Cùng với lối hành xử hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, Hà Nội sẽ ngày càng cảm thấy áp lực trước thế bao vây địa chiến lược, khi Lào và Campuchia đang dần “ngả” về phía Trung Quốc vì nhiều lợi ích chính trị, kinh tế, quân sự, quốc phòng.
Thủ tướng Hun Sen thậm chí còn thể hiện “lòng trung thành” của mình với Trung Quốc rõ hơn nữa bằng cách xét lại lịch sử của Bắc Kinh về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Khmer Đỏ hay “ngó lơ”, bỏ qua những vi phạm mà Bắc Kinh gây ra đối với Việt Nam ở Biển Đông.
Việt Nam không bao giờ quên những người anh em Lào và Campuchia
Tác giả Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Tập đoàn phi lợi nhuận RAND, Giáo sư trợ giảng tại Đại học Nam California, Hoa Kỳ về quan hệ quốc tế, đồng thời là cây bút cộng tác thường xuyên cho The Diplomat vừa có bài viết phân tích đáng chú ý về việc thay đổi “trục quan hệ” Việt Nam – Lào – Campuchia trong tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Đặc biệt là thông qua những “con bài” chính trị - kinh tế- ngoại giao- quốc phòng quân sự và tuyên truyền “mật ngọt”.
Các nhà quan sát về quan hệ đối ngoại của Việt Nam ghi nhận rằng Hà Nội đang duy trì ba cấp độ quan hệ đối tác rõ rệt trong chính sách ngoại giao “khôn khéo” của mình. Theo thứ tự tầm quan trọng giảm dần, các cấp độ này bao gồm: “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, “quan hệ đối tác chiến lược” và “quan hệ đối tác toàn diện”.
Ở cấp độ cao nhất, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện bao gồm toàn bộ các hoạt động hợp tác với Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, trong đó quan hệ với Trung Quốc được xếp là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.
Quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia như Australia và Nhật Bản cho thấy Việt Nam và đối tác có chung lợi ích chiến lược lâu dài.
Quan hệ đối tác toàn diện phổ biến hơn và bao gồm các quốc gia không nhất thiết (nhưng có thể) chia sẻ lợi ích chiến lược dài hạn chung. Điển hình, theo nhà nghiên cứu Grossman, Hoa Kỳ là một đối tác toàn diện nổi bật thực sự hoạt động ở cấp chiến lược khi hai quốc gia đang hợp tác để đẩy lùi Trung Quốc – “người bạn” của Việt Nam nhưng cũng là “đối thủ” trong một số lĩnh vực, đặc biệt là về vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông dai dẳng và gay gắt trong nhiều thập kỷ qua.
Theo vị chuyên gia, dù thế nào đi nữa, phần lớn các bài viết phân tích về quan hệ đối tác nước ngoài của Việt Nam đều tập trung vào hệ thống phân cấp của quan hệ đối tác. Tuy nhiên, điều ít được thảo luận hoặc hiểu rõ hơn là “quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt” của Hà Nội với các quốc gia láng giềng Campuchia và Lào.
Mối quan hệ đối tác “đoàn kết đặc biệt” này có từ thời Chiến tranh Việt Nam, trong đó hai quốc gia Lào và Campuchia đã tham gia hỗ trợ hậu cần quan trọng và là nơi trú ẩn an toàn cho lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam dọc theo Đường mòn Hồ Chí Minh, góp phần đánh bại quân đội Mỹ thời điểm đó.
“Hà Nội không bao giờ quên sự hy sinh to lớn của những người anh em Đông Dương (Đường mòn Hồ Chí Minh là nơi bị đánh bom nhiều nhất trên Trái đất này) và luôn coi trọng họ (Lào, Campuchia, hay xa hơn là anh em Cuba – phóng viên), hơn tất cả các đối tác khác”, theo chuyên gia Derek Grossman.
Việt Nam đánh mất những người anh em tốt vào tay Trung Quốc thế nào?
Trong nhiều thập kỷ, quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt của Hà Nội không bị gián đoạn. Nhưng trong những năm gần đây, Trung Quốc đang ngày càng thách thức vị thế và tầm ảnh hưởng của Việt Nam ở Campuchia và Lào, chủ yếu bằng cách tận dụng dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để nâng cao ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao của viện nghiên cứu Rand Corporation, trong bối cảnh hàng loạt thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, Hà Nội dường như đã phải bắt đầu cân nhắc về mối quan hệ hiện tại với Campuchia và Lào để đưa ra các quyết định phù hợp với an ninh quốc gia của mình. Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định lập trường đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên cao nhất.
Việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với Campuchia và Lào trong những năm gần đây đã gây ra những tác động thực sự đối với Việt Nam.
“Ví dụ, sự ủng hộ của Trung Quốc có thể đã góp phần nào vào các quyết định của Campuchia và Lào như không hoàn toàn dứt khoát, quyết đoán ủng hộ lập trường của Việt Nam về đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ASEAN ở Biển Đông”, ông Grossman nói.
Về Campuchia, có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại. Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người đã cầm quyền trong 35 năm, được Việt Nam hỗ trợ từ cuối những năm 1970 khi ông còn là thành viên của quân đội nổi dậy nhằm lật đổ Khmer Đỏ do phía Trung Quốc hậu thuẫn.
Thủ tướng đương nhiệm của Campuchia cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Hà Nội trong suốt những năm 1980, khi chính phủ của ông Hun Sen bị Trung Quốc, Hoa Kỳ và các đối tác của họ trong ASEAN cấm vận.
Lòng trung thành của Thủ tướng Hun Sen: Trung Quốc và Campuchia là “bạn tốt”
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, guồng quay đã xoay chuyển và Hun Sen trở thành “bạn tốt” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Vị chuyên gia dẫn chứng, ông Hun Sen đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm ông Tập ở Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Ông Hun Sen cũng gọi Campuchia và Trung Quốc là “những người bạn kiên định”.
“Thủ tướng Hun Sen đã thể hiện “lòng trung thành” của mình với Trung Quốc tiến thêm một bước nữa bằng cách xét lại lịch sử của Bắc Kinh về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Khmer Đỏ”, chuyên gia nêu rõ.
Thủ tướng Campuchia còn bỏ qua bất kỳ cuộc trao đổi nào về những vi phạm của Trung Quốc, đặc biệt là những vi phạm mà Bắc Kinh gây ra đối với Việt Nam.
Vào giữa tháng 10, Chính phủ Hun Sen đã chào đón Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và hai bên đã ký kết hiệp định thương mại tự do mới, được đàm phán trong vòng chưa đầy một năm.
Trung Quốc là nhà tài trợ lớn nhất và nhà đầu tư cũng như đối tác thương mại hàng đầu của Campuchia. Campuchia cũng là nước tham gia tích cực vào dự án BRI với quy mô ít nhất 5,3 tỷ USD và Phnom Penh đang hưởng lợi từ các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm đường xá, cầu, sân bay, đường sắt, đập thủy điện và các đặc khu kinh tế (SEZ).
Ở các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như Sri Lanka, Bắc Kinh đã tận dụng dự án BRI để đạt được lợi ích địa chính trị một khi nước nhận đầu tư nhận ra rằng họ không còn khả năng chi trả cho những món nợ khổng lồ.
Thủ tướng Hun Sen lên tiếng bác bỏ những lo ngại tương tự đối với Campuchia hay việc ông thành “con rối” của Trung Quốc mặc dù một số nhà quan sát tin rằng Phnom Penh đã từ bỏ một số chủ quyền của mình do các thỏa thuận BRI, đặc biệt là trong các đặc khu kinh tế SEZ do Trung Quốc sở hữu.
Mặc dù đích thân Thủ tướng Hun Sen bác bỏ thông tin cho rằng Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân và không quân tại Ream và Dara Sakor, nhưng rõ ràng Bắc Kinh đang tham gia vào việc tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tại những địa điểm này, điều này có thể cho phép họ tiếp cận ưu đãi không nhỏ trong tương lai.
“Tiếp tục suy đoán xa hơn, vào tháng 9, Campuchia đã phá dỡ các cơ sở của Mỹ tại Ream mà không thông báo cho Washington, cho thấy rõ ràng rằng Phnom Penh đã cố gắng làm điều đó một cách bí mật”, chuyên gia cho biết.
Nhiều hình ảnh cho thấy các đường băng tại Dara Sakor có thể chứa máy bay quân sự Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc và Campuchia còn tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung bất chấp đại dịch, nhấn mạnh tầm quan trọng của mỗi bên trong các cam kết này.
Nếu Bắc Kinh có bất kỳ mức độ tiếp cận nào đến Ream hoặc Dara Sakor dọc theo Vịnh Thái Lan, hoặc, trong trường hợp xấu nhất, Bắc Kinh bất ngờ sở hữu và vận hành các căn cứ, điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sườn phía Tây của Việt Nam.
“Cùng với sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, Hà Nội sẽ ngày càng cảm thấy áp lực của sự bao vây địa chiến lược”, chuyên gia Grossman bày tỏ.
Lào có thành “nửa thuộc địa” của Trung Quốc?
Đối với nước láng giềng Đông Dương khác của Việt Nam là Lào, tình hình cũng có nhiều điểm gây lo ngại, theo chuyên gia Grossman.
Ngoài chuyến thăm Campuchia vào tháng trước, ông Vương Nghị cũng đã dừng chân ở Lào để quảng cáo hợp tác song phương về cứu trợ đại dịch và BRI.
Về điểm thứ hai, Lào đang mắc nợ Trung Quốc rất lớn. Vientiane rõ ràng không đủ khả năng chi trả cho các dự án cơ sở hạ tầng BRI khổng lồ ở Lào, bao gồm việc xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc kéo dài từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến thủ đô Vientiane, cũng như các đập thủy điện dọc sông Mekong.
Thay vì có các khoản tiền cần thiết để trả các khoản vay cho các dự án BRI, Lào dường như sẵn sàng cung cấp các tài sản có giá trị khác cho chủ nợ lớn nhất của mình.
“Ví dụ, vào giữa tháng 9, một công ty quốc doanh Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát phần lớn lưới điện của Lào. Thậm chí có những lo ngại rằng Vientiane sẵn sàng trả các khoản nợ của Trung Quốc bằng cách sử dụng chuyển nhượng đất đai”, chuyên gia chỉ rõ.
Giống như ở Campuchia, Lào đang tích cực tham gia vào các hoạt động SEZ với Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đã và đang phát triển một khu nghỉ dưỡng tại Boten ở phía bắc Lào dọc theo biên giới Trung Quốc, và nhiều SEZ khác đã tồn tại hoặc sắp đi vào hoạt động.
Thông thường, các đặc khu kinh tế SEZ cấp cho Trung Quốc các hợp đồng cho thuê kéo dài nhiều thập kỷ để phát triển đất đai. Trong trường hợp của Boten, Lào đã đồng ý thỏa thuận thuê đất 90 năm với Trung Quốc.
“Cũng giống như ở Campuchia, những thỏa thuận như vậy tạo ấn tượng rằng Lào đang trở thành, hoặc đã trở thành một “nửa thuộc địa của Trung Quốc”, chuyên gia thẳng thắn.
Cuối cùng, việc xây dựng đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ ở Lào thông qua BRI - để cuối cùng biến nó thành “Ắc-quy của Đông Nam Á” - là mối quan tâm đặc biệt với Việt Nam.
Những con đập này hạn chế dòng chảy của nước đến Đồng bằng sông Cửu Long, gây ra khó khăn trong canh tác lúa ở các lưu vực của Việt Nam, ảnh hưởng đến hàng triệu người và sinh kế của họ.
Việc giảm lượng cá và trầm tích càng làm trầm trọng thêm các thách thức về môi trường. Các đập của Trung Quốc ở Campuchia, tuy không nhiều, nhưng cũng là mối quan tâm lớn của Hà Nội.
Một loạt các hoạt động của Trung Quốc với các “đối tác chiến lược đặc biệt” truyền thống của Việt Nam hẳn sẽ phần nào có tác động đến đối sách của các nhà lãnh đạo Việt Nam.
“Mặc dù ít công khai hơn, tương tác của Việt Nam với Campuchia và Lào vẫn tiếp tục đặc biệt chặt chẽ bất chấp ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Hà Nội có thể sẽ phải tìm các biện pháp thay thế để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Dương quan trọng này trong những năm tới, để tình anh em Việt – Lào – Campuchia giữ được bản chất và sự giúp đỡ trong sáng, “không nhuốm màu chính trị” trong bối cảnh biến động mới.