng ở nhiều điểm trên thế giới đang tiếp diễn âm ỉ những lò lửa đối đầu vũ trang, hàng ngày đều có thương vong về người.
«Và, theo quy luật, chỉ có đánh giá pháp lý đồng thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình huống cụ thể này hay sự việc kia mới có thể hiểu được ai đúng, ai sai, ai là kẻ gây hấn và ai là nạn nhân của hành vi xâm lược. Nếu không, trong điều kiện nhiễu loạn thông tin, xuyên tạc làm sai lệch sự thật, phương pháp «ciến tranh lai» có nguy cơ đen sẽ thành trắng, phi pháp trở thành hợp pháp, sự thật sẽ ẩn sau bức tranh truyền hình sắc màu hoặc những bài đăng trên mạng xã hội», - ông Medvedev viết.
Những thách thức chính mà Liên Hợp Quốc phải đối mặt
«Nga liên tục nêu các đề xuất về từ chối áp dụng hạn chế thương mại và tài chính đối với nguồn cung cấp nhân đạo. Không một định đề chính trị nào có thể cản trở việc hợp tác để cứu sinh mạng con người», - ông Medvedev viết trong bài báo nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc, bài đăng trên trang web của kênh RT.
Ông Medvedev lưu ý rằng không một vấn đề toàn cầu nào có thể giải quyết được nếu không khôi phục nguyên tắc luật pháp quốc tế thượng tôn dựa trên cơ sở thống nhất ý chí của các quốc gia.
«Đừng quên rằng Liên Hợp Quốc được thành lập như là tổ chức có sứ mệnh tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề toàn cầu bức thiết nhất. Liên Hợp Quốc bảo vệ lợi ích của hòa bình và an ninh, tránh cho các thế hệ kế tục khỏi thảm hoạ chiến tranh, xây đắp niềm tin vào những quyền cơ bản của con người, đảm bảo tuân thủ chuẩn mực pháp lý quốc tế và cải thiện điều kiện sống của mọi người. Cuối cùng, để đạt được thành tựu của những lý tưởng cao cả này mà Liên Hợp Quốc đã được thành lập», - ông Medvedev đánh giá.